Bài 6: Một số suy nghĩ về việc phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển du lịch ở Hưng Yên

Là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ, cùng với bề dày lịch sử hàng nghìn năm của văn minh Việt Nam, Hưng Yên vừa mang dấu ấn sâu sắc của văn hóa Việt truyền thống, vừa có những đặc trưng văn hóa riêng đã từng tạo nên Phố Hiến một thời, là thương cảng nức tiếng không chỉ ở 'Đàng Ngoài' mà còn cả khu vực Châu Á.

Văn miếu Xích Đằng (thành phố Hưng Yên)

Văn miếu Xích Đằng (thành phố Hưng Yên)

Hưng Yên đồng thời cũng mang những nét đặc thù nhất về một nền văn minh lúa nước mà nhân loại có được, với những dòng sông hiền hòa uốn lượn xung quanh những cánh đồng lúa, hoa mầu phì nhiêu, nhà cửa chen nhau trù phú, tạo nên bản sắc, lối sống và tổ chức sinh hoạt của các làng mạc giàu truyền thống văn hóa.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những biến động và cũng đang chứng kiến sự xuất hiện ngày càng rõ hơn những chỉ báo về một thế giới mà ở đó nền kinh tế sẽ không chỉ dựa hoàn toàn vào tài nguyên đất đai, tiền bạc hoặc nguyên vật liệu mà dựa vào vốn trí tuệ, vốn văn hóa, vốn xã hội và vốn con người.

Chúng ta đều biết, Hưng Yên- Phố Hiến đã từng là một trong những khu vực phát triển mạnh mẽ và sôi động bậc nhất ở nước ta. Nhưng rồi Phố Hiến cũng suy thoái nhanh chóng và khó lý giải, để lại những bài học, không chỉ về những sự tiếc nuối mà còn cả những kinh nghiệm cho sự phát triển.
Phố Hiến cách kinh thành Thăng Long không xa, bên này sông là Phủ Phượng, bên kia sông xứ Sơn Nam hạ là Chi Long. Bên Phượng, bên Long, thông qua đường thủy của các con sông Đáy, Sông Hồng, một thời người ta có thể trung chuyển hàng hóa của Thăng Long bách nghệ qua nơi đây tới cộng đồng bốn phương.

Phố Hiến cũng là cửa ngõ án ngữ mọi tuyến giao thương đường sông từ vùng biển đi vào Bắc Bộ để gắn kết thành đô thị sầm uất trong đó có kinh thành Thăng Long. Sách vở còn ghi lại, vào Thế kỷ 17-18 Vua Lê, Chúa Trịnh cùng với nhiều quan lại và các giai nhân tài tử đã không ít lần đi du hành đường thủy tới phố Hiến vui chơi mua sắm, thưởng ngoạn không khí văn hóa của bốn phương đô hội.

Trong giai đoạn hưng thịnh của mình, các thương nhân người Hoa ở Xích Đằng đã gây dựng các cơ sở buôn bán tại đây rồi mở rộng những mối liên hệ với các cảng như Hội Triều ở Thanh Hóa, Càn Hải và Hội Thống ở Nghệ An. Phố Hiến cũng được kết nối trực tiếp với các tuyến giao thương quốc tế qua biển Đông, như Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, cũng như với nhiều nước phương Tây như Hà Lan, Anh, Pháp,Ý, Bồ Đào Nha,...

Vào thế kỷ 17-18, cùng với Hội An ở Đàng Trong, Phố Hiến không chỉ là trung tâm thương mại lớn, buôn bán sầm uất mà còn là một địa điểm văn hóa, du ngoạn nổi tiếng ở Đàng Ngoài, tập trung nhộn nhịp những tao nhân mặc khách, không chỉ để buôn bán mà còn để giao lưu, trao đổi văn hóa, thăm viếng các danh lam thắng cảnh, đền chùa miếu mạo, các di tích lịch sử. Người Phố Hiến xưa có thể được xem là những thế hệ sơ khai đầu tiên tiếp cận với cái mà ngày nay chúng ta gọi là dịch vụ du lịch.

Phố Hiến hưng thịnh chắc chắn không phải chỉ do những nhân tố kinh tế mà còn do những những điều kiện về địa lý văn hóa và con người, để rồi Phố Hiến suy thoái cũng không chỉ do những nhân tố kinh tế, mà còn tùy thuộc vào nhận thức và tư duy của chính con người.

