Bài cuối: Bạo hành trẻ em - tội ác phải bị trừng trị thích đáng

Nạn bạo hành trẻ mầm nom xảy ra nhiều năm qua, trong đó có nhiều vụ rất nghiêm trọng, tàn độc, có vụ làm cho trẻ tử vong. Nhiều biện pháp đã đưa ra để hạn chế tội ác này, nhưng nạn bạo hành trẻ vẫn không giảm. Chỉ tính 4 tháng của năm 2025, đã có nhiều vụ bạo hành như vậy đã xảy ra.

Liên tiếp những hình ảnh xấu

Về vụ bạo hành trẻ xảy ra ở cơ sở mầm non tư thục Con Cưng (xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, Quảng Nam), lãnh đạo chính quyền địa phương xã Quế Mỹ và huyện Quế Sơn đã xác nhận sự việc. Ông Đinh Nguyên Vũ, Bí thư huyện ủy Quế Sơn cho biết, đã chỉ đạo dừng hoạt động cơ sở này và hứa sẽ xử lý thật nghiêm.

Sự việc xảy ra vào ngày 11/4. Anh Nguyễn Phước Tuấn (ngụ xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn) cho hay, khi đến đón con thì phát hiện hai má của con mình bị bầm, trong khi cô giáo nói do bé va chạm vào giường. Đây là cơ sở mầm non tư thục. Chủ cơ sở chỉ bật camera cho phụ huynh xem từ 7 giờ đến 10 giờ, tắt khi trẻ ăn và ngủ trưa, chiều mới mở lại. Tuy nhiên, một số phụ huynh cho biết, trưa 11/4, cơ sở không tắt camera nên họ đã ghi lại được hình ảnh cô giáo cầm chân bé rồi dùng một dụng cụ đánh liên tiếp. Cô giáo sau đó còn ấn dụng cụ này vào miệng bé.

Cô giáo dùng một dụng cụ nhét vào miệng trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Con Cưng (xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam)

Cô giáo dùng một dụng cụ nhét vào miệng trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Con Cưng (xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam)

Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Nam cho biết, cô giáo (21 tuổi) trong vụ việc cũng là chủ cơ sở mầm non tư thục Con Cưng, đã thừa nhận toàn bộ hành vi.

Đây là một trong số nhiều vụ bạo hành trẻ mẫu giáo xảy ra gần đây, bị dư luận phản ứng dữ dội. Trước đó, tại một số cơ sở mầm non cũng đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em tương tự. Cụ thể, chiều 24/3, ông Đỗ Văn Tuân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo Trường mầm non Dương Đông làm rõ vấn đề liên quan đến nhiều clip ngắn ghi lại cảnh cô giáo của trường này đánh trẻ mầm non, gây bức xúc trong dư luận. Trước đó, cộng đồng mạng Phú Quốc đăng tải nhiều clip ngắn ghi lại cảnh cô giáo ở Trường mầm non Dương Đông đánh trẻ. Những hình ảnh này cho thấy nhiều cô giáo đánh vào vai, nhéo vào tai trẻ, thậm chí có cô giáo còn dùng cây vợt muỗi gí vào các em bắt xếp hàng ngay ngắn, hoặc dùng vật dụng giống như khúc xốp khẻ vào các em.

Vụ việc khác, vào tối 16/4, Trường mầm non May Đáp Cầu (TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có báo cáo về sự việc giáo viên đánh trẻ khiến cộng đồng mạng xôn xao. Theo clip lan truyền trên mạng, khi chơi chung với bạn học, một trẻ nhỏ bị cô giáo bế vào góc lớp rồi đánh liên tiếp. Theo hình ảnh camera, tại lớp trẻ 24 - 36 tháng số 2, giáo viên V.M.A đã có hành vi phạt vào mông trẻ. Khi tiếp nhận thông tin của phụ huynh, nhà trường và gia đình xem lại camera và yêu cầu giáo viên tường trình sự việc. Giáo viên này xác nhận sự việc và đã xin lỗi gia đình về hành vi của mình. Hiệu trưởng thay mặt nhà trường xin lỗi phụ huynh. Đến nay, nhà trường đã tạm đình chỉ công tác với cô giáo trên để tiếp tục xem xét sự việc.

