Bài 5: Biểu tượng của tình hữu nghị, cam kết tương lai
Trung Quốc-Việt Nam đang thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương. Đây là điểm sáng đặc biệt, thu hút sự chú ý rất lớn của cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc và Việt Nam đang thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương; hợp tác, giao lưu ngày càng trở nên mật thiết; giao lưu kinh tế thương mại giữa hai nước thể hiện sức sống mạnh mẽ. Quan hệ hai nước là một điểm sáng đặc biệt, thu hút sự chú ý rất lớn của cộng đồng quốc tế.
Nhiều lãnh đạo cấp cao và các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cùng chung một đánh giá: Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như hiện nay. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước đã góp phần thúc đẩy quan trọng đối với việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Quan hệ song phương ở mức độ sâu sắc, toàn diện, thực chất nhất từ trước đến nay
Chia sẻ với báo chí về quan hệ hợp tác hai nước Việt Nam - Trung Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau hơn 30 năm thực hiện bình thường hóa, đặc biệt là sau hơn 15 năm kể từ khi thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay đã có những bước tiến nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2022 và chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần thứ ba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2023, hai bên đã nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn”, mở ra chương mới cho quan hệ song phương.
Từ đầu năm 2024 đến nay, quan hệ hai nước duy trì đà phát triển tích cực, không khí hợp tác lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Hai bên đều đánh giá quan hệ song phương đang ở mức độ sâu sắc, toàn diện, thực chất nhất từ trước đến nay. Có thể thấy thành quả hợp tác giữa hai nước được thể hiện rõ nét trên ba phương diện.
Một là, trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp từ trung ương đến địa phương được duy trì thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt, qua đó góp phần tăng cường tin cậy chính trị và tạo xung lực mới cho các cấp, các ngành hai bên. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có hai đoàn Lãnh đạo chủ chốt gồm Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc tại Trung Quốc.
Ngoài ra, một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương Việt Nam đã thăm Trung Quốc. Hai bên cũng mở ra các lĩnh vực hợp tác mới, thiết lập thêm cơ chế trao đổi thường niên ở cấp cao giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc.
Hai là, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục tăng trưởng. Chúng ta thấy ấn tượng với những con số về xuất nhập khẩu. Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước có tiến triển mới với việc hai bên cơ bản hoàn thành thủ tục xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, ớt tươi, chanh leo...; giao lưu hữu nghị nhân dân được tăng cường, số lượng lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc lên tới hơn 23.000 người, cao gấp đôi so với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Ba là, tình hình biên giới trên đất liền về tổng thể duy trì ổn định; tình hình Biển Đông cơ bản được kiểm soát tốt; các cơ chế trao đổi, đàm phán giữa hai bên về vấn đề trên biển được duy trì thường xuyên. Hai bên đang hướng đến tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Định vị mới nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc
Bình luận chuyên sâu về những lĩnh vực tiềm năng, có dư địa hợp tác rộng mở giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, chuyên gia Quản Diêu, nhà bình luận cao cấp của Đài truyền hình Thâm Quyến (Trung Quốc) phân tích, Trung Quốc liên tiếp nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ sáu trên thế giới của Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Do vậy, hợp tác về kinh tế với chiều sâu hơn, nhằm tích tụ động lực và tạo ra lợi ích thiết thực cho cả hai bên sẽ là một nội dung trọng tâm được hai bên thảo luận, trong đó đáng chú ý nhất là hợp tác trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, kinh tế số và kết nối hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông xuyên biên giới.
Đặc biệt, quan hệ hai nước sẽ ngày càng được thắt chặt, đi vào thực chất hơn nữa sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông nói: "Trong ngoại giao cấp cao, ý nghĩa và tín hiệu từ những chuyến thăm đầu tiên luôn được quan tâm đặc biệt. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Trung Quốc là quốc gia đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cho thấy sự coi trọng cao độ đối với phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.
Nhấn mạnh chuyến thăm đã tiếp nối truyền thống ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc, chuyên gia Quản Diêu nhắc lại chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối năm 2022, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc tiếp đón sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi tái cử trong nhiệm kỳ mới. Cuối năm ngoái, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thăm Hà Nội, hai bên đạt được nhận thức chung về việc chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Đây là định vị mới, đưa mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai nước lên tầm cao chiến lược mới".
Động lực và sức sống hợp tác mới
Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) Trung Quốc Hứa Ninh Ninh cũng nhìn nhận, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng, có mối quan hệ gắn bó với nhau, vì cả hai nước đều đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Hợp tác kinh tế, thương mại của hai nước mang lại phúc lợi xã hội cho người dân, đồng thời hai nước đang cùng nhau ứng phó với tình hình quốc tế và suy thoái kinh tế thế giới hiện nay, do đó, hai nước phải có trách nhiệm hợp tác với nhau.
