Bài 3: Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước: Dấu ấn khác biệt của gốm Việt
Nghệ nhân ưu tú Trần Tước có tư duy văn minh và thức thời của người vừa có tố chất sáng tạo đầy chất nghệ vừa luôn nghĩ lớn và làm lớn trên nền tảng sự am hiểu sâu sắc văn hóa truyền thống...
Một buổi sớm ngày cận Tết, dù đã hẹn trước nhưng điện thoại đổ chuông mãi không thấy ai nghe máy, tôi đánh bạo leo tuốt lên sân thượng mà có lần được gia chủ dẫn lối bởi vẫn nhớ lời anh bảo có thói quen tưới cây mỗi ngày.
Vận chiếc quần đũi sắn ống thấp ống cao với đôi tông lào ngả màu, nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước say sưa tưới tắm cho vườn tiểu cảnh. Mỗi cây mỗi thế dáng vô cùng độc đáo cho thấy cách chơi của người có nghề và hỏi ra mới hay đó đều là tác phẩm của anh, mỗi cây là dấu ấn gắn bó với một phần trong cuộc đời cũng lắm thăng trầm của Trần Tước.
Từng “phiêu bạt giang hồ” từ năm 15 tuổi với nhiều nghề như điêu khắc gỗ, phục chế/tôn tạo trùng tu di tích, thậm chí có thời điểm khó khăn còn phải đi thu mua phế liệu, làm mộc, lái xe rồi làm cả dịch vụ đám cưới… nhưng gốm với Trần Tước chính là lẽ sống, là hơi thở và sáng tạo không ngừng.
Sự từng trải và cách sống tới tận cùng đam mê đã nhào nặn nên một Trần Tước như bây giờ, vẫn chỉ khiêm cung tự nhận mình là "thợ mới" trong nghề gốm và trước một làng nghề giàu truyền thống mấy trăm năm lịch sử như Bát Tràng, thế nhưng cũng đầy kiêu hãnh và sỹ diện nghề.
Những tưởng gắn với chữ nghệ thì sẽ bay bổng mây gió nhưng tiếp xúc và hiểu về người con quê lúa ấy, tôi đã phải ồ lên ngạc nhiên khi nhận ra một tư duy văn minh và thức thời của người vừa có tố chất sáng tạo đầy chất nghệ vừa luôn nghĩ lớn và làm lớn trên nền tảng sự am hiểu sâu sắc văn hóa truyền thống. Mà, tất cả đều do anh tự mày mò nghiên cứu, không qua bất cứ trường lớp đào tạo nào. Trần Tước lại còn khó tính và kỹ lưỡng trong mọi cuộc chơi.
Chẳng thế mà trong năm 2020, mặc dù giữa tâm “bão COVID-19,” anh vẫn xuất khẩu được 5.000 pho tượng dân gian Việt Nam sang thị trường Anh quốc. Đây cũng là tín hiệu tốt cho các làng nghề trong nước. Trước đó, đầu rồng thời Lý do anh chế tác được đích thân Thủ tướng tặng Tổng thống Mỹ…
Trò chuyện với Nam Tước để thấy chân dung thú vị của anh “thợ gốm” đặc biệt không sinh ra từ làng nghề.
Đời phiêu bạt từ thuở 15…
- Anh Tước này, tôi thực sự muốn biết vì sao là người con quê lúa mà cơ nghiệp của anh lại gắn bó với làng gốm Bát Tràng, cơ duyên nào đã đưa anh tới đây?
Nghệ nhân Trần Tước: Hồi mới vào lớp 10 thì tôi bỏ dở việc học, quyết định đi… lang thang. Những năm sau đó, cả 64 tỉnh, thành phố trên khắp đất nước đều in dấu chân tôi. Mỗi nơi đến, tôi chỉ làm việc đến lúc đủ tiền để đi tỉnh khác thôi, và bất kỳ một nghề nào gặp được tôi đều học.
Sài Gòn là nơi tôi dừng chân lâu nhất trước khi trở ra Bắc, 7 năm và công việc chủ yếu liên quan tới phát triển mỹ thuật trong thị trường đồ chơi, nhưng thời điểm đó mặt hàng này người dân rất ít dùng vì đời sống còn khó khăn.
Ra Bắc, tôi về lại quê hương Thái Bình, học và làm gốm khoảng 1-2 năm. Tới năm 1996 tôi đến Bát Tràng, không phải để đi tìm nghề mà lúc đó tôi đang lái xe cho một trung tâm dưỡng sinh. Sau đó, tôi thấy nghề gốm hay quá và cũng phù hợp nên quyết định ở lại và bỏ nghề lái xe. Tôi chuyên lĩnh vực trùng tu và sản phẩm đặc biệt nhất của tôi là hệ thống linh vật.
