Bài 3: Những cộng đồng đề cao tính hướng thiện trong cuộc sống

Phải ở lại muộn để giải quyết nốt việc công ty, nhưng chị Nguyễn Trang (Khu Ecohome 1, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không mấy lo lắng. Hai đứa nhỏ nhà chị đã có bác cùng tầng đón giúp và giờ này chắc cũng ấm bụng bởi bữa cơm chiều bác nấu. Gạt đi những phiền phức ồn ào khi ở chung cư, thì những giúp đỡ tưởng như giản đơn ấy lại giúp chị vững tâm rất nhiều trong cuộc sống.

Những năm dài sống ở phố xá đông đúc, ồn ào đã tạo cho chị Trang cái thói quen đi khóa, vào khép cửa. Con phố nhỏ nơi chị sống trước kia dân cư vốn đông đúc nhưng người lại ở tứ phương bốn hướng tụ về. Khác nhau về lối sống, chênh lệch về nhận thức khiến chị luôn sống khép kín. Nhưng từ khi chuyển về căn hộ ở khu chung cư Ecohome này chị thấy khác hẳn, lần đầu tiên trong bao nhiêu năm sống ở nơi đô thị, chị biết thế nào là nghĩa tương thân.

Chị kể, ở tầng nhà chị đa phần là vợ chồng trẻ nên lứa con cái cũng sàn sàn tuổi như nhau. Bọn trẻ con chơi với nhau đã đành, từ quan hệ của con cái, bố mẹ cũng tự nhiên mà gần gũi nhau như họ hàng thân quen. Rồi dần dần, mối quan hệ ấy tích lũy rồi bền chắc, mọi người bắt đầu đỡ đần nhau những việc trong cuộc sống. Cái hình ảnh những buổi chiều muộn, khi mà chỉ lác đác các căn hộ sáng đèn, thì lũ trẻ tập trung ở một nhà chơi, thậm chí ăn uống cũng không còn lạ.

Không chỉ chuyện các con, chuyện người lớn buồn vui rồi cũng chia sẻ với nhau. “Sống trong cộng đồng lối xóm thế này nên nhiều khi có chuyện cũng chín bỏ làm mười, hạn chế rất nhiều những xích mích với những người xung quanh.” Chị Trang nói.

Còn như chị Hằng, E2, Ecohome 1, chị nhớ lại cái hồi đầu mới về khu chung cư này. Thời gian đã gần Tết, chị thì đang có bầu, phải hạn chế hoạt động. Chồng chị là dân xây dựng, sáng tinh mơ mờ đất đã đi làm, tối muộn mới lê chân về nên cũng chẳng mấy khi nhờ vả được gì. Ngày Tết, lại năm đầu về nhà mới, không nhiều cũng muốn có cặp bánh chưng để cúng ông bà tổ tiên.

Khốn nỗi, anh chị em thì ở xa, hàng xóm láng giềng thì có ra khỏi nhà đâu mà giáp mặt. Bí bức, chị “buông” một câu than trên mạng xã hội. “Ít giờ sau, em thấy có tiếng chuông. Và em thực sự bất ngờ khi có một bác hàng xóm mang lên cho em một cặp bánh chưng nhà bác mới vớt. Gửi tiền bác nhất định không lấy, chỉ rằng: Có chút quà Tết gửi “hàng xóm” cùng tòa nhà.”

Cái thói quen có tủ thuốc gia đình như ngày trước ông bà, bố mẹ hay trữ giờ với rất nhiều người là câu chuyện rất xa vời. Thế nên mới có chuyện nửa đêm ốm mệt, cần thuốc thì hiệu thuốc đã đóng cửa, trong nhà thì có… lật đất lên cũng không có một viên. “Ấy thế mà chỉ lại cần một dòng, đến mấy nhà mang thuốc đến cho chị ạ” - Hằng nói. “Ngay như hàng xóm bên có cô bị tụt huyết áp, ngay và luôn hàng xóm đến người mang kẹo, người mang cơm, người mang sang cho gói trà gừng.”

