Bài 3: Triển vọng của 'tính lưỡng dụng' trong y học quân sự (tiếp theo và hết)
Khoa học công nghệ quân sự không chỉ phục vụ cho nhu cầu của đất nước khi có chiến tranh mà còn có vai trò to lớn trong thời bình, nhất là trước những thách thức an ninh phi truyền thống như đại dịch Covid-19.
Việc Học viện Quân y phối hợp chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm nhanh xác định virus SARS-CoV-2 là một dẫn chứng sinh động của “tính lưỡng dụng” trong y học quân sự đồng thời mở ra những triển vọng mới trong nghiên cứu khoa học, giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân có thêm sức bền trong cuộc chạy đua với đại dịch Covid-19.
Những thắng lợi kép
Năm 2019, tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Học viện Quân y, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Học viện đã làm tốt ba nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong đó có nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ y dược. Có thể nói, việc chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm nhanh là minh chứng rõ nét cho việc Học viện Quân y đang không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, nhất là về y học quân sự, phục vụ đường lối nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Dự Hội nghị định hướng nghiên cứu Khoa học-Công nghệ của Bộ Quốc phòng ngày 12-11-2019, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: “Làm chủ Khoa học-Công nghệ, tiến tới làm ra các sản phẩm mới phục vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội phải bằng việc cụ thể và đột phá từ quân đội…”.
Với việc cho ra đời một sản phẩm có tính khoa học công nghệ cao trong khoảng thời gian ngắn là minh chứng sinh động thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng của lãnh đạo Chính phủ vào khoa học công nghệ quân sự nói chung, y dược học quân sự nói riêng đã đơm hoa, kết trái.
Học viện Quân y đã thể hiện tốt năng lực ứng dụng công nghệ, ứng phó với bệnh tật trong điều kiện khẩn cấp xảy ra. Điều này vô cùng quan trọng khi mà trong thế giới mới, những “sát thủ vô hình” mang tên dịch bệnh đang khiến cuộc sống của con người có thể bị đảo lộn bất cứ lúc nào. SARS, Ebola và hiện nay là Covid-19 trở thành thách thức lớn yêu cầu mỗi quốc gia phải có biện pháp ứng phó khẩn cấp kịp thời. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Đảng, Chính phủ, công tác nghiên cứu khoa học trong đó có nghiên cứu y học quân sự đã được triển khai sâu rộng. Chính nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng này mà ngay khi nhận diện được “sát thủ vô hình”, chúng ta đã huy động được lực lượng chuyên gia y học quân sự trở thành mũi nhọn giáp công, giải quyết các thách thức y tế, đáp ứng cho nhiệm vụ cấp bách của quốc gia.
Một trong những điểm đặc biệt về đội ngũ nhà khoa học tham gia nghiên cứu đề tài đã được nhắc đến trong các bài viết trước đó là sự xuất hiện của không chỉ các nhà khoa học “lão làng” mà tận dụng cả sức trẻ vào cuộc chiến trong phòng thí nghiệm. Thành công của bộ kit cũng cho thấy tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực y khoa chất lượng cao, chuyên gia ứng phó dịch bệnh. Đối với mỗi quốc gia, nguồn nhân lực chất lượng cao trong bất kỳ lĩnh vực nào đều quan trọng và cần thiết nhưng trong y học thì độ quan trọng và cần thiết còn hơn gấp bội, bởi lẽ, y khoa liên quan đến tính mạng của con người. Bảo vệ sức khỏe của nhân dân cũng chính là bảo vệ sự phát triển toàn diện của một đất nước.
Trong những ngày căng thẳng chạy đua với thời gian để chế tạo bộ kit, bên cạnh sự hiện diện của ê kíp những nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y là những kỹ sư, kỹ thuật viên của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á. Ngay sau khi bộ kit test được đưa vào sử dụng, bên phía Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đã đưa kỹ sư sang hướng dẫn các y, bác sĩ sử dụng máy lưu trữ kết quả kiểm tra nhằm giúp lưu trữ thông tin người bệnh một cách chính xác, khoa học. Nhờ việc xã hội hóa trong nghiên cứu, đề tài do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đã đạt được tiến độ, chất lượng như yêu cầu. Đúng như GS Lê Bách Quang, Chủ nhiệm các Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia liên quan đến sinh phẩm nhận định: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công này là vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, cùng sự kết nối chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà sản xuất”.
Đi sau thế giới nhưng có thể… về trước
Ngày 4-3, Hội đồng đánh giá gồm 8 nhà khoa học của Bộ Khoa học-Công nghệ và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đánh giá cao và công nhận những kết quả thử nghiệm sinh phẩm của bộ kit chẩn đoán nhanh do Học viện Quân y và các đối tác triển khai nghiên cứu, thử nghiệm. Khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam có một sinh phẩm được đăng ký quốc tế ngay khi bệnh dịch đang bùng phát mạnh mẽ trên quy mô thế giới và được WHO cảnh báo mối nguy hiểm “mức rất cao ở cấp độ toàn cầu”. Chỉ sau đó một thời gian ngắn, dịch bệnh Covid-19 đã chính thức được công bố là “đại dịch”. Và việc Việt Nam có trong tay bộ kit xét nghiệm nhanh thực sự có giá trị.
