Bài 5: Lắng nghe người lao động
Đời sống của người lao động trong ngành xe buýt đang có những khó khăn nhất định, cần được cải thiện để giúp họ yêu nghề hơn, phục vụ tốt hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách.
Ngoài việc quan tâm đến đời sống vật chất cần quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và trang bị kỹ năng cho người lao động.
Không mặn mà với nghề
Với 154 tuyến xe buýt, trên 2.300 phương tiện, đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt tại Thủ đô có đến hàng nghìn người. Việc duy trì nhân viên lái xe, phụ xe buýt đang là bài toán khó cho các DN vận tải.
Có một thực tế là hiện nay, không ít DN kinh doanh xe buýt đang phải chắp vá đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo kiểu “ăn đong” từng ngày. Nguồn nhân sự không ổn định, thiếu chuyên nghiệp do chưa được chú trọng đào tạo đúng mức là một trong những mối lo của DN xe buýt.
Thiếu người lao động, cảnh “vơ bèo, vạt tép” khó tránh khỏi khiến lực lượng lái, phụ xe buýt không bảo đảm chất lượng dịch vụ, dẫn đến sự bất ổn dai dẳng, sản lượng khách trồi sụt bất thường. Nhiều tuyến buýt thường xuyên có phản ánh về thái độ ứng xử thiếu văn minh, phục vụ không chu đáo, tận tình. Thậm chí, chuyện lời qua tiếng lại với hành khách, phục vụ kiểu đối phó gây bức xúc, rủi ro cho hành khách.
Không ít người dân đặt câu hỏi vì sao một bộ phận lái phụ xe lại thiếu niềm nở, văn minh, lịch sự, nhiệt tình với hành khách? Phải chăng công việc phục vụ trên xe buýt quá vất vả, khó khăn, trở thành gánh nặng tâm lý với họ; hay mức độ đãi ngộ, thù lao chưa cao khiến họ không toàn tâm, toàn ý với nghề?
Phó Giám đốc Công ty CP Xe điện Hà Nội Đào Việt Dũng cho biết, đơn vị thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt lái, phụ xe. Ngoài ra, lái phụ xe có những áp lực như chạy doanh thu, hay cư xử thiếu văn hóa của hành khách khiến họ có những hành động chưa chuẩn mực.
Theo ông Dũng, mức lương trung bình của lái xe là 9 triệu đồng, phụ xe là hơn 6 triệu đồng được chi trả theo đơn giá thầu và áp dụng trong luật lao động. Do vậy, thu nhập còn rất thấp so với mặt bằng chung khiến người lao động không quá mặn mà với nghề phục vụ trên xe buýt.
“Để giảm thiểu tình trạng này, chúng tôi thường xuyên phổ biến, giáo dục đội ngũ lái xe, đồng thời tăng cường lực lượng để kiểm tra, có hình thức kỷ luật đối với lái phụ xe vi phạm. Đồng thời có chính sách khuyến khích, động viên những lái, phụ xe có thành tích tốt trong quá trình làm việc” – ông Đào Việt Dũng chia sẻ.
Anh N. H. H, một nhân viên phụ xe buýt cho biết, lương phụ xe của anh hiện nay là 7 triệu đồng. Hai vợ chồng đều làm phụ xe buýt cùng 2 đứa con nhỏ sống ở Hà Nội rất chật vật, không đủ chi tiêu. Thời gian không phải đi làm phụ xe, anh và vợ phải bán hàng ở khu trọ để kiếm thêm thu nhập. "Mặc dù đã gắn bó với nghề phụ xe được hơn 3 năm, song nếu có công việc nào với mức thu nhập cao hơn, tôi sẽ sẵn sàng chuyển. Nghề phụ xe buýt áp lực, vất vả nhưng đồng lương lại không được cao" - anh N. H. H chia sẻ.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, có hai nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng phục vụ của nhân viên lái phụ xe buýt chưa đạt được kỳ vọng. Thứ nhất, tiền lương so với mức sống hiện tại chưa cao, không đủ khích lệ người lao động. Thứ hai, quan trọng hơn là nhân viên xe buýt chưa yêu nghề, chưa nhận thức rõ ý nghĩa giá trị công việc mình đang làm.
Thực tế cho thấy, mức lương chỉ từ 5 - 7 triệu đồng/tháng/nhân viên bán vé, 8 - 13 triệu đồng/tháng/lái xe khó có thể coi là hấp dẫn, đủ để nhân sự xe buýt xác định gắn bó lâu dài với nghề. Việc không được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống cũng sẽ khiến nhân viên phục vụ trên xe buýt dễ chán nản, bất mãn với nghề.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, xe buýt Hà Nội cần có nguồn nhân lực ổn định, được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Các đơn vị vận tải phải chủ động được nguồn nhân lực, chấm dứt cảnh đắp đổi, thay thế liên miên như hiện nay.
Lái phụ xe buýt cần được hưởng mức đãi ngộ cao hơn nữa, được quan tâm hơn nữa mới có thể yên tâm gắn bó với nghề. Mức thu nhập chung hiện tại chưa đủ để bảo đảm cuộc sống, khuyến khích họ cống hiến cho công việc, nhất là trong bối cảnh vật giá gia tăng liên tục như hiện nay. Đời sống của người lao động còn bấp bênh, khó khăn khiến nghề nhân viên phục vụ trên xe buýt chưa hấp dẫn, chưa khơi dậy được tinh thần tự giác, sáng tạo của người lao động.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông, mặt bằng thu nhập của lái, phụ xe buýt không cao bằng người lao động phổ thông hay lao động tự do, lại thiếu được đào tạo bài bản khiến chất lượng không cao. “Lấy ví dụ, nhân viên phục vụ trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được hành khách đánh giá rất cao nhờ thái độ phục vụ chuyên nghiệp, đúng mực và tận tình. Đó là do đội ngũ này được đào tạo bài bản theo dự án ngay từ đầu, được quan tâm toàn diện về đời sống vật chất cũng như tinh thần” – ông Nguyễn Trọng Thông chia sẻ.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cho rằng, cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của lái, phụ xe buýt để có thể biết được họ cần gì, mong muốn gì. Từ đó đáp ứng theo khả năng để lái xe, phụ xe buýt yêu nghề và gắn bó với nghề. “Cần thay đổi mức đãi ngộ cho nhân viên phục vụ trên xe buýt. Công việc của họ rất vất vả, áp lực, cần có thù lao tốt hơn để họ thấy xứng đáng với công sức bỏ ra.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề cần mở trường lớp dạy nghề quy củ, bài bản, chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân sự cho xe buýt, từ những kỹ năng xử lý tình huống sẽ giúp lái, phụ xe buýt dễ dàng xử trí với những tình huống phát sinh với hành khách” – thạc sĩ Vũ Tuấn Linh chia sẻ.
Chất lượng dịch vụ là mục tiêu sống còn trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Việc nâng cao chất lượng phục vụ là một trong những giải pháp hàng đầu, nhằm thu hút khách hàng quan tâm sử dụng dịch vụ xe buýt nhiều hơn. Ngoài việc đầu tư phương tiện chất lượng cao, hiện đại, các đơn vị vận tải cũng cần tập trung đào tạo chuyên sâu, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên xe buýt, góp phần mang đến cho hành khách những tiện ích tối ưu, sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ.
(Còn nữa)
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-5-lang-nghe-nguoi-lao-dong.html