Phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội: thu hút nguồn lực tư nhân

Tại hội thảo 'Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô' do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức ngày 1/7, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế thu hút nguồn lực tư nhân, nhất là các nhà sáng tạo trẻ trong lĩnh vực này.

Quang cảnh hội thảo “Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô” do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức ngày 1/7.

Quang cảnh hội thảo “Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô” do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức ngày 1/7.

Tiềm năng, dư địa lớn

Hà Nội là TP có tiềm năng và ưu thế về công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Ngoài 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa được thế giới công nhận (âm nhạc, xuất bản, nghề thủ công mỹ nghệ, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, phần mềm và trò chơi giải trí, điện ảnh, thời trang, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình, phát thanh và du lịch văn hóa), Hà Nội còn có thêm lĩnh vực ẩm thực. Với công nghiệp sáng tạo, Hà Nội vừa là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới, vừa là trung tâm của cả nước.

Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội.

Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội.

Theo TS Lê Thị Trang - Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, văn hóa Hà Nội được tạo dựng, bồi đắp, gìn giữ, phát triển bởi một hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, chắt lọc và hội tụ tinh hóa văn hóa vùng miền, tạo nên những giá trị kết tinh trong chiều sâu tâm thức cộng đồng, trở thành bản sắc văn hóa Thủ đô. Với trên 6.400 di tích lịch sử văn hóa, khoảng 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, 169 bảo vật quốc gia, 1.350 làng nghề thủ công, Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo, lan tỏa trong xã hội.

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội phát triển khoảng 60 không gian sáng tạo, trong đó có khoảng 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa - nghệ thuật và một số không gian sáng tạo khác.

GS.TS Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, Hà Nội có 4 loại tiềm năng mà ít địa phương nào tại Việt Nam cũng như trên thế giới có được, đó là: di sản cảnh quan thiên nhiên, di sản lịch sử văn hóa, di sản các công trình kiến trúc, di sản văn hóa dân gian (phần phi vật thể). Hà Nội còn có các làng nghề, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, tri thức dân gian, dân ca, văn hóa dân gian, ẩm thực, trò chơi dân gian… Đây là nhóm di sản phong phú, đa dạng nhất, tiềm năng nhất cho việc phát triển văn hóa dựa trên di sản văn hóa phi vật thể.

Với lợi thế về vốn văn hóa phong phú đa dạng, Hà Nội đang từng bước phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp băn hóa. Tuy vậy, lộ trình biến tiềm năng văn hóa thành cơ hội trong phát triển công nghiệp văn hóa và thương hiệu thành phố sáng tạo của Hà Nội vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt huy động nguồn lực xã hội.

Tổng hòa nhiều giải pháp

GS.TS Lê Hồng Lý cho rằng, Hà Nội nên bắt đầu phát triển công nghiệp văn hóa bằng những gì mình có, đó là di sản văn hóa truyền thống. 4 loại di sản văn hóa của Hà Nội như đã nêu là tiềm năng to lớn cho khai thác công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đặc biệt là cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Để đạt được những hiệu quả lớn và bền vững hơn, theo GS.TS Nguyễn Hồng Lý, Hà Nội cần tiếp tục có nhiều chủ trương chính sách về vấn đề này. Thực tế, Hà Nội là đơn vị đầu tiên có nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, đây là điều rất đáng ghi nhận vì nếu không có các quyết sách đúng đắn đó, Hà Nội khó có thể đạt được thành tựu nổi bật về công nghiệp văn hóa thời gian qua.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: BTC

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: BTC

Tiếp đó, từ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa từ những người đứng đầu sẽ lan tỏa sâu rộng đến Nhân dân, biến chính sách thành nhận thức. Cùng với đó, Hà Nội chú trọng việc khuyến khích sự tham gia của DN tư nhân; khích lệ vai trò sáng tạo của cá nhân vào phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh việc đào tạo, xây dựng lớp công chúng có thị hiếu thưởng thức văn hóa; phát triển hợp tác quốc tế và mạng lưới truyền thông về văn hóa.

Cho rằng, Hà Nội đang có cơ hội to lớn để khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo và sức sáng tạo của mình trong khu vực và trên thế giới, TS Lê Thị Trang - Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, yếu tố quan trọng hiện nay là sự nắm bắt và phát huy các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Hà Nội cần tập hợp các sáng kiến văn hóa và sáng rạo với một tầm nhìn chung về sự thống nhất, bao trùm và tăng trưởng bền vững.

Muốn làm được điều đó, Hà Nội cần vận động các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào công nghiệp văn hóa, mạnh dạn mở ra một phương thức hợp tác mới trong lĩnh vực văn hóa giữa Nhà nước và tư nhân; thu hút và hỗ trợ đầu tư; chú trọng việc hình thành và phát triển mạnh mẽ hệ thống mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ. Đồng thời tiếp tục là thành viên tích cực và tham gia có trách nhiệm tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế theo các chương trình của UNESCO về phát triển thành phố sáng tạo.

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cũng khẳng định quan điểm, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng. Do đó, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực văn hóa là vấn đề quan trọng.

Công nghiệp văn hóa, sáng tạo là một ngành rất tiềm năng, hấp dẫn, hứa hẹn những thành tựu không nhỏ trong sự phát triển của Hà Nội và đất nước. Với điều kiện, dư địa lớn trong phát triển lĩnh vực này cùng các chủ trương, chính sách kịp thời, chắc chắn, Hà Nội sẽ có được những thành công mới trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong thời gian tới.

Hội thảo “Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô” do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức đã tuyển chọn 44 bài trong hơn 50 bài viết từ các chuyên gia, nhà nghiên ào kỷ yếu hội thảo. Các nghiên cứu xoay tập trung vào 3 chủ đề chính: Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng của di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội; Thực trạng phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Hà Nội giai đoạn hiện nay; Giải pháp phát huy tiềm năng di sản văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Kết quả của hội thảo là cơ sở khoa học cho nhà trường và ban chuyên môn Đề án 1209/ĐA-ĐHTĐHN về "Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", xây dựng và đề xuất các giải pháp, kiến nghị với lãnh đạo TP Hà Nội về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo và xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-tai-ha-noi-thu-hut-nguon-luc-tu-nhan.754791.html