Bài 3: Quốc hội đầu tiên và kỳ họp đặc biệt

Ngày 2/3/1946 - ngày Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I khai mạc - đã là mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới.

Bài liên quan

Bài 1: “Đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”

Bài 2: Tưng bừng Ngày hội non sông đầu tiên

Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của ngày chủ nhật lịch sử - ngày 6/1/1946 đã là tiền đề quan trọng để Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ra đời. Và, ngày 2/3/1946 - ngày Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I khai mạc - đã là mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới.

Quốc hội lập quốc, Quốc hội từ lòng dân

Thắng lợi Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Đúng như nhận định ấy, Quốc hội đầu tiên, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đã ra đời từ lòng dân, từ sự lựa chọn dân chủ, bình đẳng, tự do của tất cả mọi công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo. Quốc hội lập quốc gồm 333 đại biểu dân cử từ cả 3 miền Bắc - Trung - Nam (Bắc Bộ có 152 đại biểu, Trung Bộ có 108 đại biểu, Nam Bộ có 73 đại biểu).

Ngày 2 tháng 3 năm 1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I.

Nói Quốc hội lập quốc là hình ảnh tượng trưng cho khối đại đoàn kết toàn dân là có cơ sở bởi Quốc hội tập hợp đầy đủ các thành phần, từ công nhân, nông dân, trí thức, tới các nhà tư sản, thậm chí cả người buôn bán, có đại diện của cả những đại biểu trẻ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết, từ giới văn sĩ như nhà văn Nguyễn Đình Thi lúc đó mới tròn tuổi 22 tuổi, đến cả đại biểu cao tuổi nhất như cụ Ngô Tử Hạ - nhà tư sản, chủ nhà in Ngô Tử Hạ, nơi lần đầu tiên in đồng bạc cụ Hồ, trở thành đại biểu Quốc hội ở tuổi 64. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, ngoài thế hệ những người “cách mệnh” như Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng... còn có sự hiện diện của những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng như: Nguyên Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát, Đặng Thai Mai... những nhà tư sản, công thương gia như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô, đại diện của tất cả các thành phần dân tộc, từ đa số đến thiểu số như Mường, Tày, Nùng, Thái, Mèo, Hoa, Ba Na, Ka Tu, Ra Đê, Ê Đê, Gia Rai, Khmer... của tất cả những người không đảng phái và các đảng phái chính trị như Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, đại biểu của các thành phần tôn giáo như Thiên Chúa giáo (Linh mục Phạm Bá Trực), Phật giáo (Thượng tọa Thích Mật Thể)…

Quốc hội còn có sự hiện diện của những đại biểu từng là quan lại cao cấp của chế độ cũ như cựu Thượng thư Bùi Bằng Đoàn Vĩnh Thụy, đặc biệt còn có cựu hoàng Bảo Đại, người trước đó vừa nguyện thoái vị để làm công dân của nước Việt Nam tự do.

Kỳ họp đặc biệt

Nói kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I là kỳ họp đặc biệt bởi kỳ họp diễn ra ngày 2/3/1946 tại Thủ đô Hà Nội này chỉ diễn ra trong vòng… 4 tiếng. Trong vòng 4 tiếng ấy, Quốc hội khóa I nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện cho Chính phủ báo cáo những công việc đã làm trong thời gian trước đó. Trong báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Từ giờ về sau, Quốc hội và Chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn, nhưng tôi chắc rằng quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế thì dù có khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2/3/1946). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Cũng trong bài phát biểu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Việc hệ trọng nhất bây giờ là kháng chiến” và đề cập tới việc “Chính phủ lâm thời giao lại quyền cho Quốc hội để tổ chức một Chính phủ mới: một chính phủ kháng chiến và kiến quốc”. Sau khi bày tỏ sự nhất trí, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I đã thông qua danh sách các thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến; lập ra Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội; bầu Ban Thường trực Quốc hội; chấp nhận mở rộng thành phần Quốc hội thêm 70 đại biểu Việt Quốc, Việt Cách không qua bầu cử, nâng tổng số đại biểu Quốc hội khóa I lên thành 403 đại biểu. “Chính phủ nay ra mắt gồm các đại biểu của đảng phái và các anh em không đảng phái, trước đây đã thương lượng và thỏa thuận với nhau, vì vậy sự tổ chức mới nhanh chóng như thế” - Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Chính phủ mới - Chính phủ liên hiệp kháng chiến.

Đặc biệt, Quốc hội thông qua tuyên ngôn của Quốc hội. Tuyên ngôn của Quốc hội tuyên bố với quốc dân Việt Nam và nhân dân thế giới rằng: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam. Chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân”.

Cùng với việc thông qua Tuyên ngôn, các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ nhất thảo luận về việc lập Ban Thường trực để thay mặt Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội. Ban Thường trực Quốc hội được bầu ra với 15 Ủy viên chính thức, 3 Ủy viên dự khuyết, do cụ Nguyễn Văn Tố là Trưởng ban. Quốc hội cũng đã bầu ra Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người.

Có thể nói, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử và của Kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa I cho thấy sự trưởng thành và lớn mạnh của Nhà nước cách mạng Việt Nam. Ngay từ buổi đầu thành lập, Quốc hội đã thực sự là cơ quan quyền lực của toàn thể quốc dân Việt Nam.

Và quan trọng hơn hết thảy, như lời Hồ Chủ tịch trong Diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I: “… Trong cuộc Toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối”, và rằng: “...Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ: tự do, phổ thông, bỏ phiếu kín... Vì vậy, Quốc hội ta là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam...”.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-3-quoc-hoi-dau-tien-va-ky-hop-dac-biet-post131738.html