Bài 3: Tích cực, kiên trì 'chữa lành' những tật xấu của người Việt
Trong sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng nhân cách con người Việt Nam là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng nhất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người Việt Nam truyền thống có rất nhiều đức tính tốt đẹp, nhưng do tâm lý văn hóa tiểu nông hàng nghìn đời ăn sâu vào máu và bị ảnh hưởng những mặt trái của cơ chế thị trường nên người Việt hiện nay cũng đang bộc lộ không ít hạn chế cần phải khắc phục.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với GS, TSKH Trần Ngọc Thêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Nghiêm túc nhận rõ những mặt hạn chế của người Việt
Phóng viên (PV): Được biết ông là một chuyên gia đã dày công nghiên cứu về hệ giá trị văn hóa-con người Việt Nam. Theo ông, những nét chung nhất về hệ giá trị con người Việt Nam truyền thống tập trung nổi bật ở những phẩm chất tích cực nào?
GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu của những người đi trước và khảo sát thực tế Việt Nam, chúng tôi đã chắt lọc và hệ thống hóa được 23 phẩm chất cốt lõi và nhóm lại theo 5 đặc trưng bản sắc của người Việt là: Tính cộng đồng làng xã; tính trọng âm (thiên về âm tính); tính ưa hài hòa; tính ưa kết hợp; tính linh hoạt. Ví như, tính cộng đồng làng xã biểu hiện ở những phẩm chất tốt, như: Tình đoàn kết, giúp đỡ nhau; tính tập thể, thương người; tính dân chủ làng xã; tính trọng thể diện; tình yêu quê hương, làng xóm; lòng biết ơn. Tính trọng âm thể hiện ở các phẩm chất, như: Ưa ổn định; hòa hiếu, bao dung; trọng nghĩa tình; lòng hiếu khách… Tính ưa hài hòa có các biểu hiện, như: Tính mực thước; tính ung dung; tính vui vẻ, lạc quan… Tính ưa kết hợp thể hiện ở khả năng bao quát tốt, thích nghi tốt. Tính linh hoạt thể hiện ở khả năng thích nghi cao; tính sáng tạo. Tổng hợp các đặc trưng trên, người Việt có những phẩm chất nổi bật là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; lòng nhân ái, thương người; tính tinh tế.
PV: Nói về dân tộc mình, người ta thường ngại nói về những điểm yếu. Nhưng dưới góc nhìn của một nhà khoa học, ông có thể thẳng thắn nêu ra trong nhân cách người Việt hiện nay còn tồn tại những thói hư tật xấu nào?
GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: Trước hết cần nói rằng, không chỉ nhân cách người Việt, mà nhân cách con người ở các cộng đồng, dân tộc khác trên thế giới cũng có những mặt mạnh-yếu, ưu điểm-nhược điểm không giống nhau. Qua nhiều năm nghiên cứu cùng các cộng sự, ngoài những phẩm chất tốt nêu trên, chúng tôi đã tổng hợp được 30 tật xấu của người Việt, trong đó có: Bệnh thành tích; thói dựa dẫm; bệnh nói xấu sau lưng; bệnh hình thức, bệnh sĩ diện, háo danh; bệnh bè phái, thiếu hợp tác; tật ham vui; bệnh vô cảm, chặt chém; thói tò mò; bệnh đối phó; bệnh hám lợi; bệnh lề mề, chậm chạp; bệnh sùng ngoại; bệnh tự ti; bệnh sống bằng quan hệ; bệnh thiếu ý thức pháp luật; thói tùy tiện, cẩu thả; thói kiêu ngạo; thói khôn vặt, láu cá; bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm; tật ăn cắp vặt…
PV: Thế nghĩa là không hẳn người Việt ta chỉ có điểm tốt, điều hay như một số người ảo tưởng. Vậy, những thói hư tật xấu đó trong nhân cách người Việt xuất phát từ đâu, thưa ông?
GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: Chúng ta đều biết trên đời này không có gì là toàn bích. Ở tính cách con người của mọi dân tộc, bên cạnh những phẩm chất tốt còn có những điểm chưa tốt là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ở Việt Nam hiện nay các thói hư tật xấu đang có xu hướng lây lan. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự biến động của giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống khi bối cảnh tồn tại của nó bị thay đổi. Trong lịch sử, sự biến động giá trị văn hóa thể hiện rõ nhất là từ khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Bên cạnh các giá trị văn hóa văn minh mà ta tiếp nhận được, cứ sau mỗi lần biến động, lại nảy sinh ra các tật xấu. Các tật xấu này bắt đầu được các nhà trí thức nói đến từ những năm đầu thế kỷ 20, rồi xuất hiện đa dạng hơn sau khi nước ta chuyển sang chế độ chính quyền công nông từ ngày 2-9-1945. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra nhiều tật xấu của các cán bộ địa phương.
Từ khi đất nước đổi mới đến nay, khi mà sự xung đột giữa tính nông nghiệp-nông thôn-nông dân trong truyền thống và tính công nghiệp-đô thị-công dân mà Việt Nam đang hướng tới trở nên nghiêm trọng, thì hệ giá trị truyền thống càng biến động mạnh mẽ và các tật xấu càng trở nên đa dạng và có phần nghiêm trọng hơn. Vấn đề này không chỉ là sự quan ngại của các nhà khoa học, nhà văn hóa, mà đã trở thành nỗi lo thường trực của Đảng, Nhà nước thể hiện trong nhiều văn kiện và các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo.
