Bài 4: Tư duy năng động và bản lĩnh sáng tạo của quân dân 'đất thép thành đồng'

Dũng cảm trong chiến đấu, kiên cường trong bom đạn, lập nhiều chiến công hiển hách, ngày 17/9/1967 miền Nam mở Đại hội quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, quân dân Củ Chi được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vinh danh là 'Đất thép thành đồng' và được tặng 'Huân chương thành đồng'. Qua 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân dân Củ Chi đã tạo nên 'dáng đứng' bất diệt của mình trong vô vàn phương thức đánh giặc rất sáng tạo, xuất phát từ tư tưởng tiến công cách mạng: 'Nắm chặt thắt lưng Mỹ mà đánh'.

Sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động quân sự

Sau cao trào Đồng Khởi, nhất là trong hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967, quân dân ta trên chiến trường Củ Chi đã phối hợp tiến công đồng bộ quân Mỹ - ngụy bằng nhiều hình thức đấu tranh như "hai chân, ba mũi, ba vùng", kết hợp đấu tranh trên cả 3 lĩnh vực: Chính trị, quân sự và binh vận; trói tay địch, hạn chế chúng phản kích. Vừa tiêu diệt địch ở vùng đô thị, vừa phát triển đấu tranh giành quyền làm chủ ở nông thôn, quyết liệt giành đất, giành dân, đồng thời phối hợp tiến công địch trên cả 3 vùng nông thôn, đô thị và rừng núi nhằm bẻ gảy ý đồ tổ chức thực hiện hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định" của chúng.

Đánh với kẻ địch mạnh về vũ khí và binh lực, thực hiện chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh, quân dân Củ Chi luôn luôn xác định chiến lược đánh lâu dài, "đẩy lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến lên giành thắng lợi toàn cục.

Trong khi Mỹ tiến hành hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966, 1966-1967), trên chiến trường Củ Chi đã hình thành thế trận chiến tranh nhân dân trong hầu hết các địa bàn cơ sở ở nông thôn. Các xã, ấp chiến đấu với việc xây dựng những hầm hào và địa đạo, với việc bố trí các trận địa lựu đạn gài, hầm chông... dày đặc như thiên la địa võng. Khi bà con nông dân bị "xúc", bị "gom tát" dồn vào các ấp chiến lược hay vùng ven đô thị, các trục lộ trở thành cơ sở cho các "căn cứ lòng dân" nhanh chóng hình thành và gieo mầm cho những trận đánh xuất quỷ nhập thần của các đội vũ trang, bán vũ trang, đặc công, biệt động...

Đoàn xe thồ 49 của Đặc khu Sài Gòn - Gia Định (tại Củ Chi, năm 1972)

Đoàn xe thồ 49 của Đặc khu Sài Gòn - Gia Định (tại Củ Chi, năm 1972)

Việc phát động phong trào nhân dân sáng chế ra các loại vũ khí tự tạo với muôn hình vạn trạng, việc xây dựng bãi mìn, bãi tử địa, đắp ụ chặn xe thiết giáp, xây căn cứ để ngăn tàu chiến; việc phát động phong trào nhân dân thi đua đánh bại các chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận", "hạm đội nhỏ trên sông"; việc nhân rộng mô hình "đánh Mỹ bằng mìn gạt"; việc phát động phong trào "tìm Mỹ mà diệt", thi đua giành danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ” trên vùng đất thép Củ Chi đã làm tỏa sáng 10 bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá trên chiến trường T4 (Sài Gòn - Gia Định) về khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ được phổ biến nhanh chóng khắp miền Nam.

Trong phong trào thi đua "bám thắt lưng Mỹ mà đánh" đã làm xuất hiện "vành đai diệt Mỹ” ở Đồng Dù - một hình thức đánh giặc mới sáng tạo thể hiện bằng muôn hình vạn trạng và trong thiên biến vạn hóa.

