Bài 3: Vững bước trên con đường mới

Dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền cùng những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Bắc Ninh đang tự tin đi trên con đường đổi mới.

Bước đi thần tốc

Thực hiện Nghị quyết số 306/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Bắc Ninh đặt mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 7-8%/năm; trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 7-8%/năm, dịch vụ tăng 8,3-9,1%/năm, nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 1-1,2%/năm (thuế sản phẩm tăng 7-7,5%).

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Bắc Ninh

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Bắc Ninh

Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng 74%; dịch vụ 19,5%; nông - lâm nghiệp - thủy sản 2,3%; tỷ trọng kinh tế số chiếm ít nhất 20% GDP toàn tỉnh (thuế sản phẩm chiếm 4,2%). Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 8.180 - 8.600 USD (giá hiện hành); thu nhập bình quân đầu người đạt 130-136 triệu đồng (giá hiện hành); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt từ 8,5-9%/năm.

Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 37,7 tỷ USD; nhập khẩu đạt 33,2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP giai đoạn 2021-2025 đạt 36 - 38%; hệ số sử dụng vốn (ICOR) đạt từ 5,8 - 6. Thu ngân sách nhà nước năm 2025 đạt 38.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 31.500 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2025 đạt 26.915 tỷ đồng. 100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu có ít nhất 2 huyện và 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Riêng trong năm 2023, một số chỉ tiêu chủ yếu Bắc Ninh cần nỗ lực thực hiện, như: Tổng sản phẩm tăng 6,5 - 7% so với ước thực hiện năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người 69,5 triệu đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 93.262 triệu USD; trong đó xuất khẩu 50.870 triệu USD, nhập khẩu 42.392 triệu USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 60 nghìn tỷ đồng. Thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp 1,2 tỷ USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 31.360 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 23.820 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7.810 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 78%. Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2023 còn 1%.

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, mục tiêu này không phải quá lớn với một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như Bắc Ninh. Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn có những tác động lớn thì để hoàn thành mục tiêu đặt ra đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trong đó không thể thiếu vai trò lãnh đạo của tỉnh ủy …

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu đặt ra

Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 3 tháng cuối năm 2023 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Ninh cũng dự báo kết quả ước thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2023: Có 7/17 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; 5/17 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 5/17 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Bắc Ninh đặt mục tiêu: Tổng sản phẩm năm 2023 tăng 6,5 - 7% so với ước thực hiện năm 2022

Bắc Ninh đặt mục tiêu: Tổng sản phẩm năm 2023 tăng 6,5 - 7% so với ước thực hiện năm 2022

Theo đó, nhiệm vụ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Ninh đặt ra trong những tháng cuối năm, đó là: Tiếp tục chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng kế hoạch chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ chi tiết theo thời gian, công việc gắn với đánh giá, bình xét hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân; trong đó, đặc biệt là việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp được chỉ ra tại những Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh, Chỉ thị, Chương trình hành động của UBND tỉnh những tháng cuối năm; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Một số giải pháp được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đặt ra cần thực hiện tốt trong những tháng cuối năm, đó là: Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu; công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đảm bảo thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước...; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trước và sau hoàn thuế, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm các quy định của các Luật thuế, Luật Quản lý Thuế và pháp luật có liên quan, tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Tập trung xử lý các vướng mắc để kịp thời triển khai ngay đấu giá các dự án đất, các dự án đất dân cư dịch vụ, đất dự án BT... tạo nguồn thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc thực hiện nhiệm vụ chi theo đúng nguồn kinh phí theo dự toán. Thực hiện rà soát, sắp xếp, điều chỉnh các nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn được giao, triệt để tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định…

Đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án kết cấu hạ tầng, các công trình, dự án trọng điểm: Dự án Đường Vành đai 4, Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, các dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội...

Đề xuất phương án điều chuyển vốn theo nguyên tắc, tiêu chí theo chỉ đạo tại văn bản số 3248/UBND-KTTH ngày 04/11/2022; trường hợp các dự án giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, kiên quyết có giải pháp điều chuyển vốn trước ngày 15/11/2023 theo quy định. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và quyết toán dự án đã hoàn thành; xử lý dứt điểm các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành hoặc không có khả năng triển khai tiếp để quyết toán dự án.

Kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt và 05 tổ chuyên gia giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các nguồn vốn có lãi suất thấp thông qua chính sách, nghị định của Chính phủ; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tận dụng các chính sách ưu tiên về thuế đang được Nhà nước hỗ trợ. Tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025.

Đẩy mạnh cải cách hành chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Đẩy mạnh cải cách hành chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Hỗ trợ các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong công tác đầu tư, xây dựng và bồi thường giải phóng mặt bằng; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các KCN Hanaka, VSIP, Thuận Thành I; đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng KCN Hanaka hoàn thành nhà máy xử lý nước thải tập trung. Thực hiện phương án xử lý đối với các khu liền kề, khu phát triển và Cụm CN Tân Hồng – Hoàn Sơn: Tiếp tục đôn đốc Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc, Tổng công ty Viglacera - CTCP hoàn thiện các thủ tục có liên quan…

Gần 3 thập kỷ - khoảng thời gian không dài nhưng Bắc Ninh đã hoàn toàn “lột xác’’ của một địa phương có diện tích nhỏ nhưng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Vì vậy, trong giai đoạn khó khăn cùng cả nước này, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND và chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, chắc chắn Bắc Ninh sẽ vượt qua khó khăn.

Những tháng còn lại của năm 2023, Đảng bộ, chính quyền cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân Bắc Ninh sẽ nỗ lực, chủ động tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2023 "Đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao đạo đức công vụ; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị và văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

Thanh Tâm - Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-3-vung-buoc-tren-con-duong-moi-275631.html