Đó chỉ là vài vụ việc bạo hành trẻ mẫu giáo điển hành xảy ra trong chưa đầy 4 tháng của năm 2025.

Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành tại phiên xét xử ngày 23/8/2023

Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành tại phiên xét xử ngày 23/8/2023

Bạo hành trẻ đến tử vong

Trong năm 2024, đã xảy ra hàng chục vụ bạo hành trẻ em trong các trường mẫu giáo tư và công, cả trong các "mái ấm", gây chấn động dư luận là vụ bạo hành xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng ở Quận 12, TPHCM. Cơ quan chức năng xác định đây là vụ bạo hành trẻ em, có liên quan đến yếu tố lợi dụng việc từ thiện nhân đạo.

Vụ việc xảy ra hồi tháng 9/2024, đã được báo chí đồng loạt phản ánh và lên án, bóc trần. Theo đó, sáng 04/9/2024, báo chí phản ánh một bảo mẫu tên Tuyền làm việc tại Mái ấm Hoa Hồng đã có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ nhỏ đang được nuôi dưỡng ở đây. Người phụ nữ này đã dùng tay ném, lật úp trẻ lên nệm, đánh vào các bộ phận tay chân, bóp đầu, bóp miệng, tát, đấm liên tiếp vào trẻ nhỏ. Có bé bị đánh chảy máu miệng. Bảo mẫu Mái ấm này còn sử dụng cây chổi, tay, chân, chiếc muỗng (loại sử dụng múc canh) đe dọa, đánh các cháu. Nhiều trường hợp bảo mẫu còn sử dụng dầu gió cho vào miệng của một số cháu bé... Hành vi dã man này được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Sau thời gian điều tra, củng cố chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp - là chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại Quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ Quận 12 - bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) về tội "Hành hạ người khác". Vụ việc này gây chấn động dư luận. Sau đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM phải đứng ra "giải cứu" hơn 100 bé ở mái ấm này.

Một vụ bạo hành kinh hoàng khác còn gây chấn động hơn, kinh hoàng hơn xảy ra từ năm 2023. Đó là vụ việc bé trai P.T.Đ (17 tháng tuổi) tử vong bất thường, xảy ra ngày 27/02/2023, tại điểm trông giữ trẻ tư thục chưa được cấp phép tại xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội).

Đối tượng Nguyễn Thị An (trái) và Nguyễn Thị Lành thừa nhận hành vi bạo hành với cháu bé khiến nạn nhân bị chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong

Đối tượng Nguyễn Thị An (trái) và Nguyễn Thị Lành thừa nhận hành vi bạo hành với cháu bé khiến nạn nhân bị chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong

Theo Công an huyện Thường Tín, qua điều tra ban đầu, 2 cô trông trẻ là Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành khai báo, tại thời điểm cháu Đ. được gửi tại lớp, cháu tự ngã và không có tác động bên ngoài. Sau đó, 2 đối tượng lại thay đổi lời khai với nội dung khác nhau hòng chối tội. Đối tượng Lành khai nhận là đi lùi vào cháu Đ. làm cháu ngã ra nền nhà, trong khi đối tượng An khai nhận là có bế cháu bé trên tay, nhưng trượt tay khiến cháu ngã đập đầu xuống đất. Nhận thấy lời khai có nhiều điểm mâu thuẫn và không phù hợp với thương tích trên người cháu bé, Cơ quan điều tra tiếp tục đấu tranh khai thác thông tin. Hai đối tượng thừa nhận đã có hành vi hành hung, đánh đập, bạo hành dẫn đến thương tích của cháu Đ.