Năm 2000 tôi lập gia đình và tới 2002 mới chính thức ở lại Bát Tràng cho đến bây giờ.
- Nhiều nghệ nhân may mắn được sinh ra trong cái nôi của gốm, trong gia tộc nhiều đời làm gốm nên tinh thần gốm thấm đẫm trong tâm hồn và cuộc sống hàng ngày, cũng vì thế việc họ khởi nghiệp với gốm có lẽ là thuận lợi. Tôi không biết một người “ngoại đạo” như anh, lại có cả tuổi trẻ bôn ba bao nghề, vào thời điểm chọn theo nghiệp gốm thì tâm tư ra sao?
Nghệ nhân Trần Tước: Đúng là tôi sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, nhưng gia đình lại không thuần nông, mà các cụ đi buôn từ thời Pháp thuộc. Với gốm, nói theo duy tâm như là kiếp trước và kiếp sau của tôi, có thể có thời điểm nào đó tôi đã ở nơi đây [Bát Tràng - PV]. Chứ bản thân khi về với một làng nghề lớn, nơi có các nghệ nhân đều thuộc hàng gạo cội, lại đều kế thừa nghiệp gốm của gia tộc tôi chỉ như thợ mới.
Nhưng sau này tôi nghiệm ra mình làm được nghề ở đây là bởi sự khiêm tốn và ngay ngắn trong cách nghĩ, cẩn trọng trong cách làm, cần cù lao động và hăng say sáng tạo.
Thời mới về Bát Tràng, chỉ là thợ giúp việc trong các nhà lò, song tôi nhận thấy men Bát Tràng rất đẹp, tiếc là ít ai đặt được đúng vị trí để màu men đó trở nên đẹp nhất. Rồi màu men đẹp nhưng phải đi kèm với kỹ năng pha chế. Bạn có thể vẽ giỏi, nặn đẹp nhưng nếu chưa hiểu về men thì chưa biết gì về Bát Tràng.
Khác tất cả các dòng gốm trên cả nước phần lớn là gốm đất nung và thường được để ở sân vườn, hoặc đồ gia dụng đơn giản như chum, vò, lọ,… thì gốm Bát Tràng giá trị cao hơn ở chỗ cũng là vật dụng ấy nhưng có men với họa tiết trang trí.
Tôi đã nhìn thấy những dòng men tưởng như rất đơn giản mà lại vô cùng xuất sắc. Tôi là người sử dụng chất liệu sản xuất đầu vào ở mức thấp nhất, không cầu kỳ, với nghĩa là dòng men đơn giản và đất cũng rẻ tiền nhất. Nhưng quan điểm của tôi là đơn giản đầu vào, thận trọng đầu ra, tránh xa sao chép.
Nguyên tắc gốm Trần Tước đặc biệt nói không với sao chép. Tất cả sản phẩm đều làm mới dựa trên các điển tích. Tôi có thói quen từ xưa khi làm điêu khắc, làm gỗ, làm gốm hay rất nhiều lĩnh vực khác là có thể tham khảo mẫu trước khi làm nhưng không bao giờ để mẫu trước mặt. Có như thế mới “nhảy múa” được với tác phẩm. Số lượng tôi làm không phải để đáp ứng số đông vì người sử dụng dòng sản phẩm này cũng ít.
Những dấu ấn Trần Tước
- Tôi từng nghe anh chia sẻ có lúc phải đi thu mua phế liệu, làm mộc, lái xe, chơi nhạc, chụp ảnh đám cưới… Có phải vì nghề gốm không thể tạo sinh kế cho gia đình anh hay vì điều gì khác vào thời điểm đó?
Nghệ nhân Trần Tước: Đó là trước khi tôi về Bát Tràng, thời thanh niên đi bôn ba lăn lộn khắp nơi. Nhưng có lẽ vì ảnh hưởng của gia đình nên tôi có tư duy con nhà buôn từ sớm. Tôi làm đủ nghề, gặp nghề gì cũng học và làm. Cứ không có tiền tôi lại đi buôn và tư duy kinh doanh dường như đã ngấm vào máu. Đó cũng là lý do mà tư duy làm gốm của tôi không giống ai.
Thực tế, nhiều làng nghề chỉ chờ khách đến để bán hàng. Bởi dường như họ có tâm lý sản phẩm mình làm ra là “hoa hậu” và “cô gái” của tôi là nhất. Nhưng nếu mãi như vậy rồi cô ấy “lỡ thì” thì sao. Tôi không có tư tưởng ấy.
Sản phẩm của tôi vừa cổ điển vừa có tính ứng dụng. Nó cần thiết trong đời sống như cơm ăn nước uống chứ không phải chỉ để ngắm trong tủ kính. Tôi nghĩ, bất kỳ làng nghề nào cũng thế, phải làm sao để đưa được sản phẩm truyền thống vào đời sống một cách hữu dụng thì nó sẽ trường tồn. Đến giờ, có lẽ tôi có thể tự tin nói rằng mình đã làm được việc đó.
