'Bài ca Trường Sơn': Thấm đẫm hơi thở của thiên nhiên Trường Sơn nguyên sơ
'Bài ca Trường Sơn' mở đầu bằng một nét giai điệu và ca từ trẻ trung, tươi tắn ùa tới những phút giây lâng lâng, bay bổng, hồn nhiên đến độ trong trẻo, tinh khiết. Một khoảnh khắc thấm đẫm hơi thở của thiên nhiên Trường Sơn nguyên sơ như quen mà lạ, như mộng mà thực.
Nhạc sĩ Trần Chung sinh ngày 1/12/1927, quê ông là huyện Lý Nhân (Hà Nam), nhưng nhạc sĩ lại được sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Nhạc sĩ Trần Chung là tác giả của những bài hát nổi tiếng như: "Đất nước tôi", "Bài ca Trường Sơn" (thơ Gia Dũng), "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" (thơ Nguyễn Trung Thu), "Về Yên Tử", "Khi chúng tôi vào lò", "Trên biển trời Đông Bắc", "Nhớ về Cúc Phương", "Mùa xuân đến rồi đó"…
Nhạc sĩ Văn Dung, một người rất thân thiết với nhạc sĩ Trần Chung từng kể: “Trong suốt cuộc đời nhạc sĩ Trần Chung đã viết nhiều ca khúc, nhưng dường như ông không quan tâm đến số lượng tác phẩm, mà điều ông suy nghĩ là bài hát viết ra có phải là tình cảm chân thực và có được quần chúng đón nhận hay không!
Nhạc sĩ Trần Chung sống đôn hậu và trầm tĩnh, trong ông là cả một thế giới nội tâm phong phú, với vốn kiến thức rộng, cùng cuộc sống giản dị, hồn nhiên ấm áp tình người. Ông không quan tâm nhiều đến tiền tài, danh vọng, cả đời ông chỉ có một danh hiệu duy nhất, đó là: Nhạc sĩ Trần Chung”.
"Bài ca Trường Sơn" - NSƯT Đăng Dương
Năm 1992 khi ca nhạc theo YCTG mở chuyên mục “Giới thiệu ca khúc được nhiều người yêu thích”, nhiều nhà báo, nhạc sĩ đã tham gia… Ở chương trình ngày 13/6/1993, nhà báo Thái Tùng đã giới thiệu 3 bài hát trong đó có bài “Bài ca Trường sơn”của nhạc sĩ Trần Chung, phổ thơ nhà thơ Gia Dũng.
“Bài ca Trường Sơn” mở đầu bằng một nét giai điệu và ca từ trẻ trung, tươi tắn ùa tới những phút giây lâng lâng, bay bổng, hồn nhiên đến độ trong trẻo, tinh khiết. Một khoảnh khắc thấm đẫm hơi thở của thiên nhiên Trường Sơn nguyên sơ như quen mà lạ, như mộng mà thực. Với những ca khúc như thế này của một thời chiến tranh điều có thể tưởng như lý giải được nhưng vẫn là điều kỳ lạ là ở chỗ, cho tới hôm nay, mỗi lần nghe lại vẫn có thể làm ta ngỡ ngàng và tự hỏi: từ đâu những giai điệu như thế đã vút lên trên những trĩu nặng dằng dặc của chiến tranh.
“Ôi có những vì sao thức cùng ta đêm nay
Như mắt em sáng lên muôn niềm tin
Ta nhớ má Năm Căn, ta thương em Cửa Việt
Mười bốn năm rồi giấc ngủ chưa tròn”
Ta cảm nhận ở đoạn 2 chất trữ tình của “Bài ca Trường Sơn” có vẻ như đã đột ngột chuyển sang một cung bậc khác. Từ mộng trở về thực tại với nét nhạc thiết tha, sâu lắng đánh thức dậy một niềm trăn trở, day dứt để cuối cùng cháy lên rạo rực, quyết liệt một lời thề.
Theo nhạc sĩ Vũ Thanh: “Trong cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam, con đường Trường Sơn đã đi vào lịch sử, cho đến nay đã có bao bài ca viết về con đường Trường Sơn, con người Trường Sơn, nhưng “Bài ca Trường Sơn” của nhạc sĩ Trần Chung, phổ thơ Gia Dũng đã để lại dấu ấn trong lòng người vì nó được coi là bài hát đầu tiên viết về Trường Sơn khi con đường còn “Chưa một dấu chân người. Chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác”.
Về tác phẩm này của mình, Nhạc sĩ Trần Chung từng chia sẻ: “Bác Hồ từng nói: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn đi nữa thì cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập… tôi nảy ra ý nghĩ là phải viết một bài hát để động viên các chiến sĩ ta, thanh niên ta đi bộ đội, vào Trường Sơn. Thế rồi tình cờ tôi đọc báo Nhân Dân thấy bài thơ: "Trường Sơn", của nhà thơ Gia Dũng. Tôi thấy bài thơ rất hay, giản dị vô cùng nhưng lại nói lên điều tôi đang muốn nói. Vì thế nên tôi phổ bài thơ của anh Gia Dũng. Sau khi ra đời, bài thơ và bài hát “Bài ca Trường Sơn” đều được mọi người yêu mến, tôi thấy nhiều Hội diễn cũng hát…”
Nhà thơ Gia Dũng tên thật là Đỗ Gia Dũng sinh ngày 15/08/1940 tại Thái Bình, thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh. Nhà thơ Gia Dũng viết bài thơ “Trường Sơn” ở chiến trường miền Nam và gửi đăng trên Báo Mặt trận Trị Thiên số Xuân Mậu Thân 1968. Ông vốn là lính Sư đoàn 312 anh hùng, nhiều năm có mặt ở Trường Sơn. Không hiểu bằng cách nào mà sau đó, vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh năm ấy, bài thơ được đăng trang trọng trên trang nhất Báo Nhân Dân. Tin vui này đến với nhà thơ Gia Dũng qua thư bạn bè từ miền Bắc gửi vào. Càng vui hơn khi vào dịp cuối năm ấy, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông được biết bài thơ của mình đã được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc với tựa đề là "Bài ca Trường Sơn".
Có thể nói: "Nhạc sĩ Trần Chung dường như được sinh ra từ thẳm sâu đất đá vì vậy trong âm nhạc của ông, chúng ta như nghe thấy bước chân của những người địa chất, anh thợ lò, tiếng ca hào sảng và sâu lắng của những đoàn quân trên đường ra trận" (nhạc sĩ Văn Dung).
Không thể kể hết ra đây những bài hát khởi nguồn cảm hứng từ cuộc sống chiến đấu ở Trường Sơn những năm chiến tranh với nhiều chủ đề và mô típ khác nhau, nhưng có thể nói “Bài ca Trường Sơn” của nhạc sĩ Trần Chung, lời thơ Gia Dũng đã lấp lánh một khuôn mặt riêng mà ở đó chất lãng mạn và hiện thực; trữ tình và chiến đấu đã đạt đến sự nhuần nhụy để làm nên một hòa sắc, đẹp khó quên. Đặc biệt chất lãng mạn đến độ như ảo mộng đó có lẽ là điều hấp dẫn nhất ở “Bài ca Trường Sơn”. Nó cũng là điều thấm đẫm đầy sức lôi cuốn trong những ca khúc nổi tiếng của ông như “Em ơi mùa xuân đến rồi đó”, “Nhớ về Cúc Phương”, “Chiều biên giới”, “Về thăm mẹ”…