Bài 9: Hồ Yên Lập, nước 'tế thần' trên đảo Hà Nam

Hồ Yên Lập là 1 trong số 27 hồ đập lớn chứa nước ngọt đa chức năng của tỉnh Quảng Ninh. Tuy là hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh, nhưng nhiều người còn chưa biết hết giá trị công trình thủy lợi này với những bí tích dưới đáy nước và trên mặt nước. Khi dòng nước đầu tiên từ hồ rừng Yên Lập vượt sông biển ra đảo Hà Nam, hòn đảo thấp hơn mực nước triều, thì dân đảo kéo đến lấy nước về đặt trang trọng trên bàn thờ nhà mình thắp hương tế lễ gia thần, trầm tích văn hóa.

Hồ Yên Lập được Chính phủ phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế công trình 27/9/1975, khởi công xây dựng 3/2/1977. Hồ được xây dựng đến đâu thực nghiệm khai thác nguồn nước ngay đến đó, năm 1983 công trình hoàn thiện toàn bộ chính thức khánh thành. Hồ Yên Lập xây dựng trên độ cao 30,2m so với mực nước biển, đập chính dài 276m, cao trình đỉnh đập 32,57m, chiều rộng đỉnh đập 5m xây dựng ở phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên. Các đập phụ gồm: đập Nghĩa Lộ, ở xã Việt Hưng dài 540m, cao trình đỉnh đập 33,5m; đập Đồng Cóc, ở xã Dân Chủ dài 54m, cao trình đỉnh đập 34m… cùng ở thành phố Hạ Long. Hồ Yên Lập có sức chứa 130triệu m3 nước, nước cả 138 triệu m3, duy trì thường xuyên ở mức 127,5 triệu m3 nước; diện tích lưu vực 182,6km2, diện tích mặt nước12,5km2 thuộc địa bàn 7 phường xã thuộc các huyện/thị/thành phố: Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên.

Cùng với công trình xây dựng hồ Yên Lập, là xây dựng hệ thống kênh mương, mương chính, mương cấp I, cấp II, cấp III (kênh nội đồng). Kênh chính bắt nguồn từ hồ Yên Lập ở phường Minh Thành đến xã Tiền Phong (Quảng Yên) dài 26,5 km, trong đó có cặp xi phông fi 1,05m, dài 521m dẫn nước qua Sông Chanh. Kênh cấp I gồm 51 tuyến dài 101km, Kênh cấp II gồm 370 tuyến dài 153km. Kênh chính lưu lượng dòng chảy đạt 6-7m3/S, sản lượng cung cấp bình quân từ 8-10 triệu m3 nước/tháng. Một nhánh kênh cấp I, từ phường Minh Thành (Quảng Yên) đến phường Yên Thanh (Uông Bí) dài 13km. Một nhánh kênh cấp I dài trên 3km có xi phông nổi fi 90cm qua hạ lưu sông Yên Lập cấp nước cho đồng ruộng phường Đại Yên, thành phố Hạ Long.

Theo cách gọi ngày nay, thì công trình thủy lợi hồ Yên Lập gồm 3 gói thầu lớn. Một là gói thầu xây dựng hồ đập, hai là gói thầu xây dựng kênh mương, ba là gói thầu xây dựng cặp xi phông dẫn nước hồ Yên lập qua Sông Chanh (sông biển nước mặn), để cấp nước tươi tiêu cho 2.000ha đồng ruộng và dân của 7 xã trên đảo Hà Nam.

Khi xây dựng hồ Yên Lập, công trình hàng ngày có trên 3.000 công nhân gồm 3 lực lượng: đội quân chính qui của Bộ Thủy lợi làm nhiệm vụ thi công các hạng mục chính như hồ đập, tràn xả lũ, xi phông…; lực lượng các xí nghiệp của tỉnh thì xây dựng hệ thống kênh mương chính, mương cấp I; mương cấp II và cấp III (mương nội đồng) ở địa bàn huyện nào huyện ấy huy động nhân lực xây dựng, nhân lực phần lớn do xã viên đội thủy lợi 202 của các HTX nông nghiệp đảm nhiệm.