Tôi chọn dòng gốm cho mình và tiếp cận thị trường, tiếp cận đối tượng khách hàng trực tiếp. Tức là tôi tự sản xuất và bán tận tay người tiêu dùng chứ không chờ đợi nhu cầu thị trường. Một năm 12 tháng thì với tôi tháng nào cũng là tháng cơ hội.
- Mỗi nghệ nhân sẽ chọn một cách tiếp cận với gốm, có người phục dựng lại những bài men cổ, có người hồi sinh cả một dòng gốm cổ xưa tưởng đã thất truyền nhiều thế kỷ, có người lại kiên trì với phương thức sản xuất thủ công truyền thống… Anh thì sao?
Nghệ nhân Trần Nam Tước: Thực ra gốm là một bộ môn nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì chúng ta cứ đi thôi, chứ cũng không biết đích đến ở đâu. Nhưng cách tôi nghĩ và cách tôi làm theo quan điểm văn hóa là sự tiếp biến. Tôi lấy giá trị truyền thống trên những điển tích rồi gửi nó vào sản phẩm mình làm.
Phong cách làm việc của tôi là bảo tồn và phát triển, tiếp biến những giá trị văn hóa của nhiều đời.
- Tôi thấy anh có một tư duy rất hay mà không phải nghệ nhân nào cũng có khi sáng tạo nghệ thuật, đó là sự nhạy bén kinh doanh luôn đồng hành cùng những tác phẩm gốm được lồng ghép giá trị văn hóa cổ truyền, dấu ấn lịch sử… Vậy khi quyết định gắn bó với Bát Tràng, anh định vị mình ở đâu giữa hàng ngũ những bậc tiền bối là hậu duệ của làng gốm truyền thống lâu đời này? Đâu là dấu ấn cá nhân của anh?
Nghệ nhân Trần Tước: Đối với làng nghề Bát Tràng và trước các nghệ nhân của làng, tôi không định vị mình là một nghệ nhân, cũng không định vị mình đang ở đâu, mà tôi luôn định vị tôi đang làm cái gì.
Dấu ấn của tôi rất rõ ràng và riêng biệt: Một là phong cách linh vật; hai là điêu khắc về những anh hùng lịch sử dân tộc; thứ ba, gốm của tôi không phải gốm gia dụng mà là gốm trang trí kiến trúc.
Năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều chứng nhận các tác phẩm gốm linh vật của tôi là sản phẩm tiêu biểu của người Việt. Tôi từng tham gia trùng tu công trình gốm Cổng Nghi Môn trong cung điện Vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa; phục chế một số di tích ở Huế; trùng tu, tôn tạo Khu thủy tổ quan họ Làng Diềm, Bắc Ninh…
Tôi cũng làm hơn 200 linh vật trang trí trong khách sạn InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort… Điều này với tôi vô cùng ý nghĩa, bởi đã đưa được linh vật Việt Nam vào không gian hiện đại. Trải qua mấy chục năm trong nghề tôi mới có thể định vị được dấu ấn của riêng mình.
Hãy dịch chuyển những giá trị
- Là “hậu sinh tiếp biến” của làng Bát Tràng, anh thấy bức tranh làng nghề mình đang gắn bó ngày nay ra sao?
Nghệ nhân Trần Tước: Tôi có nhận định thế này, Bát Tràng là làng nghề truyền thống có bề dày văn học, bề dày về tính gia tộc, bề dày về nghề và cả tâm linh. Làng Bát Tràng rất đặc biệt vì có cả ngũ linh, bao gồm đình, đền, chùa, văn chỉ và miếu.
Đền thờ mẫu, đình thờ thành hoàng, miếu thờ thần linh, chùa thờ Phật, văn chỉ rất đặc biệt vì suy tôn việc học, việc làm.
Ở Bát Tràng tôi thấy có ba điểm đặc biệt. Nếu nói Bát Tràng chỉ có gốm tôi thấy chưa đầy đủ vì đây là làng khoa bảng, có trạng nguyên, tiến sỹ, quận công, làng có tiên hiền với rất nhiều sắc phong qua các triều đại. Đấy là bề dày rất lớn về văn hóa.
Về gia tộc, hàng mấy trăm năm nay, dòng họ nào ở Bát Tràng cũng giữ được nhà thờ mà ít nơi nào giữ được. Về nghề, gốm ở Bát Tràng quả là nghề quý rồi vì nghề gốm là nghề của ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), nghề gần gũi nhất trong đời sống và hữu dụng nhất.
