Bài 5: Kỳ vọng bừng dậy sức mạnh nội sinh cho đất nước (Tiếp theo và hết)

Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và nhìn từ sự phát triển thành công của các quốc gia trên thế giới cho thấy, sự thịnh vượng, hùng cường của một quốc gia bắt nguồn chủ yếu từ sức mạnh con người.

Không có ý chí, khát vọng phát triển trong các tầng lớp nhân dân, không có đội ngũ cán bộ (ĐNCB)-với tư cách là tinh hoa dân tộc, lực lượng dẫn dắt xã hội-có bản lĩnh, tài năng, tư duy và hành động đổi mới, đột phá, sáng tạo, thì đất nước không thể phát triển giàu mạnh, phồn vinh.

Không bứt phá, sáng tạo - nguy cơ tụt hậu xa hơn với thế giới

Đảng ta từng khẳng định, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước trong hơn 3 thập kỷ qua có sự đóng góp to lớn của ĐNCB các cấp. Tuy vậy, Đảng cũng thừa nhận, đất nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của toàn Đảng, toàn dân cũng do một trong những nguyên nhân sâu xa là ĐNCB đông nhưng chưa mạnh, thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, năng động, sáng tạo và thiếu nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có khả năng đột phá, làm nên những chuyển biến, bước ngoặt mới cho sự phát triển của đất nước.

Những thành tựu vượt bậc của nước ta sau 35 năm đổi mới là không thể phủ nhận. Tuy vậy, nền kinh tế nước nhà tuy giữ tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững, sức chống chịu của nền kinh tế quốc dân trước các tác động của quá trình toàn cầu hóa còn nhiều hạn chế.

Sau hai nhiệm kỳ Đại hội XI và Đại hội XII, Đảng ta đã đề ra 3 đột phá chiến lược, tuy đạt được một số thành tựu, kết quả ban đầu, nhưng cũng còn không ít bất cập, yếu kém, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện các khâu đột phá vẫn thiên về hướng tiệm tiến, thậm chí có lúc nửa vời, chưa có giải pháp quyết liệt, thiếu tính đồng bộ, sức sản xuất chưa được giải phóng triệt để. Đó là một trong những lý do chủ yếu khiến việc thực hiện mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 mà Đảng đề ra từ Đại hội VIII (1996), không trở thành hiện thực.

Một phiên họp tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Ảnh: VPQH

Một phiên họp tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Ảnh: VPQH

Trong khi đó, một thách thức hiện hữu là công cuộc đổi mới, phát triển của chúng ta có thể bị chững lại nếu thiếu những đột phá sáng tạo để thích ứng với sự phát triển nhanh nhạy của thời đại.

Mới đây, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo trong năm 2021, nhưng chỉ số này của Việt Nam đã tụt hai bậc so với hai năm 2019, 2020. Theo nhận định của Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam tuy có cải thiện, song đến nay vẫn thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước trong khu vực và khoảng cách này vẫn tiếp tục gia tăng. Đó là điều khiến chúng ta không thể không suy ngẫm một cách nghiêm túc.

Khắc phục tâm lý an phận và thúc đẩy mạnh mẽ môi trường văn hóa sáng tạo

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đã chỉ ra: Phải sớm có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Một trong những mặt hạn chế của người Việt là ít tính sáng tạo.

Sở dĩ nước ta chưa thực sự có môi trường văn hóa sáng tạo sâu rộng và con người Việt Nam chưa thực sự có những đột phá sáng tạo lớn lao bởi do hoàn cảnh lịch sử để lại. Suốt nghìn năm dân ta sống dưới chế độ phong kiến trọng Nho giáo với những giáo lý giáo điều, xơ cứng và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư duy sản xuất nông nghiệp khép kín, manh mún, lạc hậu.

Đấy là chưa kể suốt mấy chục năm cả dân tộc ta phải căng sức gồng mình, huy động hầu như tất cả sức người, sức của để đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, cũng khiến người Việt Nam không có nhiều cơ hội để phát huy tinh thần sáng tạo, nhất là sáng tạo để làm ra những dấu ấn bứt phá trong hoạt động khoa học kỹ thuật, công nghệ và trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nếp nghĩ và nếp sống thụ động, dựa dẫm, an phận thủ thường, giỏi bắt chước nhưng kém trí tưởng tượng, hiếm khi có sáng kiến lớn, không dám mạo hiểm, ít có đột phá trong tư duy và hành động, bị “cái ta cộng đồng” lấn lướt quá sâu “cái tôi cá nhân” làm cho văn hóa sáng tạo Việt Nam chưa đủ sức phát triển, lan tỏa.

Tâm lý ứng xử theo kiểu “xấu đều hơn tốt lỏi”, “chết đống còn hơn sống mình” tồn tại qua bao đời cũng là một trong những rào cản làm kìm hãm, hạn chế tư duy sáng tạo của người Việt. Những vấn đề tâm lý văn hóa đó của cộng đồng đã chi phối, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý nhân cách của ĐNCB, đảng viên và tác động không nhỏ đến môi trường văn hóa lãnh đạo, quản lý của các tổ chức đảng và các cơ quan quản lý nhà nước. Phải nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này mới có thể nhận ra những hạn chế trong nhân cách người Việt để tìm cách khắc phục.

