Siêu bão Beryl đổ vào khiến vùng Caribe 'như ngày tận thế'
Siêu bão Beryl hôm nay đã tấn công các khu vực bờ biển Jamaica sau khi gây ra sự tàn phá trên diện rộng ở các đảo thuộc vùng Caribe, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và nhiều người mất tích. Theo các chuyên gia khí tượng, đây là cơn bão mạnh nhất từ trước tới nay được ghi nhận trong tháng 7.
Thủ tướng Jamaica Andrew Holness đã tuyên bố toàn bộ đảo quốc này là khu vực thảm họa, đồng thời ban bố lệnh giới nghiêm từ 6h sáng đến 18h giờ cùng ngày. Cơn bão nhiệt đới này đã phá vỡ một loạt kỷ lục cả về tốc độ hình thành và đạt tới cấp mạnh nhất ngay từ đầu mùa bão ở Đại Tây Dương. Đây là cơn bão có cường độ tối đa được ghi nhận sớm nhất từ trước đến nay trong mùa bão ở Đại Tây Dương, kéo dài từ ngày 1/6 đến ngày 30/11 hằng năm.
Siêu bão Beryl đã chuyển cường độ từ cấp 1 lên cấp 4 chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ và hôm 2/7 vừa qua đã được tuyên bố là cơn bão cấp 5, cấp cao nhất trong thang cảnh báo bão 5 cấp SAFFIR-SIMPSON, với sức gió lên tới gần 250 km/h. Thủ tướng Grenada Dickon Mitchell đã dùng từ “ngày tận thế” để mô tả sức tàn phá của bão Beryl.
“Để mô tả mức độ tàn phá của cơn bão, thì nó gần giống như ngày tận thế vậy khi phá hủy gần như toàn bộ các tòa nhà, cho dù là tòa nhà công cộng, nhà ở hay các cơ sở tư nhân khác. Bão Beryl phá hủy nông nghiệp và toàn bộ môi trường tự nhiên. Thực sự không còn thảm thực vật nào còn sót lại trên đảo Carriaco. Rừng ngập mặn bị phá hủy hoàn toàn, thuyền bè và bến du thuyền bị hư hại đáng kể. Hệ thống lưới điện ở Carriacou bị phá hủy gần như hoàn toàn." - ông Mitchell nói.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã cảnh báo sự nóng lên toàn cầu sẽ hiến các cơn bão mạnh lên nhanh hơn do nước biển ấm hơn, khiến con người ít có thời gian hơn để chuẩn bị ứng phó với tác động của chúng.
Cơ quan quản lý Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ trước đây đã dự báo, 85% khả năng mùa mưa bão năm 2024 diễn ra trên mức bình thường ở Đại Tây Dương, với khoảng từ 17 đến 25 cơn bão được đặt tên so với mức trung bình hàng năm là 14.