Để có chiến lược phát triển đúng đắn cho Hưng Yên, chúng ta cùng cần phải có các nghiên cứu đánh giá sâu sắc và đúng đắn hơn về nguyên nhân và bài học về những sự hưng thịnh và suy thoái của Phố Hiến khi xưa dưới góc độ lịch sử và văn hóa để rút ra những luận cứ khoa học cho Hưng Yên ngày nay.

Về điều này, nhiều nhà khoa học đã nêu ra những giả thuyết và nhận định có liên quan đến sự bồi lở dòng sông mà có phần thiếu công bằng của thiên nhiên, đã khiến cho bến cảng Phố Hiến ngày càng bị dời xa dòng chảy của sông Hồng. Thế rồi phải chăng cũng chính điều đó đã buộc năm 1726, chính quyền Lê - Trịnh phải chuyển dời trấn Sơn Nam sang bên hữu ngạn sông Hồng thuộc huyện Duy Tiên. Điều đó làm cho trấn Sơn Nam được tách thành Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ, trọng tâm chính trị và kinh tế đã chuyển hẳn xuống dưới Vị Hoàng, Nam Định.

Theo chúng tôi giả thuyết đổ lỗi cho sự bồi lở tự nhiên của dòng sông đối với sự suy thoái của đô thị Phố Hiến nói trên là chưa hoàn toàn thuyết phục. Bởi vậy, về phương diện này chúng ta cũng cần có những nghiên cứu và phân tích sâu sắc hơn nữa. Chúng ta cần phải làm rõ hơn về cội nguồn lịch sử những sự dịch chuyển khó khăn nhưng khá mạnh mẽ của Phố Hiến từ một thị tứ nhỏ bé ban đầu trở thành một đô thị lớn, thương nghiệp ngày càng phát triển và là hoạt động kinh tế mũi nhọn chủ yếu tại đây vào thế kỷ XVII như thế nào.

Chúng cũng cần đánh giá đúng vai trò của nhận thức, sự tác động của nhân tố kinh tế, chính trị dẫn tới sự chuyển dịch trọng tâm từ những yếu tố kinh tế nội sinh sang những yếu tố kinh tế ngoại sinh đã tạo ra nguồn lực mới cho sự phát triển của Phố Hiến thời kỳ đó ra sao.

Nhưng đặc biệt, chúng ta cũng cần nghiên cứu về quá trình suy thoái của Phố Hiến suốt hai thế kỷ sau đó để cuối cùng trở thành một tỉnh lỵ Hưng Yên được đặt tên dưới Triều Nguyễn, một triều đại mà luôn thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” và “trọng nông ức thương”... Có lẽ biểu hiện rõ nhất của sự suy thoái của Phố Hiến là sự sa sút trong các hoạt động buôn bán với nước ngoài, đỉnh điểm là sự đóng cửa của các thương điếm phương Tây ở Phố Hiến và Kẻ Chợ, các tàu buôn phương Tây qua lại cứ thưa thớt dần cho đến khi Phố Hiến vắng hẳn các khách buôn nước ngoài.
Sự mất đi về vai trò kinh tế đô thị mất đi vai trò chính trị và văn hóa, đồng thời cũng làm mất đi những những khai thông và gây dựng bước đầu của một ngành du lịch mới được nhen nhúm.

Bài học về sự hưng thịnh và suy thoái của Phố Hiến năm nào cũng đặt ra những suy nghĩ về việc phát huy những giá trị về văn hóa, con người trong bối cảnh phát triển của Hưng Yên hiện nay.

Chúng ta đều biết, hiện nay Hưng Yên còn bảo tồn được 1.803 di tích lịch sử, trong đó có 176 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Bên cạnh đó, Hưng Yên cũng có nhiều lễ hội truyền thống phản ánh đậm đà những nét văn hóa Hưng Yên và phong tục tập quán của nền văn minh sông Hồng, là tiềm năng vô giá để phát triển du lịch.

Việc nghiên cứu bảo tồn và phát triển các di tích này trước những đòi hỏi của công cuộc xây dựng và phát triển Hưng Yên đang là một nhu cầu lớn đối với các chiến lược phát triển của vùng đất lịch sử này.

Thực tiễn phát triển ngày nay đã cho thấy, các giá trị văn hóa, con người đã trở thành nguồn lực mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh mềm cho mỗi quốc gia, mỗi địa phương, khu vực. Du lịch hiện đại là một ngành kinh tê ngày càng có nội dung văn hóa, nhận thức, giáo dục sâu sắc. Du lịch có nội dung văn hóa ngày nay chiếm tới 45% tỷ trọng phát triển du lịch trên phạm vi toàn cầu.

