Bài 4: Khẩn trương thực hiện các giải pháp ứng phó
Mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông MêKông xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy ở mức thấp, giảm nhanh và hiện đang xuống rất thấp so với trung bình nhiều năm. Do đó, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay xuất hiện sớm và sớm hơn so với hạn, mặn kỷ lục năm 2015-2016. Dự báo trong năm nay, hạn, mặn ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục tăng cao hơn, khả năng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Trước tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp và có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn.
Tỉnh Long An phối hợp đơn vị quản lý âu tàu Rạch Chanh vận hành hợp lý để ngăn mặn, trữ ngọt Người dân chủ động theo dõi
Bắt đầu bước vào những ngày cao điểm của hạn, mặn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng như thường lệ có mặt tại cơ quan từ sớm để giải quyết công việc. Ngoài những nhiệm vụ thường ngày, điều đầu tiên ông quan tâm là thông tin từ các trạm thủy lợi tại huyện Thủ Thừa để nắm tình hình độ mặn trên các tuyến sông. Nếu độ mặn xuống thấp dưới mức 1,5g/l, ông lại đích thân cùng một số cán bộ từ Tân Trụ lên Thủ Thừa để phối hợp các trạm thủy lợi mở cống tranh thủ lấy nước ngọt bơm về cho hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ phục vụ diện tích 4.500ha lúa của người dân.
Theo ông Hoàng, từ thời điểm trước tết, độ mặn từ 2 dòng Vàm Cỏ cung cấp cho hệ thống Nhựt Tảo - Tân Trụ đã vượt ngưỡng, buộc huyện phải đóng tất cả các cửa cống để ngăn mặn. “Sau hơn 1 tháng, các kênh, rạch trong Hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ cũng bắt đầu cạn trơ đáy, nước không đủ để sản xuất. Nếu tình hình hạn, mặn tiếp tục gia tăng, e rằng sẽ có một số diện tích lúa của huyện thiếu nước, giảm năng suất. Do đó, địa phương đang phối hợp Trung tâm Khai thác công trình thủy lợi tỉnh theo dõi chặt chẽ chất lượng nước trên sông Vàm Cỏ Tây tại khu vực huyện Thủ Thừa, nếu chất lượng nước tốt, chúng tôi lập tức cho mở các cống như Cây Gáo, Rạch Đào, Bà Phổ, Ông Sen để lấy nước, đồng thời tổ chức huy động máy bơm bơm nước về. Bên cạnh đó, địa phương cũng tổ chức các đợt nạo vét, vớt lục bình khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh, rạch cũng như huy động các tổ hợp bơm dã chiến từ rạch vào nội đồng phục vụ sản xuất. Hy vọng năm nay, thiệt hại do hạn, mặn sẽ giảm”.
Ông Đặng Minh Hoàng, ngụ ấp 3, xã Lạc Tấn, ngày nào cũng theo dõi thông tin để kịp bơm nước từ sông về cho 5ha lúa đang thời kỳ làm đòng, ngậm sữa. Tuy nhiên, mực nước sông mỗi ngày một cạn khiến ông không khỏi lo lắng bởi hàng chục máy bơm của các hộ dân khác cũng đang tranh thủ lấy nước vào ruộng.
Ông Hoàng cho biết: “Những ruộng sạ sớm lúa đang đòng trổ như gia đình tôi còn có hy vọng chứ đối với một số hộ lúa còn non, nằm giữa đồng có nguy cơ mất trắng rất cao nếu tình hình nước không được cải thiện trong thời gian tới”. Còn ông Hồ Văn Hùng, ngụ ấp 2, xã Lạc Tấn, cũng rất lo lắng bởi nguồn nước ngọt thiếu hụt nghiêm trọng. “Vụ này may thì có ăn, còn không chắc chắn năng suất sẽ giảm rất nhiều” - ông Hùng cho biết. Thống kê, hiện nay, lượng nước ngọt trên các kênh, rạch tại huyện Tân Trụ chỉ còn đáp ứng được từ 60-70% so với nhu cầu bơm lên ruộng của người dân.
