Bài cuối: Cần chuẩn hóa các quy định xe đưa đón học sinh
Loại hình xe đưa đón học sinh ngày càng trở thành loại hình vận tải hành khách thiết yếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn, với số lượng tăng nhanh trong ít năm trở lại đây. Thế nhưng, thực tế Luật Giao thông đường bộ hiện hành, vẫn chưa có những quy định cụ thể và rõ ràng, cũng như chưa định nghĩa thế nào là xe đưa đón học sinh. Thực trạng này đòi hỏi cần phải sớm có quy định rất rõ ràng về quy chuẩn, quy cách và điều kiện hoạt động của loại xe này.
An toàn cho trẻ là trên hết
Hoạt động vận tải đưa đón học sinh mang tính chất đặc thù với những hành khách nhỏ tuổi cần được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Thế nhưng, hiện loại xe này vẫn chỉ được gọi là xe hợp đồng khi chưa có quy định, định danh nào cụ thể. Ngoài ra, xem xét ở danh mục các phương tiện ưu tiên khi tham gia giao thông thì chỉ có các xe cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự; xe công an làm nhiệm vụ khẩn cấp; xe cứu thương đi cấp cứu; xe hộ đê, khắc phục thiên tai, dịch bệnh; đoàn xe tang… Xe đưa đón học sinh không thuộc diện xe ưu tiên, chỉ được phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại trường học và các điểm trên lộ trình đưa đón.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính bởi chưa có chính sách đặc biệt với loại hình vận tải đưa đón học sinh, trong đó có ưu đãi về thuế và các chính sách khác. Vì sự phát triển theo kiểu tự phát và chưa được chuẩn hóa thông qua các quy định, điều kiện vận hành, đã dẫn tới nhiều khó khăn vướng mắc trong hoạt động cũng như khâu quản lý.
Tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, có một nội dung thu hút sự quan tâm chú ý, đó là đề xuất xe đưa, đón học sinh phải có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng kí màu sơn để nhận diện. Thực tế cho thấy, các phương tiện đưa đón học sinh hoạt động rất lộn xộn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Chính vì vậy, việc xây dựng những quy định, quy chuẩn để kiểm soát chặt chẽ đối với xe đưa đón học sinh là rất cần thiết.
Tại Hội nghị chuyên đề về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, để tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với vận tải hành khách nói chung cũng như trong việc vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô theo hợp đồng, Thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô những nội dung như: Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng yêu cầu cần phải có bộ phận an toàn giao thông ̣̣để quản lý, theo dõi và nhắc nhở đối với các lái xe vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Tạm thời dừng cấp mới, cấp đổi phù hiệu, biển hiệu, cấp lại, cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải cho các đơn vị kinh doanh vận tải không chấp hành biện pháp thu hồi phù hiệu, biển hiệu, giấy phép đã cấp.
Quanh câu chuyện này, tại tọa đàm chuyên đề “Xe đưa, đón học sinh có cần màu sơn nhận diện?”, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết, từ trước đến nay chưa có quy định cụ thể nào về loại hình xe đưa đón học sinh. Thay vào đó, việc đưa đón mới chỉ dừng ở mức thỏa thuận giữa nhà trường với các đơn vị kinh doanh vận tải hoặc giữa cá nhân với các bậc cha mẹ học sinh hoặc giữa phụ huynh với đơn vị kinh doanh vận tải.
Do vậy, điều này cũng gây ra những khó khăn nhất định cho cơ quan quản lý trong việc nắm bắt số lượng xe đưa đón hoặc công tác kiểm tra, rà soát với doanh nghiệp tham gia loại hình trên. Trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng cũng không nhận diện ngay được phương tiện đưa đón học sinh để hỗ trợ khi cần thiết và xử lý vi phạm.
Cũng theo thông tin từ đại diện Cục Cảnh sát giao thông, trước tình trạng xe đưa đón học sinh phát triển mạnh, lực lượng chức năng cũng phát hiện những vi phạm liên quan đến hoạt động đưa đón học sinh. Chẳng hạn như xe đưa đón học sinh đi sai phần đường, làn đường, xe dừng đỗ tùy tiện. Cá biệt, có trường hợp người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe.
Nghiêm trọng hơn, ở các vùng ngoài đô thị vẫn còn hiện tượng phương tiện đưa đón học sinh không đảm bảo chất lượng, lái xe không có giấy phép… Đáng lo ngại là, những phương tiện nếu mất an toàn về kỹ thuật, người tham gia điều khiển phương tiện không đáp ứng đủ tiêu chuẩn có thể gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc.
