Giải 'bài toán' ngập lụt ở Đà Nẵng: Phải xem thời tiết bất thường là bình thường
Theo các chuyên gia, để có phương án và giải pháp đầu tư, ứng phó với ngập lụt đô thị, Đà Nẵng cần xem các diễn biến bất thường của thời tiết là điều bình thường.
Cần thay đổi góc nhìn
Một trong những nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng ở Đà Nẵng là mưa lớn bất thường, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu… Đáng lo là những diễn biến bất thường của thời tiết đang trở thành bình thường và thường xuyên hơn.
Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên nước, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, trong các năm từ 1979 - 2022 có 6 lần xuất hiện lượng mưa đột biến ở miền Trung. Lượng mưa trung bình tăng lên khiến các vị trí ngập cục bộ cũng tăng và đỉnh điểm là trận lũ lịch sử ngày 14/10/2022.
“Điều này buộc phải nhìn thẳng vào vấn đề, để có giải pháp căn cơ. Cần đưa các yếu tố bất thường này vào nghiên cứu giải pháp, thiết kế đô thị, phương án quy hoạch thoát nước như những yếu tố bình thường thì đô thị Đà Nẵng mới hết ngập. Đồng thời xây dựng kịch bản ngập lụt đô thị sát với thực tế, ứng với tần suất mưa và thủy triều”, TS Lê Hùng, giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nói.
Đồng quan điểm với TS Lê Hùng, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc nên nhìn thẳng vào sự thiếu thích ứng của hệ thống thoát nước đô thị gây ra ngập lụt. Bởi hình thái thời tiết như thời gian qua sẽ không còn là bất thường và tần suất mưa lớn sẽ xảy ra nhiều hơn, kéo dài hơn so với những năm trước.
Với quan điểm đó, các chuyên gia khuyến cáo cần thay đổi cách giải bài toán thoát nước dựa trên toàn lưu vực tính toán, không xét từng tuyến cống riêng lẻ dẫn đến xác định điều kiện biên cũng như lựa chọn phương pháp/công thức tính toán thủy lực không hợp lý. Từ đó tăng cường khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết và giảm thiểu thiệt hại trước hình thái thời tiết mới.
“Chúng ta đừng đổ lỗi cho lịch sử, do đô thị phát triển nhanh gây ngập mà cần nhìn thẳng vào vấn đề, lên phương án cho tình hình mới. Bởi chúng ta không thể san phẳng để làm lại, mà phải tìm cách thích ứng đưa ra các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại”, chuyên gia này cho hay.
Còn ông Nguyễn Cửu Loan, Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng, cho rằng điều kiện khí hậu là vấn đề, là thách thức mà các nhà khoa học cần tìm lời giải.
"Đô thị Đà Nẵng đang đối mặt là mưa lớn xảy ra đúng thời điểm triều lên, cùng với biến đổi khí hậu nước biển dâng đã làm vô hiệu hệ thống tiêu thoát nước hiện có. Điều này đã bộc lộ tại trận mưa lịch sử xảy ra vào tháng 10/2022 và những trận ngập trong năm 2023, 2024”, ông Loan nói.
“Một vấn đề nữa đối với đô thị Đà Nẵng là cao trình đô thị trước diễn biến của điều kiện vi khí hậu, nhất là tình trạng nước biển dâng theo quy luật bán nhật triều khiến các mực nước tại các cửa xả thấp hơn mực nước cửa sông, cửa biển khiến nước không thể chảy thoát… buộc chúng ta phải nghĩ đến phương án thoát nước thay vì chứa nước chờ thủy triều xuống.
Và với tất cả những lý do đó, cho thấy chúng ta đang thiết kế và xây dựng hệ thống chứa nước mỗi khi có mưa chứ chưa phải thoát nước. Và khi công suất chứa không đủ, tất nhiên sẽ gây ra tình trạng ngập lụt như đã thấy”, TS Lê Hùng chia sẻ.
Đâu là giải pháp căn cơ?
Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán ngập lụt đô thị Đà Nẵng, cần thực hiện 3 nội dung gồm: Đầu tư hạ tầng, xây dựng kịch bản ứng phó và tuyên truyền ý thức người dân
“Việc đầu tư hạ tầng là rất cần thiết, song đầu tư như thế nào, dữ liệu thiết kế ra sao… cần phải tính toán cụ thể. Thậm chí cần tính cho 30-50 năm sau, khi mà biến đổi của khí hậu rất khó lường”, chuyên gia quy hoạch đô thị nói.
Theo chuyên gia này, nếu hệ thống ngầm không đáp ứng được thì cần tính đến phương án thoát nước mặt. Bên cạnh việc đầu tư hệ thống thoát nước thì cũng cần xem xét sử dụng số tuyến đường làm lối thoát nước mặt, tránh được thay đổi lớn về mỹ quan khi nâng cao trình đô thị.
“Chúng ta đều biết Đà Nẵng chịu ảnh hưởng của khí hậu bán nhật triều, nên nếu mưa lớn, gặp triều dâng thì cửa thoát của hệ thống cống ngầm khó phát huy hiệu quả. Thậm chí có thể bị dội ngược khiến nước càng thêm ngập. Vậy tại sao không quy hoạch một số tuyến đường làm lối thoát khi có mưa lớn. Khi đó nước có thể chảy đi mà không dâng cao lên gây ngập như thời gian qua”, TS Lê Hùng kiến giải.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần có các kịch bản ứng phó tương ứng với dự án đầu tư, các giai đoạn đầu tư hệ thống thoát nước và tình hình mưa thực tế.
Về phía chính quyền, ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng trên địa bàn có yếu tố khách quan và chủ quan.
Về khách quan, do cường độ trận mưa lớn vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có, còn hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập. Phần lớn hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp; bị sụt lở, tắc nghẽn. Một số điểm ngập cục bộ có tiết diện, cao độ cống chưa hợp lý…
Về chủ quan, một số dự án, công trình chưa được thi công hoàn thành; công tác quản lý, vận hành chưa thật sự linh hoạt, kịp thời. Ngoài ra, nguồn điện tại các trạm bơm chống ngập chưa được ổn định. Máy móc, thiết bị chuyên dùng trang bị cho đơn vị thoát nước còn hạn chế.
Hiện, nhiều đơn vị thi công và một bộ phận không nhỏ người dân xả rác, xà bần xuống cống thoát nước; thậm chí để cả nệm, mùng mền… lấp các cửa thu nước, làm giảm khả năng thu nước.
Ngoài các giải pháp thường xuyên, Đà Nẵng đang triển khai các dự án thoát nước, chống ngập úng và xây dựng kịch bản ứng phó cho đô thị Đà Nẵng. Theo ông Hà, Sở Xây dựng đang nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án thoát nước; tiếp tục nâng cấp, cải tạo các trạm bơm và cải tạo, nạo vét hệ thống kênh mương hồ điều tiết trên địa bàn.
“Đà Nẵng đang triển khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt trên cơ sở đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt nhằm giải quyết tình hình ngập úng. Bên cạnh đó, TP sử dụng công nghệ thoát nước mới phù hợp với điều kiện của địa phương để nâng cao khả năng thoát nước”, ông Hà cho biết thêm.