Bài 3: Thông tuyến

BÀI 1: 'Tắc' đường bộ lẫn đường thủy

BÀI 2: Tăng tốc

Với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang được khẩn trương triển khai thực hiện.

Song song đó, nhiều dự án mang tính động lực khác cũng đang chuẩn bị đầu tư được kỳ vọng sẽ giúp vùng đất “Chín Rồng cất cánh”.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chuẩn bị đưa vào khai thác, giúp “khơi thông” cửa ngõ vùng ĐBSCL.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chuẩn bị đưa vào khai thác, giúp “khơi thông” cửa ngõ vùng ĐBSCL.

NỐI NHỊP

Sau thời gian dài đình trệ, vừa qua, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ khởi công Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỷ đồng sẽ nạo vét mở rộng luồng chạy tàu bờ Nam kinh Chợ Gạo, tổng chiều dài khoảng 9,85 km; thi công công trình bảo vệ bờ Nam kinh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh… Sau khi cải tạo, đoạn luồng trên đạt quy chuẩn luồng đường thủy cấp II, với chiều sâu hơn 3,5 m, rộng hơn 50 m, giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi hơn. Dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Sau bao nỗ lực, dịp Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào phục vụ lưu thông để “chia lửa” với Quốc lộ 1, đáp ứng kỳ vọng của hơn 20 triệu người dân trong vùng.

Điều này cho thấy những chuyển biến tích cực trong đầu tư hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Bởi sau hơn 10 năm triển khai, dự án này vẫn ì ạch, nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, tổng mức đầu tư, với nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Đến nay, tuyến cao tốc này đã đi đến giai đoạn cuối, đang hoàn thiện một vài hạng mục cuối cùng. Dự kiến, đến cuối tháng 4-2022, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đưa vào vận hành chính thức. Điều này đánh dấu “nút thắt” giao thông nơi cửa ngõ ĐBSCL chính thức được tháo gỡ.

Cùng với “nút thắt” cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khơi thông, 2 dự án quan trọng khác kết nối với tuyến đường này là cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đang được khẩn trương triển khai thi công. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2023, 2 dự án này sẽ được đưa vào vận hành, tạo sự kết nối đồng bộ với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Như vậy, với những dự án lớn, mang tính kết nối vùng được thực hiện, thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ và ngược lại được rút ngắn, chỉ mất khoảng 2,5 giờ. Điều này sẽ giúp “xóa sổ” điểm đen kẹt xe tại cầu Mỹ Thuận hiện hữu. Quan trọng hơn hết, các dự án sẽ tạo nên sự kết nối đồng bộ từ TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, giúp kéo gần khoảng cách giữa các tỉnh miền Tây và TP. Hồ Chí Minh. Điều này có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư đối với các tỉnh, thành trong khu vực.

Song hành với các dự án giao thông có quy mô lớn đã và đang được triển khai, theo kế hoạch đến cuối tháng 3-2022 này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ chính thức khởi công Dự án Cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Việc xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là nhu cầu bức thiết để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại cầu Rạch Miễu hiện hữu. Dự án này còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre, Trà Vinh…

TẠO ĐỘNG LỰC MỚI

Để phát triển khu vực ĐBSCL, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm. Tại buổi làm việc trực tuyến với 13 tỉnh, thành ĐBSCL vào ngày 15-2 về việc triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện ngành Giao thông đang triển khai nhiều dự án tại khu vực ĐBSCL; trong đó, có 2 dự án đường thủy gồm: Dự án Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, Dự án Gia cố kinh Quan Chánh Bố để đưa tàu biển đi vào TP. Cần Thơ. Ngoài ra, còn có các dự án giao thông đường bộ đang triển khai gồm: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 từ ngã bảy tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng; tuyến tránh TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang; tuyến tránh TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; cầu Rạch Miễu 2.

Tuyến kinh Chợ Gạo đang được đầu tư nâng cấp giai đoạn 2.

Tuyến kinh Chợ Gạo đang được đầu tư nâng cấp giai đoạn 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, chưa giai đoạn nào mà Chính phủ triển khai một loạt dự án giao thông vô cùng quan trọng, mang tính sống còn với ĐBSCL. Đến thời điểm này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết tại Kỳ họp thứ I thông qua danh mục các dự án đầu tư trong nhiệm kỳ này. Vừa qua, trong kỳ họp đột xuất, Quốc hội cũng tiếp tục thông qua chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án trọng điểm sẽ được triển khai.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, tất cả những dự án ở ĐBSCL chuẩn bị đầu tư đã được ngành chuẩn bị sẵn sàng. Trong đó, có 1 dự án sẽ được báo cáo Quốc hội trong tháng 5 này là Dự án Đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, với tổng kinh phí trên 45.000 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ GTVT đã tập trung làm việc quyết liệt với Hội đồng thẩm định Quốc gia và chắc chắn sẽ trình lên Quốc hội trong tháng 5-2022.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngoài các dự án trên, tuyến đường Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã được bổ sung thêm 1.700 tỷ đồng vốn đầu tư công để nâng cấp. Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn tuyến từ Đồng Tháp đến Cần Thơ để thi công một số cầu vượt, hàng rào, đường gom. Một dự án lớn nữa là cầu Đại Ngãi (bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng) đã được bố trí vốn khoảng 8.000 tỷ đồng. Riêng dự án cao tốc từ Cần Thơ đi Cà Mau nằm trong tuyến cao tốc Bắc Nam hiện đang được Bộ GTVT lập dự án khẩn trương. Dự án này có chiều dài khoảng 109 km đã được bố trí vốn.

Các địa phương phải tập trung triển khai, bởi dự án này nằm trong nghị quyết Đại hội Đảng. Dự án Đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh với kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng hiện đang được Bộ GTVT khẩn trương thực hiện sẽ được triển khai sớm bằng hình thức đầu tư công 100%. Ngoài ra, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT cũng sẽ triển khai Dự án Mỹ An - Cao Lãnh từ nguồn vốn ODA.

Song song đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong nhiệm kỳ này, ngành Giao thông quyết tâm phát triển khai đầu tư cảng Trần Đề. Tinh thần là phải hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết vùng nước, vùng đất, quy hoạch 1/2000. Đối với dự án này, Bộ GTVT đã bố trí 500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ các khoản cần thiết nhằm giúp nhà đầu tư triển khai nhanh.

“Nhiệm kỳ này, Chính phủ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL khoảng 100 ngàn tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay. Nếu hoàn chỉnh các dự án theo kế hoạch, chúng ta sẽ có gần 400 km đường cao tốc, cộng với hơn 100 km đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ. Hiện điều đáng nói là không phải dự án nào triển khai cũng đều suôn sẻ. Rất nhiều dự án đang rất cần sự hỗ trợ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

THÁI AN - ANH THƯ

(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202203/xay-duong-bang-cho-dat-chin-rong-bai-3-thong-tuyen-945960/