Bài 4: Lượng hóa với chế tài cụ thể đủ mạnh

Để HĐND thực hiện tốt chức năng giám sát quyền lực và không phụ kỳ vọng của cử tri, một trong những giải pháp then chốt là cần thiết phải có một 'thượng phương bảo kiếm' đủ sắc bén. Đó chính là các chế tài cụ thể đủ mạnh đối với việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua giám sát của HĐND. Đây cũng chính là nội dung hầu hết các địa phương kiến nghị, mong chờ qua nhiều nhiệm kỳ. Cần quy định rõ hay dẫn chiếu pháp luật chuyên ngành và chế tài đặc biệt nào cho việc không nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát?

Giải quyết tận gốc những kiến nghị xuyên nhiệm kỳ

Báo cáo tổng kết sau 7 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, hầu hết Thường trực HĐND các tỉnh, thành đều kiến nghị cần lượng hóa cho được quy định “…trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý” tại Điều 89, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Bởi, xử lý theo thẩm quyền của HĐND thì ngoài đôn đốc, giám sát, kiến nghị ra, Luật chưa cho phép HĐND một chế tài hay biện pháp xử lý nào khác; còn kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thì gồm cơ quan nào, mức kiến nghị ra sao cũng chưa được quy định cụ thể, rất khó vận dụng trong thực tiễn.

Đúng là cần phải trao “thượng phương bảo kiếm” bằng các chế tài thật cụ thể, đủ mạnh cho HĐND thì mới góp phần giải quyết tận gốc các vấn đề kiến nghị tồn đọng xuyên nhiệm kỳ chưa được xem xét giải quyết, gây xói mòn lòng tin của người dân và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và đất nước.

Định hướng cho các chế tài xử lý

Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, theo Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai Ngô Quyền, trước hết, khái niệm về hiệu quả giám sát cần được định lượng cụ thể, rõ ràng để định hướng cho các chế tài xử lý sau giám sát. Hiệu quả giám sát của HĐND là sự đánh giá trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thực hiện nhiệm vụ có thể nêu gương, đối với các sai phạm thì yêu cầu thu hồi, xử lý hành chính, hình sự, đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm… Do đó, cần quy định cụ thể về hiệu quả giám sát như: xem xét trách nhiệm - cần sửa đổi, bổ sung những quy định về chế tài xử lý trường hợp người đứng đầu để xảy ra sai phạm, nhất là đối với những người đứng đầu do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn; yêu cầu đối tượng giám sát bắt buộc phải thực hiện kiến nghị giám sát đối với hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, trong việc chấp hành pháp luật; kiến nghị thực hiện biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của địa phương, cơ quan đơn vị do Đoàn giám sát phát hiện…

Bên cạnh đó, bản thân Luật cũng như HĐND cần thống nhất cho được phương thức biểu đạt sản phẩm của giám sát. Các kiến nghị sau giám sát theo Luật Hoạt động giám sát hiện nay chưa đồng bộ giữa việc ra nghị quyết về giám sát (đối với giám sát của HĐND), hay Thông báo kết luận (đối với giám sát của Thường trực HĐND) hay là Báo cáo kết quả (giám sát của các Ban của HĐND), nội dung này cần thống nhất, nên chăng là trình ra giữa kỳ họp để HĐND ra nghị quyết về kết quả giám sát, có lộ trình giải quyết cụ thể thì cơ quan được giám sát mới dễ tiếp thu, thực thi; HĐND, các cơ quan của HĐND cũng dễ giám sát lại, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Bởi suy cho cùng, dù chủ thể giám sát là ai đi chăng nữa thì cũng là giám sát quyền lực, giám sát của cơ quan đại diện của dân là giám sát của nhân dân, là tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân được tôn trọng, giải quyết kịp thời.

Các đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang bỏ phiểu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu tại Kỳ họp chuyên đề thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Ngọc Hưng

Các đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang bỏ phiểu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu tại Kỳ họp chuyên đề thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Ngọc Hưng

Quy định rõ hay dẫn chiếu pháp luật chuyên ngành?

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng: quan trọng nhất trong hoạt động giám sát là cùng chính quyền giải quyết những vướng mắc, “điểm nghẽn”. Chế tài chỉ đặt ra khi các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát thiếu trách nhiệm, cố tình không thực hiện. Tuy nhiên, nếu quy định cụ thể các chế tài vào Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì có thể dẫn đến chồng chéo, trùng lặp hoặc thậm chí mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành khác. Do đó, nên quy định rõ việc dẫn chiếu đến các chế tài đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện chưa đến nơi đến chốn các kiến nghị sau giám sát của HĐND.