Trải qua 30 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống giặc ngoại xâm, với bản lĩnh năng động và giàu sức sáng tạo của mình, cùng với các tỉnh Đồng Tháp và Long An, quân dân ta trên chiến trường Củ Chi đã sớm sử dụng loại vũ khí rất độc đáo và giàu chất huyền thoại trong chiến đấu. Đó là cách đánh giặc bằng con trâu, con bò, ong vò vẽ và cả rắn độc. Xưa nay trong giới nghiên cứu chiến sự thường gọi đây là cách đánh giặc bằng "đội quân động vật" hay "chiến binh động vật".

Dùng "hỏa ngưu kế" để công đồn giặc

Hàng nghìn năm trước đây trong sách binh thư, người xưa đã dạy cách dùng "hỏa ngưu kế" trong trận mạc - nghĩa là cách biến những con trâu thành ngọn đuốc sống để giết giặc và công thành.

Ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, bà con nông dân tại xã Phú Hòa Đông (Củ Chi) đã tổ chức đánh giặc bằng phương thức tác chiến rất độc đáo và sáng tạo. Lực lượng xung trận chủ yếu là nam nữ thanh niên tổ chức nổi dậy tay cầm đuốc sáng rực cùng với gậy tầm vông vạt nhọn, dao, mác, mã tấu... hò reo, la hét. Trong tiếng nổ vang dội của khí đá và pháo tre, bà con nông dân đưa đoàn "hỏa ngưu xa" gồm hơn 20 chiếc xe bò, xe trâu chở đầy rơm khô xông vào đồn giặc để đốt đồn và tiêu diệt hơn 20 tên giặc Pháp.

Trận đánh huyền thoại này đã gây tiếng vang lớn trong dư luận, được Trung tướng Nguyễn Bình - Tư lệnh Nam Bộ, tuyên dương là trận đánh kiểu mẫu của chiến tranh du kích, được sử sách ghi chép là "Trận binh la" (binh la hét).

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, đội quân "trâu trận", "bò chiến" cùng với xe bò, xe trâu ở Củ Chi đã được huy động để tham gia trận mạc, nổi bật nhất là trong thời gian Bộ Tư lệnh Quân khu 7 mở chiến dịch Bến Cát tại tỉnh Thủ Dầu Một vào tháng 10/1950.

Trong chiến dịch Bến Cát, huyện Củ Chi cùng với huyện Trảng Bàng kề cận đã huy động hàng nghìn dân công hỏa tuyến và hàng trăm xe bò, xe trâu để vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược và tải thương phục vụ chiến trường. Chỉ tính riêng một số xã phía Bắc huyện Củ Chi và phía Đông huyện Trảng Bàng đã đưa hàng nghìn dân công đi phục vụ hỏa tuyến, làm nhiệm vụ tải thương, tải đạn, tiếp tế lương thực cho bộ đội, góp phần phá banh đồn bót trên một phạm vi rộng lớn dọc Quốc lộ 13, đường 14, đường 7.

Qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên vùng đất thép Củ Chi, đàn trâu trận, bò trận và những chiếc xe bò, xe trâu đã dạn dày tham gia trận mạc. Theo thống kê của các cơ quan hậu cần R, qua các đợt tổng tiến công, nổi dậy trong và sau Tết Mậu Thân năm 1968, trên vùng Tam giác sắt "đêm đêm có hàng trăm xe bò, xe trâu, xe thồ bí mật đưa hàng đến địa điểm an toàn với số lượng hàng hóa rất lớn, gồm: 36.000 tấn lương thực, 60 tấn thịt, 10.000 hộp cả, 100 tấn muối, 15.000 mét dây nylong võng, 15.000 mét dây dù, 26.000 mét vải, 45.000 lọ thuốc kháng sinh, 123.000 ống thuốc, 326.000 viên thuốc, 300 lố pin, 15.000 mét dây điện, 2.600 kg hóa chất".

Theo các cựu chiến binh ở Củ Chi và vùng Tam giác sắt cho biết, mỗi chiếc xe bò, xe trâu có thể tải được một tấn hàng cho ngành hậu cần và ngày đêm không ngừng lăn bánh trên tuyến lửa cùng với hàng nghìn dân công hỏa tuyến.

