Bài 3: Vì đâu nên nỗi?

Có muôn vàn lý do dẫn tới thiếu nhà văn hóa hoặc nhà văn hóa đầu tư xây dựng chưa đạt chuẩn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do các huyện còn khó khăn, chưa bố trí được ngân sách đầu tư. Bên cạnh đó, một số nơi đã bố trí được vốn đầu tư nhưng lại không có quỹ đất để xây dựng. Ngoài ra, còn bởi sự thiếu quan tâm, vào cuộc sát sao của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Có muôn vàn lý do dẫn tới thiếu nhà văn hóa và nếu có thì đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc nhà văn hóa đầu tư xây dựng chưa đạt chuẩn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do các huyện còn khó khăn, chưa bố trí được ngân sách đầu tư. Một số nơi đã bố trí được vốn đầu tư, nhưng lại không có quỹ đất để xây dựng. Ngoài ra còn bởi thiếu sự quan tâm và vào cuộc sát sao, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương.

Sau rất nhiều năm chờ đợi, đến nay, tổ dân phố Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) vẫn chưa thể đầu tư xây dựng được nhà văn hóa, mặc dù nguồn vốn đã được bố trí. Chủ tịch UBND thị trấn Phùng Nguyễn Văn Thông cho biết, dự án đầu tư xây dựng Nhà văn hóa tổ dân phố Nguyễn Thái Học được phê duyệt cách đây 3 năm nhưng vướng giải phóng mặt bằng 3 hộ dân nên chưa thực hiện được. Hiện tại, thị trấn chờ huyện Đan Phượng phê duyệt giá đất ở tái định cư để làm cơ sở giao đất cho người dân, nhằm thu hồi đất. Khi giải phóng mặt bằng xong, địa phương lại phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, vì giá cả bây giờ biến động nhiều so với khi lập dự án. Do đó, việc triển khai xây dựng nhà văn hóa ở đây vẫn cần có thêm thời gian.

Nhà văn hóa phố Phan Đình Phùng, thị trấn Phùng. Ảnh: Hữu Tiệp

Nhà văn hóa phố Phan Đình Phùng, thị trấn Phùng. Ảnh: Hữu Tiệp

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đến thời điểm này, toàn thành phố có 2.339/2.362 nhà văn hóa thôn, đạt tỷ lệ 99,3%. Hiện tại chỉ còn 34 thôn chưa có nhà văn hóa. Trong đó, huyện Chương Mỹ có 11 thôn, gồm: Tiên Thượng, thôn 4 (xã Thủy Xuân Tiên); Lũng Vị, Yên Kiện (xã Đông Phương Yên); An Sơn (xã Đông Sơn); Mới, Thương (xã Hồng Phong); Liên Hợp, thôn 5 (xã Quảng Bị); Hồng Thái, Tân Hội (xã Trần Phú) đã có quy hoạch, nhưng chưa bố trí được kinh phí xây dựng. Trong khi đó, huyện Gia Lâm có 2 thôn thuộc xã Bát Tràng không bố trí được quỹ đất do quy hoạch làng nghề Bát Tràng, dự kiến, nhà văn hóa thôn sẽ ghép vào dự án xây dựng Trung tâm văn hóa xã Bát Tràng.

Huyện Ứng Hòa cũng có thôn Cầu Bầu (xã Quảng Phú Cầu) và thôn Vĩnh Hạ (xã Sơn Công) đã được thành phố cấp vốn năm 2021, nhưng không thể xây dựng do người dân không đồng thuận vị trí xây dựng và trả lại kinh phí do không triển khai thi công được. Hay như thôn Sâm Dương 1, xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) cũng chưa xây dựng nhà văn hóa được do chưa bố trí được quỹ đất.

Ông Lê Văn Tự, Trưởng thôn Nam Võng Ngoại, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) giãi bày: “Nhân dân chúng tôi mong chờ được các cấp quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều, song vẫn chưa thấy có "tín hiệu" vui nào”.

