Bài 9: Bài học trong hành trình chuyển đổi xe điện - Góc nhìn từ đất nước Na Uy
Là quốc gia đi đầu trong hành trình chuyển đổi xe điện, Na Uy đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu để các quốc gia theo sau như Việt Nam nói riêng và nhiều nước khác nói chung có thể chắt lọc và học hỏi.
Để nói về số lượng xe điện nhiều nhất trên thế giới, có lẽ sẽ không quốc gia nào có thể vượt qua được Na Uy. Thậm chí, ông chủ của hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla - Elon Musk đã từng bay tận tới Na Uy để trực tiếp cảm ơn vì quốc gia này đã có những hỗ trợ tiến bộ dành cho xe điện.
Doanh số ấn tượng của xe điện tại Na Uy
Hiện nay, xe điện chiếm gần 90% doanh số bán xe ô tô mới ở Na Uy. Dữ liệu từ Liên đoàn Đường bộ Na Uy (Norwegian Road Federation - OFV) cho thấy, trong năm 2023, số xe điện mới bán ra chiếm tới 82% và nâng lên mức 88,9% gần 89% trong năm 2024. Trong đó, các thương hiệu bán chạy nhất phải kể tới Tesla, Volkswagen, Toyota. Các thương hiệu xe điện Trung Quốc cũng đóng góp gần 10% doanh số bán xe mới tại Na Uy.
Với số lượng xe điện ngày một nhiều, Na Uy đã xác định mục tiêu chỉ sử dụng thêm xe điện vào năm 2025. Theo đà này, xe điện sẽ là loại xe chở khách phổ biến nhất tại Na Uy vào năm 2032. Được biết, Na Uy là một trong những nước châu Âu đầu tiên đã ban hành luật cấm ô tô động cơ đốt trong sử dụng xăng dầu. Bà Christina Bu, người đứng đầu Hiệp hội Xe điện Na Uy (Norwegian Electric Vehicle Association - NEVA) nhấn mạnh, Na Uy sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới xóa sổ xe chạy bằng xăng dầu ra khỏi thị trường xe mới.
Học tập từ các nước tiên tiến, Việt Nam cũng đang có tốc độ điện hóa khí giao thông nhanh so với thế giới mà điển hình phải kể tới thành công của hãng xe điện VinFast. Tuy là một hãng non trẻ so với thị trường thế giới nhưng VinFast đã có những bứt phá khi về vị trí 28 trong bảng xếp hạng doanh số xe điện 3 quý đầu năm 2024 với 44.260 chiếc. Đây là một dấu hiệu hết sức đáng mừng với ngành xe điện Việt Nam vì thứ hạng về doanh số xe điện của VinFast còn vượt qua cả các ông lớn trong ngành như Honda, Subaru, Mitsubishi hay Mazda. Theo phân tích của Car Industry Analysis, nhờ mẫu xe điện nhỏ VF3, VinFast đã cất cánh tại thị trường Việt Nam và Philippines. Nếu được hỗ trợ hơn nữa về chính sách, có thể VinFast còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
Bài học từ chính sách tiến bộ của một quốc gia dầu mỏ
Thông thường, mỗi chính sách đều bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng chính trị tại mỗi quốc gia khác nhau. Chính sách hỗ trợ từ chính phủ Na Uy đã đóng góp vai trò lớn cho sự phát triển của xe điện. Mặc dù nổi tiếng là một quốc gia sản xuất dầu mỏ nhưng Na Uy lại đưa ra mức thuế cao cho xe chạy bằng xăng dầu, đồng thời miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cho xe điện. Đến năm 2023, một số khoản thuế cho xe điện mới được áp dụng trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nhận định chính sách này đã thực sự có hiệu quả và nhất quán theo thời gian.
Doanh số bán xe điện tăng vọt đã khiến nhiều cơ chế chính sách quan trọng bị rút lại. Bà Christina Bu cho biết, việc các quốc gia đưa ra các ưu đãi, miễn thuế sau đó rút lại là điều không hiếm gặp. Các chính sách ưu đãi dành cho xe điện đóng vai trò rất quan trọng. Nếu chỉ cấm xe xăng dầu mà không đưa ra ưu đãi cho xe điện, người dân sẽ cảm thấy bức xúc.
