Bài 8: Những sứ mệnh thầm lặng trên biển khơi

Giữa biển khơi mênh mông, nơi mỗi con sóng có thể cuốn trôi tất cả, những người lính đảo không chỉ mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng giữ gìn chủ quyền Tổ quốc mà còn là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho những cư dân nơi đảo xa. Ở họ, người ta thấy sự kết tinh của nhiều vai trò: là chiến sĩ, là thầy thuốc, là giáo viên, là người cứu hộ, là chỗ dựa trong những giây phút sinh tử. Họ hiện diện không chỉ bằng quân phục, mà bằng cả trái tim chan chứa tình người và tinh thần phụng sự giữa nơi đầu sóng.

Chữa bệnh giữa trùng khơi

Trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, không có một bệnh viện hiện đại, cũng chẳng có đầy đủ các thiết bị chẩn đoán hay phòng phẫu thuật khép kín. Nhưng bằng đôi tay và kiến thức y khoa, các bác sĩ và điều dưỡng đã cứu sống hàng chục ngư dân gặp nạn, điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhân là bộ đội và người dân đảo.

 Thiếu tá Ngô Văn Đạt khám bệnh cho chiến sĩ.

Thiếu tá Ngô Văn Đạt khám bệnh cho chiến sĩ.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình quân y giữa Trường Sa, Thiếu tá Ngô Văn Đạt (đảo Sinh Tồn) không thể quên ca mổ diễn ra vào đúng sáng mùng 1 Tết vừa qua. Hôm ấy, nhận được điện báo từ một tàu cá, anh và đồng đội lập tức chuẩn bị cấp cứu cho ngư dân Huỳnh Văn Đủ (sinh năm 1974, quê Khánh Hòa), bị thoát vị bẹn nghẹt khi đang đánh bắt trên biển.

Trong điều kiện trang thiết bị hạn chế nơi đảo xa, ca phẫu thuật kéo dài suốt 3 giờ đồng hồ. Đến đầu giờ chiều, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. “Chỉ cần chậm vài giờ, anh ấy có thể mất mạng trên biển,” thiếu tá Đạt chia sẻ. Sau 11 ngày theo dõi tại bệnh xá đảo Sinh Tồn, bệnh nhân ổn định và được chuyển vào đất liền để tiếp tục điều trị. “Đó là cái Tết tôi không thể nào quên, một ca cấp cứu giữ lại sự sống giữa trùng khơi cùng đồng đội,” anh chia sẻ.

 Thiếu tá quân y Trần Văn Sĩ trao đổi cùng phóng viên báo BVPL.

Thiếu tá quân y Trần Văn Sĩ trao đổi cùng phóng viên báo BVPL.

Tâm sự với chúng tôi giữa ca trực tại đảo Đá Tây A, Thiếu tá quân y Trần Văn Sĩ cho biết, trong năm qua, quân y trên đảo đã khám và cấp phát thuốc cho 969 trường hợp, hầu hết là cán bộ chiến sĩ và ngư dân đánh bắt quanh khu vực. “Không có ngày nghỉ, không có Tết, nơi đây cần mình là phải có mặt,” anh nói. Ca bệnh gần đây nhất khiến anh nhớ mãi là một ngư dân bị sốc do sứa biển, dẫn đến rối loạn hô hấp và tuần hoàn nghiêm trọng. “Lúc tiếp nhận, bệnh nhân tím tái, thở dốc, mạch gần như không bắt được. Toàn bộ tổ quân y phải tập trung cấp cứu liên tục trong nhiều giờ,” thiếu tá Sĩ kể. Nhờ sự phối hợp khẩn trương và quyết đoán, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch ngay trên đảo.

Đó chỉ là hai trong hàng trăm ca cứu hộ mà bộ đội Trường Sa từng thực hiện trong thầm lặng. Chỉ có những tiếng gõ cửa vội vã giữa đêm, những tín hiệu cầu cứu chập chờn từ máy liên lạc, và những ánh mắt hoảng loạn trên sàn tàu trôi dạt. Với lính đảo, mỗi người gặp nạn trên biển là một người thân. Dù là ngư dân hay thương lái, quốc tịch nào đi nữa, khi bước chân lên đảo đều nhận được sự giúp đỡ tận tình, chu đáo. Dù còn không ít khó khăn về trang thiết bị và điều kiện điều trị, các chiến sĩ quân y ở Trường Sa vẫn luôn nỗ lực khắc phục, chủ động từ những điều nhỏ nhất.

