Bài Chòi - Nghệ thuật diễn xướng độc đáo của vùng Trung Bộ
Trong tập Podcast hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những nét đặc sắc của nghệ thuật diễn xướng dân gian Bài Chòi đầy sự ngẫu hứng, sáng tạo và vui nhộn của người dân Trung Bộ.
Bài Chòi xuất hiện cách đây khoảng 300-400 năm, là một trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của người dân miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Bài Chòi là chơi bài nhưng không mang tính sát phạt, ăn thua. Người dân tham gia Hội Bài Chòi là để thưởng thức những làn điệu dân ca, hò vè, sự ứng tác bằng ca dao, tục ngữ, hát đối, hát ghẹo thông minh, dí dỏm của những người dẫn dắt cuộc chơi.
Không chỉ còn bó hẹp trong những không gian nhỏ của làng, Bài Chòi đã được biến tấu và diễn xướng trên những sân khấu lớn và còn vượt đại dương ra thế giới để trở thành tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Vào lúc 17h15 (giờ Hàn Quốc, tức là khoảng 15h15 giờ Việt Nam) ngày 7 tháng 12 năm 2017 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Hồ sơ Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ đã được ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại./.