Cần có lộ trình thực hiện
Quanh vấn đề này, ông Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, hiện nhu cầu xe đưa đón tại các đô thị đang có xu hướng nở rộ vì liên quan đến thời gian làm việc của phụ huynh và việc tổ chức đưa đón học sinh hiện nay cũng hết sức tiện lợi. Ở góc nhìn tích cực, nếu làm tốt hoạt động này sẽ đảm bảo công tác quản lý học sinh từ trường đến nhà và ngược lại. Tuy nhiên, hoạt động này cũng trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình giao thông, đặc biệt là trong các thành phố lớn và trong các khung giờ cao điểm.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, nhiều phụ huynh cho rằng, đối với xe đưa đón học sinh thì cũng phải có những quy định đặc thù, riêng để đảm bảo sự an toàn cho học sinh. Cho nên việc bố trí xe như thế nào cho phù hợp để những người khác người ta dễ nhận diện là điều rất quan trọng.
“Tôi thấy xe của một số trường ở Hà Nội cũng có sự khác biệt một chút so với xe khách thông thường, tuy nhiên so với thế giới thì nó không nổi bật lên được. Vì chúng ta không có một cái ngay từ đầu để nhận diện được đó là xe đưa đón học sinh. Những đặc trưng khác cũng phải khác với xe khách, xe buýt nói chung, chứ hiện nay nhìn bên ngoài chúng ta đang dùng xe khách phổ thông để chở học sinh, rất khó phân biệt và khẳng định đó là xe đưa đón học sinh. Khi chúng ta đã nhận biết xe đưa đón học sinh thì chúng ta phải xây dựng được một ý thức, một cách ứng xử đối với loại xe đưa đón học sinh. Đó là phải tạo sự ưu tiên cho xe đưa đón học sinh”, chị Đặng Thị Quyên một phụ huynh trú tại quận Hà Đông chia sẻ.
Trước những tồn tại của xe đưa đón học sinh, ông Khương Kim Tạo, chuyên gia giao thông cho rằng, với xe đưa đón học sinh thì cần quản lý chặt từ con người, hạ tầng và phương tiện. Theo đó, việc đầu tiên muốn quản lý tốt là cần hoạch định được những quy hoạch trong vấn đề tổ chức đưa đón học sinh ra sao, hạ tầng liên quan như thế nào, chứ không đơn thuần là đưa ra pháp luật vấn đề xử phạt.
Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Canada, New Zealand, Úc, Bỉ, Đức, Trung Quốc thì dịch vụ vận chuyển học sinh là loại hình có tiêu chuẩn khắt khe nhất, kể cả về mặt phương tiện, quy trình vận chuyển hoặc các yêu cầu về mặt lý lịch của những cá nhân làm việc trong loại dịch vụ này, cũng như yêu cầu về nghiệp vụ. Đây cũng là loại hình dịch vụ vận tải bị quản lý chặt chẽ nhất, nếu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì mức phạt với tổ chức là rất lớn và các cá nhân có liên quan cũng bị phạt, thậm chí có thể bị cấm hành nghề vĩnh viễn.
Với các phương tiện, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải có các định hướng tới doanh nghiệp để họ sản xuất ra ô tô đưa đón học sinh riêng. Trước mắt nếu chưa có phương tiện đặc trưng thì cần tận dụng các phương tiện sẵn có, hoàn thiện các hạng mục gắn trên đô tô đưa đón để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, trong tương lai thì vẫn cần học tập các nước trên thế giới, hoàn thiện từ hình dáng phương tiện đến màu sơn… khi bất kỳ ai nhìn thấy thì cũng đều nhận diện ra được.
Rõ ràng, việc sớm có những quy định riêng biệt về kiểm soát an toàn đối với phương tiện đưa đón học sinh trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Trong lúc chờ đợi các quy định của pháp luật liên quan được đồng bộ, ngoài hạ tầng giao thông, chất lượng phương tiện thì yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn cho học sinh.
Nói cách khác, để đảm bảo an toàn, bên cạnh hoàn thiện các quy định của pháp luật thì trước mắt các đơn vị liên quan phải tuyển chọn đào tạo và sát hạch chặt chẽ hơn những người lái xe đưa đón học sinh. Đồng thời, ban hành rõ ràng hơn các quy định về hạ tầng và tổ chức giao thông cho xe buýt trường học (điểm đỗ, đón trả, người điều khiển giao thông).
Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần xác định đây phải là lĩnh vực cần được quản lý chặt chẽ nhất thông qua giám sát, thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm. Nếu phát hiện sai trái cần phải đóng cửa và tùy theo mức độ có thể cấm hành nghề trong một thời gian hoặc vĩnh viễn. Chỉ khi triển khai từng bước và đồng bộ như vậy, công tác quản lý và vận hành xe đưa đón học sinh mới đảm bảo, góp phần giữ an toàn tối đa cho trẻ - những mầm non tương lai của đất nước.