Bài 3: Sức mạnh lòng dân
Từ thời điểm chính thức phát lệnh tổng khởi công, Điện Biên chỉ có hơn 200 ngày để hoàn thành 5.000 ngôi nhà kiên cố, có niên hạn sử dụng 20 năm theo mục tiêu phấn đấu. Thế nhưng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã biến 'áp lực' thành đòn bẩy thúc đẩy tinh thần đoàn kết, thi đua sáng tạo trong toàn dân, với quyết tâm lập nên kỳ tích...
Bài 2: “Mệnh lệnh” từ trái tim
Bài 1: Điện Biên - Vươn lên cùng đất nước
“Gùi” vật liệu nên núi dựng nhà
Chúng tôi có dịp đồng hành cùng anh Khoàng Văn Thắng, Trưởng bản Pa ít, xã Huổi Mí (huyện Mường Chà) trong hành trình đi mua vật liệu xây dựng nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo trong bản. Với đặc thù chưa có đường, nên việc vận chuyển nguyên vật liệu rất khó khăn, vất vả. Anh Thắng phải vượt hơn 120km (cả đường nhựa và đường rừng) để ra thị trấn Mường Chà mua mái tôn, sắt thép, xi măng… rồi thuê xe chở xuống bến đò Huổi Lóng (xã Na Sang), sau đó tập kết lên thuyền chở về bản.
Trên con thuyền chở vật liệu xuôi về Pa Ít, anh Thắng chia sẻ: Đây là bản nghèo nhất, thuộc xã nghèo nhất của huyện Mường Chà, với nhiều cái không (điện, đường, nước sinh hoạt…) 100% đều là hộ nghèo; trình độ bà con hạn chế, không thể tự tính toán nguyên vật liệu trong việc xây nhà. Vì thế, tôi đã cùng với 6 anh em trong bản đứng ra nhận làm nhà cho bà con. Đợt này, có 13 hộ được hỗ trợ, số lượng lớn nhất từ trước tới nay nên khá vất vả và mất nhiều thời gian. Vì chương trình lần này không “đóng khung” về mẫu nhà nên bà con có thêm sự lựa chọn phù hợp hơn. 100% hộ trong bản đã chọn làm nhà khung sắt để giảm công và chi phí vận chuyển. Do trong chưa có điện nên sắt làm cột, kèo, xà cũng được anh em đo đạc chi tiết cẩn thận, hàn cố định tại Huổi Lóng, sau đó vận chuyển về chỉ việc dựng.
Sau gần 1 giờ đi thuyền, chúng tôi có mặt tại bến sông Pa Ít. Đã rất đông người dân đứng chờ tại đây, từ thanh niên trai tráng, phụ nữ đến những bác trung niên ngoài 50 tuổi. Họ gọi nhau đến để giúp chủ nhà vận chuyển vật liệu về. Người gùi, người vác, người khiêng, người lại chở bằng xe máy, mọi công việc diễn ra thủ công, cực nhọc, song khuôn mặt ai nấy đều rất vui vẻ, phấn khởi. “Chồng tôi vừa mất cách đây mấy tháng, nhà chỉ có mấy mẹ con, cháu lớn năm nay mới 15 tuổi, cháu bé được hơn 7 tháng tuổi, tôi không thể tự mình xây nhà được phải nhờ đến trưởng bản Thắng. May quá, các hộ dân trong bản hỗ trợ rất nhiệt tình, giúp gia đình đẩy nhanh tiến độ làm nhà. Tôi hạnh phúc lắm, vì sắp được ở trong ngôi nhà mới khang trang rồi!” - Chị Sâu bộc bạch.
Đồng loạt triển khai làm nhà cũng dẫn đến khó khăn trong việc tìm thợ xây, nhất là tại các thôn, bản. Chưa kể, kinh phí nguyên vật liệu khi vật chuyển vào các địa bàn này lại “đội” lên cao hơn. Chính vì vậy, với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Ban chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền địa phương, mỗi hộ được hỗ trợ đều phát huy tối đa “sức mạnh” của cộng đồng. Đơn cử như gia đình anh Sùng A Chinh, thôn Trung Phàng Khổ, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa. Theo anh Chinh chia sẻ thì gia đình đã tích lũy gỗ từ nhiều năm nay nhưng chưa có điều kiện làm nhà vì thiếu vốn. Nay nhận được sự hỗ trợ của chương trình, anh đã quyết tâm dựng nhà mới khang trang. Ngoài số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng để trả công thợ, mua thêm vật liệu, gia đình đã huy động thêm được trên 50 công san nền, lấy đá xây kè và dựng nhà. Hiện ngôi nhà đã xong phần nền, kè móng và dựng khung; dự kiến giữa tháng 10 sẽ hoàn thiện toàn bộ.