Di sản văn hóa là nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế du lịch. Bởi vậy các quốc gia cũng như các địa phương khu vực đều coi đây là cơ sở quan trong để đẩy mạnh các hoạt động thông tin, quảng bá, xây dựng các chiến lược mở rộng và phát triển hệ thống du lịch, dùng chính lợi nhuận từ du lịch để mở rộng và phát triển du lịch. Điều này không chỉ giúp cho chính việc trân trọng, giữ gìn các di sản văn hóa mà còn có điều kiện vật chất để đều tôn tạo, phục hồi và nâng cấp các di sản. Về phương diện này, du lịch văn hóa tâm linh còn là cơ sở để bảo tồn và nâng cao giá trị của chính các di sản văn hóa và việc góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân địa phương.

Bởi vậy, ngày nay, các giá trị văn hóa đã trở thành một nguồn vốn quan trọng để phát triển du lịch, là nhân tố chủ chốt tác động đến việc lựa chọn điểm đến của du khách. Do vậy, du lịch muốn phát triển được đều phải cần đến một nền móng vững chắc về truyền thống văn hóa lịch sử cùng với các di sản vật chất và tinh thần mà điều này, so với Hưng Yên thì không phải địa phương nào cũng có được.

Ngày 22/02/2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành nghị quyết về “Chiến lược phát triển du lịch Việt nam đến năm 2030”, trong đó nêu rõ quan điểm “Phát triển du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tao động lực thúc đẩy sự phát triển của những ngành khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Chú trọng phát triển du lịch với bảo tồn phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”.

Với tinh thần trên, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cần khẳng định rõ hơn với các địa phương cơ sở, xác định du lịch như là một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn có chính sách và biện pháp chỉ đạo và đầu tư kịp thời, hợp lý để phát triển mạnh mẽ ngành du lịch. Ngành văn hóa, du lịch Hưng Yên cần phải sớm có những nghiên cứu khảo sát và điều tra toàn diện, để nắm được một cách vừa tổng quát vừa cụ thể về các di sàn vật thể và phi vật thể trong phạm vi toàn tỉnh để có được những nhận thức đúng đắn và khoa học trên cơ sở đó xây dựng, thống nhất và hoàn thiện một chiến lược phát triển du lịch chung.

Nghi thức rước nước tại lễ hội Tống Trân (Phù Cừ)

Nghi thức rước nước tại lễ hội Tống Trân (Phù Cừ)

Nói tới phát triển du lịch Hưng Yên chúng ta không thể không nhắc tới những giá trị văn hóa, con người gắn liền với đồng ruộng và sông nước.

Khi bàn đến vị thế và vai trò của các dòng sông, chúng tôi muốn nhắc lại tư tưởng quan trọng mà gần đây tổ chức UNESCO đã đặt ra, trong đó khẳng định rằng “dòng sông là nguồn sống, biển cả là sinh mạng của tất cả các quốc gia và chúng ta phải biết chủ động giữ gìn nó để có thể đối mặt với 3 thách thức của thời đại là dịch bệnh, biến đổi khí hậu và xung đột vũ trang”. Đồng thời cũng theo UNESCO, cái mà con người tạo ra được chính là ưu thế và sức mạnh của chính thời đại công nghệ số. Nó sẽ giúp con người vượt qua mọi thử thách để hướng tới tương lai.

Những nhận định trên của tổ chức UNESCO cần phải được xem như là những định hướng quan trọng cho việc hoạch định các chiến lược phát triển du lịch văn hóa cơ bản cho Hưng Yên, vốn là một vùng văn hóa có lịch sử gắn bó đặc biệt với các dòng sông, có bề dày của những giá trị của di sản trong kinh nghiệm tổ chức quản lý hài hòa các mối quan hệ xã hội, cộng với tài năng, trí tuệ của con người nơi đây.

Với tinh thần trên, rõ ràng, việc phát triển du lịch văn hóa, tâm linh ở Hưng Yên, chúng ta không thể không nghiên cứu vị thế, vai trò của các dòng sông cổ đối với sự phát triển của mảnh đất Hưng Yên trong lịch sử, đặc biệt là văn hóa của làng cổ với các khuôn mẫu văn hóa làng kiểu như “Làng Nôm” … Điều này cần phải được đặt ra một cách nghiêm túc khi xây dựng các kế hoạch phát triên du lịch cụ thể của Hưng Yên.