Nhà văn hóa thôn Nam Võng Ngoại, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) đã xuống cấp trầm trọng, luôn trong cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Ảnh: Hữu Tiệp

Nhà văn hóa thôn Nam Võng Ngoại, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) đã xuống cấp trầm trọng, luôn trong cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Ảnh: Hữu Tiệp

Về nguyên nhân chậm trong việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Lê Nam Hưng cho hay: “Mỗi thôn có một nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, thôn Bảo Lộc 2 và thôn Bảo Lộc 3 do quy mô dân số nhỏ, nên dự kiến sẽ sáp nhập với nhau. Chúng tôi đang cân nhắc nếu sáp nhập thì chỉ đầu tư 1 nhà văn hóa đạt chuẩn khang trang, quy củ thay vì đầu tư 2 nhà văn hóa để tránh lãng phí. Hay như với trường hợp thôn Nam Võng Ngoại, những năm trước đây, chúng tôi đã đề xuất xây dựng nhà văn hóa khu vực ao Cổng Đông. Tuy nhiên, sau đó có chỉ đạo của thành phố về việc bảo vệ các ao hồ, không được lấp, nên chúng tôi đã quy hoạch ở vị trí sau Trường Trung học cơ sở Võng Xuyên. Đến nay, dự án vẫn đang chờ chấp thuận”.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) Vũ Văn Mạnh, trên địa bàn xã có 4 nhà văn hóa, thì 2 nơi đã đạt chuẩn, còn nhà văn hóa của thôn Liên Hợp và thôn 5 vẫn phải đặt tạm ở lớp học mầm non và nhà hộ sinh cũ. Nguyên nhân 2 thôn nói trên chưa xây dựng được nhà văn hóa là do vị trí xây dựng có sự trùng lặp về quy hoạch. Để phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Chương Mỹ điều chỉnh quy hoạch 2 vị trí xây nhà văn hóa. Tuy nhiên, đến nay, huyện vẫn phải chờ quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch từ UBND thành phố Hà Nội.

Nhà văn hóa thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ hiện nay đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Nguyễn Mai

Nhà văn hóa thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ hiện nay đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Nguyễn Mai

Chủ tịch UBND xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ) Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, cả 5 thôn của xã đều có nhà văn hóa, nhưng xây dựng từ lâu và đã có dấu hiệu xuống cấp. Trong đó, ở thôn Trung Vực Trong, ngoài việc xuống cấp, chật hẹp và thiếu trang thiết bị theo quy chuẩn, nhà văn hóa thôn này còn nằm trên đất của đình làng. Từ lâu, người dân trong thôn muốn xây mới nhà văn hóa sang vị trí khác để trả lại đất cho đình làng, nhưng nguyện vọng trên vẫn chưa được đáp ứng. Theo bà Phạm Thị Thanh Huyền, trước đây, cả 5 nhà văn hóa của xã đều nằm trong diện được ngân sách hỗ trợ xây dựng mới, nhưng đến nay, nguồn hỗ trợ đó đã bị cắt. Vì vậy, các thôn vẫn phải sử dụng tạm cơ sở cũ.

Bên cạnh đó, khi xây dựng nông thôn mới, một số địa phương dồn nguồn lực đầu tư xây dựng những hạng mục thiết yếu và cấp bách hơn như trường học, cơ sở y tế nên chưa có điều kiện để đầu tư xây dựng, chỉnh trang hay nâng công năng cho nhà văn hóa thôn. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng chưa thật sự đề cao vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, nên thiếu quan tâm, vào cuộc sát sao để nhà văn hóa ở cơ sở được cải thiện và phát huy vai trò.

Người dân trong thôn Nam Võng Ngoại, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ mong chờ đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Ảnh: Hữu Tiệp

Người dân trong thôn Nam Võng Ngoại, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ mong chờ đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Ảnh: Hữu Tiệp

Người dân trong thôn Nam Võng Ngoại, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ mong chờ đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Ảnh: Hữu Tiệp

Người dân trong thôn Nam Võng Ngoại, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ mong chờ đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Ảnh: Hữu Tiệp

Như vậy, mỗi thôn mỗi cảnh, nhưng người dân cùng phải chịu cảnh chưa có nhà văn hóa để tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng hay vui chơi, giải trí mỗi lúc rảnh rỗi. Rõ ràng, người dân đã mong mỏi có nhà văn hóa từ lâu và chính quyền địa phương cũng đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Vậy thì vì đâu nên nỗi? Chắc chỉ có chính quyền cấp huyện mới trả lời được câu hỏi này.

XEM TIẾP

Bài 4: Những điểm sáng của làng quê

Bài 5: Xứng tầm Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Nhóm PV HNMO

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-3-vi-dau-nen-noi-674472.html