Hội chợ để gây quỹ thiện nghiện của khu chung cư

Hội chợ để gây quỹ thiện nghiện của khu chung cư

Làm công tác ở hội phụ nữ của khu, đồng thời là một thành viên sáng lập ra Hội thiện nguyện Ecohome, chị Lê Na như một cuốn “danh bạ” sống về các hộ sống ở khu Ecohome 1. Chị nói: “Gắn bó ở đây đã hơn 5 năm, tôi còn nhớ từng con người, từng hoàn cảnh mà hội thiện nguyện đã giúp đỡ. Bản thân cuộc sống của gia đình tôi cũng đã từng có người nhà ốm đau, nên tôi thấm thía lắm. Tạo được một tập thể với những tấm lòng nhân ái để hỗ trợ, giúp đỡ mọi người là cái mà tôi tâm niệm, như một cách tích đức cho cuộc sống thảnh thơi hơn.”

Có lẽ chị không bao giờ có thể quên được hoàn cảnh gia đình chị L. (nhân vật xin được giấu tên, E3, Ecohome 1). Anh chị L. lấy nhau có một đứa con, nhưng bé mới 5 tuổi gia đình đã phát hiện cháu bị ung thư gan. Nhà đi thuê, tiền nong thì hạn chế, những lần xạ trị cho con cùng thuốc thang khiến kinh tế gia đình anh chị càng kiệt quệ. Chị Na vô tình biết chuyện bệnh tình của con chị L. trong một lần thẩn tha chơi dưới vườn hoa chung cư. Không làm ngơ được, chị đã đứng lên kêu gọi mọi người trong cộng đồng giúp đỡ gia đình chị L.

“Khó có thể quên được hình ảnh cháu bé chỉ còn da bọc xương nằm thiêm thiếp, nhỏ bé trên chiếc giường để chờ moocphin giảm đau. Bố cậu bé thì vội vàng chạy vào bệnh viện xin thuốc, mẹ cháu thì luống cuống, bấn loạn. May lúc ấy có hàng xóm, các cô, bác cùng khu chạy đến để đỡ đần, cũng mang cho gia đình cháu ít tiền để tạm lo công việc.” Chị Na kể. Và có sự ủng hộ của mọi người, cac chị đã tổ chức một hội chợ nhỏ ngay tại khuôn viên của chung cư, tất cả mọi người tham gia mua – bán đều đồng lòng dành tiền lãi của phiên chợ để ủng hộ gia đình chị L. thêm tiền chạy chữa cho con.

Cũng sau trường hợp cậu bé ung thư đó, bỗng chốc những hộ gia đình ở cái khu chung cư Ecohome 1 ấy như gần gũi nhau hơn. Mọi người thông tin cho nhau, lên danh sách những hộ có hoàn cảnh đặc biệt, những bệnh nhân nặng cần giúp đỡ để kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng… Giúp đỡ cho một ai đó dù ít, dù nhiều cũng khiến mọi người cảm thấy cuộc sống ở cái khu dân cư mới ấy đầm ấm, thân thuộc hơn. Cũng từ đấy, hội nhóm thiện nguyện ra đời, không chỉ giúp đỡ hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mà cánh tay hội còn vươn dài đến cả những hoàn cảnh không may khác trên mọi miền đất nước.

Theo chị Na, sống trong cộng đồng chung, nhất là trong cộng đồng dân cư ở chung cư có những cái khó, cái bất tiện. Nhưng chung cư cũng có những cái tiện mà nếu phát huy được, thì khối đoàn kết của chung cư rất bền bỉ, chặt chẽ hơn nhiều với khối dân cư ở bên ngoài. Sự khơi dậy được tấm lòng thiện của mọi người trong cùng một không gian sống, là cái để hạn chế rất nhiều những ích kỷ, những bon chen và những xô xát thường ngày.

Cũng sống trong một cộng đồng đề cao tính hướng thiện, người ta sẽ tự thấy ngại ngần nếu mình đi ngược lại xu hướng chung của mọi người xung quanh.

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bai-3-nhung-cong-dong-de-cao-tinh-huong-thien-trong-cuoc-song-203950.html