Bên cạnh trung tâm y tế thị trấn Trường Sa, một vườn thuốc nam xanh mướt được chăm chút mỗi ngày, như một “kho dược liệu sống” giữa trùng khơi.Ở đó, những loại cây quen thuộc như nghệ, gừng, sâm đất, xuyên tâm liên... được phân chia rõ ràng theo nhóm điều trị: tiêu hóa, xương khớp, cảm cúm, thậm chí cả nhóm dùng cho sơ cứu và cầm máu. “Thuốc nam tuy mộc mạc nhưng hữu ích, đặc biệt trong điều kiện cách xa đất liền,” một chiến sĩ quân y trẻ chia sẻ. Giữa nắng gió khắc nghiệt và đất đai cằn cỗi, vườn thuốc ấy không chỉ là sự chủ động trong điều trị, mà còn là minh chứng cho tinh thần vượt khó và lòng yêu nghề của người lính áo trắng nơi đầu sóng.

 Vườn thuốc nam trên đảo Trường Sa lớn.

Vườn thuốc nam trên đảo Trường Sa lớn.

Nhưng không phải lúc nào điều kiện cũng cho phép xử lý kịp thời. Có trường hợp bệnh nặng cần đưa về đất liền, nhưng thời tiết xấu, sóng lớn, trực thăng không thể cất cánh. Người lính quân y lại là người ở cạnh bệnh nhân lâu nhất, là người trò chuyện, xoa dịu đau đớn, và đôi khi chỉ có thể lặng lẽ nắm tay họ đi qua giây phút nghiệt ngã. Không chỉ chữa bệnh, quân y còn là người theo dõi định kỳ sức khỏe cho bộ đội và cư dân đảo. Mỗi tuần, các chiến sĩ đến khám, đo huyết áp, kiểm tra tim phổi, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, dinh dưỡng. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt đó lại góp phần giữ cho đảo không có dịch bệnh, không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình gìn giữ sự sống giữa muôn trùng sóng gió.

Lớp học đặc biệt nơi đảo xa

Một buổi sáng đầu tuần, trong căn phòng nhỏ cạnh Nhà văn hóa trên đảo Sinh Tồn, tiếng ê a học bài vang lên giữa những đợt gió biển rì rào. Trước bảng đen, thầy giáo Trương Hồng Lĩnh (quê Khánh Hòa) đang giảng bài cho vài em nhỏ là con của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.

 Thầy giáo Trương Hồng Lĩnh với lớp học trên đảo Sinh Tồn.

Thầy giáo Trương Hồng Lĩnh với lớp học trên đảo Sinh Tồn.

Lớp học nơi đây không đông, có em mới ba tuổi, có em đã mười một nhưng học chung một lớp, học chung một thầy. Nhưng điều đặc biệt nằm ở tinh thần của mỗi buổi lên lớp, đó là niềm hi vọng, là sợi dây nối giữ tri thức với văn hóa trong một môi trường thiếu thốn giữa biển khơi. Thầy Lĩnh chia sẻ “Có hôm biển động, lớp nghỉ, mấy đứa nhỏ vẫn chạy qua gọi: Thầy ơi, hôm nay có học không? Ở đây, chữ nghĩa là cách duy nhất để các em biết đến thế giới bên ngoài”. Không chỉ đứng lớp, thầy giáo còn làm nhiệm vụ của người bảo mẫu: lo bữa trưa, giấc ngủ trưa, dỗ dành trẻ nhỏ khi nhớ nhà, thiếu bạn bè. Mỗi em là một câu chuyện riêng. Các em lớn lên sớm, trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng lại mang trong mình tình cảm đặc biệt với đảo, nơi các em sinh ra, học chữ và có ký ức tuổi thơ.

