Bài cuối: Cải tạo, nâng cấp chợ theo hướng văn minh, hiện đại

Với lượng hàng hóa lưu chuyển chiếm khoảng 60% tổng lượng hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội, hệ thống các chợ dân sinh góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Vì thế, vấn đề đặt ra là cần thu hút đầu tư nâng cấp hệ thống chợ hiện có, đồng thời bổ sung thêm chợ dân sinh mới theo hướng văn minh, hiện đại.

Các quầy hàng tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên) được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng tới văn minh thương mại. Ảnh: Quang Thái

Khó hấp dẫn xã hội hóa

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, thành phố đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 82 chợ, với tổng vốn hơn 708 tỷ đồng (trong đó xây mới 18 chợ). Thành phố hiện có 455 chợ đang hoạt động, trong đó có 92 chợ kiên cố, 247 chợ bán kiên cố, 116 chợ tạm. Do nhiều yếu tố tác động, nhiều chợ đã xuống cấp, khó bảo đảm được các yêu cầu về phòng, chống cháy nổ, văn minh thương mại, trật tự đô thị.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, UBND thành phố đã có Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND (ngày 16-11-2018) ban hành quy định về phát triển, quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trong khi nhà đầu tư xã hội hóa lại không “mặn mà” vì lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp nên các chợ gặp khó khăn trong cải tạo, nâng cấp.

“Doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ, các tiểu thương có mặt bằng kinh doanh tốt hơn, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh, môi trường, phòng cháy, chữa cháy… Tuy nhiên, giá thuê địa điểm kinh doanh cũng tăng dẫn tới thiếu đồng thuận và khiếu kiện”, bà Trần Thị Phương Lan nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP Vũ Thanh Sơn cho biết thêm, khi chuyển từ mô hình nhà nước quản lý sang doanh nghiệp quản lý, tiền thuê đất được tính vào giá thành đầu tư, kéo theo giá thuê diện tích bán hàng tăng 2-3 lần khiến các tiểu thương bỏ chợ, còn doanh nghiệp thua lỗ..., vì thế dự án xây dựng chợ chưa hấp dẫn nhà đầu tư.

Trong khi đó, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng, chính những tồn tại hiện nay của hệ thống chợ như cơ sở vật chất xuống cấp, chất lượng dịch vụ kém, quản lý lỏng lẻo…, khiến hệ thống chợ khó phát huy hiệu quả, dẫn đến khó thu hút đầu tư.

Tiếp cận từ khâu quy hoạch, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm nhận xét, trong quy hoạch xây dựng luôn bố trí chợ dân sinh theo nhiều mô hình ở từng khu vực khác nhau, nhưng thực tế lại thiếu việc giám sát triển khai, chậm điều chỉnh quy hoạch mạng lưới chợ gắn với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng làm nảy sinh nhiều bất cập.

Tạo môi trường ngăn nắp, tiện lợi

Chia sẻ về định hướng phát triển hệ thống chợ dân sinh, bà Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương đã đề xuất nghiên cứu hỗ trợ vốn từ ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng chợ theo quy định; nâng cấp, phát triển chợ truyền thống kết hợp với nâng cao chất lượng dịch vụ và khuyến khích phát triển mô hình chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, chợ văn minh thương mại. Bên cạnh việc nâng cấp các chợ trung tâm cấp quận, duy trì các chợ cấp phường hoạt động hiệu quả, có cơ sở vật chất bảo đảm, mô hình chợ mới nên tăng thêm chức năng công cộng để trở thành không gian tương tác xã hội.

Từ mô hình cải tạo chợ Long Biên, Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên (quận Ba Đình) Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, chợ dân sinh chỉ cần đầu tư ở mức vừa phải, bảo đảm tiện lợi, có mức phí phù hợp để các tiểu thương tiếp tục kinh doanh. Trước mắt có thể cải tạo từng phần để bảo đảm phòng, chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quan điểm của Sở Công Thương Hà Nội là các chợ dân sinh được tổ chức lại và nâng cấp, tạo môi trường ngăn nắp, tiện lợi, mới có thể hấp dẫn được người tiêu dùng trong tương lai. Sở đang đề xuất thành phố chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận quỹ đất sạch nhằm giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án; ưu tiên bố trí quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành để xây dựng chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu nhân dân.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, qua rà soát, thành phố cần 643 chợ để đáp ứng nhu cầu phát triển của các địa phương trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. So với hiện tại, thành phố phát triển thêm 188 chợ, chưa kể nhu cầu cải tạo chợ hiện có. Về nguồn vốn, đối với các chợ đáp ứng nhu cầu cấp bách, các chợ khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa đầu tư…, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất thành phố xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Đối với các chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý đã xuống cấp, Sở đề xuất hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển để cải tạo, xây dựng lại, nếu khả năng cân đối vốn của doanh nghiệp không bảo đảm.

Hình thành được hệ thống chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu của người dân là nhu cầu thiết yếu và để phát triển được dài lâu, việc xây dựng, cải tạo cần phải theo hướng văn minh, hiện đại, tiện lợi cho người tiêu dùng, phù hợp xu hướng phát triển của Thủ đô.

Hiền - Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/984644/bai-cuoi-cai-tao-nang-cap-cho-theo-huong-van-minh-hien-dai