Dự án thi công xây dựng cặp xi phông fi 1,05m (năm 2008 nâng cấp lên 1,2m), dài 521m là đòi hỏi kỹ thuật cao nhất. Bởi vượt Sông Chanh rộng, nước sâu, khi nước triều lên xuống hải lưu xiết; Sông Chanh còn là huyết mạch giao thông đường thủy trong vùng, mà ngày đó phương tiện đường bộ xe cộ còn ít, vận tải hàng hóa chủ yếu là đường thủy nên mật độ thuyền bè qua lại trên mặt nước rất đông. Bộ thủy lợi trực tiếp chỉ đạo các giải pháp thi công hạng mục xi phông này. Cặp xi phông lớn, nặng hàng trăm tấn hàn liền trên mặt đất, đặt trong rãnh trượt. Dưới đáy nước các thợ lặn đào hào đặt xi phông, hào sâu tới mức khi vùi ống xi phông nó chìm sâu dưới mặt lớp bùn đáy sông, điểm nông nhất là 0,5m.

Hôm hạ cặp xi phông khối sắt thép liền một mạch từ bờ này sông sang bờ kia sông dài hơn nửa cây số, nặng hàng trăm tấn xuống lòng sông sâu, nước xiết, mà phải thả sao cho thăng bằng (lệch là gẫy) và định vị phải chính xác đúng vào đường hào ngầm dưới đáy nước. Khi ấy phương tiện kỹ thuật công nghệ còn thô sơ, người dân đến xem thấy như ảo thuật. Xi phông fi 1,05m, dài 521m như con trăn khổng lồ trườn trên mặt nước bởi trên bờ xe kéo, dưới nước tàu kéo, khi đầu đuôi qua sông mới từ từ chìm xuống (bởi máy bơm xả nước vào lòng ống). Khi xi phông chìm sâu ở mức lực nén đủ dứt đứt dây néo, thì hàng trăm chiếc thùng phi làm phao cho cặp xi phông trước đó nổi trên mặt nước nay tự bung lên mặt nước; rồi tích tắc một tiếng còi nổi lên, tiếng loa phóng thanh vang vang, tiếng vỗ tay náo nhiệt… Mọi người hoan hỷ, đã lắp đặt thành công cặp xi phông đưa nước hồ Yên Lập vượt Sông Chanh sang đảo Hà Nam.

Hôm xả mẻ nước đầu tiên từ hồ Yên Lập chảy trên hệ thống kênh mương chính, dẫn qua cặp xi phông vượt Sông Chanh cấp nước cho đảo Hà Nam (hòn đảo thấp hơn thủy triều, nước ngọt khan hiếm, mùa đông ken thường phải dùng thuyền chờ nước ăn ra đảo), hàng vạn người dân của 7 xã đảo đổ ra mặt kênh đón dòng nước ngọt, nhiều người mang vò ra lấy nước về tế thổ thần, gia tiên. Ai ai cũng mừng vui, nhiều người vui quá mà rơi nước mắt, trong đó có ông Vũ Đà cựu Chủ tịch HĐND tỉnh từng công tác nhiều năm ở đảo Hà Nam.

Hồ Yên Lập cấp nước sạch cho nhu cầu tiêu dùng của khoảng 95% dân cư ở thành phố Uống Bí, thị xã Quảng Yên và khoảng 50% dân đô thị của thành phố Hạ Long. Tổng sản lượng nước do Công ty nước sạch Quảng Ninh khai thác ở hồ Yên Lập cấp cho người tiêu dùng là 1.357.272m3/tháng. Sản lượng nước cấp cho thành phố Hạ Long là 2.330.805m3/tháng với 97.182 hộ tiêu dùng; thành phố Uông Bí là 513.073m3/tháng, với 31.853 hộ tiêu dùng; thị xã Quảng Yên 351.432m3/tháng, với 25.849 hộ tiêu dùng (chưa kể sản lượng chương trình nước sạch nông thôn cùng khai nguồn hồ Yên Lập), tính gộp Quảng Yên có trên 36.000 hộ tiêu dùng nước hồ Yên Lập. Hồ Yên Lập khi mới xây dựng cấp nước nuôi trồng thủy sản và nước tưới cho 11.000ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yến là ở thị xã Quảng Yên. Quảng Yên nhờ có nguồn nước hồ Yên Lập đã nâng sản lượng lương thực quy thóc năm 1980 là 10.400 tấn đến 2015 đạt 56.000 tấn, tăng gấp trên 5 lần. Nay công nghiệp và dịch vụ phát triển, xu hướng đô thị hóa…hồ Yên Lập hiện cấp nước tưới cho 8.320ha đất nông nghiệp (riêng Quảng Yên 5.000ha) và 1.600ha ao đầm nuôi trồng hải sản.