Theo Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, thành công của bộ kit là kết quả của sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, Ban chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, là thành quả hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các nhà khoa học, các lực lượng nghiên cứu, các chuyên gia nước ngoài… Ngay trong cuộc làm việc với Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Quốc phòng, đồng thời làm việc trực tuyến với một số điểm cầu trong toàn quân để kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương lực lượng khoa học trong quân đội đạt nhiều thành tích tốt, trong đó kết hợp với đơn vị khác đã sản xuất ra bộ kit xét nghiệm. Thành công của bộ kit cũng là một trong những minh chứng cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vì nhân dân quên mình, đó là tình dân tộc, nghĩa đồng bào, thể hiện vai trò của quân đội trong lúc dịch bệnh, tạo niềm tin cho nhân dân và thế giới.
Mặc dù đã có trong tay bộ kit “bắt virus” nhưng theo Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn, Chủ nhiệm đề tài, còn rất nhiều việc phải làm phía trước. “Cứ lấy một ví dụ đơn giản, bây giờ bạn đã có một lưỡi câu, một miếng mồi tốt để câu cá rồi nhưng nếu bạn muốn câu được nhiều loại cá hơn, thì bạn cần một chiếc lưỡi câu sắc hơn, miếng mồi tốt hơn vì vậy chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu tiếp để tìm được những mồi câu tốt hơn, bắt được virus chính xác hơn. Chưa kể ngoài ra, bộ kit hiện hành còn phải đánh giá sau 6 tháng, sau 1 năm thì chất lượng còn phù hợp hay không”, Thượng tá, GS, TS Hồ Anh Sơn hào hứng nói về những dự định trong thời gian tiếp theo của nhóm nghiên cứu.
Theo Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, hiện nay, Học viện Quân y tiếp tục các hướng nghiên cứu khác về SARS-CoV-2 bởi nó đã tồn tại trong các loài động vật, đặc biệt là động vật hoang dã rất nhiều năm nay và có nhiều đột biến dẫn đến gây bệnh cả cho con người; tiếp theo đó sẽ triển khai những hợp tác quốc tế sâu hơn nữa, có thể là cả nghiên cứu phát triển vaccine…
Đánh giá về bộ kit của Học viện Quân y, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng, việc tự sản xuất được bộ kit test phát hiện Covid-19 giúp Việt Nam nắm trong tay một công cụ đắc lực và hữu hiệu trong việc chủ động chẩn đoán sớm và sàng lọc người nghi nhiễm khi các kit thương mại không sẵn có trên thị trường Việt Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát và trở thành đại dịch trên toàn cầu. Nhìn lại quá trình thực hiện nghiên cứu và phát triển bộ kit, Trung tướng Đỗ Quyết cho rằng: “Đi sau so với thế giới một thời gian ngắn thôi nhưng chúng ta đã tận dụng được kinh nghiệm của quốc tế để tối ưu hóa bộ kit của mình”.
Tuy nhiên với các nhà nghiên cứu, việc cho ra đời một quy trình công nghệ có thể sản xuất bộ kit trên diện rộng một cách kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp vẫn còn chưa đủ. Trung tướng Đỗ Quyết nói: “Hiện nay ngưỡng phát hiện của bộ kit do WHO cung cấp là 3,8 copy/phản ứng. Nếu chúng ta tiếp tục phát triển bộ kit thì mới đạt được ngưỡng đó. Hiện nay, bộ kit của Việt Nam có thể phát hiện được mầm bệnh ở ngưỡng thấp nhưng chỉ đạt 95% với 3 copy, 30% với 2,5 copy, nghĩa là vẫn phát hiện được nhưng vẫn có vài chục % nó giảm dần”.
Đây là lý do mà các nhà nghiên cứu Học viện Quân y đều cho rằng cần phải đánh giá sản phẩm trên nhiều mẫu bệnh phẩm lâm sàng hơn nữa, đồng thời phải có những hướng nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm di truyền phân tử của SARS-CoV-2, sức đề kháng của virus ở các điều kiện môi trường khác nhau để có được cơ sở dữ liệu, sẵn sàng ứng phó và đưa ra các biện pháp can thiệp y tế công cộng kịp thời, hiệu quả để kiểm soát dịch.
Triển vọng và tầm nhìn xa
Công nghệ lưỡng dụng (dual-use technology) là thuật ngữ dùng để chỉ những thành quả nghiên cứu và sáng chế có thể được triển khai để đồng thời thỏa mãn nhiều hơn một mục đích, cả quốc phòng lẫn dân sự. Trong lĩnh vực bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, các nước trên thế giới đều quan tâm và dành ưu tiên cao cho nghiên cứu, phát triển công nghệ lưỡng dụng.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, an ninh. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại nhằm sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, giai đoạn 2011-2020, công tác nghiên cứu Khoa học-Công nghệ quân sự có những bước phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, quân đội đã có các công trình nghiên cứu, tiếp thu học hỏi các công nghệ tiên tiến để làm chủ nhiều lĩnh vực khó với trình độ kỹ thuật cao, một số công nghệ ngang tầm thế giới. Các cơ sở nghiên cứu đã có gắn kết với sản xuất, cơ chế hợp tác chính thức và phi chính thức được đẩy mạnh... Trong giai đoạn tới đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất Chính phủ cho phép mở mới một số chương trình, đề án, nhiệm vụ Khoa học-Công nghệ có tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong giai đoạn 2021-2025.
Hy vọng rằng, từ những thành công của nghiên cứu y dược học quân sự nói chung, nghiên cứu về Covid-19 nói riêng, các nhà khoa học quân đội sẽ được quan tâm, phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, góp phần đắc lực vào phát triển tính lưỡng dụng trong các công trình, sản phẩm khoa học, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.