Bài 3: Khẩn trương cải thiện môi trường đầu tư
Hiện nay, tỉnh đang gấp gúp dự án trọng điểm như: Mở rộng sân bay Cà Mau; nâng cấp tuyến đường Hồ Chí Minh đến Đất Mũi, Cảng biển Hòn Khoai để nơi đây không còn nơi xa lắm với nhà đầu tư. Thế nhưng, địa phương cần sự hỗ trợ từ Trung ương để cải thiện môi trường đầu tư phát huy đúng hiệu quả Khu kinh tế (KKT), cụm công nghiệp (CCN).
“Nói không” với nhà đầu tư “xí phần” đất dự án
Tỉnh quan tâm đầu tư KKT, CCN nhưng thời gian qua, tỷ lệ đất bỏ trống còn nhiều, không ít nhà đầu tư “xí phần” đất sạch. KCN Khánh An có tổng diện tích trên 235 ha. Theo con số công bố vào giữa năm 2022, trong hơn 147 ha đất công nghiệp, đã cho thuê 125,32 ha; trong đó, diện tích xây dựng nhà máy là 114,92 ha/164,11 ha; diện tích còn lại hơn 49 ha (trong đó đã cấp chủ trương đầu tư cho 7 doanh nghiệp với tổng diện tích 30,99 ha, diện tích còn lại là 15,94 ha tiếp tục mời gọi đầu tư). Như vậy, có thể thấy tỷ lệ lấp đầy tại đây trên 90%.
Theo quy hoạch mới đây, KCN Khánh An tiếp tục thực hiện thủ tục mở rộng thêm 345 ha, trong đó hiện trạng giải phóng mặt bằng được 97,78 ha nhưng làm thế nào phát huy hiệu quả là bài toán khó. KCN này có 29 dự án, nhưng chỉ có khoảng 5 dự án hoạt động hiệu quả, có 2 dự án đang đề nghị thu hồi.
Thực tế, tỉnh luôn chào đón nhà đầu tư nhưng không ít nhà đầu tư đăng ký tham gia “xí phần” đất dự án. Năm 2022, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Thái Dương và Công ty TNHH Hiệp Thành chậm đưa đất vào sử dụng, cùng với đó là chậm nộp tiền giải phóng mặt bằng, đã bị xử phạt. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư không nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đúng theo quy định, tỉnh phải thu hồi dự án.
Ngoài KCN Khánh An, một số KKT, KCN cũng trong tình trạng tương tự vắng bóng nhà đầu tư. KKT Năm Căn được thành lập hơn 10 năm nhưng chưa có dự án nào xứng tầm. Khu đất rộng, dưới giáp với biển trên có tuyến giao thông thông thoáng nhưng bỏ hoang suốt nhiều năm liền.
Mới đây, KKT Năm Căn vừa được chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, Ban Quản lý KKT cho biết, thời gian qua, KKT Năm Căn ưu tiên khai thác hiệu quả tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Năm Căn, tuyến đường trục chính KKT, đường trục Bắc - Nam của KKT; xây dựng đấu nối đường trục chính, đường trục Bắc - Nam KKT với hệ thống giao thông Khu đô thị Năm Căn để khai thác đồng bộ, liên hoàn các khu chức năng trong khu kinh tế... với chiều dài chỉ khoảng 4 km hy vọng nhà đầu tư “để mắt”.
Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
Cùng chung thực trạng KKT, KCN, cụm công nghiệp (CCN) gặp không ít khó khăn. Tỉnh có 13 CCN theo quy hoạch được duyệt, trong đó, CCN Phường 8 đã lấp đầy 100% do các nhà đầu tư tự thỏa thuận mua đất và triển khai dự án; CCN Hòa Thành hiện đang mời gọi các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng (đang kiến nghị di dời sang địa điểm mới); 11 CCN còn lại chưa có nhà đầu tư hạ tầng.
Thực tế, các CCN chưa có quỹ đất sạch; yếu tố địa hình dẫn đến chi phí đầu tư tương đối cao hơn so với các khu vực khác; việc hỗ trợ, định hướng cho các nhà đầu tư lựa chọn vị trí thực hiện dự án trong các CCN là chưa khả thi và xét thấy hầu như không có vị trí phù hợp.
Trở lại những vướng mắc tại KKT, KCN, ông Trần Lĩnh Trang, Phó trưởng Ban Quản lý KKT cho biết, phát triển hạ tầng ở các KKT, KCN là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của tỉnh. Ban đang quyết liệt triển khai giải pháp mời gọi đầu tư hạ tầng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Trang nhìn nhận, xác định phát triển công nghiệp thuộc những ngành tỉnh có thế mạnh, như chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản, là một trong những định hướng phát triển kinh tế chính của tỉnh. Cái khó, vướng mắc trong công tác mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh còn hiển hiện tại các CCN trên địa bàn.
