Khơi dậy tinh thần sáng tạo của cộng đồng
Đến hẹn lại lên, sau một năm chờ đợi, những người yêu văn hóa Hà Nội, yêu mảnh đất nghìn năm văn hiến lại có cơ hội gặp nhau trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 khai mạc hôm nay (9-11). Với chủ đề 'Giao lộ sáng tạo', gồm 3 trụ cột chính là thiết kế, cộng đồng và sáng tạo, lễ hội góp phần cộng hưởng, kết nối, đánh thức tinh thần sáng tạo cộng đồng và thu hút các nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Không ngẫu nhiên mà hai năm trở lại đây, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng, bởi các tầng lớp nhân dân không chỉ là chủ thể hưởng ứng, tham gia thiết kế, sáng tạo, mà còn là đối tượng thụ hưởng các hoạt động văn hóa-nghệ thuật.
Cách đây một năm, trong những ngày cao điểm diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy”, hàng trăm người dân phải xếp hàng chờ đợi để lần lượt vào tham quan nghệ thuật trưng bày được bố trí bắt mắt trong di tích tháp nước Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm); hàng nghìn người dân, nhất là các bạn trẻ từng có những thời khắc mãn nguyện vì được trực tiếp trải nghiệm các không gian nghệ thuật độc đáo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Dù cả hai công trình này có tuổi đời xuyên thế kỷ, bề ngoài có vẻ già nua, nhưng các nhà sáng tạo nội dung và nghệ nhân, nghệ sĩ đã khéo léo cải tạo, thiết kế, sắp đặt thành những công trình, sản phẩm nghệ thuật thú vị, mới mẻ... nên thu hút sự thưởng lãm của đông đảo công chúng.
Con số hơn 1.000 nhà sáng tạo nội dung, 230.000 lượt khách trực tiếp tham quan, trải nghiệm tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 cùng với khoảng 4 triệu lượt tương tác, chia sẻ, thảo luận về sự kiện văn hóa này đã chứng minh vai trò, tiềm năng, sức mạnh to lớn của cộng đồng trong việc hưởng ứng, tham gia các hoạt động sáng tạo văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Ý nghĩa hơn, việc tổ chức lễ hội này giúp công chúng càng thêm trân trọng những giá trị di sản, truyền thống, lịch sử đã làm nên hồn cốt Thăng Long-Hà Nội, từ đó khơi thông mạch nguồn sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân để kế thừa, tiếp nối các giá trị văn hóa mà ông cha để lại.
Xưa nay, nói văn hóa-nghệ thuật, người ta hay liên tưởng đến các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và coi họ là chủ thể của các hoạt động sáng tạo. Nhận thức như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Ngoài văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân cũng là một trong những chủ thể, thành phần tham gia các hoạt động sáng tạo văn hóa-nghệ thuật. Thực tế cho thấy, nhiều công trình, sản phẩm nghệ thuật ra đời trước hết được khơi nguồn từ cuộc sống, sinh hoạt, lao động vô cùng phong phú, sinh động của các tầng lớp nhân dân; đồng thời được người dân nâng niu, trân trọng, bảo vệ cũng như trao truyền, phát huy, lan tỏa những giá trị tích cực, nhân văn từ các công trình, sản phẩm văn hóa đó.
Với tư cách là chủ thể, trung tâm của mọi hoạt động, việc động viên, khích lệ, thu hút các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia hoạt động sáng tạo nghệ thuật cũng không ngoài mục đích xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo lành mạnh, tạo cơ hội cho mọi người tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó. Thực hiện tốt mục tiêu này sẽ góp phần bảo đảm cho người dân có cuộc sống thêm vui tươi, hạnh phúc.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khoi-day-tinh-than-sang-tao-cua-cong-dong-802249