Bài cuối: Cần tạo sức bật phát triển đột phá

Nhiều chuyên gia nhận định về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (thay thế Nghị quyết 54/2017) đang được Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận, xem xét đánh giá toàn diện, cũng như TPHCM đã sẵn sàng triển khai, thực hiện ngay khi Quốc hội thông qua, được xem là kỳ vọng tạo sức bật cho thành phố phát triển đột phá, lan tỏa cho vùng và cả nước.

Các điểm nghẽn cần được khơi thông

Nhận định về tình hình kinh tế TPHCM, TS. Trần Du Lịch (từng là Chủ nhiệm chương trình Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế TPHCM, nhiều năm liền là thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Đại biểu Quốc hội khóa IX, XII và XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM...) cho biết, TPHCM với độ mở đặc biệt, khi môi trường vĩ mô thuận lợi thì kinh tế TPHCM thuận lợi, và ngược lại khi bất lợi thì thành phố cũng bị bất lợi theo. Bước vào năm 2023, TPHCM đang chịu 3 tác động lớn về khách quan. Thứ nhất là hạ tầng, đây là vấn đề tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được là điểm nghẽn không mới, vẫn còn rất nhiều những dự án bị vướng.

Thứ hai, thành phố chưa đánh giá hết những tác động, nhất là đối với những doanh nghiêp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất - kinh doanh. Hiện nay, TPHCM có khoảng gần 400.000 hộ kinh doanh và kinh tế phi chính thức vẫn chưa thống kê được. Trải qua thời gian dịch Covid-19, có 3 nhóm doanh nghiệp là nhóm còn thị trường, còn tài chính sau dịch họ vươn lên được, nhóm thứ 2 là các doanh nghiệp "dật dừ" và nhóm thứ 3 là các doanh nghiệp đã mất thị trường, mất khách hàng... Đến giờ, vấn đề này vẫn chưa cải thiện. Thứ ba, tác động bất ổn của vĩ mô từ quý 4 năm ngoái tiếp tục lan sang năm nay. Những vấn đề này vẫn đang tồn tại và có những việc thành phố chưa tháo gỡ được, "cỗ xe tam mã” đầu tư - tiêu dùng - xuất khẩu vẫn chưa thể phục hồi và tăng trưởng.

PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cũng cho rằng, tình hình kinh tế hiện vẫn còn rất khó khăn và nhiều rủi ro. Ngoài rủi ro về thị trường nội địa, đã yếu từ khi dịch Covid-19 bùng nổ đến nay vẫn chưa được cải thiện, còn có rủi ro về chính sách. Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng một số chính sách vừa thông qua lại sửa ngay. Rủi ro chính sách nằm ở khâu rất cơ bản là thực thi chính sách. Muốn tháo gỡ điều này thực sự rất khó.

TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch

Do vậy, cần có những giải pháp căn cơ, kịp thời để kinh tế sớm phục hồi, theo TS. Trần Du Lịch, cần phải dựa vào vĩ mô, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa lên thông qua 2 công cụ của Nhà nước và công cụ của doanh nghiệp. Trong đó, công cụ của Nhà nước là nghiên cứu tiếp tục giảm thuế Giá trị gia tăng theo từng ngành, không chỉ giảm xuống 8% như vừa qua mà cần có giải pháp mạnh hơn.

Tiếp theo là cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng. Về phía doanh nghiệp, cần một loạt chiến dịch chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường kể cả du lịch. Bởi trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, mà không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ ảnh hưởng đến tồn kho và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần kích cầu thị trường nội địa trên tất cả các mặt, các ngành. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế đầu tàu, TS. Trần Du Lịch kiến nghị chính quyền đang làm những giải pháp căn cơ và tình thế.

Về tình thế, cần rà những điểm nghẽn có thể xử lý được để hấp thụ được dòng vốn đầu tư công, nhất là thị trường bất động sản, vì thị trường này nếu không xử lý được thì các doanh nghiêp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Về giải pháp căn cơ, Quốc hội đang thảo luận về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, nếu được thông qua và áp dụng ngay, lần đầu tiên TPHCM có quyền tự chủ rất lớn. "Thật sự, nếu Nghị quyết mới được thông qua và đi vào cuộc sống thì hàng chục dự án, chương trình dự án sẽ được Hội đồng nhân dân TPHCM thông qua để triển khai ngay", TS.Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Thu hút nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế

Đề cập đến Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, đầu tiên cần phải thay đổi nhận thức. Vấn đề của TPHCM không chỉ là của thành phố mà phải xác định đây là vấn đề của cả nước. Cơ chế, chính sách đột phá cho TPHCM là cho cả nước. TPHCM phải là nơi thu hút để có những nhà đầu tư lớn trong từng lĩnh vực. Vì vậy, trong Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 có đề cập nội dung sẽ thu hút những doanh nghiệp hàng đầu thế giới ở từng lĩnh vực tham gia, trong đó có Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nếu không thu hút được những nhà đầu tư đủ tầm quốc tế sẽ khó bứt phá.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng đặc biệt lưu ý, TPHCM muốn đột phá là phải có những dự án đột phá cùng với đột phá về thể chế. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, những trung tâm lớn luôn có tính mở, tính hội nhập, như Singapore, Thượng Hải tự biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế... TPHCM muốn vượt lên phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước cần có những dự án đột phá như Cảng trung chuyển Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại nữa để kéo thế giới vào đây. Các yếu tố này cộng hưởng được với nhau, cùng với vùng Đông Nam Bộ, TPHCM sẽ kéo được các nhà đầu tư lớn, thu hút được các tập đoàn lớn.

PGS.TS Trần Đình Thiên

PGS.TS Trần Đình Thiên

Giao quyền hạn cho TP.Thủ Đức mà trong 7 nhóm nằm trong khuôn khổ kế hoạch triển khai chuẩn bị thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thì việc "Tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức" được người dân rất quan tâm. Bởi từ khi thành lập TP.Thủ Đức, với hoạt động mà theo các chuyên gia đánh giá, chỉ là một cấp quận, huyện. Với cơ chế, chính sách đặc thù đang được Quốc hội thảo luận, chờ thông qua, thì "nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của UBND TP.Thủ Đức" thực thụ được khơi thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ...

Về tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức, theo kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, giao cơ quan chuyên môn trực thuộc thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định quyết định phê duyệt dự án, quyết định phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết các hợp đồng dự án đối với các dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn TP.Thủ Đức thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM. Phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đồ án trên địa bàn TP.Thủ Đức thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND TPHCM; phê duyệt đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết trên địa bàn TP.Thủ Đức; thực hiện nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Việc phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn trực thuộc, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND các phường, Chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của UBND TP.Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức. Quy định về tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc TP.Thủ Đức. Việc thành lập Ban đô thị thuộc Hội đồng nhân dân TP.Thủ Đức. Như vậy, hiện TPHCM đề xuất tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước cho TP.Thủ Đức.

Cụ thể, TPHCM đề xuất tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước cho TP.Thủ Đức. Trong địa giới hành chính TP.Thủ Đức, UBND TP.Thủ Đức được thực hiện các chức năng quản lý Nhà nước mà theo quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của các sở chuyên ngành trực thuộc UBND TPHCM đối với các lĩnh vực: Kế hoạch đầu tư, tài chính, tài nguyên và môi trường, quy hoạch - kiến trúc, xây dựng, y tế, giáo dục, giao thông vận tải. Các nội dung quản lý Nhà nước cụ thể mà UBND TP.Thủ Đức được thực hiện sẽ do UBND TPHCM trình Hội đồng nhân dân TPHCM thông qua. TPHCM cũng đề nghị gỡ bỏ các điều kiện hạn chế gia nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực trên địa bàn TP.Thủ Đức, thí điểm cho phép nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng các điều kiện đầu tư kinh doanh tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với một số lĩnh vực như: Logistics, y tế, giáo dục, thương mại trên địa bàn TP.Thủ Đức.

TP.Thủ Đức cần có cơ chế, chính sách đặc thù

TP.Thủ Đức cần có cơ chế, chính sách đặc thù

Khi thành lập TP.Thủ Đức, Nghị quyết 26 của Thành ủy TPHCM cũng đặt ra sứ mệnh phải xây dựng Thủ Đức thành thành phố thông minh, trở thành khu đô thị tương tác cao ở phía đông TPHCM, trong đó, tập trung hoàn thiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm và xây dựng Thủ Thiêm thành Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực. Để làm được điều đó, TP.Thủ Đức cần cơ chế đặc thù, mang tính riêng biệt. Nếu không có được điều đó thì khó hoàn thành những mục tiêu và sứ mệnh đặt ra. Do đó, TPHCM đã đề xuất những nội dung cụ thể trong Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, trong đó có nội dung cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/bai-cuoi-can-tao-suc-bat-phat-trien-dot-pha_147936.html