Bài 3: Kiểm soát hiệu quả việc thực thi quyền lực nhà nước

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Quốc hội có 7 hình thức giám sát tối cao. Các hình thức giám sát đều mang tính chất kiểm soát quyền lực nhà nước, trong đó hai hình thức 'lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn' và 'xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn' được điều chỉnh, quy định trực tiếp đến từng chức vụ, từng cá nhân cụ thể nên có hiệu lực, hiệu quả rất cao, tức thời cũng như dài lâu.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 96/2023/QH15 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 96/2023/QH15 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Nâng tầm hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2.2.2023 của Đảng và kế thừa kinh nghiệm của Quốc hội các Khóa XIII, XIV, tại Kỳ họp thứ Năm, ngày 23.6.2023 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 96/2023/QH15 về Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thay thế choNghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội. Nhằm góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo đường lối Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 96 đã được nâng tầm cả về mục đích, yêu cầu và chất lượng nội dung so với Nghị quyết số 85.

Theo đó, Điều 4 của Nghị quyết số 96 quy định rõ 4 mục đích, yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm gồm: nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước;góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ.

Điều 12 của Nghị quyết số 96 quy định rõ hệ quả của người được lấy phiếu tín nhiệm. Hệ quả thứ nhất là: kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Hệ quả thứ hai là, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Hệ quả thứ ba là, người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Như vậy, mục đích, yêu cầu và hệ quả lấy phiếu tín nhiệm đã rõ ràng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là để sử dụng đánh giá cán bộ, làm căn cứ cho công tác quy hoạch, điều động, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo chứ không chỉ là một kênh thông tin để biết, để tham khảo như trước đây. Nếu có nhiều phiếu tín nhiệm thấp (như hệ quả thứ hai) thì phải “tự nguyện” từ chức hoặc phải chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu số phiếu “tín nhiệm thấp” quá lớn (như hệ quả thứ ba) thì phải miễn nhiệm ngay. Đó chính là những thay đổi rất lớn về chất, bắt buộc cán bộ phải “lao tâm, khổ tứ” để làm tròn chức trách của mình nếu không muốn sớm bị đào thải.

Về nội dung đánh giá mức độ tín nhiệm, nếu Điều 5 của Nghị quyết số 85 chỉ quy định Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm rất ngắn gọn: "1- Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; 2- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật" thì Điều 6 của Nghị quyết số 96 đã có sự đổi mới căn bản, đưa phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chấp hành Hiến pháp và pháp luật lên hàng đầu, sau đó mới là kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn (nghĩa là đức trước, tài sau) và cụ thể hóa nội hàm của từng khoản (từng nhóm căn cứ).

Cụ thể, Khoản 1 Điều 6 (nhóm căn cứ thứ nhất)- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, có 3 căn cứ, gồm “a-Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị...” , “b-Việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ...”. Đặc biệt, điểm c có nội dung (là căn cứ) hoàn toàn mới, “c-Việc thực hiện những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Mới nhất trong căn cứ này là vợ, chồng, con của người được lấy phiếu tín nhiệm cũng là một phần khá quan trọng góp vào mức độ tín nhiệm của người được lấy phiếu. Điều đó có nghĩa là, người lãnh đạo, quản lý chưa nói đâu xa, phải “lãnh đạo, quản lý” ngay được các nhân sự trong nhà mình đã.

Khoản 2 Điều 6 (nhóm căn cứ thứ hai) - Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có 4 căn cứ bao quát kết quả hoạt động của người được lấy phiếu, trong đó nhấn đậm hai điểm: Một là, trong cao trào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì người được lấy phiếu tín nhiệm đã làm gì và đem lại kết quả như thế nào ở đơn vị do mình quản lý, lãnh đạo (không thể nói chung chung là đã tích cực phòng, chống). Hai là, người được lấy phiếu tín nhiệm phải thống kê được số lượng sản phẩm cụ thể và đánh giá thực chất chất lượng sản phẩm, hiệu quả của các sản phẩm của mình (không thể nói chung chung là hoàn thành tốt nhiệm vụ).

Với nền tảng Nghị quyết số 96 của Quốc hội, tin tưởng rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ Sáu tới sẽ đạt được kết quả cao, thực chất, củng cố được bộ máy nhà nước thêm vững chắc và nâng lên một tầm chất lượng cán bộ lãnh đạo trong bộ máy đó.

