Bài 4: Những bài học đắt giá do buông lỏng quản lý về quy hoạch
Sau mỗi đợt thanh, kiểm tra, đã có không ít những bài học đắt giá phải trả do việc buông lỏng quản lý về quy hoạch. Nhiều vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch đã được phát hiện xử lý, thậm chí có vụ việc phải khởi tố. Để công tác lập, quản lý quy hoạch đúng quy định của pháp luật phát huy thế mạnh 'dẫn đường' trong công tác đầu tư xây dựng, Chính phủ và các Bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa, đồng thời tạo cơ hội để nhân dân giám sát trong công tác quản lý quy hoạch. Đặc biệt gắn trách nhiệm của người đứng đầu, trong việc để xảy ra những vi phạm, tồn tại trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng.
Nhiều vi phạm liên quan đến quy hoạch xây dựng
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ; chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi; công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại các đô thị lớn, tập trung đông dân cư còn “tùy tiện”, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, gây tình trạng quá tải hạ tầng đô thị. Một số quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng được chấp thuận chưa phù hợp với quy chuẩn và chỉ tiêu sử dụng đất đã được xác định trong quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu xây dựng; công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn thiếu kiểm soát chặt chẽ, nhiều nơi còn thiếu chương trình và kế hoạch phát triển đô thị dẫn tới việc phát triển đô thị còn tùy tiện, chưa gắn phát triển đô thị với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng và các pháp luật liên quan chưa đầy đủ, thậm chí còn chồng chéo; một số quy định không còn phù hợp, nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ; kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm chưa gắn kết với kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển đô thị dẫn tới việc đầu tư dàn trải; công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị ở một số địa phương còn buông lỏng…
Bài học từ cách tiếp cận lạc hậu, tùy tiện về quy hoạch của Hà Nội
Theo KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, do cách tiếp cận chủ quan, lạc hậu và tùy tiện của một số nhà quản lý trong việc chỉ đạo lập quy hoạch, dẫn đến những việc mất cân bằng về dân số, hạ tầng xã hội, cũng như thiếu hụt quỹ đất xây dựng hệ thống trường học của Hà Nội hiện nay.
Hà Nội sau 10 năm thực hiện quy hoạch chung được phê duyệt bởi Quyết định 1259 (2011-2021), Thành phố giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội rà soát đánh giá, tuy vậy đề cập tới thực trạng thiếu hụt quỹ đất xây trường rất hời hợt, thiếu cụ thể.
Năm 2023, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đề xuất quy hoạch vùng huyện Mê Linh cần tiếp tục tăng đất đô thị thêm 2.000ha nữa để đón nhận dân số Mê Linh tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Dự báo dân số thấp dẫn đến đất đai để xây dựng trường học thấp, việc dự báo dân số “tùy tiện” để bố trí đất đô thị, mở đường cho việc thu hồi đất công, nhằm khai thác bất động sản tư nhân cao.
Ai cũng muốn Mê Linh trở thành đô thị thông minh, nhưng sau 10 năm, hàng nghìn ha đất ruộng bị thu hồi, Mê Linh cố gắng đào tạo lao động, nhưng kết quả không đáng kể: Đào tạo sơ cấp, ngắn hạn cho lao động từ 18 đến 43 tuổi của Mê Linh đạt 14,7% so với trung bình toàn thành phố là 31,7%. Khu công nghiệp Quang Minh có các ngành sản xuất phụ tùng và chi tiết xe máy (trừ khung xe và động cơ), tôn lợp, cấu kiện thép xây dựng, may mặc, giày dép, chế biến thực phẩm, lương thực, lắp ráp máy nông lâm nghiệp, điều hòa – những ngành nghề đơn giản, không có chuyên môn cao. Các bản quy hoạch đổi màu xanh ruộng lúa thành màu vàng bất động sản mà không có đề xuất mô hình kinh tế mới thực sự nào tạo ra động lực để thu hút dân cư và tạo cơ hội để dân cư tồn tại ở đó. Đồng thời, dành đủ đất để xây dựng nhà trẻ, hệ thống trường trung học. Nhưng thực tế trong quy hoạch xây dựng đã không đặt ra những điều đó.
