Bài cuối: Cần nhiều giải pháp đồng bộ để thích ứng lâu dài

Giải pháp công trình đi đôi với nâng cao ý thức người dân

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh và lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra các dự án chống ngập khu dân cư.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh và lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra các dự án chống ngập khu dân cư.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, dù số điểm ngập sâu vẫn còn nhiều nhưng cơ quan chức năng và các địa phương đã ghi nhận nước rút trong thời gian ngắn sau khi dừng mưa. Đây là kết quả của việc triển khai nghiêm túc, đồng bộ các kịch bản ứng phó từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân. Trong đó, Cty Thoát nước và Xử lý nước thải đã vận hành tối đa năng lực tại các trạm bơm chống ngập; linh hoạt trong việc đóng mở các cửa xả để tận dụng dòng chảy tự nhiên khi mực nước triều còn thấp. Cùng với đó là bố trí nhân lực rải khắp tại hiện trường để kịp thời khơi thông cửa thu nước; phối hợp với địa phương triển khai bơm chống ngập di động…

Ông Võ Tấn Hà - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng lý giải, tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về yếu tố khách quan, trước hết là do cường độ các trận mưa lớn trong những năm gần đây vượt năng lực của hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố. Phần lớn hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, một số đoạn rất hạn chế khả năng thoát nước. Bên cạnh đó, một số điểm ngập cục bộ có tiết diện, cao độ cống chưa hợp lý, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm bị ảnh hưởng bởi hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang lắp đặt ngang qua cửa thu nước, hố ga, cống thoát… Ở các khu vực vùng ven xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trước đây, không được quy hoạch bài bản, hạ tầng kỹ thuật chưa thể đầu tư đồng bộ, một số khu vực vừa có địa hình thấp lại vừa không có hệ thống cống thoát nước.

Về nguyên nhân chủ quan, ông Hà cho biết, một số dự án, công trình đã được bố trí vốn nhưng chưa thể thi công hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng ảnh hưởng rất lớn đến việc khớp nối hạ tầng, năng lực thoát nước. Nhiều đơn vị thi công cải tạo hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường không khơi thông, dọn dẹp xà bần, giá hạ sau khi hoàn thiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát nước mỗi khi có mưa. Cùng với đó, việc quản lý, vận hành chống ngập chưa thật sự linh hoạt, kịp thời, máy móc, thiết bị chuyên dùng trang bị cho đơn vị thoát nước còn hạn chế. Một yếu tố khác cần phải nhắc đến là một bộ phận người dân còn chưa nhận thức rõ các nguy cơ dẫn đến ngập úng chính là việc bịt cửa thu để chống hôi, xả rác xuống cống thoát nước làm tắc nghẽn dòng chảy.

Ngoài các giải pháp thường xuyên, trong những năm qua thành phố Đà Nẵng đang tập trung nguồn lực để triển khai các dự án thoát nước, chống ngập úng mang tính lâu dài. Trong thời gian qua, thành phố đã thi công hoàn thành công trình tuyến cống thoát nước liên phường Xuân Hà, Tam Thuận; khởi công dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên tuyến đường Hùng Vương - Lý Thái Tổ. Cùng với đó đã phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án như: nâng cấp trạm bơm Ông Ích Khiêm (giai đoạn 2), xây dựng cầu trên đường Nguyễn Nhàn, xử lý thoát nước khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng, dự án tuyến cống từ kênh Phú Lộc và đường Nguyễn Tất Thành. Cùng với đó, Sở Xây dựng đã triển khai phương án thí điểm lắp đặt cửa thu nước ngăn mùi, Cty Thoát nước và Xử lý nước thải đã thi công hoàn thành tại đường Phan Đăng Lưu và đường Lý Tự Trọng. Đi đôi với các giải pháp công trình, Sở đã ban hành kịch bản ứng phó ngập úng đô thị và lồng ghép vào phương án phòng chống thiên tai.

Ông Võ Tấn Hà cho biết, Sở đang nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án gồm: tuyến cống thoát nước từ hồ Xuân Hòa A ra vịnh Đà Nẵng; tuyến cống thoát nước Khe Cạn (nhánh số 2); nâng cấp, cải tạo các trạm bơm phục vụ công tác xử lý thoát nước, chống ngập úng; hệ thống kênh mương nhằm bảo đảm cảnh quan đô thị và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn Q. Liên Chiểu. Song song với đó là tiếp tục đầu tư cải tạo, mở rộng hệ thống thoát nước đường số 4 KCN Hòa Khánh; nâng cấp, cải tạo cống thoát nước qua đường Trường Sơn; nạo vét, cải tạo các hồ điều tiết trên địa bàn. Đối với một điểm quan trọng trong bản đồ ngập lụt là khu vực trong sân bay, UBND thành phố đang làm việc với Sư đoàn 372 để thống nhất phương án triển khai nạo vét, cải tạo, mở rộng tổng cộng 7 hồ điều hòa hiện trạng cho phía bắc (3 hồ) và phía nam (4 hồ) để tăng khả năng điều tiết nước. Tại đây cũng xây dựng 2 tuyến kênh thoát nước chính để điều tiết nước, giảm ngập khu vực hiện trạng. Các dự án chống ngập cho khu vực quan trọng này có tổng kinh phí hơn 462 tỷ đồng.

Thiếu tính đồng bộ, khớp nối hạ tầng là một trong những nguyên nhân gây ngập úng tại các khu vực nội thành Đà Nẵng mỗi khi có mưa lớn.

Thiếu tính đồng bộ, khớp nối hạ tầng là một trong những nguyên nhân gây ngập úng tại các khu vực nội thành Đà Nẵng mỗi khi có mưa lớn.

Mục tiêu thoát nước bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng cho biết, công tác quy hoạch xây dựng đô thị đang có những điều chỉnh để ứng phó ngập lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Cụ thể, thành phố đang triển khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt trên cơ sở đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021. Các quan điểm về quy hoạch thoát nước mưa theo nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt. Trọng tâm là giải quyết cơ bản tình hình ngập úng trong phạm vi quy hoạch chung đô thị vào mùa mưa và cải thiện môi trường; thoát nước mưa đô thị trong mối quan hệ tổng thể quản lý tiêu thoát lũ sông, vùng có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Đi cùng là khai thác tối đa khả năng, các điều kiện thuận lợi trong công tác thoát nước gồm hệ thống hạ tầng hiện có, các kênh mương, sông hồ, đầm trên địa bàn thành phố. Để nâng cao khả năng thoát nước, góp phần phát triển đô thị, phát triển kinh tế của người dân thì việc sử dụng công nghệ mới hợp lý và phù hợp với điều kiện của địa phương là rất cần thiết và cấp bách. Thành phố cần xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế cho đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước.

Thành phố cũng đang hướng tới mục tiêu thoát nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các giải pháp quy hoạch xây dựng tại các vùng mở rộng thành phố theo điều chỉnh quy hoạch chung và có giải pháp phù hợp khi quy hoạch chỉnh trang các khu dân cư cũ. Hiện nay đồ án đã cơ bản hoàn chỉnh, đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng. "UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê-tông hóa nếu không thật sự cần thiết. Lựa chọn chu kỳ lặp lại trận mưa tính toán cao hơn yêu cầu tối thiểu theo QCVN 01:2021/BXD trong đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt và các dự án thoát nước được đầu tư xây dựng mới", ông Võ Tấn Hà cho hay.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bai-cuoi-can-nhieu-giai-phap-dong-bo-de-thich-ung-lau-dai-post304995.html