Bài 3: Khơi thông vốn cho doanh nghiệp, nhưng không để rơi vào nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự kiến sẽ có những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn cũng như thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ. Bên cạnh đó, việc tiếp tục khai thác hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương cũng là một trong những giải pháp được đề cập để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được đặt vào một yêu cầu mới trong việc tự nâng cao các năng lực cốt lõi.
Ngân hàng vào cuộc, nhưng chưa đủ
Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện một số giải pháp hướng đến việc khơi thông vốn đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trong đó, chính sách đáng chú ý nhất là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, giải pháp này nhằm tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến 30/6/2023, tổng số dư nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 toàn hệ thống đạt 62.464 tỷ đồng, cho 18.846 khách hàng.
Ngoài ra về mặt cơ chế chính sách, NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng và Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, trong đó bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử và cho vay bằng phương tiện điện tử. Theo giải thích của bà Giang, đây cũng là giải pháp phù hợp với chủ trương về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, với quy trình thủ tục thực hiện nhanh hơn, thuận tiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn phải đối diện với một số trở ngại khi tiếp cận vốn. Ông Vũ Công Huân - Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn HTC cho biết, công ty của ông vẫn có dòng tiền rất tốt trong kinh doanh, 4 năm nay chưa bao giờ dòng tiền về chậm quá 5 ngày. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng vẫn rất khó, do ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, đặc thù công ty khi thu mua nông sản từ người dân thì phải trả tiền ngay, nhưng bán hàng cho đối tác phải có khoảng trễ để khách hàng trả tiền. Do đó, công ty luôn đối mặt với những khó khăn về vốn lưu động.
Giải pháp tổng thể từ nhiều phía
Trong bối cảnh như hiện nay, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, nguồn vốn ví như máu chảy trong cơ thể con người. Máu lưu thông tốt thì cơ thể mới thực sự khỏe mạnh và phát triển. Doanh nghiệp cũng vậy, nguồn vốn có lưu thông tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh của họ mới trơn tru, hiệu quả.
Trở lại ví dụ về trường hợp như Tập đoàn HTC nêu trên, vai trò của tổ chức trung gian đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn được coi là một trong những giải pháp tạo được sự dung hòa cho cả 2 phía: Ngân hàng vẫn đảm bảo được các nguyên tắc về cho vay, trong khi đó doanh nghiệp có thể không nhất thiết phải có tài sản thế chấp.
Đây là một trong những lý do cho thấy việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho DNNVV là cần thiết. Hiện nay, quỹ này được thực hiện theo các quy định tại Nghị định 34/2018/NĐ-CP. Văn bản này quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ BLTD tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để cấp bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV vay vốn.
Về mô hình, quỹ BLTD hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: chủ tịch quỹ; kiểm soát viên và ban điều hành. Phương thức hoạt động của quỹ BLTD được lựa chọn linh hoạt: hoặc hoạt động độc lập hoặc ủy thác cho quỹ tài chính nhà nước tại địa phương (như Quỹ Đầu tư phát triển địa phương). Trong quá trình hoạt động thời gian qua, quỹ đã thực hiện hỗ trợ được nhiều DNNVV tiếp cận vay vốn tại các tổ chức cho vay.
Ngoài ra, ở góc độ các doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần phải tự nâng cấp bản thân, nâng cao nâng lực quản trị, kiến thức về tài chính kế toán… để từ đó đáp ứng tốt hơn các yêu cầu trong giai đoạn mới. Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp để tự nâng cao giá trị doanh nghiệp mình, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, trong năm 2023, May 10 đã rất linh hoạt trong tổ chức sản xuất, sắp xếp đơn hàng, nguyên phụ liệu… đảm bảo thích ứng nhanh với tình hình thực tế.
Nghị định 34 đã bổ sung nhiều nội dung tạo điều kiện tốt, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức cho vay để đầu tư, phát triển kinh doanh so với thời điểm trước khi có văn bản này.
TS. Phạm Phan Dũng - chuyên gia tư vấn Dự án USAID LinkSME