Trong chiến dịch “thần tốc” lần này, Điện Biên Đông là địa phương dẫn đầu tỉnh về tiến độ. Có được kết quả đó, ngay từ đầu huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, chung tay vào cuộc của người dân, với đa dạng cách làm hay, như: Huy động người thân trong gia đình, bà con dân bản giúp ngày công, tiền mặt; vay Ngân hàng chính sách xã hội để đối ứng thêm; thành lập các tổ thợ hỗ trợ làm nhà với kinh phí thấp; lấy công đổi công giữa các hộ… Anh Lò Văn Thanh, bản Lọng Chuông, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, chia sẻ: Từ 50 triệu đồng hỗ trợ, gia đình đã huy động thêm các nguồn lực khác để dựng được ngôi nhà sàn rộng trên 100m2. Đây là thành quả ngoài sức tưởng tượng của gia đình. Với việc lấy công đổi công, anh đã giảm được hơn 100 triệu đồng.
Khó đâu gỡ đó
Nhiều năm qua, không chỉ Điện Biên mà khắp các địa phương trong cả nước đã triển khai không ít chương trình hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, với mục đích là giúp đồng bào an cư. Thế nhưng, thực tế đã có không ít câu truyện về việc sau khi làm xong nhà thì người được thụ hưởng lại không đến ở vì cho rằng không phủ hợp với phong tục tập quán, điều kiện địa phương; hay vẫn tồn tại tư tưởng trông chờ, ỉ lại, coi việc làm nhà là của các cấp chính quyền địa phương… Đúc rút kinh nghiệm quý báu, tại chương trình lần này, Điện Biên đã triển khai bài bản khoa học ngay từ khâu tuyên truyền, cho đến từng phần việc triển khai thực hiện.
Ban chỉ đạo hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết được thành lập từ tỉnh đến cơ sở (cấp thôn bản), do đồng chí Bí thư cấp ủy làm trưởng ban, mỗi Ban chỉ đạo các cấp đều có tổ giúp việc. “Sợi chỉ” xuyên suốt trong cả quá trình triển khai đó là phương châm “Nhà hảo tâm hỗ trợ bằng tiền - Nhân dân chủ động tổ chức xây dựng nhà ở Đại đoàn kết” và nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình chủ động làm nhà”. Bởi vậy, một trong những tiêu chí đặt ra ngay từ khâu rà soát, lập danh sách là các hộ gia đình được hỗ trợ phải thực sự có nhu cầu làm nhà ở; chủ động tổ chức xây dựng nhà ở; cộng đồng dân cư nhất trí bình xét và cam kết hỗ trợ. Chủ động lựa chọn mẫu nhà phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của dân tộc; diện tích nhà tối thiểu 36m2, trường hợp đặc biệt khó khăn, hộ gia đình neo đơn, người cao tuổi thì diện tích tối thiểu là 30 m2; bảo đảm tiêu chuẩn “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng), tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
Tính đến giữa tháng 12, toàn bộ 5.000 hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh đã triển khai làm nhà Đại đoàn kết (đạt 100%). Trong đó, 4.394 hộ đã hoàn thành việc làm nhà (đạt 88%) và 606 hộ đang triển khai làm nhà.
Toàn tỉnh có 3 địa phương: TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay và huyện Điện Biên Đông đã hoàn thành. Các huyện còn lại số hộ nghèo đã làm xong nhà đại đoàn kết đạt tỷ lệ cao (trên 80 – 95%); đều đang quyết tâm, nỗ lực sớm hoàn thiện. Phấn đấu cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào các dân tộc, hoàn thành việc hỗ trợ làm nhà theo Đề án trước ngày 3/2/2024 theo đúng kế hoạch đề ra. Món quà thiết thực, nhân văn của cả nước đang được Điện Biên trân trọng bằng kết quả triển khai với minh chứng thiết thực ấy.
Bài 4: An cư giữ đất biên cương
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/211870/bai-3-suc-manh-long-dan