Hồ Yên Lập xây dựng công phu, giá trị thủy lợi đã rõ. Hồ Yên Lập còn có giá trị cảnh quan-môi trường, trầm tích văn hóa, kho tàng tài nguyên. Dưới đáy hồ Yên Lập còn phế tích khai trường mỏ than Yên Lập, của tư bản Pháp khai thác thuộc địa lần thứ 2. Hai con sông xuôi bè lâm sản nổi tiếng vùng rừng Hoành Bồ là Sông Đồn, Sông Míp, cùng với thổ cư làng cổ Vạn Nho, Nghĩa Lộ thời tri huyện Hoành Bồ và những tiểu khu rừng của đội lâm nghiệp Chòi Cao…cùng nằm trong đáy nước.

Ông Nguyễn Văn Thu (đã chết), nguyên đội trưởng đội lâm nghiệp Chòi Cao, thuộc lâm trường Hoành Bồ đã từng bảo, khi xây dựng hồ Yên Lập để nguyên khoảng 500ha rừng nguyên sinh có nhiều cây gỗ quí như sến, táu, dổi, dẻ sồi và nhiều cây lim hai người ôm. Nước dâng lên đến đâu thì rừng chìm trong nước đến đấy, gỗ ngâm dưới đáy nước sâu không mối mọt, lõi gỗ có thể hàng trăm năm vẫn sử dụng tốt.

Dưới đáy hồ, một kho khoáng sản. Theo tài liệu địa chất, dưới đáy nước và lưu vực hồ Yên Lập còn hoảng 10 triệu tấn than lộ vỉa, ở độ sâu đáy vỉa khoảng âm 350-500m trữ lượng than tới hàng 100 triệu tấn. Thượng lưu hồ Yên lập là vùng rừng Hạ My giáp giới với huyện Sơn Động (Bắc Giang), với trên 30 km suối rừng quanh co qua Sông Đồn, Sông Míp, suối Vạn Nho đến sông Yên Lập…năm tháng cát theo nước ụn lên thành gò, thành mỏ kéo dài từ Vạn Nho đến Nghĩa Lộ dài gần 10km, nhiều điểm trũng cát già trắng tinh tầng tầng lớp lớp, dày đến 2,5m, một mỏ cát vật liệu xây dựng quí giá. Năm 1980, một kỹ sư của đoàn địa chất 37 chuyên thăm dò nước hé lộ tài liệu địa chất bảo, dưới địa tầng khu vực hồ Yên Lập về phía làng Đồng Đăng (cũ) có một túi nước ngầm lớn thứ 2 sau túi nước ngầm dài trên 1000m, rộng 70m (điểm lộ thiên ở khu Lán Tháp), hiện dân ở phường Vàng Danh, Uông Bí vẫn đến đấy múc nước về ăn .

Hồ Yên Lập còn có những giá trị cảnh quan-môi trường và địa chất. Thượng nguồn khu vực Khe Liêu, xã Bằng Cả có khối đá chồng thiên nhiên, nom rất thần kỳ; vùng hạ lưu là bến đá Gân, những giá trị khảo cổ thời kỳ địa chất thứ II. Thung lũng rừng Yên Lập khi chưa có hồ đã nổi tiếng đất thiêng, với các ngôi chùa cổ gồm chùa Vạn Triều, chùa Bồ Đài, chùa Lôi Âm. Chùa Lôi Âm trên khu đất bằng phẳng rộng hàng mẫu, có ruộng cấy lúa, có giếng khơi quanh năm nước cả trên lưng núi ở độ cao 503m, của dẫy núi Lôi Âm cánh cung Đông triều. Tục truyền “mỗi khi sấm chớp chùa Lôi, là dân Yên Lập mang nồi ra sân”. Ngày xưa không có xô chậu như bây giờ, khi mưa dân thường mang nồi hông bằng đất nung ra hứng nước, ý nói điềm báo trời sẽ mưa.

