Bài ca vỡ đất
Hễ ở đâu trong thôn Sơn Thủy, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) có việc là ở đó có mặt của trưởng thôn Tòng Càn Tá, người bao năm nguyện 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng'. Sự nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của anh đã làm chỗ dựa vững chắc để thôn nghèo cùng nhau đoàn kết, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, tiến bộ. Vừa qua, anh Tá là 1 trong 33 điển hình tiên tiến được Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa biểu dương, khen thưởng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sơn Thủy xưa và nay
Bỏ lại cái thời tiết oi bức đầu hạ của phố phường, chúng tôi trở về Sơn Thủy để cảm thụ không khí trong lành, mát dịu của núi rừng miền sơn cước. Sơn Thủy nằm gọn dưới chân núi, bao quanh là những tán rừng trùng điệp. Đây là nơi sinh sống của hơn 100 hộ người dân tộc Kinh, Dao và Mông... Chỉ tay về phía có những triền keo, trưởng thôn Tòng Càn Tá giới thiệu: Sơn Thủy là thôn tái định cư. Ở đây một nửa dân số là người Dao từ Na Hang chuyển về theo chương trình di dân Thủy điện Tuyên Quang. Hồi mới về, Sơn Thủy nghèo lắm. Đường đi lại khó khăn. Bà con không biết làm kinh tế. Đồi nương bạc màu trơ sỏi đá. Vì thế, thôn nhiều năm bị lũ quét, hoa màu, ruộng lúa bay sạch, dân cứ nghèo mãi.
Và rồi làn gió mới đến với Sơn Thủy, giúp người dân đuổi cái nghèo, đó là chủ trương trồng rừng, xóa bỏ tình trạng đất trống đồi trọc. Nhà nước cho cây giống, giao đất giao rừng cho bà con. Chủ trương là thế, nhưng để đi vào đời sống bà con cũng là cả một câu chuyện dài. Anh Tòng Càn Tá cười, bảo: “Mới đầu vận động bà con trồng rừng, có rất nhiều hộ từ chối, không nhận cây. Dân bảo: “Nghe kiểm lâm ăn lá cây”, rồi “trồng ra, bán cho ai””. Thôn, xã, kiểm lâm cùng vào cuộc, đến từng nhà vận động nhân dân, những hộ “neo” người, cán bộ lên tận nương giúp dân trồng. Nhờ vậy, những cánh rừng Sơn Thủy từng bước được phủ màu xanh.
Sau này, dân thấy có hộ trồng rừng bán cây thu được nhiều tiền, họ tự rỉ tai nhau bỏ cây sắn, cây ngô đi trồng rừng. Đến nay, rừng Sơn Thủy đã được phủ kín, lứa cây này tiếp nối lứa cây kia, không nhà nào để đồi trống. Hiện toàn thôn có hơn 400 ha rừng sản xuất với các loại cây keo, mỡ, xoan. Tiêu biểu, một số hộ có diện tích rừng lớn như Phan Văn Tào 20 ha; Triệu Càn Thanh 13 ha; Tòng Tài Páo 13 ha; Đào Văn Thành 12 ha...
Từ kinh tế rừng, người dân Sơn Thủy đã từng bước có cuộc sống ổn định. Bóng dáng những ngôi nhà xây trong thôn xuất hiện ngày càng nhiều; những tuyến đường bê tông, ngõ xóm dần cứng hóa. Thôn còn có sân thể thao, sân bóng đá phục vụ bà con vui chơi thể thao sau mỗi buổi chiều làm việc vất vả. Trong 2 năm (2021-2022), Sơn Thủy đã vận động nhân dân bê tông trên 400 m đường ngõ xóm, lắp đặt gần 300 m kênh mương; hoàn thiện sân bóng đá thôn. Mảnh đất khó Sơn Thủy ngày nào đang “thay da đổi thịt” vươn lên.
