Bãi bỏ miễn thuế hàng nhập giá trị nhỏ: Hợp lý, tạo sân chơi công bằng

Các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần xem xét sửa đổi Nghị định 18/2021 quy định một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để áp dụng thống nhất với Quyết định 01/2025 của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành chấm dứt miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu với hàng ngoại giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký Quyết định số 01/2025 bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010, chấm dứt chính sách miễn thuế cho hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 18-2-2025.

Quyết định đúng đắn, tạo động lực cho hàng trong nước

Quyết định số 01/2025 của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ quy định miễn thuế cho hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng đã nhận được sự hoan nghênh từ các chuyên gia và doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, quyết định này rất quan trọng, đảm bảo sự công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm sản xuất trong nước, từ đó tạo ra sân chơi công bằng, hỗ trợ nhà sản xuất nội địa tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: "Khi bít được lỗ hổng chính sách miễn thuế hàng ngoại giá rẻ, tất cả hàng nhập phải chịu thuế sẽ giúp chống thất thu thuế, khuyến khích các doanh nghiệp nội địa đầu tư nhiều hơn vào sản xuất. Đồng thời chính sách này cũng góp phần thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, tạo nên một môi trường kinh doanh công bằng và lành mạnh".

Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Natural House, cũng nhìn nhận quyết định này là một tín hiệu vui cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.

"Ở góc độ kinh doanh, khi tất cả đều bình đẳng, các doanh nghiệp sẽ tự biết nỗ lực để hoàn thiện và làm tốt hơn nữa ở góc độ sản phẩm và chăm sóc khách hàng. Với Việt Nam, tôi tin các doanh nghiệp nội địa sẽ khai thác tốt được lợi thế trên sân nhà" - ông Lâm nhấn mạnh.

 Quyết định 01/2025 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ ràng các loại hàng nhập khẩu sẽ phải chịu thuế, góp phần ngăn chặn tình trạng tràn lan hàng ngoại giá rẻ, chặn thất thu thuế. Ảnh: Thu Hà

Quyết định 01/2025 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ ràng các loại hàng nhập khẩu sẽ phải chịu thuế, góp phần ngăn chặn tình trạng tràn lan hàng ngoại giá rẻ, chặn thất thu thuế. Ảnh: Thu Hà

Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, "quyết định không miễn thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu với hàng ngoại nhập giá rẻ qua đường chuyển phát nhanh là kịp thời, giúp bảo vệ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước. Thu thuế với hàng ngoại giá trị nhỏ là hợp lý, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trên sân nhà".

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hàng hóa từ Trung Quốc thường được các sàn thương mại điện tử vận chuyển qua các kho trung chuyển ở biên giới Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng quy định miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng để chia nhỏ các lô hàng lớn thành nhiều đơn nhỏ hơn.

Theo đó, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng như vậy được vận chuyển vào Việt Nam, với tổng giá trị mỗi ngày ước tính từ 45-63 triệu USD (tương đương khoảng 1.100 - 1.600 tỉ đồng/ngày).

Điều bất bình đẳng là doanh nghiệp Việt Nam phải đóng đủ các loại thuế, trong khi hàng nhập khẩu giá trị nhỏ không chịu bất kỳ khoản thuế nào. Điều này dẫn đến tình trạng hàng nhập khẩu tìm cách trục lợi chính sách, né thuế, gây thất thu thuế cho ngân sách nước ta. Như vậy, hệ lụy kép là vừa thất thu thuế, vừa đẩy doanh nghiệp trong nước chịu áp lực cạnh tranh lớn trên chính sân nhà với hàng ngoại nhập.

Hồi tháng 12-2024, trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng bán qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế VAT hiện nay không quy định việc miễn thuế hay không thu thuế VAT đối với hàng hóa giá trị nhỏ. Chính sách này trên thực tế được thực hiện theo Quyết định 78/2010 của Chính phủ dựa trên cam kết Công ước Tokyo.Trong đó, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu).

Ngoài ra, việc miễn thuế VAT với hàng giá trị nhỏ đã không còn phù hợp trong bối cảnh thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh qua các năm.

