Bài 3: Thay đổi hay...'sống mòn'?
TS. BS Đinh Xuân Anh Tuấn, chuyên gia hàng đầu ngành Hô hấp của Việt Nam, Giám đốc Dự án Trung tâm Hô hấp Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng từng khẳng định: 'Ô nhiễm không khí đang 'giết' chết nhiều người hơn cả tai nạn giao thông, gấp ba lần AIDS, lao, sốt rét cộng lại'.
Ông cảnh báo: “Sức khỏe, sự sống và chuỗi hoạt động của con người đều có mối liên hệ chặt chẽ với môi trường. Nếu môi trường - đặc biệt là bầu khí quyển - bị hủy hoại, con người khó mà tồn tại. Thay đổi hay... “sống mòn” là sự lựa chọn của mỗi người dân, mỗi quốc gia”.
* Giảm phát thải, cứu môi trường
Xác định “thủ phạm” gây ô nhiễm bầu khí quyển lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là khí thải từ hoạt động giao thông. Để cứu môi trường, hàng loạt giải pháp cần được triển khai, trong đó tập trung cho công tác kiểm soát nguồn thải để có biện pháp giảm thiểu phát thải.
Từ năm 2018, Bộ Giao thông – Vận tải đã triển khai Dự án Nghiên cứu việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu từ diesel sang khí thiên nhiên nén (CNG) đối với hệ thống xe buýt. Sau khi triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh với 50 xe buýt đầu tiên mã số 01 sử dụng nhiên liệu CNG, có lộ trình hoạt động dài gần 9 km, tuyến Bến Thành - Chợ Lớn, khí phát thải đã có giảm.
Từ nay đến năm 2020, sẽ có thêm 800 xe buýt nữa sử dụng CNG. Theo tính toán, việc sử dụng nhiên liệu CNG sẽ giúp giảm 63% khí thải độc hại, giảm 20% khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm được từ 30 - 40% nhiên liệu, không có bụi và khói đen do nhiên liệu được đốt cháy triệt để. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số giảm ít ỏi trong hành trình gian nan giảm thiểu phát thải mà cả nước đang đối mặt.
Bên cạnh đó, từ năm 2017, Dự án hệ thống quản lý điều khiển phương tiện sinh thái (EMS) cũng đã được triển khai tại Hà Nội với hoạt động nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện và ý thức điều khiển phương tiện sinh thái cho các lái xe taxi. Trong 1.000 xe taxi tham gia điều khiển phương tiện EMS, đã giảm được khoảng 1.000 tấn CO2/năm do nhiên liệu được sử dụng hiệu quả.
Cần có Luật không khí sạch
Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Change cũng cho rằng: “Nếu đầu tư 1 USD vào kiểm soát ô nhiễm không khí, thì tương lai sẽ tiết kiệm được 15 USD chi phí về sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí. Các giải pháp hiện nay nhiều người đưa ra như: hạn chế khí thải, dùng phương tiện công cộng, sử dụng máy lọc không khí... chỉ là các biện pháp trước mắt. Về lâu dài, cần có Luật Không khí sạch mới thay đổi được chất lượng không khí ở tương lai”.
Mặc dù nhiều giải pháp nhằm giảm tác động đến chất lượng không khí tại nhiều thành phố lớn được triển khai, nhưng tình trạng chưa kiểm soát hết nguồn thải, đặc biệt sự phát triển tràn lan của nhiều loại phương tiện cá nhân đã vượt tầm kiểm soát, dẫn đến những gì đạt được chỉ như muối bỏ biển. Bởi những ngày tháng 11 này, tình trạng ô nhiễm không khí ở một số tỉnh thành vẫn đang rất nghiêm trọng. Chẳng hạn như chất lượng không khí ở Hà Nội đã ô nhiễm lên đến mức cảnh báo màu tím (rất xấu) và ngấp nghé mức cảnh báo màu nâu (nguy hại); còn tại TP. Hồ Chí Minh, chất lượng không khí cũng giảm sút nghiêm trọng, thường xuyên ở mức rất xấu khiến nhiều người dân hoang mang.