Nhóm vấn đề chất vấn ngày càng chuyên sâu, gắn với trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu

Chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát có hiệu lực mạnh chỉ sau lấy phiếu tín nhiệm. Nhưng kết quả của hoạt động này lại là một trong những cứ liệu quan trọng để đại biểu Quốc hội quyết định mức độ tín nhiệm khi lấy phiếu tín nhiệm đối với mỗi người đã trả lời chất vấn.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã diễn ra 4 phiên chất vấn tại Kỳ họp của Quốc hội (từ Kỳ họp thứ Hai đến Kỳ họp thứ Năm), mỗi phiên đã sử dụng thời lượng 2,5 ngày cho 4 nhóm vấn đề do 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành phụ trách ngành, lĩnh vực. Cụ thể, Kỳ họp thứ Hai, 4 Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kỳ họp thứ Ba là Bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Chính, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Kỳ họp thứ Tư là Bộ trưởng các bộ: Nội vụ, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và Tổng Thanh tra Chính phủ. Kỳ họp thứ Năm là Bộ trưởng các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội (lần thứ 2), Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải (lần thứ 2, nhưng là Bộ trưởng mới) và Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Qua thực tế các phiên chất vấn và trả lời chất vấn nêu trên có thể rút ra một số điểm quan trọng.

Một là, đến nay, việc lựa chọn nhóm vấn đề để chất vấn vẫn là phương thức lựa chọn hợp lý, đúng đắn, thiết thực, vì có đường biên giới hạn nên tránh được chất vấn ra ngoài phạm vi, làm loãng vấn đề và gây khó khăn không cần thiết cho người trả lời chất vấn. Chọn nhóm vấn đề để chất vấn cũng nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhất là yêu cầu chỉ đạo thúc đẩy giải quyết những vấn đề cụ thể của cuộc sống. Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tiếp tục có đổi mới, ngày càng mang tính chuyên sâu, gắn với trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu.

Hai là, Quốc hội đã đổi mới căn bản việc lựa chọn người trả lời chất vấn. Theo đó, việc lựa chọn người trả lời chất vấn hoàn toàn do Quốc hội chủ động thực hiện, trước hết là cố định số lượng 4 người trả lời mỗi kỳ. Việc lựa chọn người trả lời chất vấn dựa trên cơ sở yêu cầu thúc đẩy công việc qua “lăng kính hội tụ” từ các kênh thông tin phản ánh và diễn ra theo ba công đoạn: Tổng Thư ký Quốc hội tập hợp và đề xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và trình Quốc hội quyết định cuối cùng. Phương thức lựa chọn này vừa bảo đảm dân chủ hơn, khách quan hơn và vừa bảo đảm quyền chủ động kiểm soát quyền lực của Quốc hội.

Ba là, trong 16 lượt Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trả lời chất vấn, ngoại trừ Bộ trưởng các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, còn phần lớn các Bộ trưởng, Trưởng ngành đều lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, nhưng điều đáng mừng là, về cơ bản các “tư lệnh ngành” mới đều đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội và cử tri, có Bộ trưởng còn đáp ứng ở mức độ tương đối cao.

Bốn là, do có nhiều chất vấn khó, mà phương châm là các vấn đề phải đi đến tận cùng nên hoạt động chất vấn đã hối thúc trách nhiệm, đã yêu cầu cả “tướng lĩnh” của cơ quan hành pháp vào “trận”. Tại Kỳ họp thứ Tư, ngoài 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn theo quy định thì cả Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng (4/4) và 7 Bộ trưởng, Trưởng ngành khác đều đã tham gia trả lời chất vấn. Còn tại Kỳ họp thứ Năm, các ý kiến tranh luận được trả lời như những câu chất vấn (cả về thời lượng và cả nội dung). Do vậy không khí nghị trường dân chủ, sôi động, nhiều vấn đề cụ thể đã được lý giải tới tận cùng.

Năm là, hoạt động chất vấn ở phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy mô và kết quả cũng tương tự như ở Quốc hội. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành 3 phiên chất vấn: tại phiên họp thứ 9, ngày 16.3.2022, Bộ trưởng các Bộ Công thương, Tài nguyên và Môi trường đã trả lời chất vấn; tại phiên họp thứ 14, ngày 10.8.2022 là Bộ trưởng các Bộ Công an, Thông tin và Truyền thông; tại phiên họp thứ 21, ngày 20.3.2023 là Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Các phiên chất vấn được kết nối trực tuyến đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương (Đoàn Hà Nội tham gia trực tiếp), vì thế phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy mô và không khí sôi động cũng tương tự như chất vấn ở phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát mà theo đó trách nhiệm được “cá thể hóa” đến từng cá nhân, vì thế hiệu lực của hình thức giám sát này rất cao. Mới nửa nhiệm kỳ, nhưng với hoạt động tích cực của Quốc hội, phần lớn các chức danh theo luật định đã được kiểm soát việc sử dụng quyền lực.

Với kết quả chung của các hình thức giám sát tối cao, nửa đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội đã kiểm soát hiệu quả việc thực thi quyền lực nhà nước của các cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Trong 9 kỳ họp (5 kỳ thường niên, 4 kỳ bất thường) thì 8 kỳ họp có công tác nhân sự. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, cùng sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, Quốc hội đã kiện toàn nhiều chức danh lãnh đạo cấp cao (từ Bộ trưởng trở lên), bộ máy nhà nước hoạt động ổn định và có bước phát triển mới, tốt đẹp.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-3-kiem-soat-hieu-qua-viec-thuc-thi-quyen-luc-nha-nuoc-i336527/