Tuy nhiên, với tầm cỡ của một làng nghề có truyền thống khoa bảng, văn học lâu đời, tiếng tăm lớn và kinh tế mạnh thì Bát Tràng ngày nay phát triển chưa đúng tầm. Tôi cho rằng có lẽ do yếu tố con người.
Nếu con người Bát Tràng phát triển tốt hơn ở góc độ biết bỏ bớt cái tôi, hướng tới tính cộng đồng lớn hơn, không chỉ nhìn ở làng nghề mình mà còn mở rộng tầm nhìn ra cả các làng nghề trên cả nước hay thậm chí các quốc gia bên cạnh xem họ cần gì để tiếp cận, để trở thành những công xưởng thì tôi tin rằng tương lai sẽ phát triển hơn.
Khi làm sản phẩm, các bạn hãy nghĩ mới đi, cái gì là truyền thống hãy để nguyên là truyền thống còn cái gì không nhất thiết phải là truyền thống thì hãy cho nó cơ hội tiếp biến. Đừng chỉ ngồi chờ đợi ở chợ Bát Tràng này, mà hãy đi xa hơn, như cách tôi gọi là dịch chuyển giá trị.
Tại sao không phải là “Bát Tràng+Sài Gòn,” “Bát Tràng+Huế,” Bát Tràng cộng bất kỳ quốc gia nào khác… để đưa chợ Bát Tràng đến những vùng đất mới nhưng vẫn là nó. Quan điểm của tôi là không chờ khách hàng đến mà phải chủ động tiếp cận với khách hàng.
Tôi là người thợ nhiều đam mê
- Đa nghề, đa nghệ, vừa là nhà kiến trúc, sáng tác nhạc, vẽ tranh, vừa làm điêu khắc, phục chế vốn cổ…, nay trở thành nghệ nhân ưu tú của nghề gốm, vậy riêng gốm có ý nghĩa thế nào với anh?
Nghệ nhân Trần Tước: Gốm là niềm đam mê đến tận cùng của tôi. Trong làm nghề, tôi quan điểm rất rõ ràng, nếu là bảo tồn sẽ bảo tồn đến mức bảo thủ, còn nếu không phải bảo tồn thì tiếp biến để phát triển.
Dù tôi là người rất hoài cổ, nhưng hoài cổ của tôi không phải hoài cổ đóng đinh, hoài cổ nhưng cởi mở. Bởi thời đại này, chúng ta cần cái cổ điển nhưng có công năng mới phù hợp, nếu đóng khung quá sẽ thành khiên cưỡng.
Gốm thủ công rất đặc biệt. Bởi các bộ môn nghệ thuật khác bạn có thể định dạng được nhưng với gốm thủ công thì rất khó. Bạn không thể biết chắc được mỗi sản phẩm gốm sau khi ra lò thế nào, lên màu ra sao, hình dáng có bị móp méo hay nứt vỡ… không. Nhưng cũng có khi sản phẩm ra lại đẹp hơn bạn tưởng. Vì thế mỗi chuyến lò là một cảm xúc khác nhau sau cả quá trình chờ đợi, mong mỏi, vật vã, có thể sẽ buồn nhưng có thể sẽ là vỡ òa vì sung sướng.
Tôi có thói quen, giữ lại cả những phế phẩm và có tham vọng đến một dịp nào đó thuận lợi có thể bày một cuộc chơi lớn, chuyển thể lại tất cả các dòng sản phẩm tôi từng làm thành sách ảnh về gốm sứ và kiến trúc.
Tôi rất tâm huyết với kế hoạch này và sẽ tự tay làm mọi thứ. Vì tôi muốn các bạn thấy đây là quan điểm của một người thợ lao động, chứ không phải nhà khoa học, nhà nghiên cứu hay một nghệ sỹ. Tôi chỉ muốn nói lên những cảm xúc cá nhân, kinh nghiệm, trải nghiệm và đam mê của một người thợ.
- Các cụ xưa nói rồi, người lắm tài thường nhiều tật. Anh thấy mình có “tật” gì không?
Nghệ nhân Trần Nam Tước: (Cười) Tôi nhiều tật, nhưng chắc là tật tốt chứ không có tật xấu. Tôi chỉ là có nhiều đam mê và hay lang thang. Khi chơi tôi chơi bạt mạng nhưng không phải theo cách bừa bãi như hình ảnh nghệ sỹ suốt ngày say sưa nhòe nhoẹt.
Bởi tôi quan điểm, nghệ sỹ là người làm sáng tạo bằng cái đầu. Tôi không làm vì cái đẹp, tôi không làm vì đúng-sai. Bởi cái đẹp thuộc về các bạn, đúng-sai thuộc về các nhà nghiên cứu, còn cái tôi làm để bạn nhìn thấy văn hóa của dân tộc tôi. Đó là điều tôi luôn hướng tới.
- Xin cảm ơn và chúc cho những dự án của anh sớm ra mắt cộng đồng./.