Từ thực trạng này, tại buổi tọa đàm “Tám về môi trường” với nội dung: “Báo động về ô nhiễm không khí tại Việt Nam: Lựa chọn nào cho tương lai?” do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (Change) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Đình Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Con người – một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực môi trường khẳng định: “Chất lượng không khí đang bị ô nhiễm nặng nề, tác động lớn đến chất lượng sống của người dân. Kết quả nghiên cứu cho thấy “dẫn đầu bảng xếp hạng” gây ô nhiễm bầu khí quyển chính là xe máy với “đóng góp” 90% lượng khí CO2”. Giảm lượng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát nguồn thải từ hoạt động này là giải pháp tối ưu nhất để giảm thiểu ô nhiễm không khí”.
Trăn trở về vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam, PGS.TS. Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên cũng cho rằng, Chính phủ cần phải quyết liệt hơn trong việc giảm lưu lượng cơ giới, kiểm soát khí thải. Bởi theo ông, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách, làm nhiều việc ngăn chặn ô nhiễm không khí, nhưng thực tế là hệ thống văn bản pháp quy rất nhiều nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả.
Ông lấy ví dụ, Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố” đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2010 nhưng đến nay chưa triển khai, trong khi nhiều phương tiện giao thông cũ nát, quá hạn sử dụng rất lâu, thải nhiều khí độc hại nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại và tham gia giao thông. Ước tính khoảng 90% khí thải gây ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ các phương tiện cơ giới cá nhân. Trong khi đó, các quốc gia có nhiều xe máy như Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... đã thực hiện kiểm tra khí thải từ hơn chục năm nay.
* Cần Luật Không khí sạch
Mới đây, tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã đề xuất về việc cần thiết ban hành Luật Không khí sạch. Về vấn đề này TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP) rất đồng thuận.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, lâu nay chúng ta chỉ có Luật Bảo vệ môi trường và tất cả các vấn đề quản lý nguồn nước, không khí, chất thải... đều nằm trong đó. Nếu muốn quản lý tốt nguồn tài nguyên nào, thì phải có một luật riêng cho nó. Không khí cũng vậy, muốn quản lý và cải thiện chất lượng không khí thì phải có cách tiếp cận một cách toàn diện, tổng thể với nhiều giải pháp đồng bộ: quy hoạch sử dụng đất phù hợp; quản lý nhu cầu đi lại; quản lý chất lượng nhiên liệu; quản lý, kiểm soát các nguồn thải di động, nguồn thải cố định; quan trắc, báo cáo, thông tin chất lượng không khí; áp dụng các công cụ kinh tế (phí, thuế, hạn ngạch xả thải có thể chuyển nhượng...); ứng phó các sự cố về môi trường không khí; quản lý chất lượng không khí trong nhà; quản lý chất lượng không khí theo khu vực đặc thù, theo địa hình và khí hậu... Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, quản lý môi trường không khí cũng cần phải gắn với bảo vệ tầng ozone, ngăn ngừa mưa axit, khuyến khích sử dụng năng lượng, nhiên liệu sạch, tái tạo...
Để thực hiện các giải pháp quản lý chất lượng không khí, Việt Nam cần phải xây dựng một văn bản luật chuyên biệt về Bảo vệ môi trường không khí (hay Luật Không khí sạch) như nhiều nước trên thế giới. Luật này sẽ quy định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ ngành, các doanh nghiệp, người dân, các bên liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương, đô thị trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Hiện nay, Việt Nam đã cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên hiệp quốc. Theo đó, phải bảo đảm cho người dân được sống trong môi trường trong lành, phải xây dựng các đô thị bền vững và đáng sống. Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện Thỏa thuận Pari về cắt giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng và thực thi hiệu quả Luật Không khí sạch sẽ góp phần tích cực cho việc thực hiện các cam kết trên - TS. Tùng chia sẻ.