Xe điện từng được hưởng miễn thuế tại Na Uy nhưng nhiều người cho rằng, ưu đãi này chỉ đem tới lợi ích cho một số lượng nhỏ người mua xe điện mà không có giá trị đối với người đóng thuế nói chung. Không chỉ vậy, người mua xe điện ở quốc gia này còn được phép sử dụng làn xe bus tại thủ đô Oslo. Tuy nhiên, sau đó đặc quyền này cũng bị xóa bỏ.
Hạ tầng trạm sạc điện thu gọn khoảng cách thành thị, nông thôn
Chính sách hỗ trợ là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường xe điện phát triển. Tuy nhiên, yếu tố tiện dụng vẫn được đặt lên vị trí ưu tiên hơn. Ví dụ như vấn đề về hạ tầng trạm sạc điện luôn là nỗi trăn trở đối với chính phủ Na Uy. Trong khi tại thành phố Oslo, xe điện được tìm thấy ở khắp các con đường với tỷ lệ lên tới 40%, thì ngược lại tại những vùng nông thôn xa xôi của đất nước như hạt Finnmark ở phía Bắc chỉ có khoảng 8% xe điện.
Tỷ lệ xe điện trên đường bộ ở Na Uy ngày càng tăng cũng kéo theo các ngành khác thích ứng theo. Tại các trạm xăng, các bộ sạc điện nhanh được thay thế cho vòi bơm xăng ngày càng nhiều. Ông Anders Kleve Svela, Giám đốc cấp cao của công ty phân phối nhiên liệu lớn nhất Na Uy Circle K cho biết, trong vòng 3 năm tới, mục tiêu ít nhất của Na Uy là sẽ bổ sung trạm sạc điện bằng với số lượng của trạm nhiên liệu để theo đuổi kịp mục tiêu đạt 50% số lượng xe điện chạy trên đường. Nếu số lượng trạm sạc nhanh tăng gấp đôi trên khắp Na Uy trong thập kỷ tới, mối lo ngại về phạm vi phủ sóng của xe điện sẽ được giải quyết, người lái xe cũng không còn phải lo lắng về việc xe bị hết điện mà không có chỗ sạc gần nhất.
Những thách thức về điện khí hóa
Sử dụng đồng bộ xe điện không chỉ đơn giản là bỏ xe xăng dầu và chuyển đổi sang xe điện, mà còn là một phần của xu hướng điện khí hóa chuyên nghiệp đòi hỏi hỗ trợ và chính sách toàn diện. Với nhiều năm triển khai phổ cập xe điện, Na Uy là quốc gia có kinh nghiệm rất dày dặn và đáng học hỏi.
Sở hữu nền tái chính công giàu mạnh, ngành năng lượng có chuyên môn cao và hệ thống năng lượng điện khí hóa đứng hàng thứ 2 trên thế giới, Na Uy vốn đã vượt bậc hơn phần lớn các quốc gia trên thế giới trong công cuộc chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng, quốc gia này vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ để có thể đáp ứng. Được biết, vào năm 2040, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng 60% nhưng Na Uy vẫn chưa có đủ sản lượng. Dự kiến trong một vài năm tới, Na Uy sẽ bị thâm hụt sản lượng điện ròng. Đây được coi là tình trạng bất thường đối với một quốc gia từng là nước xuất khẩu điện ròng lớn mạnh.
Hiện nay, sản lượng điện của Na Uy chủ yếu đến từ thủy điện. Để đáp ứng nhu cầu mới về sản lượng, thủy điện cần phải đa dạng hóa hơn nữa. Trong khi đó, điện gió tưởng chừng như là giải pháp khả thi nhất lại bị đình trệ trong những năm gần đây. Nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ này là do sự phản đối của người dân về các dự án điện gió trên bờ và do chi phí cao ngất ngưởng của điện gió ngoài khơi. Theo đà này, phải tới giữa những năm 2030, Na Uy mới có thể quay trở lại tình trạng thặng dư điện như trước.
Điện giá rẻ là ngành công nghiệp chủ đạo của Na Uy trong nhiều năm qua, nhưng với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao của điện khí hóa các lĩnh vực, giá điện cũng sẽ tăng theo để phù hợp với thực tế chung. Không thể phủ nhận cách chính phủ Na Uy triển khai sử dụng xe điện là rất tiến bộ nhưng thiếu hụt công suất điện đã trở thành rào cản gây ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác trong ngành điện. Sau những gì mà Na Uy đã và đang gặp phải, kinh nghiệm giá trị nhất mà thế giới rút ra được là cần phải có tư duy bao quát khi thực thi chuyển đổi năng lượng xanh.