Theo Chi cục PTNT và Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Long An, trước diễn biến gay gắt của hạn, mặn năm nay, người dân cần chủ động nắm thông tin, thực hiện theo đúng các khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Chi Cục trưởng Chi cục PTNT và Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Long An - Võ Kim Thuần cho biết: “Nếu như hạn, mặn năm 2015-2016, riêng 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc có gần 3.335ha lúa bị thiệt hại do sản xuất vụ 3 không theo khuyến cáo thì năm nay, tại 2 địa phương này không có diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi người dân chủ động trong sản xuất, không còn làm lúa vụ 3. Đến thời điểm hiện tại, Long An chưa ghi nhận thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do hạn, mặn”.
Tập trung mọi giải pháp phòng, chống hạn, mặn
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, đến thời điểm này, hạn, mặn đã làm thiệt hại khoảng 32.000ha lúa vụ mùa năm 2019 và vụ Đông Xuân (ĐX) 2019-2020. Hạn, mặn cũng khiến khoảng 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong toàn vùng ĐBSCL. So với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016 khiến khoảng 500.000 người dân thiếu nước sinh hoạt, 160.000ha đất nhiễm mặn, 400.000ha lúa bị ảnh hưởng gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng thì con số thiệt hại do hạn, mặn năm nay còn ở mức thấp. Tín hiệu đó không phải đến ngẫu nhiên mà có sự chủ động trong thực hiện đồng bộ các giải pháp từ Trung ương đến địa phương.
Ngay từ thời điểm giữa năm 2019, Bộ NN&PTNT đã chủ động theo dõi, giám sát, dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn liên tục để chủ động các giải pháp ứng phó. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác phòng, chống hạn, mặn từ tháng 9-2019 và ban hành Chỉ thị từ tháng 10-2019. Trong đó, bộ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi những diện tích từ chân đất cao sang cây trồng cạn, chú ý lựa chọn cây có hiệu quả kinh tế và tập trung theo tiểu vùng, khu vực, giảm diện tích lúa ĐX ở ĐBSCL. Đối với lúa ĐX, các địa phương trong toàn vùng hiện còn khoảng 1,5 triệu ha, giảm khoảng 50.000ha so với điều kiện bình thường. Đồng thời đẩy sớm khung thời vụ ĐX ngay từ tháng 10-2019 nhằm né thời điểm xâm nhập mặn cao trùng với thời kỳ nhạy cảm của cây trồng. Qua số liệu từ các địa phương cho thấy, trong tháng 10 và 11-2019, diện tích xuống giống cao hơn năm hạn, mặn lịch sử 2015-2016 khoảng 450.000ha, đến hết tháng 12-2019 không còn tiếp tục xuống giống vụ ĐX, đối với diện tích chưa xuống giống sẽ đẩy lùi thời vụ.
Sau đợt hạn, mặn lịch sử, Bộ NN&PTNT đã tập trung đầu tư nhiều công trình phòng, chống hạn, mặn, hiện một số công trình vượt tiến độ để tạm thời đưa vào vận hành từ tháng 12-2019 và tháng 01-2020 như cống Ninh Quới (Hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp), Trạm bơm Xuân Hòa, tỉnh Tiền Giang; cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (Hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít), 13/16 cống kiểm soát mặn tại tỉnh Bến Tre,... Các công trình này hoàn thành và đưa vào vận hành đã giúp kiểm soát xâm nhập mặn tăng thêm với diện tích khoảng 50.000ha. Thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện như Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn - Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên,… sẽ góp phần hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn.
