Bài 3: Nâng cao hiệu quả đầu tư FDI trong giai đoạn mới
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất; cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc đang tạo ra làn sóng dịch chuyển mạnh vốn đầu tư trên thế giới; vị thế và tiềm lực của Việt Nam cũng cao hơn nhiều so với trước... Những yếu tố này khiến chiến lược thu hút đầu tư FDI của nước ta trong thời gian tới cần có các điều chỉnh phù hợp để nâng cao hiệu quả.
(tiếp theo và hết)
Bối cảnh mới trong thu hút FDI
Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gay gắt, chính sách bảo hộ đang diễn ra trên thế giới sẽ khiến dòng vốn FDI trên toàn cầu sụt giảm trong năm nay và dự báo sẽ còn kéo dài. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): FDI toàn cầu trong quý I-2018 giảm xuống còn 136 tỷ USD so với mức 242 tỷ USD trong quý trước. Nước Mỹ đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) nên nhiều DN của Mỹ đã rút vốn từ các thị trường khác để quy trở lại đầu tư tại Mỹ.
Các nhà đầu tư và DN đang tỏ ra cẩn trọng hơn trước khi đầu tư, mua tài sản ở nước ngoài, nhất là tại các nền kinh tế mới nổi. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF): Chỉ trong một tuần của tháng 8-2018, các nhà đầu tư đã rút 1,3 tỷ USD khỏi thị trường cổ phiếu và 100 triệu USD từ thị trường trái phiếu tại các nền kinh tế mới nổi. Ông Thilo Hanemann, Giám đốc của Tập đoàn Rhodium cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cả cơ hội kinh tế lẫn sự ổn định về chính trị. Sự thiếu chắc chắn của chính trị và các chính sách kinh tế của một quốc gia sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài xa lánh.
Báo cáo Chiến lược và Định hướng thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2020-2030 do nhóm chuyên gia Ngân hàng thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu cho rằng, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam hiện nay tốt hơn trước rất nhiều. GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài nêu lên những điểm mạnh của Việt Nam trong thu hút FDI hiện nay. Cụ thể, kinh tế Việt Nam cũng đã khác so với 30 năm về trước, bình quân trên đầu người của Việt Nam đã tăng gấp hơn 10 lần giai đoạn trước, đạt 2.400USD/người; xuất khẩu của Việt Nam hiện giờ đang đứng tốp 10 của thế giới.
Nhờ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam có cơ hội tiếp cận đến những thị trường quan trọng như Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á-Âu, các nước trong khối Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương… Chính nhờ sự cởi mở của mình, Việt Nam dần trở thành trung tâm để lan tỏa hàng hóa, dịch vụ ra khắp nơi thế giới. Như vậy, đặt nhà máy tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ vào được nhiều thị trường lớn. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với nhiều nước trong khu vực.
Cùng với đó, với quy mô dân số gần 100 triệu người và thu nhập bình quân đang tăng nhanh, chỉ riêng thị trường nội địa Việt Nam đã tạo ra sự hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh nhận định, thời gian gần đây, do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, các tập đoàn nước ngoài ở Trung Quốc bắt đầu dịch chuyển đầu tư sang nước khác để né mức thuế cao của Mỹ đang áp lên hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, bởi thị trường đầu tư có độ mở và liên kết rất cao.
Trong khi rất nhiều khu vực trên thế giới đang xảy ra những bất ổn về chính trị, an ninh trật tự, nhiều nền kinh tế lớn đang gây hấn với nhau, gây khó khăn cho DN của nhau thì Việt Nam lại là một môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam còn đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các DN, trong đó có DN nước ngoài. Những điều đó, đang tạo ra sức hấp dẫn rất lớn của Việt Nam với DN nước ngoài.
Tuy nhiên, việc dịch chuyển các nhà máy sang thị trường mới để tránh các căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng có các hệ lụy. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, có những dự án đầu công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, những dự án có quy mô nhỏ sẽ tìm đường dịch chuyển từ Trung Quốc sang một nước khác, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, môi trường tài chính tiền tệ sẽ có những diễn biến không thuận lợi, dòng vốn đầu tư sẽ đảo chiều, thay đổi, tạo ra những rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, một số nước lớn sẽ đẩy mạnh liên kết song phương để tập hợp lực lượng nhằm giảm tác động của xung đột. Vì thế, Việt Nam cũng phải tính toán, để có đủ điều kiện về kỹ thuật, về năng lực thì mới tham gia được cuộc chơi này.
Linh hoạt để chớp cơ hội
Cách đây hơn hai năm, trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu ra các định hướng chiến lược sáng suốt đối với đầu tư nước ngoài, đó là: Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chủ động lựa chọn và có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, có vị trí hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với DN trong nước. Tăng cường liên kết giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Khuyến khích thành lập các trung tâm nghiên cứu-triển khai của DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Để có thể thu hút được vốn FDI trong bối cảnh mới, Việt Nam cần có chính sách vừa nhất quán, vừa linh hoạt phù hợp với xu hướng thế giới. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách thu hút FDI vào Việt Nam trong giai đoạn tới đây cần có sự thay đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng, có công nghệ hiện đại và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến nền kinh tế, đến khu vực DN trong nước, hỗ trợ khu vực DN trong nước phát triển. “Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh ngày càng gay gắt thì một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu…”, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề.
