Bài 3: Khuyến khích, hỗ trợ mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh

Cùng với đẩy mạnh xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh tiếp tục huy động tối đa nguồn lực; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Hoạt động chế biến mơ của Công ty TNHH Việt Nam MISAKI tại Khu Công nghiệp Thanh Bình.

Hoạt động chế biến mơ của Công ty TNHH Việt Nam MISAKI tại Khu Công nghiệp Thanh Bình.

Nhằm đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kiến thức về thương mại, nghiệp vụ xúc tiến thương mại cho cán bộ, công nhân viên chức và các kỹ năng bán lẻ hàng hóa, khởi sự doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, tiếp cận và phát triển thị trường, nâng cao năng lực quản trị, thiết kế, phát triển sản phẩm, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ… cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, phát triển thương hiệu; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sản phẩm, ngành hàng, thị trường; hỗ trợ kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, phát triển hạ tầng phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, như: Xây dựng và duy trì điểm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh; nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số. Trong đó, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và thúc đẩy hoạt động phân phối sản phẩm trên các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Facebook, Youtube, diễn đàn tiêu dùng…; giới thiệu trên các kênh bán hàng online, sàn thương mại điện tử có uy tín trong nước và quốc tế, như: Sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; sàn Voso (Viettel Post)… Tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo trực tuyến qua các phần mềm Zoom, Tencen…

Cùng với các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, tỉnh quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích thiết thực, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” (Nhà sản xuất - Nhà doanh nghiệp - Nhà nước - Nhà khoa học). Qua đó tạo sự gắn kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất và phân phối tới người tiêu dùng. Quan tâm phát triển hệ thống lưu thông, phân phối sản phẩm như hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghiệp để lập danh mục các dự án đầu tư; làm tốt công tác dự báo giá cả, quản lý thị trường; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm hàng hóa của địa phương một cách có hiệu quả. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại. Chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký nhãn hàng hóa, xây dựng thương hiệu, chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; quan tâm đầu tư thiết kế, đổi mới nhãn mác, bao bì cho từng loại sản phẩm để góp phần tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm.

HTX Nông nghiệp Tân Thành trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội.

HTX Nông nghiệp Tân Thành trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội.

Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 hiện nay, tỉnh khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số. Việc thường xuyên rà soát tình hình triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhập nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành hàng sẽ giúp địa phương kịp thời điều chỉnh kế hoạch, tham mưu phương án triển khai phù hợp với điều kiện thị trường. Cùng với đó, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến, thúc đẩy giao dịch hàng hóa qua môi trường thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử; đẩy mạnh phân phối sản phẩm, hàng hóa trên “Gian hàng Việt trực tuyến”… Qua đó góp phần nâng cao lợi thế, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, nhất là đối với sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh trong thời gian tới./. (Hết).

A.T

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202110/tang-cuong-hoat-dong-xuc-tien-thuong-mai-mo-rong-thi-truong-tieu-thu-san-pham-nong-san-bai-3-khuyen-khich-ho-tro-mo-rong-thi-truong-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-4a13888/