Cũng theo KTS. Trần Huy Ánh, về quản lý quy hoạch cho thấy, toàn bộ hồ sơ rà soát đánh giá quy hoạch do HUPI – Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội lập không áp dụng các công nghệ mới: Vệ tinh phân giải cao, viễn thám, ảnh bay chụp flycam, phân tích quang phổ, điểm sáng với sự hỗ trợ của AI, số hóa hình học (geometry digitization). Hoàn toàn vẽ 2D thủ công… Sau 20 năm tin học hóa công tác quản lý, kỹ thuật công nghệ lập quy hoạch không có bước tiến nào. Với công cụ phương pháp lập quy hoạch lạc hậu, tùy tiện, chủ quan sẽ tạo ra nguy cơ quy hoạch Hà Nội trở thành một vùng bất động sản “khổng lồ” mất cân đối toàn diện và thiếu bền vững.
Lý giải việc Hà Nội thiếu quỹ đất xây dựng trường học như hiện nay, KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, do thông tin về dân số sai đã dẫn đến bố trí thiếu 50% đất xây trường học cách đây 20 năm.
Đơn cử như quận Cầu Giấy có diện tích hơn 1.200ha, số dân năm 1997 là 9 vạn, năm 2001 lên đến 14 vạn người. Quy hoạch căn cứ vào dân số hiện trạng (2003) vẫn là 9 vạn, số học sinh gần 2 vạn. Dự báo đến 2020, dân số tăng gần 15 vạn, có hơn 4 vạn học sinh. Quy hoạch gần 60ha đất xây trường (đã là thừa), đất còn lại được chia lô làm nhà ở thấp tầng, cao tầng, trung tâm thương mại, khách sạn nhà hàng, trụ sở công ty…
Thực tế, năm 2008 dân số Cầu Giấy đã trên 20 vạn, số học sinh 4 cấp đã có gần 5 vạn cháu. Chưa qua nửa thời gian, đã thiếu hàng chục ha, tính đến năm 2020 thì đất xây trường học thiếu gấp đôi. Đất xây trường học không có nhưng thừa đất để thỏa thuận, giới thiệu cho các doanh nghiệp…khai thác bất động sản, mua đi bán lại, còn hàng trăm ha đất bỏ hoang, đắp chiếu 20 năm qua. Năm 2023, Thành phố đang có kế hoạch thu hồi 18 dự án xây dựng trụ sở các Tổng công ty, ngoài ra còn 50 dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ thực hiện (Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội).
“Quận Cầu Giấy vốn là các làng ven sông Tô, các lớp học xưa chỗ nào cũng được ưu tiên xây dựng rộng rãi thoáng mát tĩnh mịch, cửa sổ các lớp trông ra đồng lúa xanh rờn. Giờ đây có trường chen chúc giữa khu dân cư, có trường chung tường với nhà tang lễ bệnh viện, cảnh tắc đường, tiếng còi xe với âm thanh kèn trống đám ma. Đất đai tại quận Cầu Giấy đắt đỏ, nhưng hàng trăm ha cấp cho các dự án vẫn đắp chiếu, 50 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Đất xây trường tại 5 quận trung tâm mở rộng thiếu 50% do quy hoạch trường học “quên” đất xây trường vì dự báo dân cư sai” - KTS. Trần Huy Ánh cho hay.
Cũng theo KTS. Trần Huy Ánh: “Hiện không chỉ có quận Cầu Giấy phát hiện việc quy hoạch sai khi dựa vào số dân hiện trạng sai và dự báo sai để chủ động khắc phục. Các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm…nay mới phát hiện ra thì đã quá muộn vì không còn đất trống để giữ lại xây trường học nữa”, KTS. Trần Huy Ánh cho hay.