Đánh Mỹ bằng đội quân rắn và ong

Sau cao trào Đồng Khởi, với việc sử dụng thành công cách đánh giặc điển hình bằng ong vò vẽ do Anh hùng Nguyễn Văn Quy và 13 chiến sĩ du kích tỉnh Cần Thơ tổ chức thực hiện, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng ở các địa phương đã phát động phong trào nuôi ong đánh giặc. Nọc ong vò vẽ rất độc. Một vết đốt của ong vò vẽ có thể khiến một người lên cơn sốt. Khi bị nhiều con đốt cùng một lúc, nhẹ thì mặt mũi chân tay sưng vù, nặng có thể dẫn tới tử vong vì bị hoại tử gan, bị suy thận cấp...

Nhớ lại cách đánh bằng ong vò vẽ của các chiến sĩ du kích Củ Chi, một số cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ đã kể lại như sau:

Trung úy Fack Flowers nói: "Trong địa đạo Củ Chi, Việt Cộng nhốt ong vào nắp hộp, buộc vào một sợi dây, đó là một cái bẫy. Cầm dây kéo, nắp hộp mở, ong bay ra khắp địa đạo. Một binh sĩ dưới quyền tôi đã bị ong đốt như thế. Binh sĩ ấy vừa hét lên, vừa chạy và không bao giờ dám xuống địa đạo nữa".

Chị Nguyệt - nữ chiến sĩ du kích Củ Chi chia sẻ: "Ở quê tôi, có một loại ong đốt đau ghê gớm. Chúng tôi đã nghiên cứu thói quen của chúng và huấn luyện chúng. Mỗi tổ ong thường có 4 con canh gác. Nếu bị đe dọa thì những con này gọi cả đàn ra tấn công kẻ trêu chọc. Chúng tôi đặt mấy tổ ong trên cây ở ven đường dẫn đến đồn của quân Sài Gòn ở ấp tôi. Chúng tôi lấy giấy che cho tổ ong, có dây buộc vào một cái bẫy bằng tre đặt trên đường. Một đội tuần tra địch đi tới di chuyển bẫy ra chỗ khác, nhấc luôn cả giấy che tổ ong. Tức thì, đàn ong bay tủa ra đốt chúng. Chúng chạy như trâu điên và ngã vào hố chông rất nhiều, phải khiêng nhau về.

Còn Đại tá Đỗ Tấn Phong (cựu chiến binh) thì cho biết: Năm 1966 ở Củ Chi, chúng tôi đã nuôi ong để đánh quân Mỹ. Dạy ong mất nhiều thì giờ. Tôi đã hỏi một người dạy ong, anh này cho tôi biết là có thể dạy được, vì chỉ sau một lúc ở gần, ong nhận ra hơi của người dạy nên không đốt. Chúng tôi dùng gậy dài để khiêng tổ ong và đặt ở những nơi kẻ địch thường qua lại.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Nam Bộ có hai "vành đai diệt Mỹ” rất nổi tiếng ở Rạch Kiến (Long An) và ở Củ Chi (Sài Gòn - Gia Định). Điều vô cùng độc đáo là ở cả hai nơi, đều sử dụng cách đánh giặc "vô tiền khoáng hậu" - đó là việc "nuôi rắn độc để đánh giặc" và "sử dụng cách đánh bằng rắn độc".

Việc nuôi rắn độc để đánh giặc và đánh giặc bằng rắn độc ở Long An đã được ghi nhận trong sách sử của Đảng bộ địa phương, song tất cả những tư liệu quý giá về vấn đề này đã bị mai một. Trên chiến trường Củ Chi không thấy nói việc nuôi rắn độc để đánh giặc, nhưng cách đánh giặc bằng rắn độc dưới địa đạo đã được không ít người nhắc đến.

Thiếu tướng Trần Hải Phụng - nguyên Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định cho biết: "Thỉnh thoảng sau khi sơ tán khỏi một đường hầm, người ta đã để lại một vài con rắn độc để đối phó với "đội quân chuột cống" của Mỹ chuyên đi tìm phá địa đạo. Rắn được nhốt trong lồng, sau đó được thả ra đúng lúc để đón lỏng kẻ địch".

(Còn tiếp...)

TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/bai-4-tu-duy-nang-dong-va-ban-linh-sang-tao-cua-quan-dan-dat-thep-thanh-dong_177324.html