Bài 3: Từng bước kết thúc việc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng

Chia sẻ với Báo Kiểm toán, ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, việc xem xét để từng bước kết thúc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập do chính sách tạo ra, qua đó kết thúc vai trò lịch sử của chính sách này vào thời điểm thích hợp.

Ông Lê Minh Nam

Ông Lê Minh Nam

Thưa ông, từ năm 2020 đến nay, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, mỗi năm nước ta đã giảm gần 200.000 tỷ đồng tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, một số chính sách như hỗ trợ lãi suất 2%, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… cũng đã được triển khai. Ông bình luận như thế nào về việc triển khai các chính sách này?

Năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Thực hiện phòng chống dịch và ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch bệnh, Việt Nam đã có những giải pháp ứng phó, khắc phục mang tính đặc thù, chưa từng có tiền lệ nhưng rất kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt, từ chủ trương, định hướng của Đảng, ngay từ 11/01/2022, Quốc hội đã ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội) để vừa nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện chính sách này, chúng ta đã gặt hái được những kết quả tích cực. Riêng việc thực hiện chính sách tài khóa như miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp với mức thực hiện gần 200.000 tỷ đồng mỗi năm đã góp phần hỗ trợ khắc phục những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm...

Cần dần chuyển sang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt từ năm 2025 để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước và giúp nền kinh tế vận động theo quy luật thị trường, tự điều tiết cân bằng theo các quy luật kinh tế. Tuy nhiên, việc “thắt chặt” cũng cần tính toán đối tượng, lộ trình và giải pháp thích hợp để không tạo nên tác động quá mức đối với nền kinh tế mới bước qua quá trình hồi phục, các doanh nghiệp cũng chưa thật sự đủ khỏe mạnh tự thân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu như: Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác... Những hạn chế này đã được Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội đánh giá, nêu rõ và báo cáo tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV trong tháng 6/2024 vừa qua. Tôi cho rằng, những đánh giá, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 43 đã được Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội phản ánh rất thẳng thắn, đầy đủ, sát thực, khách quan, đồng thời đã đề xuất các giải pháp khắc phục phù hợp.

Như vậy, kết quả giám sát không chỉ giúp khắc phục hạn chế, thiếu sót mà sẽ là bài học kinh nghiệm quan trọng giúp chúng ta nghiên cứu, có giải pháp xử lý tốt hơn, hiệu quả hơn nếu tiếp tục gặp những vấn đề lớn, khó lường, phức tạp tương tự trong tương lai.

Cũng chính từ những đánh giá về việc thực hiện các chính sách nói trên trong đó có chính sách tài khóa mở rộng, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu vấn đề, hết năm 2024, nước ta nên kết thúc việc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng để chuyển sang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt. Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?

Trên phương diện lý thuyết, chính sách tài khóa mở rộng là việc Chính phủ các nước thực hiện các biện pháp như tăng chi tiêu, giảm thuế, hoặc kết hợp cả hai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng tổng cầu. Chính sách này thường được kết hợp cùng chính sách tiền tệ, làm nền tảng để ổn định và phát triển kinh tế hiệu quả nhất. Theo đó, chính sách tài khóa mở rộng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sản lượng của nền kinh tế, tăng tổng cầu, tăng thêm việc làm cho người lao động, từ đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Áp dụng chính sách tài khóa mở rộng cũng giúp khuyến khích đầu tư, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc giảm thuế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để họ đầu tư và phát triển, tăng cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia.

Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh áp dụng kết hợp cả hai chính sách tăng chi tiêu công và giảm thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng tổng cầu giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua những khó khăn sau đại dịch, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển… như đã đánh giá ở trên.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục áp dụng chính sách tài khóa mở rộng trong thời gian dài có thể sẽ làm giảm hiệu quả chính sách và nảy sinh những tác động tiêu cực như: Giảm thuế có nghĩa giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, giảm nguồn lực tự chủ tài trợ cho chi tiêu công cho các năm sau, dẫn tới có thể phải tăng bội chi, tăng nợ công; đồng thời khi tăng chi tiêu công sẽ tác động làm tăng lạm phát… Vì vậy, việc xem xét để từng bước kết thúc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập do chính sách tạo ra, qua đó kết thúc vai trò lịch sử của chính sách này vào thời điểm thích hợp.

