Bài ca xúc động về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc
'Đồng Lộc tiếng hát đưa xa' sáng tác của nhạc sỹ Nguyễn An như một bản tình ca đưa ta đến với Đồng Lộc yêu thương có hàng dương xanh, có tiếng sóng biển vỗ rì rào, có người em gái mến thương hiền dịu. Tất cả hiện lên với một vẻ đẹp đằm thắm, dân dã, mang đậm cảnh sắc của một miền quê.
Về bài hát “Đồng Lộc tiếng hát đưa xa”, mục “Bài hát bạn yêu thích” của chương trình ca nhạc theo Yêu cầu thính giả đã nhận được nhiều thư thính giả gửi về.
Bạn Hoàng Hiếu Thuận ở Thanh Lộc, Sơn Lộc, Bố Trạch, Quảng Bình trong bài cảm nhận đã viết: “Hồi ức về chiến tranh, nhớ về quá khứ hào hùng của dân tộc là nguồn cảm hứng to lớn cho các nhạc sỹ… Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương của nó vẫn còn đó. Nhạc sỹ Nguyễn An đã gửi lòng mình vào “Đồng Lộc tiếng hát đưa xa”. Bài hát dìu dặt, vút xa mà chứa chan yêu thương da diết”.
Với nhiều rung cảm tinh tế, và sự hiểu biết khá đầy đủ về về sự tích 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, bạn Đặng thị Ngọc Lan lớp 11C Trung tâm GDTX Tiền Hải, Thái Bình đã mở đầu bài viết của mình như thế. Bạn Ngọc Lan viết tiếp “Nhạc sỹ Nguyễn An viết bài hát này như để gửi trọn vào đây một tình yêu chân thành sâu lắng. Tiếng hát vút lên từ hàng dương xanh là tiếng hát ngợi ca, tiếng hát yêu thương đối với những người con gái đã dâng hiến tuổi xuân của mình cho Tổ Quốc. “Hát về em ta, người em gái từ ngã ba đây vút cánh bay xa”. Dường như Nguyễn An đã gieo vào đất trời, cảnh vật, gieo vào lòng người nỗi bâng khuâng da diết: “Biết ở nơi nào biển xa đất lạ, em có nghe tiếng hát hàng dương…”. Câu hát giản dị mà thấm thía, mộc mạc mà chân tình. Tình thương sâu đậm và lòng biết ơn sâu sắc, không chút mùi mẫm đã khơi gợi, lắng đọng vào tình cảm người nghe.
“Các chị đã ra đi nhưng những khúc hát về các chị thì còn mãi…”. Bài hát đã đi vào lòng người không chỉ bởi nhạc điệu, bởi lời ca mà bởi chính tiếng lòng của nhạc sỹ.
Cũng về bài “Đồng Lộc tiếng hát đưa xa” nhưng bằng một cảm thức văn học, bạn Bùi thị Vượng ở xóm 1 xã Phong Châu, Đông Hưng, Thái Bình đã tri âm cùng tác giả khi diễn đạt được điều vô hình thiêng liêng sau hình tượng hàng dương trong bài hát, khi bạn viết “Nghe “Đồng Lộc tiếng hát bay xa” ta không khỏi nhớ đến câu "Sự sống nảy sinh từ cái chết" của Nguyễn Khải trong tác phẩm: Mùa lạc. Màu xanh của lạc bao trùm lên mảnh đất mà cách đó không lâu là bãi chiến trường. Cũng như thế, màu xanh của hàng dương ở Đồng Lộc là màu xanh của sự sống bất diệt qua bao thử thách tồn vong. Hàng dương càng trở nên đẹp và thơ mộng khi trước cái nắng như đổ lửa, cái giá rét như cắt vào da thịt mà vẫn xanh của các cô gái TNXP trong bom đạn, khói lửa vẫn bền gan chiến đấu vẫn cất cao tiếng hát yêu đời, yêu quê hương, đất nước. Phải, tiếng hát Đồng Lộc bay xa, xa mãi cũng như những chiến công của các cô sẽ không bao giờ phai mờ, không bao giờ tắt trong mỗi trái tim Việt Nam và nó càng sống dậy mạnh mẽ khi nhắc đến bốn chữ: Ngã ba Đồng Lộc”.
Bạn Trần thị Phương Thảo ở đội 4, Pháp Kệ, Quảng Phương, Quảng Trạch, Quảng Bình với một bài viết tràn đầy cảm xúc đã gửi gắm sẻ chia cùng tác giả bài hát khi Phương Thảo viết: “Trở lại mảnh đất nơi các cô gái Đồng Lộc đã hi sinh, với mạch cảm xúc mạnh mẽ trào dâng, nhạc sỹ Nguyễn An đã viết nên một bài hát thật thấm thía. Ngay từ nét giai điệu đầu tiên làm say đắm lòng người vang ngân: Hát về em ta, người con gái ấy/Từ ngã ba đây vút cánh bay xa… làm cho người nghe cảm nhận được thần của bài hát. Phải chăng hàng dương đã chứng kiến cảnh các chị hy sinh? Đây là câu hỏi thật khó trả lời. Nhưng có một điều chắc chắn là trong tình cảm của người nghe thì hàng dương trong bài hát về những người con gái ấy, hát về sự hy sinh dũng cảm của các chị, về những chiến công các chị đã làm nên. Và Phương Thảo đã tự đặt câu hỏi: Các bạn hãy nghĩ xem tại sao nhạc sỹ không nói các chị đã hy sinh hoặc mất, hay chết mà là các chị đã “Cất cánh bay xa”? Đó là bởi các chị vẫn sống, các chị vẫn sống mãi trong mỗi người dân nước Nam”.
Nhạc sỹ Nguyễn An không tái hiện lại khung cảnh chiến tranh mà là khung cảnh của một bầu trời hòa bình tự do. Nhưng chính cái nhẹ nhàng du dương đó làm thức dậy trong người nghe biết bao nhiêu ký ức của một thời oanh liệt mà dân tộc ta đã đi qua. Đó chính là nét độc đáo của “Đồng Lộc tiếng hát đưa xa”. Vượt ra khỏi những rung động về bài hát, bạn Phương Thảo đã dành nhiều dòng của lá thư để gửi theo những người con đã đi xa tấm lòng của tất cả chúng ta khi Phương Thảo viết tiếp: “Đồng Lộc tiếng hát đưa xa” đã gây xúc động mạnh trong tôi. Giá như tôi được sống trong cổ thích hay thần thoại tôi sẽ ước được gặp các chị bằng xương bằng thịt đang được tận hưởng hòa bình, tự do, hưởng hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của mọi người.
Hàng dương không chỉ hát về những chiến công của các chị cho chúng ta nghe mà còn hát về nỗi nhớ thương các chị của quê hương xứ xở. Tổ quốc không bao giờ lãng quên sự hy sinh của các chị. Cảm ơn nhạc sỹ Nguyễn An đã viết nên bài hát “Đồng Lộc tiếng hát đưa xa” như để hát lên tiếng hát từ mỗi trái tim chúng ta khi nhớ về các chị”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/bai-ca-xuc-dong-ve-10-co-gai-nga-ba-dong-loc-post1032432.vov