Bài 4: Gây sạt lở nhiều nơi

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Tại Long An, hạn, mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân: Hơn 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn hécta cây trồng thiếu nước tưới, hàng trăm hécta lúa mất trắng. Bên cạnh đó, nắng hạn gây sạt lở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.Trước tình hình trên, chính quyền và ngành chức năng tỉnh triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Do khô hạn, bờ bao bị nứt dẫn đến nhiều vụ sạt lở đất, gây ảnh hưởng đến việc đi lại và hư hỏng tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết: “Hiện nay, do ảnh hưởng hạn, mặn nên xảy ra sạt lở trên địa bàn huyện Tân Trụ. Hiện tượng sạt lở bờ sông thuộc hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo, huyện Tân Trụ sẽ còn tiếp tục xảy ra nếu mực nước không được nâng lên để giảm độ chênh lệch và khi có mưa lớn xuất hiện. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải và các ngành liên quan phối hợp địa phương tiến hành khắc phục ngay các điểm bị sạt lở để người dân đi lại; tiến hành khảo sát và thiết kế phương án gia cố nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân”.

Tình hình khô hạn diễn biến phức tạp gây ra sạt lở trên địa bàn huyện Tân Trụ

Tình hình khô hạn diễn biến phức tạp gây ra sạt lở trên địa bàn huyện Tân Trụ

Theo nhận định của ngành chức năng, do ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn đã làm mực nước trong hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo khô cạn dẫn đến sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng. Trên hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo đã xảy ra 4 điểm sạt lở lớn tại các xã: Bình Trinh Đông, Lạc Tấn, Nhựt Ninh, Quê Mỹ Thạnh với tổng chiều dài hơn 110m. Cụ thể, sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, cuốn trôi hàng ngàn mét khối đất và một số cây trồng bảo vệ bờ xuống sông. Quy mô sạt lở dài 50m, sâu vô bờ 10m và đang tiến sát đến gần nhà dân. Sạt lở khu vực cống Nhựt Tảo, xã Bình Trinh Đông, làm sập gần như hoàn toàn bờ kênh phía thượng lưu cống xuống sông Nhựt Tảo. Vết sạt có chiều dài 30m, sâu vô 10m, chiều sâu xuống hố sạt 6m dạng hàm ếch làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân khi đi qua khu vực (trong khu vực có 6 hộ dân sinh sống và đi lại qua khu vực này). Sạt bờ sông Tấn Đức, ấp 3, xã Lạc Tấn thuộc hệ thống sông Nhựt Tảo.Vết sạt dài 50m, sâu 6m làm cắt đứt đường giao thông đi lại của người dân trong vùng và gây thiệt hại 2 ao cá của người dân. Ngoài ra, địa bàn xã Quê Mỹ Thạnh cũng xảy ra 1 vụ sạt lở tại rạch Cây Sáo, với chiều dài 20m làm thiệt hại 2 ao cá của người dân, ước kinh phí thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung cho biết: “Do hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo kiệt nước, tầng đất chân yếu đã tạo ra áp lực đẩy đất ra ngoài sông gây sạt lở các khu vực ven bờ. Ngoài ra, một số ao nuôi thủy sản của người dân nằm sát sông, khi sông cạn nước đã tạo ra độ chênh lệch mực nước dẫn đến sạt lở nghiêm trọng. Hiện tại, huyện đang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm cách khắc phục nhanh để cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa”. Ông Hồ Văn Hai, ngụ xã Quê Mỹ Thạnh, cho hay: “Năm nay, tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp hơn những năm trước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân. Thời gian qua, trên địa bàn xã đã xảy ra sạt lở.Trước tình hình trên, tôi mong UBND huyện khắc phục các điểm sạt lở và tìm giải pháp hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả trong vụ này”.

Theo ông Võ Kim Thuần, để chủ động ứng phó với sạt lở, tránh thiệt hại, ngành chức năng đề nghị: UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp sở, ngành, cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo, cảnh báo để người dân chủ động ứng phó với sạt lở; kiên quyết xử lý, ngăn chặn các công trình vi phạm, lấn chiếm bờ sông; nghiên cứu, có biện pháp khuyến cáo để người dân khu vực các tuyến sông bị khô cạn chủ động ứng phó nếu có nguy cơ sạt lở. Tại các vị trí đường giao thông đang bị sụt lún, địa phương phải cắm biển cảnh báo và dự báo những nơi có nguy cơ sụt lún, sạt lở. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị chủ động hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống; kiểm tra thống kê khu vực gặp khó khăn về giao thông (do kênh khô, chưa có đường,…) để có biện pháp xử lý kịp thời.

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp huyện Cần Đước kiểm tra tình hình sạt lở bờ Kinh Nước Mặn thuộc địa bàn xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây. Sau khi khảo sát thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh hồ sơ để tiến hành thi công bờ kè Kinh Nước Mặn giai đoạn 1 trong năm 2020 nhằm hạn chế tình trạng sạt lở, bảo đảm an toàn cho người dân khu vực. Được biết, tình trạng sạt lở Kinh Nước Mặn diễn ra nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng.UBND tỉnh đã công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp vào giữa năm 2019. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư 20 tỉ đồng triển khai giai đoạn 1 xây dựng bờ kè dài 1,2km tại khu vực ấp Chợ, xã Long Hựu Đông./.

(còn tiếp)

Bài cuối: Không lơ là trong phòng, chống hạn, mặn

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/bai-4-gay-sat-lo-nhieu-noi-a92137.html