Quả thung lũng Yên Lập là một tiểu vùng khí hậu, nơi gần biển độ mặn hơi nước cao, chân núi Lôi Âm cách thành phố Hạ Long khoảng 15km, nhưng nhiệt độ không khí chênh lệnh từ 2-3độ, lưu vực lòng hồ mát mẻ, phù hợp sinh vật phát triển. Hồ Yên Lập đang trong sự nghi vấn có cụ rùa họ hàng nhà rùa hồ Hoàn Kiến sinh sống.

Năm 2017, Chương trình bảo tồn rùa Châu Á, tổ chức Indo-Myanmar Conservation đã thực tế điều tra, nghiên cứu khoa học, thu thập thông tin từ 2 người dân ở thôn Đồng Cóc và thôn Khe Liêu xã Quảng La tiết lộ, năm 2013 họ đã bắt được một con rùa mai mềm, chiều dài trên 1m, nặng khoảng 150-200kg, tại khu vực Lọng Cá, vùng nước sâu trong lòng hồ Yên Lập. Khoảng năm 2005- 2007, một người người dân ở thôn Yên Cư, phường Đại Yên nhìn thấy phường săn thú từ thành phố Hải Phòng đến bắt được 1 con rùa mai mền nặng 36kg, ở khu vực bến tàu chùa Lôi Âm.

Nhóm khảo sát của tổ chức bảo tồn rùa Châu Á gồm: Nguyễn Tài Thắng, Hoàng Văn Hà và ông Đỗ Văn Bảo là người địa phương nhiều lần bắt gặp “cụ” rùa nổi trên mặt nước và cán bộ Kiểm lâm bảo vệ rừng hồ Yên Lập đã gặp gỡ 29 người sinh sống gần hồ nghe thuật lại chuyện họ từng nghe, hoặc thực mục nhìn thấy cụ rùa xuất hiện ở hồ Yên Lập. Đồng thời tổ chức rình phục gần 1 tháng, với 361,5 giờ dùng ống nhòm chuyên dụng Baigish bội số 20x50, viễn vọng quan trắc mặt nước ở nhiều địa điểm khác nhau trong lòng hồ. Kết quả 6 lần phát hiện “cụ” rùa nhô lên mặt nước và để lại đám bọt khí lớn hình tròn đường kính từ 2 đến 2,5m.

Năm 2017, các anh Trương Thanh Sơn, Nguyễn Ngọc Ký, Lê Văn Quang, Nguyễn Phồn Diện, Nguyễn Thanh Phương, cán bộ Trạm Kiểm lâm bảo vệ rừng lòng hồ Yên Lập và nhiều người dân làm nương rẫy, hái củi và sinh sống gần mép nước lòng hồ Yên Lập cùng xác nhận nhiều lần nhìn thấy cụ rùa khổng lồ ngoi lên mặt nước. Có người còn bảo thấy cụ rùa bò lên bãi cát đảo Hòn Cua ở giữa hồ phơi nắng.

Nay chuyện cụ rùa hồ Hoàn Kiếm ở hồ Yên Lập đã lắng xuống, nhưng dưới đáy nước hồ Yên Lập còn nhiều bí ẩn với những thảm thực vật rừng nguyên sinh; khai trường sản xuất than thời Pháp thuộc; nền đường QL18 của thế kỷ trước; những ngôi làng cổ trù mật; trên mặt nước cảnh quan môi trường. Hồ Yên Lập từng là vò nước tế thần trên đảo Hà Nam và vẫn đang là nguồn nước ngọt lớn, cung cấp nước cho phát triển công nghiệp, du lịch và ½ các đô thị của tỉnh Quảng Ninh.

Hình ảnh hồ Yên Lập, nước “tế thần” trên đảo Hà Nam:

Hồ Yên Lập khởi công xây dựng ngày 03/02/1977, dài 20km, điểm sâu nhất 30m. Thập kỷ 70 là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất Việt Nam.

Hồ Yên Lập khởi công xây dựng ngày 03/02/1977, dài 20km, điểm sâu nhất 30m. Thập kỷ 70 là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất Việt Nam.

Hồ Yên Lập có diện tích mặt nước 182,6km2, dung lượng 130 triệu m3 nước.

Hồ Yên Lập có diện tích mặt nước 182,6km2, dung lượng 130 triệu m3 nước.

Ngày 27/12/1978, thông thủy xi phông qua lòng Sông Chanh đưa nước hồ Yên Lập đến đảo Hà Nam phục vụ nước tưới cho 2.000ha đồng ruộng và nhu cầu nước ăn cho dân 7 xã trên đảo (Ảnh tư liệu).