Trung Quốc và Việt Nam có tính bổ sung cao về kinh tế và thương mại. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều đang ra sức phát triển kinh tế, sự hợp tác giữa hai bên có lợi cho việc khai thác sự bổ sung về kinh tế và thương mại, có lợi cho việc khai thác tiềm năng hợp tác của khu vực và có lợi cho việc tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do. Hai bên vẫn còn không gian rất lớn trên phương diện thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư hai chiều.
Các công ty Trung Quốc rất lạc quan về sự phát triển kinh tế của Việt Nam và hàng loạt cơ hội kinh doanh mới tại đây. Cách đây không lâu, dẫn đầu đoàn đại biểu doanh nghiệp của Trung Quốc với hơn 150 thành viên, trong đó 50% là các Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc. Đoàn đã cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp hai nước. Doanh nghiệp của hai nước đều mong muốn hợp tác tích cực và tiến hành tổ chức các hoạt động đàm phán, kết nối cụ thể.
Điều này khẳng định các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam không ngừng xuất hiện. Doanh nghiệp Trung Quốc rất mong muốn đến Việt Nam đầu tư phát triển, đầu tư khởi nghiệp.
Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi và các điều kiện tốt để thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc đến đầu tư phát triển và tin tưởng vào triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam.
"Tôi tin tưởng rằng hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ không ngừng phát triển đi vào chiều sâu, đồng thời không ngừng mang đến những động lực và sức sống mới cho việc cùng nhau xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có tính chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam, làm cho quan hệ kinh tế giữa hai nước không ngừng xuất hiện các điểm sáng mới, mở ra triển vọng phát triển mạnh mẽ trong sự nghiệp chủ nghĩa xã hội do hai đảng cộng sản lãnh đạo trên thế giới" - ông Hứa Ninh Ninh tin tưởng.
Thắt chặt thêm quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam-Trung Quốc
Ông Vu Hướng Đông - Giáo sư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc) từng chia sẻ, Việt Nam và Trung Quốc - hai nước có truyền thống hữu nghị lâu đời và luôn được quan tâm vun đắp, phát triển, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng, sâu rộng và rộng khắp ở tất cả các lĩnh vực khác nhau.
Từ đầu năm 2024 đến nay, quan hệ hai nước duy trì đà phát triển tích cực, không khí hợp tác lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Hai bên đều đánh giá quan hệ song phương đang ở mức độ sâu sắc, toàn diện, thực chất nhất từ trước đến nay, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục tăng trưởng.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc vừa qua, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc.
Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã dành nhiều quan tâm và thời lượng để trao đổi về định hướng hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như ngoại giao, quốc phòng, công an; mở rộng hợp tác kết nối giữa sáng kiến "Vành đai và Con đường" với khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai"; nhất trí đẩy nhanh xây dựng "kết nối cứng" về hạ tầng cơ sở, cửa khẩu, đường sắt qua biên giới giữa hai nước; tăng cường "kết nối mềm" về hải quan thông minh.
Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ không hoàn lại để Việt Nam quy hoạch và nghiên cứu khả thi các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc ở phía Bắc. Tích cực nghiên cứu thí điểm cửa khẩu thông minh, thí điểm xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, cũng như xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định. Ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc tham gia phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Các bộ, ngành và địa phương hai nước đã ký kết các văn kiện triển khai hợp tác thiết thực trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác lý luận, đào tạo giữa hai Đảng, giao thông, ngân hàng, giáo dục, y tế, thương mại, các nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam (dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, cá sấu), báo chí tuyên truyền. Các văn kiện ký kết phản ánh sinh động hai bên quyết tâm thúc đẩy hợp tác thực chất sâu sắc hơn.
Chuyến thăm tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua là lựa chọn chiến lược dựa trên sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước, thể hiện lập trường nhất quán và lựa chọn chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt Nam, có lợi cho sự nghiệp cao cả hiện đại hóa mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang không ngừng thúc đẩy, phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nhân dân hai nước, liên quan đến hạnh phúc của nhân dân hai nước Trung-Việt, cũng có lợi cho việc duy trì, bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển, phồn vinh của khu vực và thế giới.
“Chuyến thăm là một sự kiện mang tính biểu tượng, thể hiện mong muốn tiếp nối di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã đặt nền móng cho mối quan hệ chiến lược và đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam-Trung Quốc...” - ông Vu Hướng Đông nhận định.