Theo lời khai nhận của 2 bị can này, khoảng 7 giờ 30 ngày 23/02/2023, cháu P.T.Đ được mẹ đưa đến giao cho An và Lành trông giữ cùng 6 bé khác. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, 2 đối tượng đưa các cháu vào phòng ngủ để quản lý thì cháu Đ. khóc, chạy ra bên ngoài cửa lớp đứng. Thấy vậy, Lành và An liền dùng tay, chân bạo hành cháu dã man. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, khi gia đình đến đón cháu Đ. thì được 2 đối tượng cho biết cháu bị ngã.

Ngày 24, 25, 26/02/2023, bé Đ. tiếp tục được đưa đến lớp của An. Sáng 26/02/2023, An dùng chân đạp vào bụng Đ. khi thấy bé trai khóc. Cú đạp khiến bé Đ. bất tỉnh. Sau đó, An và Lành gọi gia đình cháu bé và cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Dù được chữa trị tích cực nhưng đến chiều 01/3/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương trả cháu bé về gia đình vì tiên lượng xấu. Sau đó nạn nhân tử vong.

Kết quả khám nghiệm tử thi xác định, nguyên nhân tử vong của cháu Đ. là chấn thương sọ não, chảy máu não và phù não.

Ngày 02/3/2023, Công an huyện Thường Tín ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành để điều tra về hành vi giết người. Sáng ngày 25/8/2023, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 2 bị cáo Nguyễn Thị An mức án tù chung thân và Nguyễn Thị Lành 20 năm tù về tội "Giết người".

Ai phải chịu trách nhiệm?

Bạo hành trẻ em không chỉ ảnh hưởng về thể xác mà còn ảnh hưởng nhiều về tinh thần, cũng như về tâm sinh lý của trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc bạo hành gây sang chấn về tâm lý và để lại dấu vết lâu dài trong tâm trí của trẻ, rất nguy hiểm. Một điều dễ thấy là các vụ việc bạo hành trẻ thường xảy ra ở một số cơ sở giáo dục mầm non không đủ điều kiện hoạt động: giáo viên không đủ tiêu chuẩn, không được đào tạo bài bản.

Trách nhiệm thuộc về cá nhân người gây ra hành vi vi phạm, nhưng cũng cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước nơi xảy ra sự việc, cụ thể là phòng GD-ĐT địa phương và chính quyền địa phương cấp phường, xã phải quản lý sâu sát các hoạt động của nhà trẻ, các lớp trường mầm non trên địa bàn. Khâu này bị buông lỏng lâu nay, bởi các trường hợp bạo hành trẻ thường do phụ huynh, dư luận tố cáo chứ không phải đến từ thông tin của chính quyền, cơ quan chức năng địa phương.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, trong các vụ bạo hành trẻ mầm non, bên cạnh trách nhiệm của các giáo viên, chủ cơ sở trông giữ trẻ, còn cần quy trách nhiệm của cán bộ chính quyền địa phương. Về mặt pháp luật, cần đưa những vụ án như vậy xét xử lưu động, xem hành vi bạo hành với trẻ là tội ác, cần phải có bản án đủ sức răn đe.

Về quản lý của ngành GD-ĐT, Bộ này đã có Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT Quy chế hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập dân lập và tư thục. Những quy định trong thông tư này rất chặt chẽ. Tuy nhiên, vấn đề là các đơn vị mẫu giáo có chấp hành hay không, là một chuyện khác.

Mặc dù vậy, nhiều phụ huynh vẫn bất an, có phụ huynh đề nghị khi gửi trẻ cần có hợp đồng cá nhân để dễ quy trách nhiệm của nhà trường với phụ huynh. Vấn đề quan trọng là thắt chặt quản lý các cơ sở mầm non bằng cách tăng cường thanh, kiểm tra hậu cấp phép. Cần thêm điều kiện cấp phép là phải có hệ thống camera giám sát, tất cả phải kết nối các phương tiện cá nhân của phụ huynh khi được yêu cầu.

VĨNH HY

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/giao-duc-huong-nghiep/bai-cuoi-bao-hanh-tre-em-toi-ac-phai-bi-trung-tri-thich-dang_177935.html