Vi vậy theo Bộ Tài chính, việc bãi bỏ chính sách miễn thuế sẽ đảm bảo công bằng, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, đồng thời bổ sung nguồn lực cho ngân sách Nhà nước.

Kiểm soát chất lượng hàng thương mại điện tử

Dù quyết định bãi bỏ miễn thuế với hàng ngoại giá rẻ đã được ban hành, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng vẫn cần có những biện pháp bổ sung để kiểm soát chất lượng hàng ngoại nhập khẩu.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế lưu ý, cơ quan quản lý cần xây dựng các quy định nghiêm ngặt về nhập khẩu, bao gồm kiểm định chất lượng, quy chuẩn hàng hóa. Trong bối cảnh không ít đơn hàng xuyên biên giới giá trị nhỏ không bảo đảm chất lượng, thì rất cần thiết có hàng rào kiểm định chất lượng để bảo vệ người mua và các doanh nghiệp chân chính.

Ông Điền còn nhấn mạnh cần cấp bách xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử, nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo thu đúng, thu đủ cho nhà nước.

 Các ý kiến góp ý cần kiểm soát chất lượng, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái để bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng ngoại giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thu Hà

Các ý kiến góp ý cần kiểm soát chất lượng, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái để bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng ngoại giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thu Hà

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, đánh giá cao tính đúng đắn của việc xóa bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng ngoại giá rẻ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng cơ quan quản lý cần rà soát và bổ sung các quy định bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời tăng cường quản lý các giao dịch thương mại điện tử nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.

Ông Nguyễn Quốc Anh cũng đề xuất các doanh nghiệp trong nước cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm, đổi mới bao bì, nhãn mác theo quy định quốc tế.

"Doanh nghiệp nên chú trọng liên kết, hợp tác để tận dụng lợi thế thị trường nội địa, đồng thời phát triển xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử. Nhà nước cũng cần hỗ trợ xây dựng hạ tầng logistics, như kho bãi, giao thông và phương tiện vận chuyển, cũng như ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và phân phối," ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử, không chỉ để phục vụ cho công tác thuế mà còn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý thị trường hàng hóa nhập khẩu.

Còn "vướng" miễn thuế nhập khẩu hàng ngoại giá rẻ

Quyết định 01/2025 của Thủ tướng Chính phủ đã bãi bỏ Quyết định 78/2010, chấm dứt chính sách miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu cho hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và cơ quan hải quan, quyết định này mới chỉ bãi bỏ phần miễn thuế VAT.

Nguyên nhân là quy định miễn thuế nhập khẩu cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng vẫn được áp dụng theo Nghị định 18/2021 của Chính phủ, sửa đổi Nghị định 134/2016 về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Cụ thể, Nghị định 18/2021 vẫn giữ nguyên quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống.

Chuyên gia đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 18/2021 để bãi bỏ hoàn toàn miễn thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ. Ảnh: Hạ Quyên

Theo Luật sư Trần Xoa, Nghị định của Chính phủ có hiệu lực pháp lý cao hơn Quyết định của Thủ tướng. Vì vậy, khi có mâu thuẫn giữa hai văn bản, Nghị định sẽ được ưu tiên áp dụng. Do đó, để bãi bỏ hoàn toàn việc miễn thuế nhập khẩu cho hàng giá trị nhỏ, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 18/2021.

Đại diện một đơn vị hải quan quản lý về thuế cũng đồng tình với quan điểm này. Theo đó, muốn bãi bỏ chính sách miễn thuế nhập khẩu cho hàng ngoại giá rẻ, cần chờ Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 18/2021. Khi Quyết định 01/2025 có hiệu lực từ ngày 18-2-2025, chỉ có thuế VAT được áp dụng, trong khi thuế nhập khẩu cho hàng giá trị nhỏ vẫn được miễn theo quy định hiện hành.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý để quản lý giao dịch thương mại điện tử, Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, trình Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, ban hành để đồng bộ, thống nhất.

QUANG HUY - THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/bai-bo-mien-thue-hang-nhap-gia-tri-nho-hop-ly-tao-san-choi-cong-bang-post829081.html