Bài ca Hồ Chí Minh
Khi tháng 5 về, ở rất nhiều nơi trên thế giới, những xúc cảm ngưỡng mộ, trân trọng, kính yêu dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dâng trào, bởi như chia sẻ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italy Mauro Alboresi: 'Hồ Chí Minh là một nhân vật vượt qua ranh giới quốc gia, vượt thời gian và đại diện cho điểm tham chiếu đối với toàn thể nhân loại. Tôi thực sự tin rằng Người sẽ tồn tại mãi mãi'.

Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Venezuela (PCV) Eduardo Gallegos trong một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội, tháng 9/1964. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp/TTXVN phát
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng âm hưởng của "Bài ca Hồ Chí Minh vẫn vang mãi trong trái tim Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Chile Claudio De Negri. Ông vẫn nhớ như in điệp khúc “Ho, Ho, Ho Chi Minh: Chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng!” vang lên trong cuộc diễu hành ủng hộ Việt Nam tại Santiago de Chile. Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ông kể: “Chúng tôi bí mật vẽ áp phích, tranh tường về Hồ Chí Minh, bất chấp nguy cơ bị bắt giữ. Tình cảm dành cho Người đến một cách tự nhiên, từ sự tương đồng về lý tưởng tự do và hòa bình”.
Ở Peru, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Hidebrando Cahuanca Segovia khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là quan điểm ‘Không có gì quý hơn độc lập, tự do’, đã trở thành tuyên ngôn của mọi người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”.
Tại Ecuador, ông Juan Meriguet Martínez - Ủy viên Trung ương Đảng Cách mạng Công dân, nhấn mạnh: “Tên tuổi Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người là kim chỉ nam cho phong trào cách mạng tại Mỹ Latinh”. Ngôi nhà của ông Juan Meriguet Martínez, cũng như nhiều gia đình khác ở Ecuador, lưu giữ những bức ảnh, cuốn sách về Bác, như một cách tôn vinh giá trị bất diệt của Người .

Ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bên trong quán Antica Trattoria della Pesa. Ảnh: Thanh Hải/ PV TTXVN tại Italy
Ở Milan (Italy), quán Antica Trattoria della Pesa nay trở thành không gian tưởng niệm đặc biệt, với Phòng Hồ Chí Minh – nơi đặt bức tượng đồng, những bức ảnh quý và chiếc ghế nơi Bác từng ngồi, kể câu chuyện về một con người giản dị mang hoài bão lớn lao. Tấm biển đá trắng trang trọng khắc dòng chữ: “Ngôi nhà này là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường lui tới trong thời gian ở nước ngoài của Người vào những năm 1930 để bảo vệ tự do cho nhân dân” là minh chứng cho sự trân trọng của người dân Italy đối với Bác.
Quán Antica Trattoria della Pesa giờ đây không chỉ là điểm hẹn của cộng đồng người Việt mà còn là cầu nối văn hóa, lan tỏa hình ảnh Bác đến bạn bè quốc tế. Ông Danilo Pettinari, một người dân địa phương, tâm sự với các phóng viên TTXVN tại Italy: “Chúng tôi đến đây để chia sẻ tình yêu với Việt Nam, với Bác Hồ – chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc”.