Ngày 27/12/1978, thông thủy xi phông qua lòng Sông Chanh đưa nước hồ Yên Lập đến đảo Hà Nam phục vụ nước tưới cho 2.000ha đồng ruộng và nhu cầu nước ăn cho dân 7 xã trên đảo (Ảnh tư liệu).

Cựu Chánh VP Quốc Hội Vũ Mão (ngồi giữa) khi ấy là Tổng chỉ huy công trường xây dựng hồ Yên Lập, ngồi bên là ông Lê Thanh Phong - cán bộ thi công và ông Dương Cao Tấu là chủ nhiệm HTX nông nghiệp Sông Khoai trao đổi công việc.

Cựu Chánh VP Quốc Hội Vũ Mão (ngồi giữa) khi ấy là Tổng chỉ huy công trường xây dựng hồ Yên Lập, ngồi bên là ông Lê Thanh Phong - cán bộ thi công và ông Dương Cao Tấu là chủ nhiệm HTX nông nghiệp Sông Khoai trao đổi công việc.

Xuân 1981, chủ nhiệm HTX Sông Khoai Dương Cao Tấu báo cáo Trưởng ty Thủy lợi Vũ Mão, nhờ nguồn nước hồ Yên lập mà HTX khai hoang phục hóa được 1.300ha đồng ruộng.

Xuân 1981, chủ nhiệm HTX Sông Khoai Dương Cao Tấu báo cáo Trưởng ty Thủy lợi Vũ Mão, nhờ nguồn nước hồ Yên lập mà HTX khai hoang phục hóa được 1.300ha đồng ruộng.

Năm 1981, Bí thư Đảng ủy xã Hà An Ngô Đình E, báo cáo Chánh VP Quốc hội Vũ Mão khi ấy là Trưởng ty Thủy lợi nhờ có nước hồ Yên Lập sản lượng cói xuất khẩu của địa phương tăng gấp 5 lần.

Năm 1981, Bí thư Đảng ủy xã Hà An Ngô Đình E, báo cáo Chánh VP Quốc hội Vũ Mão khi ấy là Trưởng ty Thủy lợi nhờ có nước hồ Yên Lập sản lượng cói xuất khẩu của địa phương tăng gấp 5 lần.

Cụ Vũ Đà - nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, từng công tác nhiều năm ở đảo Hà Nam. Hồi còn sống, cụ bảo hôm đón nước từ hồ Yên Lập ra đảo cụ và nhiều người vui đến mức rơi cả nước mắt.

Cụ Vũ Đà - nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, từng công tác nhiều năm ở đảo Hà Nam. Hồi còn sống, cụ bảo hôm đón nước từ hồ Yên Lập ra đảo cụ và nhiều người vui đến mức rơi cả nước mắt.

Ông Vũ Ngọc Hóa, nguyên Bí thư huyện ủy Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) từng là chỉ huy trưởng công trường xây dựng tuyến kênh mương chính cho biết, công tác GPMB công trình hồ Yên Lập triển khai từ năm 1976.

Ông Vũ Ngọc Hóa, nguyên Bí thư huyện ủy Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) từng là chỉ huy trưởng công trường xây dựng tuyến kênh mương chính cho biết, công tác GPMB công trình hồ Yên Lập triển khai từ năm 1976.

Ông Lê Thanh Phong - lớp giám đốc đầu tiên của XN thủy lợi Yên Lập năm nay 84 tuổi ở khu 7 phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long còn lưu tờ Quyết định số 308 ngày 27/9/1975 do Phó Thủ tướng Hoàng Anh ký phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế hồ Yên Lập.

Ông Lê Thanh Phong - lớp giám đốc đầu tiên của XN thủy lợi Yên Lập năm nay 84 tuổi ở khu 7 phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long còn lưu tờ Quyết định số 308 ngày 27/9/1975 do Phó Thủ tướng Hoàng Anh ký phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế hồ Yên Lập.

Hiện nay, một ban quản lý chuyên trách, chuyên nghiệp bảo vệ rừng phòng hộ hồ Yên Lập.

Hiện nay, một ban quản lý chuyên trách, chuyên nghiệp bảo vệ rừng phòng hộ hồ Yên Lập.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-9-ho-yen-lap-nuoc-te-than-tren-dao-ha-nam-356675.html