Trong tình hình hiện nay, đổi mới sáng tạo là yêu cầu bức thiết của cuộc sống, là nhu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, ĐNCB phải vượt qua chính mình, thể hiện rõ vai trò đầu tàu, dẫn dắt, dấn thân, xông pha vào việc khó, việc mới, việc chưa có tiền lệ. Chúng ta phải rất nên tránh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ làm nhiều vất vả.

Thực tế cho thấy, khi bắt tay vào làm những vấn đề mới, vấn đề khó thì có thể xảy ra khuyết điểm, miễn là người cán bộ có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung. Lỗ Tấn, nhà văn Trung Quốc nói: "Trên đời này vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường". Một trong những hàm ý của câu ấy là nhắc nhở con người không được khoanh tay đứng nhìn trước hoàn cảnh, mà phải nỗ lực vượt qua nỗi lo, nỗi sợ của chính mình, chủ động tìm ra đường đi, đích đến mới, bền bỉ tìm tòi sáng tạo, mở rộng tư duy, nâng cao tầm nhìn rồi sẽ có ngày làm nên những điều lớn lao, phi thường, tạo nên bước ngoặt phát triển trong đời sống xã hội.

Kỳ vọng vào “cú hích” mới cho sự phát triển đất nước

Theo PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, tư duy đột phá là một trong những yêu cầu cơ bản, quan trọng nhất của các cấp lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cấp chiến lược và nó được áp dụng cho bất cứ lĩnh vực nào, khi giải pháp quá khứ đã gặp trần giới hạn, nếu bằng cách thông thường không thể tạo ra các khả năng phát triển, thậm chí còn gây nên sự trì trệ. Tư duy đột phá hướng đến các giải pháp “điểm huyệt” vào các khâu then chốt để tạo ra khả năng phát triển rút ngắn. Nó khác biệt với tư duy tuyến tính sẽ mất nhiều thời gian hơn, tốn kém hơn nguồn lực và nhiều khi cơ hội phát triển rút ngắn bị bỏ lỡ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa (XHCN)”. Từ ý nghĩa đó, có thể nói rằng, muốn dân tộc đi lên, đất nước phát triển, Đảng mạnh, dân giàu, vận mệnh chế độ XHCN trường tồn, thì hơn ai hết, ĐNCB thời nay, nhất là ĐNCB lãnh đạo, quản lý các cấp phải là những người đi tiên phong trong đổi mới sáng tạo, có tư duy và hành động bứt phá, có ý tưởng và giải pháp nổi trội để góp phần giải quyết dứt điểm những khâu yếu, mặt yếu đang tồn tại trong lĩnh vực, ngành, địa phương phụ trách; đồng thời tìm ra những hướng đi mới, cách làm mới nhằm xoay chuyển tình hình theo chiều hướng tích cực, tiến bộ.

Sau 35 năm đổi mới, chúng ta mới chính thức có một văn bản mang tầm chiến lược về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Có ý kiến cho rằng, so với yêu cầu, mong muốn phát triển của đất nước thì văn bản này ra đời hơi chậm, nhưng vì đây là vấn đề hệ trọng nên cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, đánh giá ở nhiều khía cạnh tác động đến xã hội nên Bộ Chính trị giao cho Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị chặt chẽ đề án, sau đó mới chính thức ban hành Kết luận 14-KL/TW.

Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị được ví như luồng gió mới tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu vượt khó, sáng tạo cho ĐNCB, đảng viên. Vấn đề cần kíp hiện nay là phải làm sao để chủ trương quan trọng này của Đảng sớm đi vào thực tiễn, phải làm cho các cấp ủy, tổ chức đảng coi Kết luận 14 là mệnh lệnh của cuộc sống, là động lực quan trọng hàng đầu góp phần thúc đẩy phát triển đất nước trong tình hình mới; đồng thời phải coi đây là “thời cơ vàng” để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương thực sự đổi mới tư duy và hành động, suy nghĩ và việc làm, toàn tâm, toàn ý phấn đấu vì sự nghiệp chung, tận tụy với những khát vọng, cống hiến, ra sức tìm tòi, sáng tạo, hiến kế để góp phần làm nên những dấu ấn mới, bước ngoặt mới trên hành trình xây dựng và phát triển đất nước.

Khi công tác cán bộ được xác định là “khâu then chốt” của công tác xây dựng Đảng thì việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, phải được coi là khâu “then chốt quyết định” để mở đường cho cách mạng Việt Nam tiến về phía trước. Mặt khác, khuyến khích cán bộ nỗ lực đổi mới, đột phá, sáng tạo thực chất là nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm trong tính cách của con người Việt Nam để thích ứng với thời đại mới; qua đó khơi dậy sức mạnh nội sinh của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để thực hiện những mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

“Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững... Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” (Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII "Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”).

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/noi-thang-lam-that/bai-5-ky-vong-bung-day-suc-manh-noi-sinh-cho-dat-nuoc-tiep-theo-va-het-677879