Đặc biệt, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2019-2020 phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt. Tại Long An, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp các đơn vị tỉnh Tiền Giang triển khai đắp đê bao, đập tạm tại các rạch trên tuyến Quốc lộ 62, ngăn mặn khi độ mặn vượt 2,0g/l, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành lấy nước từ cống Bảo Định khi độ mặn nhỏ hơn 1,0g/l nhằm giảm độ mặn trên sông Vàm Cỏ Tây, cung cấp nguồn nước cho các huyện Tân Trụ, Châu Thành và TP.Tân An. Ngoài ra, tỉnh Long An phối hợp đơn vị quản lý âu tàu Rạch Chanh vận hành hợp lý để ngăn mặn, trữ ngọt cũng như đề xuất tăng lưu lượng xả nước từ hồ Dầu Tiếng để đẩy mặn trên sông Vàm Cỏ Đông khi cần thiết.
Tại tỉnh Tiền Giang, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Anh Tuấn, hiện tỉnh đã thực hiện nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3, đắp đập tạm và lắp máy bơm dã chiến để bơm trữ nước vào hệ thống kênh, rạch nội đồng, tranh thủ vận hành lấy nước qua cống, trạm bơm Xuân Hòa, cống Rạch Chợ khi độ mặn cho phép tại vùng ngọt hóa Gò Công; gia cố các bờ bao, cống đập, sử dụng các giải pháp tích nước tại chỗ, bảo vệ an toàn diện tích cây ăn trái tại các huyện Châu Thành, Cai Lậy và Cái Bè,… Còn tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Minh Chiến cho biết, hiện tỉnh chỉ đạo các ngành tiến hành đắp 78 đập tạm ngăn mặn, bảo vệ diện tích lúa trên đất tôm và đắp 380 đập tạm ngăn mặn, trữ nước cho vùng sản xuất lúa ĐX, sẵn sàng phương tiện bơm chuyền tiếp nước trong thời gian xâm nhập mặn lên cao.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường, về lâu về dài, đối với sản xuất nông nghiệp cần đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Ưu tiên nguồn lực, đầu tư hoàn thiện các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các trục chuyển nước để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn.
Bộ đã đề nghị danh mục ưu tiên đầu tư các hệ thống thủy lợi giai đoạn 2021-2025 như Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2, hoàn thiện Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre, Nam Măng Thít, Bảo Định, Nhật Tảo - Tân Trụ, Gò Công,… với tổng số vốn ước tính khoảng 12.400 tỉ đồng. Riêng đối với việc cấp nước sinh hoạt cho người dân, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương chủ động kinh phí để bố trí vốn xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung và mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước cho các hộ dân khu vực phụ cận. Đặc biệt, các địa phương trong khu vực ĐBSCL cần tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị về phòng, chống hạn, mặn được tổ chức tại tỉnh Bến Tre đầu năm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương cần tập trung thực hiện chăm lo cuộc sống người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt; các cấp chính quyền địa phương cần chủ động có giải pháp cung cấp nước cho người dân, nơi nào để xảy ra thiếu nước, lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm.
Trường hợp cấp bách, phải sử dụng phương tiện để cung cấp nước cho người dân. Đối với nông nghiệp, cần tập trung cung cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cần chủ động phối hợp từng địa phương nghiên cứu, điều chỉnh mùa vụ, giống cây trồng phù hợp với điều kiện từng địa phương. Tập trung gia cố hệ thống đê bao, hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nạo vét các hệ thống kênh, mương, tích nước ngọt phục vụ sản xuất. Đối với các giải pháp công trình cần được thực hiện theo đúng tiến độ, sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần phát huy việc hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, cùng kiểm soát, sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất. Riêng Bộ Tài nguyên - Môi trường cần nâng chất lượng công tác dự báo, dự báo chính xác tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, giúp các địa phương trong vùng chủ động, thực hiện hiệu quả việc phòng, chống hạn, mặn./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/bai-4-khan-truong-thuc-hien-cac-giai-phap-ung-pho-a91436.html