Bài 4: Vị thế địa - chính trị, địa - văn hóa của tỉnh Hưng Yên và chiến lược phát triển văn hóa
Vị thế địa - chính trị, địa - văn hóa của Hưng Yên
Tỉnh Hưng Yên phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh,phía tây bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam, phía nam giáp tỉnh Thái Bình, phía đông giáp tỉnh Hải Dương. Địa giới phía tây là sông Hồng, phía nam là sông Luộc, phía đông là sông Cửu An. Chiều dài từ tây bắc xuống đông nam là 42km, từ bắc xuống nam là 22,5km. Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía bắc. Với vị trí địa lý ấy, vị thế địa - chính trị, địa - văn hóa của tỉnh Hưng Yên cần thấy những vấn đề gì.
Trước hết, cần thấy tỉnh Hưng Yên có hệ thống sông Hồng, sông Luộc tạo thành mạng lưới giao thông khá thuận lợi cho giao lưu hàng hóa và đi lại. Sông Hồng qua tỉnh Hưng Yên dài 57 km, sông Luộc qua tỉnh Hưng Yên dài 25 km, Sử sách đã ghi lại hàng trăm vụ vỡ đê lớn nhỏ ở sông Hồng. Bắt đầu từ nhà Lý (1009-1224), chẳng hạn thời vua Lý Nhân Tông, năm thứ 7, Mậu Ngọ(1078), hoặc thời vua Lê Thánh Tông, năm thứ 7, Đinh Hợi(1467), nước dâng cao đê điều vỡ, nhiều người bị chết đói. Gần chúng ta hơn, thời vua Gia Long, năm nguyên niên (1802), nước lớn, đê vỡ, thời vua Thiệu Trị năm thứ 4, Giáp Thìn (1844), nước sông lên đến hơn 10 thước, đồng ruộng các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định, Quảng Yên đều bị ngập. Thời vua Tự Đức (1848-1883) có nhiều lũ lụt nhất, châu thổ Bắc Bộ vỡ đê liên miên vì đê điều ít được tu sửa. Đê Văn Giang vỡ 18 năm liền, từ 1863 - 1886, dân cư phiêu bạt, xóm làng trở thành đầm lầy. Sau năm 1971, do đê điều được củng cố và việc xây dựng các kênh đào, đập nước, đập thủy điện Hòa Bình cũng như các đập thủy điện khác chia lũ nên lũ lụt ít xảy ra, tuy nhiên công tác canh phòng đê sông Hồng vẫn phải được duy trì liên tục, bởi nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, vị thế địa - địa lý lại đem đến cho tỉnh Hưng Yên vị thế địa - chính trị đặc biệt. Từ thế kỷ thứ XVI-XVII, con đường thông thương chính từ biển đến Thăng Long - Kẻ Chợ có thể xác định một cách tương đối theo lộ trình từ biển qua cửa rộng và đi theo sông Thái Bình sang sông Luộc đến Phố Hiến rồi ngược sông Hồng lên Thủ đô Hà Nội như ngày nay. Câu phương ngôn quen thuộc mà ai cũng biết khi nói về Phố Hiến: Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến. Từ thời xa xưa, Phố Hiến vốn là cửa biển, là nơi tụ hội của ngã ba sông: Sông Hồng, sông Luộc, và sông Vị Hoàng (Ngày nay đến với Phố Hiến - thành phố Hưng Yên chúng ta còn thấy sự ảnh hưởng của thủy triều đối với vùng đất này, đó là hiện tượng "mùa cá mòi" thường diễn ra vào tháng 3,4 âm lịch). Nơi đây có hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện: Ngược sông Hồng đi thủ đô Hà Nội, xuôi sông Hồng ra ngã ba Tuần Vường (cửa Luộc) đi về tỉnh Thái Bình, Nam Định ra biển từ ngã ba Tuần Vường theo sông Luộc ra thành phố cảng Hải Phòng ra biển. Có thể nói, đây là một trong những điều kiện và cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến Phố Hiến đã trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng vào bậc nhất nhì trong cả nước, cách đây hơn ba thế kỷ, ngang hàng với thương cảng Hội An ở Đàng Trong nay thuộc tỉnh Quảng Nam và chỉ đứng sau kinh thành Thăng Long ở Đàng Ngoài nay là Thủ đô Hà Nội, khi mà giao thông đường thủy đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đi lại thông thương giữa các vùng, miền trong cả nước, nhất là với nước ngoài từ phía biển vào. Trên lát cắt đương đại, sông Hồng hiện nay không phải là sông Hồng của thế kỷ XII, đến thế kỷ XVII, nhưng vẫn là cứ liệu khiến thế hệ hôm nay phải suy ngẫm khi xác định chiến lược phát triển văn hóa của tỉnh Hưng Yên.
Tầm quan trọng của chiến lược phát triển văn hóa
Theo các nhà nghiên cứu chiến lược, chiến thuật và chiến lược có mối quan hệ khăng khít, lệ thuộc lẫn nhau, nhưng hai khái niệm này khác nhau về cơ bản. Chiến thuật là một tổ hợp các hành động cụ thể nhắm đến các mục tiêu trong ngắn hạn. Do đó, chiến thuật có thể thay đổi một cách nhanh chóng và linh hoạt, tùy theo hoàn cảnh. Nói hình ảnh, nếu như chiến thuật gắn liền với từng trận đánh thì chiến lược quan tâm tới toàn cục cả cuộc chiến. Có thể nói, chiến lược là một thứ lôgic vĩ mô kết nối các mục tiêu lớn với các nguồn lực cơ bản mà một quốc gia sẵn có. Nhiệm vụ của chiến lược không phải là giành các thắng lợi nhỏ lẻ mà là đảm bảo sự hài hòa, nhất quán trong chính sách và ổn định vĩ mô về lâu dài. Do đó, tầm quan trọng của chiến lược dường như hết sức hiển nhiên.