Lính đảo cũng trở thành trợ giảng bất đắc dĩ, giúp thầy giáo vận chuyển sách vở, tự tay làm đồ dùng học tập, cùng trẻ em dựng trại, chơi trò chơi, dạy kỹ năng sống. Thậm chí, có chiến sĩ dạy các em hát Quốc ca đúng nhịp. Một bé trai được hỏi sau này muốn làm nghề gì, đã trả lời không chút ngần ngại: “Con muốn làm lính đảo, giống các chú”.

 Thầy giáo trẻ Ưng Văn Tuấn đọc Báo Bảo vệ pháp luật trong giờ nghỉ giải lao.

Thầy giáo trẻ Ưng Văn Tuấn đọc Báo Bảo vệ pháp luật trong giờ nghỉ giải lao.

Ở đảo Đá Tây A, thầy Ưng Văn Tuấn mới ra đảo được 2 năm, đang dạy lớp mầm non. Tuấn nói: “Em là người miền núi, trước giờ chưa từng thấy biển. Mới ra trường, muốn thử sức nên tình nguyện ra đảo. Lúc đầu bỡ ngỡ, nhưng dạy vài tháng là quen. Mình trẻ, mình chịu được”. Anh cũng học cách sống chậm lại, dành thời gian quan tâm đến từng học sinh để đồng cảm và yêu thương các em như người ruột thịt trong gia đình mình. Lớp học đôi khi rộn ràng như một ngày hội. Trung thu, Tết Thiếu nhi hay sinh nhật các em, thầy giáo và bộ đội cùng nhau trang trí lớp, bơm bóng bay, tổ chức trò chơi. Không gian chỉ vài mét vuông, nhưng ánh sáng từ ngọn nến sinh nhật lại đủ để thắp lên niềm vui trong mắt trẻ nhỏ và cả những người lớn đã nhiều năm xa quê.

 Hai thầy giáo trao đổi tại lớp học trên đảo Đá Tây A.

Hai thầy giáo trao đổi tại lớp học trên đảo Đá Tây A.

Thầy giáo Lưu Quốc Thịnh cũng đang dạy học tại đảo Đá Tây A chia sẻ nỗi trăn trở mỗi khi chuẩn bị nghỉ phép. “Tôi lo không biết ai sẽ trông lớp thay mình, sợ các em nghỉ học, bỏ bài. Nhiều lần lính đảo phải kiêm luôn vai trò giáo viên, vừa dạy vừa giữ lớp. Họ chưa được đào tạo sư phạm, nhưng có tình thương, có trách nhiệm. Đối với các em, họ không chỉ là chú bộ đội, mà còn là người anh, người chú, là ký ức tuổi thơ.” Có học sinh khi chuyển vào đất liền học tiếp đã viết trong nhật ký: “Con nhớ đảo, nhớ thầy, nhớ cả chú bộ đội dạy con trồng rau. Ước gì con lớn lên được quay lại.” Những ước mơ nhỏ như thế chất chứa giá trị lớn. Đó là biểu hiện của lòng biết ơn, của tình yêu quê hương được nuôi dưỡng từ khi còn rất nhỏ. Lính đảo và thầy giáo thay nhau giữ lửa tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ giữa biển khơi.

Lính đảo chơi cờ cùng các em học sinh trong giờ nghỉ.

Lính đảo chơi cờ cùng các em học sinh trong giờ nghỉ.

Từ những lớp học đặc biệt ấy, đã có học sinh ra đất liền tiếp tục học lên cao. Có em nay đã vào đại học, nhớ mãi những tháng ngày được lính dạy chữ, được sống trong căn phòng nhìn ra biển. Các em không chỉ mang theo kiến thức, mà còn mang theo niềm tự hào về nơi mình lớn lên, nơi tri thức nảy mầm giữa muôn trùng sóng gió.

Cứu hộ cứu nạn là nhiệm vụ không tên

Ở Trường Sa, nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn không có giờ giấc cố định. Khi tín hiệu SOS vang lên, bất kể đêm hay ngày, sóng yên hay bão nổi, bộ đội trên đảo lập tức lên đường. Thiếu úy Hoàng Văn Minh (đảo Sinh Tồn) cho biết: “Khi đã ra khơi rồi thì ai cũng chỉ có một suy nghĩ: tiếp cận tàu gặp nạn nhanh nhất. Chậm một phút là nguy hiểm tăng thêm.” Trên thực tế, điều kiện cứu hộ ngoài đảo rất hạn chế. Không có tàu chuyên dụng, xuồng nhỏ thường xuyên phải đối mặt với sóng lớn, gió giật. Có lần tổ trực ban gồm 6 chiến sĩ phải vượt biển giữa đêm, khi một tàu vận tải chở hàng bị chết máy trong vùng áp thấp. Sóng cao, nước biển hắt liên tục lên xuồng, dây kéo trượt khỏi mũi tàu nhiều lần. Nhưng nhờ kiên trì bám trụ, cả đội đã đưa được các thuyền viên vào đảo an toàn.

