Thanh Hóa tìm đáp án cho bài toán giải phóng mặt bằng: Hái quả ngọt

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các ngành, đơn vị chức năng cùng tinh thần, trách nhiệm và cách làm sáng tạo của cán bộ, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ năm 2023 đến nay, đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giới thiệu quy hoạch cảng biển Nghi Sơn cho các doanh nghiệp đến đây tìm hiểu đầu tư

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giới thiệu quy hoạch cảng biển Nghi Sơn cho các doanh nghiệp đến đây tìm hiểu đầu tư

Năm 2023, diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt bằng của toàn tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 2.286 ha/2.369 ha, hoàn thành 96,49% so với kế hoạch và gấp 1,47 lần so với năm 2022, để thực hiện 726 dự án đầu tư. Trong đó có 10 đơn vị đã hoàn thành và vượt kế hoạch, là năm có tỷ lệ giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh cao nhất từ trước đến nay.

TỶ LỆ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG CAO NHẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY

Theo kế hoạch giải phóng mặt bằng năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện giải phóng mặt bằng đối với 778 dự án đầu tư có sử dụng đất, với tổng diện tích 2.166,874 ha; trong đó có 627 dự án đầu tư công, diện tích hơn 1.056 ha và 151 dự án đầu tư của doanh nghiệp, diện tích hơn 1.110 ha.

Bài 1: Thanh Hóa tìm đáp án cho bài toán giải phóng mặt bằng: Nhận diện điểm yếu

Bài 2: Thanh Hóa tìm đáp án cho bài toán giải phóng mặt bằng: Cùng hành động

Đến ngày 31/7/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa đã giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư có sử dụng đất được 1.770,893 ha, bằng 81,73% kế hoạch, gấp 1,51 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 3 huyện có tỷ lệ giải phóng mặt bằng vượt kế hoạch được giao, gồm: Thọ Xuân (109,28 ha, vượt 81,05%); Yên Định (79 ha, vượt 11,27%); Nga Sơn (62,3 ha, vượt 3,17%).

Có 13 huyện, thành phố có tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt trên 80% kế hoạch. Có 5 huyện có tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt từ 70% đến dưới 80% kế hoạch. Có 6 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt dưới 70% kế hoạch.

Cùng với đó, trong 2 năm qua, nhiều dự án công trình trọng điểm quốc gia thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như Cao tốc Bắc - Nam, Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) đều được tỉnh này thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất “sạch” cho nhà thầu thi công đúng tiến độ.

Như đối với dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên), trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 2 dự án thành phần thuộc Dự án đường dây 500kV mạch 3 đi qua là: Dự án đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa, quy mô qua tỉnh Thanh Hóa dài 56,4km, gồm 133 vị trí móng cột, 55 khoảng néo, trên địa bàn 6 huyện gồm: Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định và Thiệu Hóa; Dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, quy mô qua tỉnh Thanh Hóa dài 74,6km, gồm 166 vị trí móng cột và 132 khoảng néo, trên địa bàn 5 huyện và 1 thị xã gồm: Nông Cống, Như Thanh, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Đông Sơn và thị xã Nghi Sơn.

Theo đó, Thanh Hóa là tỉnh có số lượng móng, cột nhiều nhất với 299 vị trí và là 1 trong 2 tỉnh có quy mô tuyến đường dây dài nhất trong số các tỉnh có tuyến đường dây đi qua với 131km.

Riêng về giải phóng mặt bằng, tái định cư, khối lượng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa rất lớn. Tổng số hộ có nhà ở, đất ở bị ảnh hưởng là 268 hộ.

Theo Phó chủ tịch UBND Thanh Hóa Mai Xuân Liêm, mặc dù là dự án trọng điểm quốc gia, tiến độ thực hiện gấp rút, nhưng các dự án này không có cơ chế đặc thù riêng nên vẫn phải tuân thủ theo đúng các quy trình, thủ tục và các quy định của pháp luật có liên quan về đầu tư xây dựng cơ bản. Sớm xác định được những khó khăn, vướng mắc trên, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, khẩn trương bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện các dự án.

Các địa phương tại Thanh Hóa nơi thực hiện dự án đã tổ chức họp dân, trao đổi, công khai phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án Đường dây 500 kV mạch 3.

Đến từng hộ gia đình, tranh thủ cả buổi tối và ngày nghỉ để gặp gỡ, vận động Nhân dân; đồng thời rà soát và thống nhất phương án giải tỏa. Các địa phương và chức năng tỉnh này bám sát tình hình thực tế, đôn đốc, hỗ trợ người dân thực hiện di dời. Bố trí tái định cư cho người dân tại những mặt bằng có vị trí thuận lợi, đầy đủ hạ tầng cơ bản.

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, cho biết: "Ban Thường vụ thị xã Nghi Sơn đã triển khai thành lập ban vận động tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với hội đồng bồi thường, chính quyền các xã, nơi có đường dây đi qua để tuyên truyền, vận động người dân. Trong quá trình triển khai vận động, có nhiều hộ đi làm ăn xa, chúng tôi đã tìm mọi cách để liên lạc qua gia đình để nhận được sự đồng thuận. Ngoài ra trong quá trình thực hiện, lãnh đạo thị xã cũng thường xuyên có mặt ở hiện trường, đảm bảo mọi vướng mắc, khó khăn của người dân đều được giải quyết kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật".