Từ những phân tích nêu trên, tôi đồng tình cao với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là cần dần chuyển sang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt từ năm 2025 để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước và giúp nền kinh tế vận động theo quy luật thị trường, tự điều tiết cân bằng theo các quy luật kinh tế. Tuy nhiên, việc “thắt chặt” cũng cần tính toán đối tượng, lộ trình và giải pháp thích hợp để không tạo nên tác động quá mức đối với nền kinh tế mới bước qua quá trình hồi phục, các doanh nghiệp cũng chưa thật sự đủ khỏe mạnh tự thân.

Theo đó, cần nghiên cứu để từng bước thu hẹp dần về quy mô, cường độ của chính sách tài khóa mở rộng hiện đang áp dụng, từng bước loại bỏ những chính sách miễn, giảm, giãn hoãn về thuế, phí đang áp dụng thời gian qua để việc thu ngân sách trở lại trạng thái bình thường ở thời điểm trước khi áp dụng chính sách tài khóa mở rộng. Còn nếu muốn tăng thu thuế, phí hoặc giảm chi tiêu công theo chính sách tài khóa thắt chặt trong thời gian tới, Chính phủ phải đánh giá kỹ lưỡng, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, rõ mục tiêu và tối ưu hóa hiệu quả tổng thể. Quan trọng là làm sao để thắt chặt mà nền kinh tế và doanh nghiệp không bị “nghẹt thở” rồi dần thích ứng nhằm đạt mục tiêu quản lý, điều hành của Nhà nước một cách hiệu lực, hiệu quả tối ưu.

Từ những khuyến nghị trên, ông có thể chia sẻ, trong 5 năm tới, kể từ năm 2025 trở đi, nước ta nên thực hiện chính sách tài khóa như thế nào?

Trong bối cảnh diễn biến của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong khu vực và trên thế giới vẫn rất khó đoán định, phức tạp, cùng với những khó khăn nội tại giai đoạn hiện nay cho thấy, để dự kiến, dự báo cho ngắn hạn, trung hạn còn có những khó khăn, rủi ro, phức tạp cao thì việc dự báo cho nhiều năm tới là điều không hợp lý, không thực tiễn. Việc đề xuất áp dụng chính sách hoặc kết hợp chính sách cần gắn với bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể và mục tiêu của từng giai đoạn sao cho thích ứng, linh hoạt nhưng phải đảm bảo mục tiêu dài hạn đã được hoạch định và thống nhất tại các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch chiến lược của Chính phủ.

Về mặt nguyên tắc, tôi cho rằng cần áp dụng các chính sách tài khóa linh hoạt trong cụ thể nhưng có định hướng và ổn định trong tổng thể, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; cân đối huy động, phân bổ và điều hòa sử dụng nguồn chi tiêu công thích hợp giúp đưa nguồn lực vào nền kinh tế hợp lý. Các chính sách tài khóa, đặc biệt thông qua chi đầu tư phát triển cần xem xét đến khía cạnh điều tiết để tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch sang nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tri thức và kỹ năng ngày một cao của người lao động, tập trung vào công nghệ, đổi mới, sáng tạo với năng suất lao động, hiệu quả đầu tư cao hơn, đặc biệt trong việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0.

Chính sách tài khóa dự kiến áp dụng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, hạn chế chạy theo giải quyết thực tiễn tình huống mà cần xác định tính ổn định, bền vững; trong đó phải đảm bảo giữ vững kỷ luật tài khóa là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế. Vì nếu không ổn định được kinh tế vĩ mô thì mọi nỗ lực trên các khía cạnh cụ thể cũng có thể trở nên vô nghĩa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bai-3-tung-buoc-ket-thuc-viec-thuc-hien-chinh-sach-tai-khoa-mo-rong-34724.html