Bài 4: Khai thác cát vô trách nhiệm – thủ phạm của sạt lở ở ĐBSCL
Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được báo động từ hơn thập niên qua, và càng ngày càng nghiêm trọng. Nhiều tỉnh thành đã ban bố tình trạng khẩn cấp do sạt lở bắt nguồn từ việc khai thác cát vô trách nhiệm.
Khi “Hà Bá” nổi giận
Từ đầu năm đến nay hàng chục vụ sạt lở nghiêm trong đã xảy ra ở ĐBSCL. Có thể nêu vài vụ điển hình như: Lúc 7h ngày 12/6, sạt lở xảy ra ở bờ bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên, thuộc khu vực tổ 15, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên. Đoạn sạt lở dài khoảng 45 mét, ăn sâu vào đường nhựa và phía bên trong làm ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ dân và đe dọa 110 hộ dân lân cận, chia cắt đoạn đường giao thông khu vực này. Ngành chức năng cho biết: Khu vực sạt lở xuất hiện hố sâu -10 mét đến -12 mét, cách bờ 20 mét, lạch sâu dài 150 mét, rộng 20 mét.
Trước đó, từ ngày 21-24/5/2023, tỉnh An Giang ghi nhận 3 vụ sạt lở đất bờ sông, rạch xảy ra trên địa bàn hai huyện Chợ Mới, Châu Phú, với tổng chiều dài 125m. Huyện Chợ mới cũng là một trong những “điểm nóng” của tỉnh An Giang về sạt lở. Ngày 20/5/21 trên địa bàn này cũng đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 40m thuộc xã Long Điền B. Do tình hình hết sức nguy hiểm, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ông Nguyễn Thanh Bình đã ký ban bố tình huống khẩn cấp.
Theo thông kê, từ năm 2010 đến tháng 6/2023, chỉ riêng trên địa bàn TP Long Xuyên xảy ra 66 vụ sạt lở, nứt đất bờ sông, kênh, rạch. Còn số lượng sạt lở trên toàn tỉnh phải đến hàng trăm vụ và chủ yếu là dọc theo tuyến sông Tiền và sông Hậu.
Tỉnh Vĩnh Long cũng là một trong những địa phương xảy ra sạt lở nhiều ở ĐBSCL. Chiều ngày 29/12/2022, tại công trình bờ kè đang thi công, thuộc khu vực 1, thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) đã xảy ra một vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Đoạn sạt lở có chiều dài hơn 82m, ăn sâu vào đất liền khoảng 15m, làm cuốn trôi 82,6m chiều dài thành bờ kè đang xây dựng. Vụ việc làm sập 1 căn nhà, gây ảnh hưởng đến 14 hộ dân và 48 nhân khẩu.
Vụ sạt lở ngày 20/4/2023 dọc theo tuyến sông Cổ Chiên, khu vực cồn Thanh Long thuộc ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm có tổng chiều dài sạt lở 50m, ăn sâu vào đất liền từ 10-15m, làm 8 nhà dân bị ảnh hưởng và 17ha vườn cây ăn trái bị thiệt hại. Vụ sạt lở sáng 9/6/2023 trên địa bàn ấp An Thành, xã Phú Đức, huyện Long Hồ dài 300m, ăn sâu vào đất liền từ 3 đến 7m, đã làm ảnh hưởng đến 24 căn nhà của người dân sống cặp đoạn sông này với 122 nhân khẩu
Theo báo cáo của ngành chức năng, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra 80 điểm sạt lở đất bờ sông, tăng 61 điểm so với cùng kỳ và thiệt hại về tài sản tăng gấp 10 lần. Tại các tỉnh Long An, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh. Hậu Giang… sạt lở cũng đang trong tình trạng báo động.
Sạt lở do khai thác cát vô trách nhiệm!
Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Dự án “Giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” do WWF-Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Phòng, Chống Thiên tai (Bộ NN-PTNT), cùng các bộ ban ngành liên quan chia sẻ thông tin tại một cuộc hội thảo mới đây ở Cần Thơ. Theo đó, ĐBSCL đang bị đe dọa do khai thác cát quá mức, dễ thấy nhất là tình trạng sạt lở gia tăng.
Trung bình mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 500ha đất, thiệt hại hơn 200 tỷ đồng do sạt lở tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau. Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông. Theo khảo sát, lượng phù sa, bùn cát của sông Mê Kông đã giảm khoảng 50%, từ 160 triệu tấn vào năm 1992 xuống còn 75 triệu tấn năm 2014. Báo cáo của Ủy hội Sông Mê Kông công bố năm 2018, tổng lượng trầm tích (bao gồm cát) đổ về sông Tiền và sông Hậu đang ngày càng giảm dần và dự kiến chỉ còn khoảng 4,5 triệu tấn vào năm 2040. Nguyên nhân là do hàng loạt thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn.
Bên cạnh đó, độ sâu của sông Tiền và sông Hậu năm 2008 đã tăng thêm 1,3m so với thời điểm năm 1998, tương đương 90-110 triệu m3 trầm tích bị giảm đi từ lòng sông. Nhưng từ năm 2008-2016, độ sâu của sông Tiền và sông Hậu diễn ra nhanh hơn, trung bình sâu thêm 3-7m. Điều này cho thấy trầm tích đang bị lấy đi khỏi lòng sông ngày càng nhiều so với giai đoạn 1998-2008. Đáng báo động là khoảng 66% đường bờ biển trên toàn vùng ĐBSCL đang có nguy cơ sạt lở. Tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, gia tăng cả về tần suất và quy mô.
Ông Hà Huy Anh - Quản lý dự án Quản lý cát bền vững WWF - Việt Nam cho biết: Có sự mất cân bằng khá nghiêm trọng "ngân hàng cát" ở ĐBSCL, cụ thể là âm từ 26,5-39,5 triệu tấn/năm. Khối lượng cát đổ về từ thượng nguồn từ 6,8-7 triệu tấn/năm. Lượng cát khai thác ở ĐBSCL là âm 27-40 triệu tấn/năm. Lượng cát đổ ra biển là âm 6,5 triệu tấn/năm. Quá nhiều đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn dẫn đến lượng trầm tích đổ về đồng bằng giảm theo thời gian, đến năm 2040 dự đoán chỉ còn 4,5 triệu tấn trầm tích đổ về ĐBSCL, trong đó 10-15% so với 143,2 triệu tấn năm 2007.
Việc thiếu trầm tích là nguyên nhân tình trạng sụp lún, lòng sông càng ngày càng xói sâu, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. "Chúng ta đang chi tiêu âm "ngân hàng cát" ít nhất từ 26,5-39,5 triệu tấn/năm. Có thể con cháu chúng ta sẽ không còn thấy 40% diện tích của đồng bằng sau 78 năm nữa", ông Hà Huy Anh cảnh báo.
Nói về tình hình sạt lở của ĐBSCL, tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Hùng (Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho biết: Sạt lở ở ĐBSCL không còn theo quy luật và xuất hiện bất cứ lúc nào. Tính đến năm 2022, ĐBSCL có 665 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 656km. Nguyên nhân chính gây sạt lở là do khai thác cát quá mức.
Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Cát cấp phép chỉ đáp ứng được 14% của thị trường, còn lại 86% là từ nguồn không có phép”. Như vậy, con số này cho thấy, có đến 86% là “cát thổ phỉ”, cát khai thác bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong 14% "cát sạch" đó cơ quan chức năng cũng đã chỉ ra nhiều "vết đen" trong khai thác, mua bán...