Bài 4: Công việc 'vác tù và' không dễ dàng...

Thực hiện công việc hòa giải ở cơ sở mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về thời gian, kiến thức pháp luật,sự không hợp tác từ người mâu thuẫn... nhưng những thành viên tổ hòa giải luôn sẵn sàng hết mình bất kể thời gian, luôn cố gắng hóa giải những mâu thuẫn để mọi người vui vẻ, đoàn kết bên nhau.

Dân vận khéo - “Lạt mềm buộc chặt”:

Bà Trương Hồng Điệp, thành viên tổ hòa giải thôn Cổ Điển B, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Công Phương.

Bà Trương Hồng Điệp, thành viên tổ hòa giải thôn Cổ Điển B, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Công Phương.

Những bỡ ngỡ khi tham gia hòa giải

Trao đổi với PV, bà Trương Hồng Điệp, SN 1969, thành viên tổ hòa giải thôn Cổ Điển B, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, bà tham gia hòa giải từ năm 2001, Khi đó, bà được bầu vào Ban thanh tra Nhân dân và là thành viên tổ hòa giải.

Bà Điệp cho biết thêm, thời điểm đầu tham gia công tác hòa giải, bà Điệp là thành viên trẻ nhất trong tổ hòa giải nên bà rất bỡ ngỡ và lúc đó phần lớn bà chỉ đi theo các cô các bác trong tổ hòa giải để nghe, xem mọi người làm việc. Thời gian này, bà Điệp thi thoảng tham gia góp ý hoặc can ngăn chứ chưa thực sự tự tin hòa giải giữa các bên.

Sau đó, qua thời gian trau dồi từ những người đi trước và được đi học các buổi tập huấn về hòa giải, được nghe, học của các giảng viên về cách nói chuyện, xử lý tình huống cũng như đọc, học thêm về luật thì bà Điệp đã tự tin tham gia hòa giải và là thành viên tích cực trong các cuộc hòa giải ở cơ sở thôn.

Hiện tại, dù là ban ngày hay trời tối, dù ngày nắng hay ngày mưa, mỗi khi có sự việc hòa giải hoặc được báo về mâu thuẫn, bà Điệp luôn sẵn sàng lên đường để hóa giải mâu thuẫn, giữ gìn sự đoàn kết, bình yên cho Nhân dân.

Bà Lê Hà, thành viên tổ hòa giải liên tổ dân phố số 18, 19 phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Công Phương.

Bà Lê Hà, thành viên tổ hòa giải liên tổ dân phố số 18, 19 phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Công Phương.

Cùng với sự bỡ ngỡ thời gian đầu tham gia công tác hòa giải, bà Lê Hà, SN 1965, Tổ trưởng tổ dân phố số 18, thành viên tổ hòa giải liên tổ dân phố số 18, 19 phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết, bà tham gia tổ dân phố từ tháng 7/2020 và là thành viên tổ hòa giải từ thời điểm đó.

“Khi tiếp nhận, tôi khá bỡ ngỡ bởi các việc tại tổ dân phố không giống như công việc khi tôi còn công tác. Nhiều việc liên quan đến người dân trong tổ hơn trong khi tôi lại ít thời gian tiếp xúc với mọi người trước đó. Tuy nhiên, được mọi người trong tổ dân phố tín nhiệm và ủng hộ nên tôi đã tham gia tổ dân phố”, bà Hà chia sẻ.

Theo bà Hà, khi tiếp xúc với vụ việc hòa giải đầu tiên, bà rất bỡ ngỡ, chưa nắm bắt được các công việc hòa giải cũng như trình tự hòa giải hoặc các bên mâu thuẫn không hợp tác. Rất may, trong tổ hòa giải có nhiều thành viên lâu năm, kinh nghiệm nhiều nên đã cùng bà thực hiện các công việc hòa giải thành công, đầy đủ quy trình cũng như vừa hòa giải vừa tuyên truyền pháp luật cho các bên hiểu và thực hiện.

Thực hiện hòa giải bất kể ngày đêm

Chia sẻ về những khó khăn, bà Điệp cho biết, các thành viên tổ hòa giải tham gia trên tinh thần tự nguyện, vì lợi ích cộng đồng nên nhiều người cũng không để ý đến mức chi phí hỗ trợ. Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở còn khó khăn do kinh phí hỗ trợ thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, cần sớm có văn bản hướng dẫn thẩm quyền, thủ tục công nhận mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả hoặc trường hợp trên địa bàn không phát sinh mâu thuẫn thì cần công nhận hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả.

Bà Lê Thị Dung, thành viên tổ hòa giải thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức cho biết, được đánh giá đúng cũng là niềm động viên cho chúng tôi nếu còn tham gia công tác xã hội. Ảnh: Công Phương.

Bà Lê Thị Dung, thành viên tổ hòa giải thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức cho biết, được đánh giá đúng cũng là niềm động viên cho chúng tôi nếu còn tham gia công tác xã hội. Ảnh: Công Phương.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cho hòa giải viên cơ sở, đưa Luật Hòa giải ở cơ sở vào cuộc sống, các cơ quan cấp trên cần tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, phát tài liệu tuyên truyền về công tác hòa giải và các Luật liên quan cho các hòa giải viên trên địa bàn. Sắp xếp các buổi thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, giải pháp để hòa giải những vụ việc phức tạp giữa các tổ hòa giải và các tổ hòa giải trên địa bàn khác.

“Chúng tôi tham gia công tác hòa giải trên tinh thần tự nguyện, vì lợi ích cộng đồng nên nếu các tổ hòa giải thực hiện tốt, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc cũng như cá nhân hòa giải viên nổi bật thì chính quyền tại cơ sở cần biểu dương, khen thưởng hòa giải viên, tổ hòa giải để động viên, khích lệ và ghi nhận công sức đóng góp của hòa giải viên, tổ hòa giải”, bà Điệp thông tin.

Cùng chia sẻ vấn đề đó, bà Lê Thị Dung, SN 1958, trưởng xóm 2 kiêm phó thôn An Trai, thành viên tổ hòa giải thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, hơn 20 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, năm 2019 bà được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

“Bằng khen của UBND TP Hà Nội rất ý nghĩa với cuộc đời tôi. Các con khi thấy tôi nhận được tấm bằng đó cũng hãnh diện bởi những cố gắng, đóng góp cho cộng đồng, xã hội của mẹ được ghi nhận. Bằng khen cũng là niềm động viên cho tôi nếu còn tham gia công tác xã hội ngày nào thì sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh chính trị, ổn định xã hội trên địa bàn”, bà Dung chia sẻ.

Về công tác hòa giải, trong năm 2022, tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tổng số vụ việc hòa giải là 6 vụ, trong đó có 6/6 vụ việc đều hòa giải thành. Hàng năm đội ngũ các hòa giải viên của xã được tham gia các buổi tập huấn do huyện tổ chức dạt tỷ lệ cao. Kinh phí chi cho tổ hòa giải được chi trả đầy đủ, theo đúng quy định.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-4-cong-viec-vac-tu-va-khong-de-dang-349200.html