Bộ Xây dựng chấn chỉnh, rà soát quy hoạch
Để chấn chỉnh, rà soát công tác lập, quản lý quy hoạch, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh, rà soát công tác lập, quản lý quy hoạch. Tại Văn bản số 2309/BXD-QHKT do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn ký ban hành mới đây về việc rà soát công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương rà soát, chấn chỉnh và thực hiện nghiêm công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.
Theo nội dung văn bản, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023 về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; thời gian qua, thông qua quá trình phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công tác thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư, cũng như kiểm tra việc thực hiện công tác này tại địa phương và góp ý kiến đối với đồ án quy hoạch trước khi UBND cấp tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền, Bộ Xây dựng nhận thấy một số vấn đề bất cập cần các địa phương lưu ý, cụ thể như sau:
Quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng là căn cứ quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cho các đô thị, nông thôn và khu chức năng. Theo quy định pháp luật hiện hành, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng bao gồm cấp độ: Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; được lập, phê duyệt theo hướng cụ thể, chi tiết hóa dần để làm cơ sở quản lý tổng thể phát triển đô thị, khu vực trong đô thị và kiểm soát dự án đầu tư xây dựng.
Hiện nay, việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tại một số địa phương chưa có sự đồng bộ, thống nhất như: Phạm vi, quy mô khu vực phát triển đô thị được lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa phù hợp với định hướng phát triển không gian theo quy hoạch chung đã được phê duyệt; chỉ tiêu sử dụng đất tại quy hoạch chung chưa phù hợp với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Vị trí, quy mô hệ thống công trình dịch vụ - công cộng, đặc biệt là hệ thống công viên cây xanh công cộng chưa thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch; quy mô dân số tại quy hoạch chi tiết chưa phù hợp với chỉ tiêu dân số được phân bổ tại quy hoạch phân khu; chưa đề xuất cụ thể nội dung về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023 về tháo gỡ và thức đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; để tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: Tăng cường rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; quy hoạch chung xây dựng xã để phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Tổ chức rà soát các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được lập, phê duyệt trên địa bàn đồng thời với việc rà soát các dự án chậm triển khai, dự án đã bị thu hồi để điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật; rà soát, bổ sung nội dung về quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị (nếu có); bảo đảm sự thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch để thực hiện quản lý phát triển đô thị và lập dự án đầu tư xây dựng hiệu quả, đồng bộ. Khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt, trình phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy định pháp luật, làm cơ sở đề xuất và lập dự án đầu tư xây dựng.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, trên cơ sở Báo cáo số 166/BC-ĐGS của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Theo đó, Quốc hội đã đánh giá việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).
Theo Bộ Xây dựng, sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật Quy hoạch còn có những bất cập, chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 chậm. Những tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập, việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, các địa phương còn nhiều hạn chế trong quá trình lập.
Chia sẻ về những vướng mắc của Luật Quy hoạch, ông Nguyễn Hồng Quân - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Luật Quy hoạch dùng thuật ngữ là quy hoạch quốc gia, tích hợp nó trở thành câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước. Lâu nay chúng ta vẫn làm quy hoạch kể cả tầm quốc gia, địa phương, vùng, tỉnh, khu dân cư (chi tiết). Nhưng một thị trấn lập quy hoạch là người ta dựa vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch dựa vào quy hoạch trên. Nhưng ở trên không ai gọi là quy hoạch tổng thể quốc gia, mà các nước gọi là chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mình “sinh ra” thuật ngữ quy hoạch tổng thể quốc gia, mà bản chất quy hoạch lâu nay chúng ta làm gồm 2 loại hình: Loại hình quy hoạch không gian, quy hoạch vật thể, còn một loại bây giờ gọi là quy hoạch (trước gọi là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mà dạng chiến lược này được thể hiện bằng văn bản chứ không thể hiện bằng bản vẽ).
