Bài 4: Tinh gọn bộ máy mạnh mẽ để giảm tỷ lệ chi thường xuyên

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nhận định, chi tiêu lớn cho bộ máy hành chính tạo gánh nặng lên ngân sách nhà nước, thiếu nguồn chi cho đầu tư phát triển. Do đó, đại biểu cho rằng, cần tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ để tinh gọn bộ máy, giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tập trung nguồn lực cho chi đầu tư.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Tạo gánh nặng lên ngân sách nhà nước

Phóng viên: Hiện nay, chi ngân sách cho đầu tư phát triển chỉ khoảng 30% tổng chi, trong khi đó chi cho bộ máy chiếm đến 70%. Theo đại biểu, cơ cấu chi như vậy ảnh hưởng gì đến hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước?

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu: Việc ngân sách chi cho bộ máy hành chính chiếm đến 70% tổng chi ngân sách, chỉ còn lại 30% cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, an ninh xã hội cho thấy bộ máy hành chính của chúng ta đang được tổ chức khá cồng kềnh, đòi hỏi nguồn lực để duy trì bộ máy là khá lớn. Việc duy trì một cơ cấu chi tiêu ngân sách có nhiều bất cập như vậy có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sử dụng ngân sách và khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế, trong đó có những bất cập cơ bản như:

Thứ nhất, khi chi tiêu hành chính chiếm phần lớn ngân sách, khoản dành cho đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, y tế, và các chương trình phát triển khác bị giảm đi đáng kể. Đầu tư phát triển là yếu tố then chốt giúp tăng năng suất lao động, thu hút vốn đầu tư, và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tỷ lệ 30% cho đầu tư là quá thấp, có thể gây ra thiếu hụt trong các dự án hạ tầng quan trọng, dẫn đến nhiều bất cập như ách tắc giao thông, quá tải bệnh viện, thiếu cơ sở giáo dục, và tụt hậu công nghệ. Đặc biệt, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển hiện nay của nước ta đang còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,5% đến 0,6% GDP, đặt ra những thách thức lớn cho việc phát triển khoa học và công nghệ.

Thứ hai, chi tiêu lớn cho bộ máy hành chính tạo gánh nặng lên ngân sách nhà nước và có thể dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách nếu nguồn thu không đủ bù đắp. Để bù đắp, Chính phủ có thể phải vay nợ, từ đó làm tăng nợ công. Điều này dẫn đến rủi ro về tài chính quốc gia, tạo áp lực trả nợ lớn, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia trên thị trường tài chính quốc tế, và làm giảm khả năng đầu tư trong tương lai.

Thứ ba, tỷ lệ chi tiêu lớn cho bộ máy hành chính còn phản ánh tình trạng bộ máy quản lý cồng kềnh và kém hiệu quả. Bộ máy hành chính nếu không được cải cách và tối ưu hóa sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn mức cần thiết. Điều này dẫn đến hiện tượng “hành chính hóa,” thiếu linh hoạt trong quản lý, giảm tính minh bạch, và gây khó khăn trong việc thúc đẩy hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức. Những hiện tượng này làm giảm năng suất và hiệu quả của cả nền kinh tế.

Thứ tư, khi phần lớn ngân sách bị sử dụng để duy trì bộ máy hành chính thay vì các dự án phát triển cộng đồng, người dân có thể cảm thấy nguồn lực quốc gia không được phân bổ hợp lý. Đầu tư ít vào các chương trình an sinh xã hội, y tế, và giáo dục cũng sẽ tạo ra khoảng cách về chất lượng sống giữa các nhóm dân cư, dễ dẫn đến các bất ổn xã hội.

Thứ năm, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, việc không đầu tư đủ cho các dự án phát triển sẽ khiến Việt Nam khó bắt kịp với các quốc gia khác về năng lực cạnh tranh. Các khoản chi cho phát triển là nền tảng để thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng lao động và cải thiện hạ tầng. Nếu ngân sách đầu tư phát triển bị giới hạn, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì đà tăng trưởng và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

"Tránh tình trạng giảm chỗ này lại phình ở chỗ kia"

Phóng viên: Theo Tổng Bí thư, để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển cần giảm chi cho bộ máy và tinh gọn bộ máy. Hiện nay, nội dung này được triển khai như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu: Đây là vấn đề rất được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, đặc biệt là trong những nhiệm kỳ gần đây. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quốc hội cũng đã thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này và đã ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt hiệu lực, hiệu quả.