Đến ngày 29/5/2024, toàn bộ công tác giải phóng mặt mặt bằng phục vụ thi công dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành, bảo đảm theo đúng cam kết của tỉnh này với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đến thăm, động viên gia đình ông Lê Vinh Tri ở xã Tân Trường. Đây là hộ dân cuối cùng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đồng thuận Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) chạy qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa với 132km đường dây.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đến thăm, động viên gia đình ông Lê Vinh Tri ở xã Tân Trường. Đây là hộ dân cuối cùng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đồng thuận Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) chạy qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa với 132km đường dây.

Không chỉ là hoàn thành lời hứa với người đứng đầu Chính phủ, với việc sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Thanh Hóa đã góp phần quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đóng điện sắp tới, đưa dòng điện từ miền Trung ra miền Bắc, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.

NHIỀU "ĐẠI BÀNG" ĐÃ TÌM ĐẾN XÂY TỔ

Những “trái ngọt” từ việc quyết liệt trong giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất “sạch” cùng với những đổi mới trong các chính sách trong thu hút đầu tư khác, từ năm 2023 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu quay lại “đường đua” thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn ngoại.

Cụ thể, trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 223,81 triệu USD, gấp 2,1 lần về số dự án và 2,86 lần số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, Thanh Hóa chấp thuận điều chỉnh vốn cho 08 dự án FDI với số vốn tăng thêm là 63,64 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, vốn góp 11,35 triệu USD, gấp 21 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 157 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,616 tỷ USD. Trong đó có 75 dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, 82 dự án ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.

Tổng vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2023 ước đạt 453,5 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh này được triển khai thực hiện cơ bản bảo đảm tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cam kết của nhà đầu tư.

Trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng thu hút được trên 20 dự án FDI mới, với vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó có một số dự án quy mô lớn, như: Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn, vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD, Dự án Trung tâm thương mại Aeon mall, với vốn đầu tư 170 triệu USD...

Đặc biệt, trong những dự án trên, Thanh Hóa có tới 6 dự án hạ tầng khu công nghiệp, với tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng.

Cụ thể như dự án Khu công nghiệp WHA Smart Technology, thuộc một phần Khu công nghiệp Phú Quý, huyện Hoằng Hóa, do Tập đoàn WHA (Thái Lan) đề xuất đầu tư, với diện tích 178,5 ha và tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng, dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ. Khu công nghiệp WHA Smart Technology 2 - Thanh Hóa, thuộc một phần Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa do Tập đoàn WHA - Thái Lan đề xuất, với diện tích 174,9 ha, tổng vốn đầu tư 1.275 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Sumitomo Corporation, Nhật Bản với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phía Tây , thành phố Thanh Hóa, Trung tâm tiếp vận và phát triển đô thị xung quanh khu công nghiệp.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Sumitomo Corporation, Nhật Bản với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phía Tây , thành phố Thanh Hóa, Trung tâm tiếp vận và phát triển đô thị xung quanh khu công nghiệp.

Tiếp đến, Dự án Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa - giai đoạn 1 do Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản đề xuất, với diện tích 167 ha, tổng vốn đầu tư 2.918 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Khu công nghiệp số 19, thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn do Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Việt - Nhật Hợp Thành đề xuất, với diện tích 295 ha, tổng vốn đầu tư 2.360 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định và yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án.

Thêm nữa, Dự án Khu công nghiệp số 17 thuộc Khu công nghiệp Nghi Sơn do Công ty cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn đề xuất, với diện tích 570,12 ha, tổng vốn đầu tư 6.432 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và đề nghị hoàn thiện hồ sơ. Khu công nghiệp dược phẩm công nghệ cao Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 1, thuộc Khu công nghiệp số 20 - Khu kinh tế Nghi Sơn do Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP, Công ty TNHH Sri Avantika Contractors và ông Ramesh Babu Potluri (Ấn Độ) đề xuất, với diện tích 142,2 ha, tổng vốn đầu tư 1.470 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định.

Những dự án này khi đi vào hoạt động là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đã và đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp “đại bàng” trong nước như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Flamingo Holding, Tập đoàn Sao Mai... với những dự án lớn hàng nghìn tỷ đồng.

Trao đổi với VnEconomy, ông Lê Văn Ba, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai, chi nhánh tại Thanh Hóa, cho biết: “Hiện nay phía công ty đang triển khai nhiều dự án lớn tại Thanh Hóa với vốn đầu tư mỗi dự án lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Để tin tưởng chọn Thanh Hóa là điểm đến đầu tư tại khu vực phía Bắc, lãnh đạo tập đoàn không chỉ nhận thấy những dư địa phát triển tới đây của tỉnh này, khi đang đang dần trở thành trục tứ giác kinh tế của miền Bắc cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Mà cộng thêm các yếu tố quan trọng khác như chính sách thu hút đầu tư, sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp, trong đó có sự phối hợp tích cực trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ cho các doanh nghiệp thực hiện tốt tiến độ các dự án. Điều đó được thể rõ qua 3 dự án công ty chúng tôi đã và đang triển khai tại các huyện Triệu Sơn và Thọ Xuân”.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bai-3-thanh-hoa-tim-dap-an-cho-bai-toan-giai-phong-mat-bang-hai-qua-ngot.htm