Vậy, chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Hưng Yên, phải nhìn nhận xem xét từ vị thế địa - chính trị, địa - văn hóa và tính lịch sử của vùng đất này. Theo suy nghĩ của tôi, chúng ta cần quan tâm các vấn đề sau.
Thứ nhất là xử lý quan hệ giữa truyền thống và đương đại. Văn hóa, có hơn 200 quan niệm và định nghĩa, nhưng tôi nghĩ nên nhìn nhận văn hóa là một thực thể có sự vận động trong thời gian. Nói tới truyền thống, ắt là chúng ta nghĩ tới di sản văn hóa. Tỉnh Hưng Yên hiện có 1.803 di tích lịch sử văn hóa; trong đó có 3 di tích, khu di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Khu di tích Phố Hiến là một quần thể có các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, mang những dấu ấn riêng, thể hiện những giá trị độc đáo trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam. Đây là một trong 3 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Hưng Yên, được công nhận vào năm 2014. Tỉnh còn có 176 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia, cùng hàng ngàn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị. Tỉnh Hưng Yên là nơi lưu giữ hơn 500 lễ hội cổ truyền mang đậm văn hóa, phong tục của Việt Nam như Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (huyện Khoái Châu), Lễ hội cầu mưa ở Lạc Hồng (huyện Văn Lâm), Lễ hội đền Đậu An (huyệnTiên Lữ)..., cùng hàng trăm làng nghề truyền thống như Hương xạ thôn Cao, hoa - cây cảnh Văn Giang v.v…Tỉnh có nhiều đặc sản nổi tiếng hấp dẫn khách du lịch như: Nhãn lồng, gà Đông Tảo, bún thang, chè sen long nhãn v.v... Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong bảo tồn, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khá nhiều và không thể không giải quyết. Chẳng hạn, khai thác tiềm năng kinh tế của di sản văn hóa như thế nào để phục vụ khách du lịch?
Thứ hai, chúng ta đề cập chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Hưng Yên trong bối cảnh hội nhập quốc tế càng ngày càng sâu, rộng và bối cảnh cả nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (viết tắt là cách mạng 4.0). Công nghệ thông tin phát triển như vũ bão khiến quan niệm về thế giới thay đổi từ chỗ quan niệm thế giới có thế giới thiêng (cõi thiêng) và thế giới tục (cõi tục), nay phải bổ sung thế giới ảo. Cơ hội cũng nhiều, nhưng thách thức không phải không có. Hội nhập, mở cửa trong thế giới phẳng đặt ra khá nhiều vấn đề. Cách mạng 4.0 đặt thế hệ hôm nay trước nhiều sự biến đổi, thuận lợi. Nhiều nhà quản lý hay nhắc đến big data, nhưng tôi lại quan tâm đến data bank. Không có data bank thì chưa thể đề cập big data. Làm sao có databank Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể Hưng Yên, để bảo tồn, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Hưng Yên trong xã hội, trong nhà trường các cấp?
Thứ ba, nghị quyết kỳ họp thứ 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI mà chúng ta hay gọi tắt là nghị quyết số 33 nhấn mạnh vai trò con người. Con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là khách thể tiếp nhận văn hóa, nhưng cũng mang trên mình những giá trị văn hóa. Vấn đề đặt ra là con người Hưng Yên, nhìn theo chiều lịch đại và trên lát cắt đương đại để thấy phẩm chất của họ. Vị thế địa - văn hóa, địa - chính trị của tỉnh Hưng Yên khiến con người Hưng Yên có thể có những nét riêng, trong diện mạo chung của con người Việt Nam. Con người của Phố Hiến một thời ắt hẳn là con người liên quan đến biển, nhưng hôm nay chỉ còn là ánh hồi quang. Huyền thoại về thánh Chử Đồng Tử khiến cố giáo sư Trần Quốc Vương vinh danh thánh Chử Đồng Tử là ông tổ của nghề buôn nước ta, nhưng nhìn tổng thể, cư dân Hưng Yên trước đây là nông dân sống với phương thức canh tác trồng lúa nước. Người dân ở tỉnh Hưng Yên, chủ yếu là người Kinh (người Việt) nhưng trong lịch sử có cả người Hoa, người nước ngoài?. Vị thế địa - địa lý của tỉnh Hưng Yên trong lịch sử luôn chịu cảnh vỡ đê, nhiều gia đình, dòng họ, làng xã bị trôi dạt, thậm chí bị nhấn chìm. Những con người đứng lên từ đầm lầy sau vỡ đê ắt là con người giàu nghị lực vươn lên, vượt qua thách thức của thiên nhiên và cuộc đời.
Tựu trung, lý thuyết địa - văn hóa giúp chúng ta xem xét vị thế địa - chính trị của vùng đất và xây dựng chiến lược phát triển văn hóa cho tỉnh Hưng Yên ắt cần quan tâm đến mà ý kiến của tôi, chỉ là ý kiến ban đầu của một cá nhân, mong được học hỏi thêm.
Nguyễn Chí Bền
GS.TS, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam