Bài cuối: 'Chìa khóa' ở nơi dân

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: đất nước muốn phát triển, muốn bứt phá phải sắp xếp, tinh gọn. Trong nhiều nhiệm vụ, có hai nhiệm vụ quan trọng là tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng là những mục tiêu xuyên suốt Đảng ta đặt ra trong quá trình sáp nhập cấp xã. Từ chủ trương đến lấy ý kiến, thực hiện sáp nhập và vận hành, suy cho cùng chìa khóa là ở nơi dân.

Phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp

Khi nói về vị thế và trách nhiệm của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Xuyên suốt chủ trương sắp xếp bộ máy nói chung và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tiếp tục thể hiện rõ vị thế “công bộc của dân” như tư tưởng của Người: nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là “bảo đảm quy mô phù hợp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp”, “bảo đảm chính quyền cơ sở thật sự gần dân, sát dân”, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới cũng phải được người dân đồng tình ủng hộ (Kết luận 137-KL/TW ngày 28.3.2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư).

 Cử tri thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua bày tỏ ý kiến với đại biểu HĐND tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Bình Nguyên

Cử tri thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua bày tỏ ý kiến với đại biểu HĐND tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Bình Nguyên

Theo đó, để các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp trước ngày 30.6.2025 như Trung ương đã chỉ đạo, nhiều giải pháp, nhiệm vụ đã được chỉ ra rất rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân từ Trung ương đến địa phương. Theo ông Nguyễn Xuân Phước - huyện K’Rông Năng, Đắk Lắk: để lộ trình sắp xếp cấp xã bảo đảm, ngoài sự quyết liệt và trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, trách nhiệm của người dân rất quan trọng. Với vai trò là chủ thể của nước nhà, việc nắm chắc chủ trương, đường lối, tham gia cho ý kiến vào việc sáp nhập địa giới hành chính, đặt tên xã, phường mới là quyền nơi dân; cùng cơ quan nhà nước, cơ quan đại diện quyết định việc sáp nhập, đặt tên là quyền và là nghĩa vụ của người dân chúng tôi, đóng góp vào quá trình sắp xếp bộ máy.

Nhiều cán bộ, công chức cấp xã phấn khởi, đồng tình với phương án Trung ương vừa kết luận “không hình thành cấp huyện thu nhỏ”, luồng ý kiến bên bộ máy huyện áp đặt cho xã mới hay thay tên đổi họ “huyện thành xã” trong sắp xếp cấp xã khiến cho một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã không khỏi trăn trở, điều băn khoăn nhất là nhập 5 - 6 xã thì con đường đến trụ sở xã xa hàng chục kilomet thì làm sao gọi là “gần dân, sát dân” được. Tuy nhiên, để cấp xã mới đi vào hoạt động bảo đảm liên tục, thông suốt, khối lượng công việc trước mắt khá nhiều. Về lâu dài, một chế độ thang bảng lương xứng đáng với vị trí việc làm rõ ràng, tiêu chuẩn đánh giá, sàng lọc chặt chẽ, công tâm, lựa chọn người xứng tầm để đảm đương trọng trách là những giải pháp cần thiết. Còn trước mắt, ngoài các giải pháp, nhiệm vụ Trung ương chỉ đạo thì thực tiễn cũng đặt ra nhiều bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ.

“Như hiện nay, bình quân một ngày Phó Chủ tịch UBND phụ trách mảng tư pháp - hộ tịch như tôi phải ký hàng chục hồ sơ hộ tịch, chứng thực. Sắp xếp cấp xã đồng nghĩa quy mô sẽ tăng lên gấp 2 - 3 lần, chưa kể một phần hồ sơ, TTHC mảng tư pháp - hộ tịch cấp huyện sẽ đưa về cho xã. Với dự kiến ở cấp xã chỉ có 1 Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn hóa - xã hội thì khối lượng công việc càng khổng lồ hơn. Nếu không có sự ủy quyền thì chỉ riêng mảng tư pháp - hộ tịch xem và ký xuyên ngày, xuyên đêm thì may ra mới kịp giải quyết cho dân, chưa nói chi đến các mảng khác. Theo đó, cần có phương án phù hợp nhất với thực tiễn sáp nhập để công việc được liên tục, thông suốt. Điều lo lắng nhất là hồ sơ, TTHC của công dân, doanh nghiệp, nếu ách tắc thì chưa đạt được mục tiêu của việc sắp xếp là gần dân, sát dân và tạo thuận lợi cho dân”, bà Trần Thị Kiều Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh phân tích.

Dân giám sát, dân thụ hưởng

Để thông suốt, liên tục sau khi sắp xếp cấp xã, một hệ thống dữ liệu, các trang ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn phải đáp ứng được nhu cầu (tốc độ đường truyền nhanh, không bị đơ, nghẽn, giao diện đơn giản, gọn, dễ sử dụng, tính năng phải thông minh, vượt trội...) là điều rất cần thiết. Cùng với đó, việc tập huấn, đào tạo cán bộ, công chức (ngoài chuyên môn phải có thêm kỹ năng mềm thuyết trình, tuyên truyền, tiếp dân, tư vấn pháp luật, ứng dụng công nghệ số...), nhất là kỹ năng xử lý những vấn đề phát sinh từ cơ sở đối với cán bộ, công chức cấp huyện sau khi tăng cường về xã.

Bên cạnh những giải pháp từ chính quyền cấp cơ sở, chính quyền tỉnh cũng cần tính toán các giải pháp sau khi không tổ chức cấp huyện, thiếu đi trung gian thì việc thông suốt, liên tục với chính quyền cấp xã như thế nào lại là vấn đề cần phải quan tâm. Bà Nguyễn Thị Thùy, Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cho biết: ngày trước chỉ có mười mấy, nơi đông thì vài chục đầu mối, bây giờ lên tới hàng trăm, thế nhưng có những báo cáo cần số liệu cũng phải đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí phê bình mới có. Đơn cử như bên ngành tư pháp, số liệu nhiều, đầu mối nhiều, không lẽ cán bộ tỉnh chạy thẳng xuống xã để lấy, hàng trăm xã thì không xuể. Một quy chế vận hành rõ ràng, minh bạch trách nhiệm cần phải được đưa ra ngay từ đầu nếu không thì đây sẽ làm “điểm nghẽn” trong điều hành, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

“Ngoài có quy định rõ ràng trong phân quyền, ủy quyền, cần gắn trách nhiệm, rõ người, rõ việc, nếu chung chung dễ dẫn đến “cha chung không ai khóc”. Rất cần sự vào cuộc của cơ quan dân cử - với chức năng giám sát, chính HĐND cấp cơ sở cần phải vào cuộc từ sớm, từ xa trong giám sát hoạt động của UBND và các ban, ngành trước, trong và sau khi sắp xếp cấp xã. Chỉ khi HĐND vào cuộc thực sự thì sẽ không khó giải bài toán “dọc ngang chưa thông suốt, trên dưới chưa đồng lòng” khi không tổ chức cấp huyện. Cuối cùng, người được lợi chính là Nhân dân” - bà Nguyễn Thị Thùy nhấn mạnh.

Bên cạnh phát huy vai trò của cơ quan dân cử, bản thân người dân với tư cách là chủ của Nhà nước cần phát huy quyền làm chủ của mình trực tiếp và gián tiếp giám sát hoạt động của Nhà nước, nhất là chính quyền xã mới - nơi mình cư trú. Từ đó, đóng góp, kiến nghị, phản ánh để bộ máy sau sắp xếp được vận hành trơn tru, liên tục, thông suốt, tinh - gọn - mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đúng như mục tiêu sắp xếp cấp xã đã đề ra.

Lê Hồng Hạnh - Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-chia-khoa-o-noi-dan-post409165.html