Bài cuối: Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp trong những ngày đầu lập nước
Trước khi trở thành Đại tướng Tổng Tư lệnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng 'văn đức quán nhân tâm' Võ Nguyên Giáp đã từng là một trong những thành viên đầu tiên có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động của Chính phủ lâm thời ngày đầu lập nước.
Bài liên quan
Bài 1: Hành trình đến với cách mạng
Bài 2: Vị tướng tài và Cách mạng tháng Tám
Bài 3: Vị tướng thao lược và loạt chiến thắng mở đường cho “trận quyết chiến chiến lược” Điện Biên Phủ
Bài 4: Đại tướng Tổng Tư lệnh và quyết định lịch sử trên chiến trường Điện Biên Phủ
Bài 5: Thế giới và những góc nhìn đầy thán phục về “Thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20”
Bộ trưởng tuổi 34
Trong danh sách 13 thành viên của Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 28/8/1945 có tên nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp. Ông được giao giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, đặc trách quân sự, trực tiếp lãnh đạo Bộ Nội vụ và công việc tổ chức chính quyền, an ninh, nội trị... Với một chính quyền còn quá non trẻ, Bộ Nội vụ với những công việc được giao như nghiên cứu xây dựng, kiện toàn chính quyền nhà nước các cấp… thực sự là những trọng trách. Năm đó, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp mới 34 tuổi. Điều này cho thấy sự tin cậy và kỳ vọng đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho ông.
Thấu hiểu sự tin cậy ấy, dù mọi thứ đều hết sức mới mẻ, dù phải đối mặt với bộn bề khó khăn của những ngày đất nước trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”… Bộ Nội vụ dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp vẫn khẩn trương bắt tay vào việc thực hiện các nhiệm vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời giao phó.
Dấu ấn qua hàng loạt sắc lệnh
Chỉ giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong khoảng thời gian không dài nhưng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp được đánh giá là đã có công lao to lớn trong việc tham gia xây dựng thể chế hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành trên 100 sắc lệnh, trong đó có khoảng 30 sắc lệnh do chính ông ký, có tính chất pháp quy hành chính trên nhiều ngành/lĩnh vực như chỉ đạo giải tán các tổ chức chính trị phản động, xóa bỏ các chế độ, chính sách của chính quyền thực dân phong kiến; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự trị an, bảo vệ vững chắc chính quyền dân chủ nhân dân. Các Sắc lệnh ông ký đã mang lại lợi ích to lớn cho một chính quyền cách mạng còn non trẻ với thù trong, giặc ngoài như thiết quân luật ở Hà Nội, quy định về Quốc kỳ, mở cuộc Tổng tuyển cử…
Bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I.
Trong đó đáng chú ý hơn cả là Sắc lệnh số 14 về việc tổ chức Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội: “Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường…”.
Nội dung Sắc lệnh chỉ rõ: “1- Trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội; 2- Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường; 3- Số đại biểu của Quốc dân đại hội ấn định là 300 người; 4- Quốc dân đại hội sẽ có toàn quyền ấn định Hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; 5- Một Ủy ban để dự thảo thể lệ cuộc tổng tuyển cử sẽ thành lập; 6- Để dự thảo một bản hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Ủy ban khởi thảo hiến pháp 7 người sẽ thành lập; 7- Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền phụ trách thi hành sắc lệnh này”.
Từ Sắc lệnh số 14 ấy, ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của một nước Việt Nam tự do, độc lập đã được tổ chức thành công, lần đầu tiên, người dân Việt Nam được thể hiện quyền làm chủ, bầu ra Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo nên bước phát triển về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới. Sau cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội đã bầu ra được Chính phủ chính thức với nhiều thành viên vừa có đức, vừa có tài, trong đó có sự tham gia của rất nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu.
Nói đến công lao của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp không thể không nói tới công cuộc soạn thảo bản Hiến pháp năm 1946 - Đạo luật cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức thành công, ngày 8/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phụ trách việc thành lập Ban soạn thảo Hiến pháp. Mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn, với sự giúp đỡ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Ban Soạn thảo đã hoàn thành Dự thảo và trình Quốc hội khóa I thông qua Hiến pháp năm 1946.
Một lớp Bình dân học vụ ở Hà Nội.
Một đóng góp không nhỏ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trong việc xây dựng nền hành chính của nước Việt Nam mới. Sau Cách mạng tháng Tám, hệ thống chính quyền cách mạng trong buổi đầu chưa thống nhất đồng bộ, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xây dựng cho được hệ thống chính quyền địa phương thống nhất, có sức mạnh, củng cố được lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với chính quyền cách mạng, ngăn chặn được âm mưu phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch từ cấp cơ sở. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã kịp thời đề xuất những biện pháp để khắc phục, mở đầu bằng việc, cuối tháng 10/1945, Ban nghiên cứu tổ chức chính quyền địa phương đã được thành lập, do đích thân Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và các ủy viên, Ban nghiên cứu tổ chức chính quyền địa phương đã tham mưu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63-SL ngày 22/11/1945 về tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban hành chính (UBHC), trong đó nêu rõ: “Hội đồng nhân dân do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu, và là cơ quan đại diện cho nhân dân. Ủy ban hành chính do Hội đồng nhân dân bầu ra, và là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho nhân dân, vừa đại diện cho Chính phủ”.
Dấu ấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp còn thể hiện rõ nét qua một loạt sắc lệnh được xem là có tác động rất lớn tới đời sống xã hội những ngày đầu thành lập nước là Sắc lệnh số 11-SL về việc bãi bỏ thuế thân, vì “thuế thân là một thứ thuế vô lý, trái ngược với tinh thần chính thể Cộng hòa Dân chủ”, bãi bỏ nhằm “đỡ gánh nặng cho dân chúng và hợp với công lý”; Sắc lệnh số 07 góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong việc vận chuyển, buôn bán thóc gạo, chống lại nạn đầu cơ, tích trữ lương thực trong bối cảnh nạn đói đang hoành hành dữ dội; Sắc lệnh số 17, số 19 và số 20 ngày 08/9/1945 tập trung vào nhiệm vụ chống nạn mù chữ; thiết lập những lớp bình dân học vụ buổi tối cho nông dân và thợ thuyền; bắt buộc học chữ quốc ngữ và không mất tiền cho tất cả mọi người, “Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam nào trên tám tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ sẽ bị phạt tiền”.
Từ những sắc lệnh ấy, những sự thay đổi cơ bản đã xảy đến trong đời sống dân trí xã hội lúc bấy giờ. Đơn cử như chỉ trong một năm (8/1945-8/1946), phong trào Bình dân học vụ đã xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người, đóng góp quan trọng vào cuộc chiến chống giặc dốt hay sắc lệnh số 7, số 11 đã góp phần đắc lực vào công cuộc “chống giặc dốt”.
Có thể nói, trong khoảng thời gian không dài, không phụ sự ủy thác, tin cậy và giao phó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ tưởng chừng “bất khả thi” trong những ngày đầu tiên của chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Thành công trên cương vị một trong những thành viên đầu tiên của Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam mới càng làm dầy thêm những công lao, những đóng góp của người con ưu tú đất Quảng Bình cho đất nước hình chữ S.