Biểu tượng của tình hữu nghị, cam kết lâu dài
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore, Việt Nam rất thủy chung trong quan hệ với nước bạn và cũng mong muốn phía bạn chân thành cùng nhau hợp tác trong tương lai.
Thành quả lớn nhất sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc là một tầm nhìn chung rất sâu sắc rằng Việt Nam và Trung Quốc sẽ cùng nhau đi đến phồn vinh trong 2-3 thập kỷ tới và sẽ là một hình mẫu trên thế giới về việc hai nước vượt qua những khác biệt để xây dựng một tương lai tươi sáng cho từng quốc gia, cũng như cho cả khu vực và thế giới.
Để xây dựng sự tin cậy lẫn nhau, Việt Nam và Trung Quốc cần phải có những công trình mang tính biểu tượng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị với Trung Quốc, đó là phải xây dựng những công trình về khoa học-kỹ thuật, những dự án lớn vượt kỳ vọng.
Đơn cử nếu dự án hệ thống tàu điện ngầm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 10-15 năm tới đạt chất lượng tương đương những dự án tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Thâm Quyến, Thượng Hải, thì người dân Việt Nam sớm được thụ hưởng nhiều lợi ích. Điều đó chính là biểu tượng của tình hữu nghị, cũng là cam kết lâu dài, cùng nhau hướng đến phồn vinh trong thời gian tới.
Hợp tác giữa các địa phương hai nước Việt - Trung còn rất lớn
Đánh giá cao sự phát triển quan hệ giữa hai nước, trong đó có các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường nhấn mạnh, cơ hội để thúc đẩy phát triển, nâng cấp các cửa khẩu, hệ thống hạ tầng giao thông để thông thương hàng hóa và mở rộng quan hệ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; đối phó với các an ninh phi truyền thống như dịch bệnh; tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước, hai địa phương, đặc biệt là giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc... còn rất lớn.
Những thỏa thuận cấp cao sẽ tiếp tục góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hơn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Đi sâu khai thác các tuyến vận tải, thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại
Về quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, nhà báo Ngụy Vi, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, Trưởng Ban tiếng Việt - Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc đánh giá Trung Quốc và Việt Nam có tình hữu nghị truyền thống sâu đậm, có lợi ích dung hòa, cùng chia sẻ tương lại.
Trung Quốc liên tục nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác hợp tác lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Những năm qua, nhà lãnh đạo hai nước có nhiều chuyến thăm lẫn nhau, giao lưu mật thiết trên nhiều lĩnh vực. Dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ hai đảng, hai nước duy trì đà phát triển tốt đẹp.
Năm 2025 là năm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Việt Nam, ông Ngụy Vi cho rằng, trong tình hình thế giới phức tạp và biến động, hai nước cần phải chú trọng giữ gìn phát triển tốt quan hệ hai nước, cùng thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, chung tay xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai gắn bó hơn, trên khởi điểm mới, thúc đẩy quan hệ hai nước bước lên tầm cao mới, tiếp thêm tính ổn định và năng lượng tích cực cho hòa bình và phát triển của thế giới.
Thời gian tới, Trung Quốc và Việt Nam cần đi sâu khai thác hiệu quả tiềm năng vận tải đường sắt, đẩy nhanh kết nối đường sắt tiêu chuẩn biên giới, thúc đẩy nâng cấp mở cửa và kết nối hạ tầng cửa khẩu; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thương mại hàng nông sản, đầu tư, năng lượng...; mở thêm đường bay thẳng, tăng cường giao lưu trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, thanh niên...;
Chính phủ hai nước còn cần phải tiếp tục tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp cho doanh nghiệp hai nước đầu tư khởi nghiệp. Ngoài ra, hai nước cũng cần phải kiên trì giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và hiệp thương, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên biển, đẩy nhanh tham vấn Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), tránh thực hiện các hành động làm phức tạp tình hình…
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng, ủng hộ, tạo điều kiện để các địa phương và nhân dân Việt Nam tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác với các địa phương và nhân dân Trung Quốc, góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, không ngừng nỗ lực củng cố, vun đắp vững chắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phù hợp với mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước.
Có thể nói, với các ưu thế như khoảng cách địa lý gần gũi, giao thông thuận lợi, hợp tác địa phương ngày càng trở thành một phần quan trọng trong tổng thể hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước. Cùng với đó, giao lưu nhân dân giữa hai nước được khôi phục mạnh mẽ.
Tin tưởng rằng, thời gian tới, cùng với đà phát triển ổn định, tích cực trong quan hệ hai Đảng, hai nước, hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân sẽ tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương, trở thành một trong những động lực phát triển của mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.