Trên cơ sở nội dung của các nghị quyết này, trong thời gian vừa qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm tinh gọn bộ máy, trong đó tập trung vào tổ chức rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, tiến hành sáp nhập các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để giảm số lượng cơ quan, giảm thiểu chồng chéo và tăng cường hiệu quả làm việc. Chẳng hạn, trong nhiệm kỳ vừa qua, ở các cơ quan trung ương đã mạnh mẽ tinh giảm các Tổng cục, không tổ chức đơn vị cấp phòng ở vụ tham mưu…

Các đơn vị cũng đã quyết liệt tinh giản biên chế với mục tiêu giảm khoảng 10% biên chế công chức, viên chức hàng năm. Các vị trí không thực sự cần thiết hoặc chồng chéo nhiệm vụ sẽ được cắt giảm, các công chức, viên chức có năng lực kém hoặc không đáp ứng được yêu cầu sẽ được đưa vào diện tinh giản. Đồng thời, thực hiện cắt giảm các chi phí hoạt động không cần thiết, bao gồm các chi phí hội họp, công tác, mua sắm trang thiết bị, và tổ chức các sự kiện quy mô lớn; kiểm soát chặt chẽ hơn trong quản lý tài sản công, đặc biệt là các tài sản có giá trị lớn, nhằm giảm thiểu lãng phí và tăng tính minh bạch trong việc sử dụng ngân sách.

Các cấp các ngành cũng tích cực ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước để giảm chi phí và tăng năng suất làm việc. Các hệ thống hành chính điện tử, dịch vụ công trực tuyến đã được đầu tư xây dựng và triển khai vận hành nhằm giảm thiểu nhân lực và tăng tốc độ xử lý công việc.

Công tác đổi mới cơ chế tài chính và tự chủ tài chính trong khu vực công cũng được triển khai. Các đơn vị sự nghiệp công lập được khuyến khích tăng cường cơ chế tự chủ tài chính, giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, giúp giảm áp lực chi ngân sách cho bộ máy nhà nước. Chính phủ cũng thúc đẩy các hình thức hợp tác công - tư trong cung cấp dịch vụ công, giúp chia sẻ gánh nặng ngân sách và tăng hiệu quả dịch vụ.

Ngoài ra, chúng ta đã tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước và nâng cao hiệu quả giám sát ngân sách. Triển khai áp dụng các công cụ đánh giá, kiểm soát và công khai thông tin chi tiêu ngân sách để đảm bảo rằng các khoản chi tiêu được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Các cơ quan của Quốc hội cũng tăng cường các hoạt động giám sát về chi tiêu ngân sách, tinh gọn bộ máy hành chính. Các báo cáo định kỳ về tình hình chi ngân sách của các cơ quan nhà nước được yêu cầu công khai để nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm.

Phóng viên: Trong thời gian tới, theo đại biểu, cần có giải pháp mạnh mẽ nào để có thể giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tập trung nguồn lực cho các hoạt động chi đầu tư?

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu: Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm rất thuận lợi để tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ cho việc tinh gọn bộ máy, giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tập trung nguồn lực cho các hoạt động chi đầu tư. Dư luận cử tri và Nhân dân cũng đang rất đồng thuận và ủng hộ chủ trương này.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, chúng tôi cho rằng cần tiếp tục triển khai các giải pháp đã được đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội. Trong thời gian tới đây, các cấp, các ngành sẽ tiến hành tổng kết việc triển khai thực hiện các nghị quyết này để tiếp tục đề ra các giải pháp phù hợp cho giai đoạn sắp tới. Trong đó, chúng tôi cho rằng việc triển khai thực hiện cần lưu ý những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, việc tiến hành tinh gọn bộ máy cần được thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương để tránh tình trạng giảm chỗ này lại phình ở chỗ kia.

Thứ hai, việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy cần phải đi cùng với việc nghiên cứu, tăng cường các giải pháp để giữ chân và thu hút lực lượng lao động chất lượng cao ở khu vực công. Cần phải khẳng định rằng lực lượng lao động khu vực công có giá trị quyết định đối với việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước bởi đây là những người hoạch định chính sách, là cơ sở để cả nền kinh tế - xã hội vận hành.

Thứ ba, việc tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần được thực hiện một cách quyết liệt và phải dựa trên cơ sở khoa học, cân nhắc kĩ lưỡng. Chẳng hạn, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần nghiên cứu kỹ các nguyên tắc của việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền; phân định thẩm quyền giữa cơ quan dân cử với cơ quan hành chính nhà nước để có những giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đúc rút được những kinh nghiệm phù hợp với bối cảnh của nước ta.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Trần Huyền (thực hiện)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-4-tinh-gon-bo-may-manh-me-de-giam-ty-le-chi-thuong-xuyen.html