Nói đi đôi với làm
Trưởng thôn Tòng Càn Tá là một trong những người con dân tộc Dao di dân từ Na Hang về tái định cư ở thôn Sơn Thủy. Là người con sinh ra ở vùng đất khó, anh Tá thấm thía hơn chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như lời dạy của Bác về ý chí vươn lên. Và chẳng biết từ bao giờ, anh trở thành người “vác tù và hàng tổng”, suốt ngày đi lo chuyện “bao đồng” ở thôn.
Từ chuyện hàng xóm bất hòa, tranh chấp đất đai đến cả những chuyện vợ chồng nhà người ta “cơm không lành, canh không ngọt”. Lúc đầu nhiều người cũng không ưng cái bụng, không nghe theo. Nhưng không được lần này, anh Tá lại đến lần khác, cứ kiên trì và chân thành vận động, giảng giải để bà con hiểu mới thôi. Có những việc anh phải đến 3, 4 lần, mời cả cán bộ xã, các đoàn thể thôn bà con mới nghe. Đến bây giờ, anh cũng không nhớ rõ, mình đã bao lần bật dậy trong đêm đi giải quyết “chuyện của làng” nữa.
Để Sơn Thủy xóa cái nghèo, anh còn vận động nhân dân trong thôn làm đường bê tông, công trình thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nói đi đôi với làm, anh gương mẫu đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng. Gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên ở Sơn Thủy đưa cây keo vào trồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư máy móc để làm dịch vụ san ủi đất, thu mua gỗ của bà con nhân dân trong và ngoài xã.
Bình quân mỗi tháng, anh thu mua trên 1.000 tấn gỗ nguyên liệu của bà con đưa về xuôi bán. Đến nay, gia đình anh xây dựng được căn nhà 2 tầng khang trang, bề thế to nhất làng. Đây cũng là hộ đầu tiên của thôn có xe ô tô con, xe tải chở hàng hóa ở Sơn Thủy. Chẳng những làm giàu cho mình, đối với những hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, anh hỗ trợ cây giống, đến khi cây được thu, anh tiếp tục hỗ trợ thu mua cho bà con.
Gương mặt cháy sạm, nói tiếng phổ thông lơ lớ, bà Tòng Thị Ghến, một hộ dân người Dao thôn Sơn Thủy xúc động nói: “Anh Tá tốt tính lắm. Biết gia đình tôi đông con, nghèo khổ, anh đã cho gia đình tôi mua chịu cây giống. Đến nay hơn 8 năm, cây được bán mới phải trả tiền giống cho anh. Vừa rồi, gia đình tôi thu đồi cây cho anh được gần 200 triệu đồng. Đây là số tiền mơ ước, gia đình chưa bao giờ dám nghĩ đến. Có được số tiền này, gia đình dự kiến sẽ sửa sang lại căn nhà, dành tiền cho con đi học”.
Gần 20 năm về quê mới, cũng chừng ấy thời gian anh Tòng Càn Tá được bà con tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã và hơn 5 năm làm Trưởng thôn Sơn Thủy. Sự tiên phong, đi đầu của anh đã và đang động rất lớn đến đời sống nhân dân. Chẳng ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ dám làm, Tòng Càn Tá đã chứng minh niềm tin trọn vẹn nhân dân gửi gắm nơi anh để làm tốt vai trò dẫn đường chỉ lối, tận tụy và trách nhiệm. Và khi niềm tin được trao đúng chỗ, sức mạnh đại đoàn kết thôn bản được phát huy. Nhiều năm liền thôn không có vụ việc phức tạp, an ninh chính trị ổn định, nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống ấm no.
Chia tay anh Tá cùng bà con các dân tộc Dao, Mông Sơn Thủy về phố, trong tôi đau đáu một câu thơ "Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Chính trái tim nhiệt huyết của người "cầm cờ" Tòng Càn Tá cùng ý chí vươn lên của bà con nhân dân đã biến vùng đất nghèo khó năm xưa nơi này trở nên trù phú, ấm áp, bình yên.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/bai-ca-vo-dat-175096.html