Liên quan đến vấn đề này, Báo cáo Chiến lược và Định hướng thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2020-2030, do Ngân hàng thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cũng đưa ra khuyến cáo, thời gian tới đây thay ưu đãi cho mọi DN FDI, Việt Nam nên tạo ra các chính sách ưu đãi DN FDI dựa trên hiệu quả. Cùng với đó, một trong những thay đổi lớn về chính sách là chuyển dịch từ mở cửa bị động, chờ đợi các DN FDI sang đầu tư sang chủ động tìm kiếm, mời gọi các DN FDI lớn, DN công nghệ cao. “Trước hết phải thay đổi danh mục đầu tư, chỉ nên mời gọi DN thuộc lĩnh vực mà DN Việt Nam chưa làm được, không làm được, còn lĩnh vực nào DN Việt Nam đã làm được thì không đưa vào danh sách kêu gọi đầu tư FDI", GS, TSKH Nguyễn Mại nói.
Tăng cường khả năng công nghệ luôn là một trong những mục tiêu ưu tiên thu hút FDI hàng đầu của mọi quốc gia, đối với các nước đang phát triển thì vai trò này càng được khẳng định rõ. Chính vì vậy, định hướng thu hút FDI trong thời gian tới cũng phải thay đổi theo hướng gắn chính sách ưu đãi với hiệu quả thực hiện chuyển giao công nghệ tại các dự án đầu tư FDI. Theo đó, Việt Nam phải coi việc chuyển giao công nghệ là một yếu tố hàng đầu khi quyết định tiếp nhận dự án đầu tư FDI.
Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, câu hỏi làm thế nào để liên kết giữa DN FDI với DN trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ là câu hỏi lớn luôn được đặt ra với các hiệp hội, các tổ chức, các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, tiêu chuẩn, trình độ của DN nước ngoài với DN trong nước còn có khoảng cách lớn, khiến khó kết nối với nhau. Vì vậy, cần phải hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN Việt Nam ngày càng phát triển. Khi các DN trong nước phát triển và tiệm cận được với tiêu chuẩn, trình độ DN FDI thì tự khắc sẽ liên kết được với nhau, DN Việt Nam sẽ tham gia được vào chuỗi cung ứng của DN FDI.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được triển khai và trong thời gian tới, Chính phủ đang tập trung xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ và xây dựng chính sách hỗ trợ để các DN Việt Nam có đủ điều kiện lớn mạnh, tham gia được sân chơi chung và liên kết được với các DN FDI.
Có cùng cách nhìn nhận, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục Trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, một trong những giải pháp để gia tăng mối liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, cần hạn chế tỷ lệ DN 100% vốn nước ngoài, thay vào đó là đẩy mạnh liên doanh. Khi đó, chúng ta sẽ dễ dàng đưa nhân lực vào các DN liên doanh với nước ngoài để tiếp thu công nghệ. Trong đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng. Không có người hiểu biết, có kỹ năng về công nghệ cao thì không thể tiếp thu công nghệ.
Trao đổi với chúng tôi, từ thực tiễn ở địa phương mình, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định: Đã qua rồi cái thời bằng mọi giá thu hút vốn FDI, trong mấy năm gần đây, Hải Phòng luôn có sự lựa chọn kỹ càng các nhà đầu tư nước ngoài.
Muốn thu hút các DN FDI có công nghệ cao tới đầu tư, yêu cầu về chất lượng lao động là bắt buộc, bởi nếu không có nhân lực tốt thì các DN FDI cũng ngại đầu tư vào. Theo Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn của nền kinh tế. Theo nghiên cứu của VCCI, 55% số DN được hỏi cho rằng rất khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao. Vì thế, việc cải cách hệ thống giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là việc làm cấp thiết. Điều này bắt buộc các trường đại học cần phải đẩy mạnh liên kết chặt chẽ hơn với DN, phải thực hiện việc giáo dục kép, phối hợp giữa nhà trường và DN. Trong đó, DN dự báo nhu cầu và đặt hàng với cơ sở đào tạo; tham gia xây dựng giáo trình cùng các cơ sở; tham gia giảng dạy; là nơi học viên thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo; cùng cơ sở đào tạo kiểm định chất lượng của giáo dục đào tạo và là nơi tiếp nhận và sử dụng nguồn lao động.
Có thể khẳng định, đầu tư nước ngoài là nguồn lực rất quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài tới đâu, việc hạn chế các mặt trái của đầu tư nước ngoài ra sao thì cần phải phụ thuộc vào chính sách, luật pháp và các biện pháp quản lý của Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, rất cần có những cơ chế, chính sách để khuyến khích, ưu đãi, mời gọi các DN FDI tốt, đóng thuế nghiêm chỉnh, thể hiện trách nhiệm xã hội cao và loại bỏ những DN FDI có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, thiếu trách nhiệm với xã hội. Những cơ chế, chính sách này nên được nghiên cứu để luật hóa trong thời gian tới.