 Tiết mục biểu diễn của các em học sinh trên đảo Sinh Tồn.

Tiết mục biểu diễn của các em học sinh trên đảo Sinh Tồn.

Không phải ca nào cũng thuận lợi. Có trường hợp ngư dân bị hôn mê do chấn thương mất máu, tổ cứu hộ vừa di chuyển vừa sơ cứu ban đầu. Cũng có khi tổ cứu hộ chỉ có thể đưa thi thể người gặp nạn về đảo chờ bàn giao. Mỗi tình huống đều yêu cầu xử lý linh hoạt, bản lĩnh và tỉnh táo. “Có những lúc sóng mạnh, biển đen như mực, mình chỉ thấy được ánh đèn mờ phía tàu gặp nạn, nhưng không thể chần chừ,” một thành viên tổ cứu hộ chia sẻ. “Cứu được người, nhìn họ tỉnh lại là cả tổ ai cũng nhẹ người.”

Bên cạnh cứu người, bộ đội Trường Sa cũng hỗ trợ ngư dân trong nhiều tình huống khác. Khi tàu cá neo gần đảo tránh bão, các chiến sĩ đến tận nơi hỗ trợ sửa máy, cho tiếp dầu, cấp nước ngọt và phát thực phẩm. Khi ngư dân bị bệnh, bộ đội quân y có mặt kịp thời, khám và cấp phát thuốc. Có trường hợp đau ruột thừa cấp tính, y bác sĩ trên đảo đã phẫu thuật khẩn cấp, giữ tính mạng bệnh nhân trước khi được chuyển vào đất liền.

 Nghi lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn.

Nghi lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn.

Cứu hộ. cứu nạn ở Trường Sa không phải là nhiệm vụ đột xuất. Đó là công việc quen thuộc, được rèn luyện mỗi ngày. Và chính vì quen với gian khó, các chiến sĩ ở đây luôn giữ được sự bình tĩnh trong mọi tình huống. Họ không cần danh hiệu, chỉ cần nhìn người dân được an toàn là đủ. Giữa muôn trùng sóng gió, có một điều không bao giờ thay đổi: bộ đội Trường Sa luôn là người xuất hiện đầu tiên khi sự sống bị đe dọa. Họ âm thầm, bền bỉ, tận tụy như những cột mốc sống canh giữ bình yên không chỉ cho biển đảo, mà cho cả trái tim của bao phận người lênh đênh giữa đại dương.

Thay lời kết

Trên những hòn đảo nhỏ bé giữa đại dương rộng lớn, người lính đảo không chỉ đứng gác trước biển mà còn giữ gìn sự sống theo cách thầm lặng và nhân văn nhất. Họ là bác sĩ khi có người đau, là thầy giáo khi có trẻ cần học, là người anh trong những cuộc cứu nạn không tên.

Trường Sa hôm nay không chỉ là điểm mốc chủ quyền, mà là nơi hiện hữu của tình người, của sự sẻ chia và cống hiến. Người lính đảo bằng trái tim và bàn tay của mình đã dệt nên những câu chuyện không dễ gì tìm thấy ở đất liền. Những câu chuyện ấy không ồn ào, không nhiều lời, nhưng lắng sâu, bền bỉ như chính cuộc đời họ giữa biển khơi. Người lính đảo không chỉ cầm súng bảo vệ Tổ quốc, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho người dân giữa biển khơi. Và chính điều đó, làm nên vẻ đẹp không phai của Trường Sa , nơi con người sống không chỉ để tồn tại, mà để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất trong gian khó.

Hoàng Long

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/bai-8-nhung-su-menh-tham-lang-tren-bien-khoi-179244.html