Dám nhìn thẳng vào cái “xấu xí” của dân tộc mình để khắc phục là một dân tộc đã trưởng thành
PV: Nghiêm túc chỉ ra những mặt hạn chế của người Việt không phải là để chê bai nhân cách Việt, mà quan trọng hơn là chúng ta phải tự nhìn nhận ra những “gót chân a-sin” trong chính bản thân mình để tìm cách khắc phục, đúng không thưa ông?
GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: Tôi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Muốn xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 33-NQ/TW đã chỉ ra rằng: Phải đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, tiêu cực làm tha hóa con người và sớm có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Vì thế, cả cộng đồng dân tộc nói chung, mỗi con người nói riêng, nếu biết được những thói hư tật xấu còn tồn tại trong mình để kiên trì, kiên quyết tìm cách khắc phục, là một dấu hiệu tích cực để dân tộc ta, mỗi chúng ta ngày càng tiến bộ, văn minh, hoàn thiện. Một dân tộc dám nhìn thẳng vào cái “xấu xí” của dân tộc mình để khắc phục chính là một dân tộc đã trưởng thành.
PV: Theo ông, chúng ta cần chú trọng làm gì để phát huy những mặt tốt, những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, nhược điểm trong nhân cách con người Việt Nam?
GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: “Gạn đục, khơi trong”, nhân lên những điều tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong nhân cách người Việt, cũng như chủ động phòng ngừa, chữa trị những thói xấu trong mỗi con người là việc làm bức thiết hiện nay để xây dựng một hệ giá trị mới phù hợp hơn, giúp cho quốc gia và dân tộc có đủ khả năng miễn dịch, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Sau khi nghiên cứu, phân tích vai trò của hệ thống chính trị và bối cảnh, mục tiêu của hệ giá trị tương lai, đối chiếu với 5 mục tiêu của quốc gia, 4 đặc trưng của văn hóa và 7 đặc tính cơ bản của con người Việt Nam mà Nghị quyết số 33-NQ/TW đã nêu ra, chúng tôi đã xây dựng một mô hình hệ giá trị định hướng cốt lõi toàn diện gồm 35 giá trị.
Theo chúng tôi, trong số 35 giá trị của hệ giá trị định hướng cốt lõi toàn diện có thể chắt lọc ra 10 giá trị cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay để đưa vào hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm. Trong đó có hai giá trị phổ biến thuộc về phạm vi toàn xã hội là “dân chủ và pháp quyền”. Dân chủ là chế độ chính trị trong đó quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, do nhân dân thực thi hoặc thông qua các đại biểu mà mình bầu ra. Dân chủ gắn liền với tự do và công bằng. Pháp quyền chỉ sự thượng tôn pháp luật, trong đó mọi người, mọi hoạt động đều phải tuân theo pháp luật và lấy pháp luật làm nền tảng; không ai có quyền đứng ngoài pháp luật hay đứng trên pháp luật. Để hình thành hệ giá trị Việt Nam mới, dân chủ và pháp quyền là hai giá trị phải đi liền với nhau. Ngoài hai giá trị xã hội là dân chủ và pháp quyền, chúng ta cần xây dựng 8 giá trị thuộc về con người cá nhân: Yêu nước và nhân ái, trung thực và bản lĩnh, trách nhiệm và hợp tác, tính khoa học và sáng tạo.
Muốn xây dựng thành công về văn hóa, trước hết phải quan tâm xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước. Liệu chúng ta đã có nền tảng văn hóa vững chắc trong Đảng chưa? Vấn đề mấu chốt để xây dựng văn hóa trong Đảng là gì? Trong bài tiếp theo, TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, sẽ có những giải đáp thấu đáo về vấn đề này.
PV: Nhìn từ những hiện tượng tiêu cực trong xã hội hiện nay, như: Tham nhũng, chạy chức, chạy quyền; thái độ cửa quyền, phiền hà đối với người dân của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền; hay một bộ phận giới trẻ có lối sống lệch lạc, phản cảm… nhưng khó có thể xóa bỏ ngay trong tương lai gần. Vậy theo ông, xã hội ta cần bao nhiêu thời gian để những hiện tượng tiêu cực này sẽ lắng, giảm?
GS, TSKH Trần Ngọc Thêm: Đây là câu hỏi không dễ trả lời vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là quyết tâm, trách nhiệm của bộ máy quản lý và cả hệ thống chính trị. Nếu nhận thức đúng và quyết liệt áp dụng các nhóm giải pháp để xây dựng hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm với 10 giá trị cơ bản, thì ta có thể chặn đứng được sự xuống dốc về giá trị văn hóa trong khoảng 5-10 năm và đi lên trong khoảng 10 năm tiếp theo. Với hoàn cảnh có một số mặt tương đồng về văn hóa như chúng ta, có thể thấy Hàn Quốc, Singapore là những nước khá thành công. Nhưng với nước ta, đây là điều không đơn giản. Chỉ lấy riêng một giá trị “pháp quyền”, ta cũng khó làm được như Singapore là duy trì những hình phạt rất nặng đối với những tội phạm gây phương hại đến trật tự công cộng. Tôi ví dụ chuyện thời sự gần đây, trong khi ở ta hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng thì ở Singapore, tội này có thể bị phạt tù. Điều đó cho thấy, chúng ta càng phải đề cao giá trị pháp quyền như tôi đã nói ở trên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
(còn nữa)