Để thực hiện điều đó, chúng ta phải có kế hoạch nghiên cứu toàn diện về những đặc trưng của các giá trị Hưng Yên gắn liền các dòng sông, nhất là những dòng sông cổ, vai trò to lớn của nó đối với kinh tế, xã hội, các cộng đồng làng xã cùng con người Hưng Yên.

Chúng ta cũng cần phải nghiên cứu để hiểu rõ hơn những giá trị cơ bản của Hưng Yên liên quan đến khí hậu đất đai, những mạch nguồn đã tạo nên phong tục tập quán, con người Hưng Yên gắn liền với các dòng sông, những nguyên tắc tự nhiên đã tạo nên các dòng chảy, sự biến đổi của các dòng sông dưới tác động của thiên nhiên, xã hội và con người dưới những sự vận động của lịch sử. Trên cơ sở đó có kế hoạch giữ gìn, bảo vệ dòng sông, vận dụng sức mạnh của dòng sông phục vụ cho việc phát triển du lịch văn hóa.

Chúng ta cũng nghiên cứu tác động của các dòng sông tới sự hình thành những sự giao lưu, tiếp biến lẫn nhau giữa các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong suốt quá trình lịch sử. Nghiên cứu kinh nghiệm của các thế hệ đi trước trong cách thức sống chung với các dòng sông vừa tôn trọng bảo vệ, không xâm hại, vừa khai thác thế mạnh của nó phục vụ cho cuộc sống của các cộng đồng dân cư Hưng Yên. Cần phải chuyển hóa tất cả những nội dung văn hóa phong phú và sinh động vào nội dung phát triển du lịch.

Về phương diện này, các cấp chính quyền tỉnh và địa phương cần phải có chủ trương giúp các địa phương và cơ sở, phát hiện những tiềm năng du lịch văn hóa, kết nối các tuyến du lịch, tạo điều kiện để Hưng Yên có thể trở thành một địa phương phát triển du lịch như là một ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo, có đóng góp với tỷ trong cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tỉnh cũng cần phát triển du lịch văn hóa gắn liền với quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản và nêu bật được bản sắc, giá trị và truyền thống của Hưng Yên.

Bài học kinh nghiệm về sự phát triển du lịch của thành phố Hội An trong những thập kỷ gần đây đặt ra cho chúng ta những vấn đề lớn về việc phát triển du lịch văn hóa Hưng Yên. Câu hỏi ở đây là, những gì Hội An đã làm thành công thì Hưng Yên liệu cũng có thể làm được không? Trong những thành công của Hội An thì những gì có thể áp dụng được với Hưng Yên? Hưng Yên có những gì trong truyền thống văn hóa và con người để có thể mở rộng và phát triển công nghiệp du lịch văn hóa hướng tới tương lai?

Thực tế đã cho thấy, Hội An có rất nhiều thế mạnh của một cảng biển sầm uất phát triển truyền tiếp nhau, liền mạch trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, Hưng Yên - Phố Hiến cũng có không ít những điểm mạnh của riêng mình, không thua kém gì, thậm chí còn có nhiều điểm còn nổi trội hơn Hội An. Hưng Yên cũng có một thương cảng sầm uất vang danh một thời và rất nhiều kinh nghiệm về sự tồn tại và suy vong của chính nó để mà suy nghẫm cho sự phát triển tương lai.

Những điểm mạnh của du lịch Hưng Yên và văn hóa Hưng Yên là ở chính sự tồn tại hàng ngàn năm lịch sử của Hưng Yên với tư cách một mảnh đất Việt cổ, văn hóa con người, các cộng đồng dân cư cùng với chiều dày của tầng tầng lớp lớp các di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng, bên cạnh những dòng sông vừa hung dữ nhưng lại vừa thân thiện…

Chúng ta cần phải có các dự án khơi dậy sức mạnh tiềm tảng của các giá trị văn hóa Hưng Yên nói trên làm cơ sở để phát triển du lịch văn hóa Hưng Yên. Như có lần đã trình bày trong một tham luận trước đây, chúng tôi xin đề nghị chúng ta hãy bắt đầu từ sự phục hồi cơ sở cội nguồn của văn hóa Hưng Yên, đó là văn hóa của các cộng đồng người sống cùng các dòng sông. Cần phải cải tạo, khơi thông nguồn mạch của các dòng sông (điều đó cũng chính là khơi thông các nguồn mạch của truyền thống văn hóa Hưng Yên) kết hợp với việc đầu tư nghiên cứu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa có giá trị để làm cơ sở ban đầu cho việc đẩy mạnh việc phát triển du lịch văn hóa.