Ví dụ như: sẽ áp dụng luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Hay trong trường hợp cố tình/tắc trách không thực hiện kiến nghị mà dẫn đến thiệt hại (chẳng hạn như để xảy ra sạt lở, cháy nổ… gây thiệt hại về tài sản, con người) thì sẽ áp dụng quy định pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại hoặc trách nhiệm hình sự để xử lý.

Còn theo Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh Lê Hồng Hạnh: so sánh với chức năng kiểm tra và thanh tra của cấp ủy, UBND thì rõ ràng giám sát của HĐND chỉ kiến nghị, đề xuất. Chính cách nhìn thiển cận cho rằng giám sát của HĐND chỉ là sơ sơ, nhè nhẹ kiểu “giám sát ngoài da” rất khó để HĐND có thực quyền trong giám sát. Do đó, cần quy định rõ Đoàn giám sát của HĐND cũng có các thẩm quyền như phát hiện sai phạm có quyền đình chỉ, bãi bỏ, như chế tài đối với xử lý văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và HĐND cấp dưới trực tiếp. Quy định rõ ràng việc sau khi gửi kiến nghị yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà cơ quan có thẩm quyền đó không tiếp thu, giải quyết thì phải chịu hậu quả gì? Hiện nay, kiến nghị gửi còn thực hiện hay không không có bất kỳ biện pháp gì để xử lý…

Chế tài đặc biệt cho việc không nghiêm túc thực hiện

Nhấn mạnh bản chất giám sát của HĐND là giám sát quyền lực, thì phải có chế tài cụ thể bảo đảm việc thực hiện quyền lực nhà nước, nguyên Ủy viên Thường trực kiêm Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng Nguyễn Vân Hậu cho rằng: cần quy định trong thời hạn luật định, nếu cơ quan, đơn vị liên quan không tổ chức thực hiện, hoặc thực hiện không nghiêm túc nghị quyết về giám sát hoặc kết luận, kiến nghị sau giám sát (đối với những nội dung đủ điều kiện thực hiện) thì Thường trực HĐND được “quyền xem xét đặc biệt” và buộc phải ban hành 1 trong 2 quyết định: (1) Nghị quyết gia hạn thời gian thực hiện; (2) Nghị quyết tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cá biệt đối với chức danh người đứng đầu cơ quan do HĐND bầu; đối với chức danh không do HĐND bầu thì cũng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và có kiến nghị với cấp ủy, hoặc cơ quan bổ nhiệm về thực hiện trách nhiệm chính trị trước nhân dân địa phương; đồng thời công khai cho dân biết. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm này được tiến hành tại kỳ họp thường lệ gần nhất (hoặc tổ chức kỳ họp bất thường, chuyên đề). Trình tự do luật/quy chế quy định.

Đồng quan điểm, đại biểu H’Bic Buôn Jă, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cần đưa quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào chỉ đạo hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và hoạt động giám sát, thực thi kết luận giám sát của cơ quan dân cử nói riêng, đó là xem xét tư cách người đứng đầu của đơn vị được giám sát: “Anh nào, địa phương nào không làm được thì xử lý, thay anh ấy. Đã không xứng đáng thì thôi, từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình”. Ngoài lượng hóa các quy định về bảo đảm thực thi nghị quyết, kiến nghị giám sát, nên xem việc đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trước HĐND cũng là một chế tài đặc biệt mà HĐND nên phát huy để các kiến nghị sau giám sát, nhất là những nội dung kéo dài, tồn đọng xuyên nhiệm kỳ sớm được giải quyết.

Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là hình thức giám sát được kỳ vọng mang lại tác động mạnh mẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chưa ấn định thời gian cụ thể HĐND thực hiện quyền lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Trình tự, thời gian cụ thể lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm do Quốc hội hướng dẫn, thường là bằng Nghị quyết và thực hiện vào giữa nhiệm kỳ.

Để tăng tính chủ động, linh hoạt, phát huy cao nhất hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, nhất là khi các kiến nghị chính đáng, hợp pháp, có tác động quan trọng của HĐND không được tiếp thu giải quyết, cần bổ sung quy định: “Thường trực HĐND tự mình đề nghị” vào các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 2, Điều 13 Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội cũng như khoản 1, Điều 64 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đồng thời, xem xét, nới lỏng quy định về thời gian thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm của HĐND như một hoạt động bình thường và diễn ra thường niên chỉ nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND.

Phương Nhung - Hồng Hạnh - Quang Chi - Hữu Hải - Mạnh Tuân - Bách Hợp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/bai-4-luong-hoa-voi-che-tai-cu-the-du-manh-i352335/