Cùng quan điểm trên, ông Ngô Quốc Nam, Phó giám đốc phụ trách Cảng Năm Căn trong KKT Năm Căn cho rằng, hiện nay hạ tầng trong KKT chưa phát triển nên việc mời gọi đầu tư rất khó khăn. Đồng thời, thời gian qua chưa có cống bố giá đất cụ thể cho từng phân khu trong KTT Năm Căn nên đã qua có một số nhà đầu đến tìm hiểu nhưng gặp khó khăn trong việc đầu tư. Do đó, tỉnh cần cần nghiên cứu xây dựng giá đất cụ thể cho từng khu đất trong KKT và chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư.
Lãnh đạo Ban quản lý KKT khẳng định, việc quy hoạch, xây dựng và thu hút đầu tư hạ tầng KKT, KCN đã qua trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đồng bộ, chi phí và suất đầu tư thuộc vào loại cao nhất cả nước; KKT, KCN đều ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên rất khó thu hút đầu tư hạ tầng do hiệu quả đầu tư của dự án không cao, mà chủ yếu từ nguồn ngân sách. Từ đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đấu nối trong và ngoài hàng rào còn chưa đồng bộ; công trình hạ tầng tiện ích xã hội, nhà máy xử lý nước thải tập trung do thiếu vốn chưa được đầu tư và đặc biệt nguồn vốn tạo quỹ đất sạch chưa có nên khó khăn trong công tác thu hút đầu tư.
Ông Trang cho biết: “Hiện nay, Ban Quản lý KKT đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện cùng cơ quan ban ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và làm việc với Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Có một số dự án, giá bồi thường giải phóng mặt bằng lúc xin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là giá rẻ, giờ bồi thường chi tiết cụ thể lại thì giá lên gấp mấy lần. Một số nhà đầu tư rút bởi tổng mức đầu tư của dự án gần 1.000 tỷ, doanh nghiệp cũng khó khi huy động vốn. Doanh nghiệp cũng kiến nghị tỉnh để xem lại giá bồi thường”.
Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch KKT, các KCN chưa đáp ứng được trong dài hạn do tình hình kinh tế - xã hội biến động phải điều chỉnh cho phù hợp. Việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KKT, các KCN còn khó khăn. Nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các KKT, các KCN rất lớn và còn phụ thuộc nhiều vào nguồn Ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, KKT chưa huy động được các nguồn vốn khác như trái phiếu chính phủ, ODA,... Các hình thức hợp tác công tư (PPP) chưa được phát huy.
Các dự án đầu tư tại các KCN, KKT đều hưởng những chính sách ưu đãi chung của cả nước nên chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KCN Khánh An có dự án quy mô lớn... trong khi quỹ đất sạch của KCN còn rất ít nên không đáp ứng nhu cầu.
Đồng thời, một số nhà đầu tư hạ tầng KCN tìm hiểu đề xuất để kinh doanh cho thuê hạ tầng, phục vụ sản xuất kinh doanh và đang có nhu cầu thuê đất rất cao. Tuy nhiên, đa số chỉ dừng lại ở bước tìm hiểu đầu tư chưa mạnh dạn triển khai thực hiện dự án.
Hy vọng những khó khăn trên được tháo gỡ để Cà Mau là “điểm đầu” của phương Nam như lời ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy kỳ vọng.
Ban Quản lý KKT cho biết, hoạt động thu hút đầu tư hàng năm không đều đặn. Giai đoạn 2019 - 2022 thu hút được 17 dự án, vốn đăng ký gần 5.900 tỷ đồng; trung bình mỗi năm từ 3 - 5 dự án gần 1.500 tỷ đồng/năm. Theo đó, một số dự án đáng chú ý gồm: Nhà máy sản xuất bao bì, đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ, Nhà máy điện gỗ Khánh An, Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Khánh An… Lũy kế đến nay, trong các KCN, KKT ghi nhận tổng cộng 49 dự án được cấp phép còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 20.200 tỷ đồng (gồm 2 dự án FDI, vốn đăng ký 1.885 tỷ đồng, 1 dự án hạ tầng 538,6 tỷ đồng). Trong đó, 29 dự án đã đi vào hoạt động và 20 dự án đang chuẩn bị đầu tư.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-3-khan-truong-cai-thien-moi-truong-dau-tu-387164.html