Ông Nguyễn Hồng Quân chia sẻ: Trong các kỳ Đại hội Đảng chỉ nói chiến lược phát triển kinh tế đến 10 năm, bây giờ gọi là quy hoạch, tích hợp, phải có quy hoạch tổng thể quốc gia mới được lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành… điều này là rất bất cập. Gần 7 năm Luật Quy hoạch được thông qua, nhưng đến giờ không có Luật Quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt. Vậy thời gian qua, tỉnh và các ngành làm theo quy hoạch nào? Trên thực tế, Luật Quy hoạch đã làm thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước trong thời gian qua, nếu còn tiếp tục câu chuyện này, đất nước sẽ còn phải trả giá nhiều năm nữa.
“Việc ra đời của Luật Quy hoạch bây giờ, gỡ không gỡ nổi nữa. Theo Nghị quyết của Quốc hội, quy hoạch tỉnh ai làm xong trước cứ làm, kiểu “còi to cho vượt”. Tại sao các địa phương không làm được quy hoạch tỉnh, có anh làm được thì cũng rất dở, giờ chỉ có cách bỏ Luật Quy hoạch đi thì mới giải quyết được vấn đề”, ông Nguyễn Hồng Quân nói.
Cũng theo Ông Nguyễn Hồng Quân: Lâu nay người ta nhầm lẫn, nói quy hoạch vật thể là quy hoạch xây dựng của Bộ Xây dựng, đây là một nhầm lẫn rất đáng tiếc. Bởi nó là quy hoạch vật thể và Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng quản lý Nhà nước về quy hoạch vật thể này. Bây giờ người ta cứ nghĩ quy hoạch này của Bộ Xây dựng nên phải tích hợp, nằm trong tổng thể này. Nhẽ ra, Bộ Xây dựng phải có trách nhiệm giải thích cho các Đại biểu Quốc hội rõ, nhưng chúng ta không làm được việc này do vậy mới dẫn đến thực trạng nêu trên.
“Trách nhiệm thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban soạn thảo Luật Quy hoạch. Chính phủ và Quốc hội giao cho họ trọng trách này nhưng không chịu tiếp thu những ý kiến đóng góp mà còn ra sức bảo vệ cái không đúng. Tác giả Luật này là Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, trước làm Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên, chuyên làm quy hoạch vật thể, quy hoạch không gian…người phụ trách là một Thứ trưởng, chuyên môn phiên dịch nên cũng không hiểu gì về quy hoạch” - Ông Nguyễn Hồng Quân cho hay.
Về một số giải pháp, ông Nguyễn Hồng Quân cho rằng: Cần phải bỏ Luật Quy hoạch, bởi trong nội hàm luật không có gì, chỉ có duy nhất từ tích hợp trên phải chỉ đạo dưới, tức phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia trước mới làm được các quy hoạch tỉnh khác. Kiểu trên chỉ đạo dưới, nhưng trên không thể làm quy hoạch tổng thể quốc gia được mà chỉ làm chiến lược của quốc gia thôi, chứ bản đồ đất nước Việt Nam trên 300 nghìn km2, ai làm được, Quy hoạch tổng thể là vĩ mô thì ai vẽ được?
Theo TS.Nguyễn Đình Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, để công tác quy hoạch đi vào nề nếp, chúng ta cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị, đặc biệt là các quy định về điều chỉnh quy hoạch, được biết Bộ Xây dựng cũng đang làm việc này.
Chúng tôi cho rằng, pháp luật là một hành lang để mọi hoạt động xã hội tiến hành một cách thuận lợi trong hành lang đó. Luật cần quy định chặt chẽ những điều công chức được làm và không được làm. Những vấn đề doanh nghiệp, nhân dân tự làm được thì nên “khơi thông” để xã hội phát triển. Việc tạo ra những rào cản thông qua các thủ tục hành chính là gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời cũng là rào cản cho sự phát triển.
Từ bài học của Luật Quy hoạch và một số luật khác, chúng tôi cho rằng cần có một bộ luật chung, trong đó có quy định về trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cá nhân soạn thảo trong việc trình, ban hành những điều luật tạo ra rào cản, cản trở sự phát triển của xã hội.