Trong những năm gần đây, trước tình hình ô nhiêm của các dòng sông, sự xâm lấn các dòng chảy của đang ngày càng trầm trọng, chúng ta đã chú ý nhiều đến việc cải tạo các dòng sông, củng cố đê điều, chăm lo xây dựng và cải tạo các trạm bơm, khai thông các nguồn nước tưới tiêu, phòng chống lũ bão. Những dự án như xây dựng nâng cấp đê tả ngạn sông Luộc do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư có địa điểm xây dựng tại thành phố Hưng Yên và các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, được thi công và hoàn thành đã là minh chứng cho những nỗ lực nói trên.

Cần gắn kết việc phục hồi cải tạo các dòng sông cổ với việc cải tạo hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải tạo thành những hệ thống sông ngòi thống nhất, lưu thông thông thoáng, sạch sẽ mang tính thẩm mỹ và văn hóa cao tạo thành các tuyến du lịch hấp dẫn. Theo đó, chúng ta cũng cần làm các thủ tục cần thiết để đề nghị Nhà nước công nhận hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải là một di sản văn hóa cấp Quốc gia thuộc tỉnh Hưng Yên.

Trong khi coi sự tồn tại của các dòng sông như là một di sản văn hóa của Hưng Yên, bảo vệ, giữ gìn và khai thác tiềm năng của nó, chúng ta cũng cần chú ý giao kết việc cải tạo các dòng sông với việc quy hoạch nâng cấp và phát triển các di tích văn hóa lịch sử của Hưng Yên.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cũng cần phải có kế hoạch nghiên cứu, phân tích tổng thể, vừa toàn diện vừa cụ thể về khu vực Phố Hiến cổ với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa xung quanh nó. Tăng cường các nghiên cứu mới về khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, nhân học và xã hội học để làm rõ hơn không gian và bối cảnh của Phố Hiến xưa để thu hút khách du lịch. Quy hoạch và có thể phục dựng lại cảnh quan của Phố Hiến một thời, kết hợp với việc phát triên du lịch văn hóa lịch sử và du lịch tâm linh…

Để hướng tới một dự án tổng hợp toàn diện cho phát triển du lịch văn hóa Hưng Yên, việc cải tạo các dòng sông, kết nối cảnh quan giao thông đường thủy với các di tích văn hóa lịch sử được quy hoạch trùng tu, tôn tạo, phối hợp với việc phục hồi sức sống mạnh mẽ của Phố Hiến xưa, chúng ta đã hoàn toàn có thể tạo ra một hệ thống các con đường và địa điểm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh mới mẻ và sôi động cho Hưng Yên. Điều đó sẽ là cơ sở tiềm tàng cho một chiến lược phát triển Hưng Yên trong tương lai.

Trên đây là một số những ý tưởng về phát triển du lịch văn hóa Hưng Yên. Nó cần được bổ sung và làm rõ hơn trong một chương trình nghiên cứu, được bàn thảo kỹ lưỡng và cụ thể hơn trong thời gian tới. Để thực hiện được những nội dung phong phú trên, chúng ta phải tập hợp được những nguồn lực khoa học cần thiết, một sự nghiên cứu đa ngành và liên ngành cả khoa học tự nhiên, khoa học thủy lợi, các khoa học xã hội và nhân văn, khoa học về lịch sử và văn hóa.

GS-TS Đặng Cảnh Khanh
Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ Văn hiến Việt Nam

Giá trị văn hóa của vùng đất Hưng Yên văn hiến và cách mạng

Bài 2: Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển công nghiệp văn hóa ở tỉnh Hưng Yên

Bài 3: Thực trạng và một số giải pháp phát triển văn hóa, con người Hưng Yên trong bối cảnh hiện nay

Bài 4: Vị thế địa - chính trị, địa - văn hóa của tỉnh Hưng Yên và chiến lược phát triển văn hóa

Bài 5: Vai trò của MTTQ trong xây dựng, phát triển văn hóa con người Hưng Yên giai đoạn hiện nay

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/bai-6-mot-so-suy-nghi-ve-viec-phat-huy-cac-gia-tri-lich-su-van-hoa-truyen-thong-gan-lien-voi-phat-tr-3175591.html