Nhà báo Massimo Loche trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Rome. Ảnh: Trường Dụy/PV TTXVN tại Rome
Nhà báo Italy Massimo Loche, người từng là phóng viên chiến trường tại Việt Nam, bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Với nhân cách cao đẹp đầy nhân văn, sức cuốn hút đặc biệt của một người mang trong mình những lý tưởng, hoài bão to lớn, khát vọng cháy bỏng, ý chí và quyết tâm sắt đá đi tìm con đường giành lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, đã hình thành nên phong cách Hồ Chí Minh mà sau này tất cả chúng ta đều biết và ngưỡng mộ”.
Theo ý kiến của Bí thư Trung ương, Trưởng Ban đối ngoại Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới Pallab Sengupta: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân trong cuộc đấu tranh toàn cầu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, chủ nghĩa xã hội và chống chủ nghĩa đế quốc. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn hải đăng chỉ đường cho tất cả những người cộng sản đấu tranh cho công lý và chủ nghĩa xã hội".
Đó cũng là ấn tượng của nhà báo, học giả Argentina, ông Gaston Fiorda, khi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Buenos Aires về cảm xúc lúc vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình. Ông nói: “Một con người nhỏ bé, nhưng đó là một trong những vĩ nhân của thế kỷ XX, không chỉ đối với Việt Nam, với Đông Dương mà còn đối với cả nhân loại”.
Đồng quan điểm trên, Giáo sư Shimizu Masaaki (Đại học Osaka, Nhật Bản) cho rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo biểu tượng của phong trào phi thực dân hóa ở Nam bán cầu. Người không chỉ là nhà lãnh đạo cách mạng của một quốc gia, mà còn là một ‘tấm gương toàn cầu’ kết hợp tư tưởng, thực tiễn và nhân cách”. Nhà nghiên cứu Lý Minh Hán - cố vấn bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong” - nêu rõ: “Nhân cách con người, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh cách mạng của Nguyễn Ái Quốc là di sản vô cùng quý báu”.
Trong ký ức của ông Lăng Đức Quyền – cựu lưu học sinh Trung Quốc – hình ảnh Bác trong bộ bà ba nâu, đi đôi dép cao su, bước vào Phủ Chủ tịch với nụ cười hiền hậu năm 1964 là hình ảnh không bao giờ phai. Ông bồi hồi nhớ lại: “Khi đoàn sinh viên Trung Quốc muốn hát tặng bài ca ngợi Người, Bác nhẹ nhàng từ chối và đề nghị hát ‘Đông Phương Hồng’ ca ngợi Chủ tịch Mao Trạch Đông để bày tỏ tình hữu nghị”. Một cử chỉ giản dị nhưng giàu ý nghĩa, thể hiện nhân cách cao đẹp, luôn đặt nghĩa tình quốc tế lên trên vinh danh cá nhân.
Tổng thư ký Hội Hữu nghị Brazil - Việt Nam Pedro da Oliveira, tác giả cuốn sách "Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp của vị lãnh tụ giải phóng dân tộc Việt Nam" bằng tiếng Bồ Đào Nha, khẳng định rằng những nơi Người đã đi qua, thậm chí cả những nơi Người chưa từng tới thì tư tưởng, giá trị nhân văn, đạo đức và nhân cách của Hồ Chí Minh vẫn luôn có sức lôi cuốn, lan tỏa mãnh liệt, tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, công lý, dân chủ và tiến bộ xã hội ở nhiều nơi trên thế giới.
Đây là những di sản vượt thời đại, vẹn nguyên tính thời sự. Cùng góc nhìn trên, Tiến sĩ Sandra Scagliotti, một nhà Việt Nam học uy tín và Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Turin và Genoa (Italy), nhắc lại rằng di sản đạo đức và văn hóa vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức lan tỏa mạnh mẽ trên trường quốc tế, truyền cảm hứng bất tận cho những người đang đấu tranh giành tự do và độc lập. Bà xúc động bộc bạch: “Bác Hồ vẫn luôn ở cùng chúng ta. Những điều Người đã dạy chúng ta bằng sự khiêm nhường và kiên định, chúng ta sẽ luôn mang theo và ghi nhớ sâu sắc trong tâm trí và trái tim mình”.
Với bà, câu nói đầy ý nghĩa của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành thuở nào – “Có một trăm cách để tồn tại, nhưng chỉ có một cách để sống trọn vẹn: vì hạnh phúc của đồng bào” – đã gói trọn ý nghĩa của một cuộc đời cống hiến vĩ đại, trở thành kim chỉ nam soi đường cho các thế hệ trẻ. Và như thế, "Bài ca Hồ Chí Minh" vẫn mãi lan tỏa tới các thế hệ mai sau.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bai-ca-ho-chi-minh-20250519061805813.htm